Home Tin Tức Thời Sự Đến lượt quyền làm người của bà Tạ Phong Tần bị ngang nhiên chà đạp

Đến lượt quyền làm người của bà Tạ Phong Tần bị ngang nhiên chà đạp PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Giang, thông tín viên RFA   
Thứ Sáu, 06 Tháng 3 Năm 2009 01:16

 3/4/2010  

Vào 12 giờ 30 trưa hôm qua, bà Tạ Phong Tần – chủ biên của Blog Công Lý và Sự Thật, hiện đang là thư ký tại Văn Phòng Luật sư Pháp Quyền, của Luật sư Lê Trần Luật đã bị cảnh sát khu vực Đặng Phương Quang (P7, quận Gò Vấp) cùng 10 người mặc thường phục khác bắt và khiêng lên xe đưa về đồn công an một cách bất hợp pháp. Dư luận cho rằng đây là tiếp diễn của sự việc LS Lê Trần Luật gặp rắc rối với công an vì đã đứng ra bào chữa cho các giáo dân Thái Hà. Hà Giang tìm hiểu và có bài tường trình sau đây.

 Trong bối cảnh ông Lê Dũng, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Việt Nam khi lên tiếng phản đối bản phúc trình về nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cho rằng Hoa Kỳ cần phải khách quan hơn, và khẳng định là Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả to tát trong việc bảo đảm các quyền tự do của người dân, thì tiếng nói của một người dân VN cũng đã được cất lên:

“Quyền tự do? đó là một cái quyền đương nhiên của con người, khi sinh ra mà đã có rồi, nhưng mà ở Việt Nam thì tôi thấy rằng cái đó không được đảm bảo, người ta có thể ngang nhiên chà đạp lên pháp luật, chẳng hạn như cái vụ họ vừa bắt tôi, cái đó là ngang nhiên chà đạp. Căn cứ theo pháp luật thì họ đã làm sai, vì họ không được phép dùng vũ lực để cưỡng chế bắt tôi lên xe đưa về cơ quan công an trong khi họ không có lệnh bắt người.”

Đó là tiếng nói của blogger Tạ Phong Tần, người cộng sự sát cánh với LS Lê Trần Luật tại Văn Phòng Luật Sư Pháp Quyền khi thuật lại việc bà bị câu lưu bất hợp pháp vào trưa ngày hôm qua. Blogger Tạ Phong Tần cho biết là đã bị cảnh sát khu vực P7, quận Gò Vấp cùng 10 người mặc thường phục khác cưỡng bách, khiêng và ném lên xe đưa về đồn công an:

“Cái ông mà túm tôi quẳng lên xe, ổng bẻ tay tôi, kéo lên cái phòng ở trên lầu một đẩy tôi vô trong cái phòng trống ở trên đó, trong phòng thì không có ai cả. Hơn một giờ chiều thì lúc đó có hai người công an thành phố mà tôi biết, hai người đã từng cản trở không cho tôi đến tòa án quận ba để dự phiên tòa của Điếu Cầy á, và tôi phản đối cái vụ làm việc này tại vì nếu muốn mời tôi thì phải mời một cách hợp tình hợp lý.”

Sau khi blogger Tạ Phong Tần từ chối không làm việc với công an, thì họ đã cho bà một cái hẹn và buộc là 2 giờ chiều mai phải trở lại.

Sau một loạt những bài báo tố cáo LS Lê Trần Luật và những diễn tiến bất thường trong vụ cưỡng chế văn phòng luật sư pháp quyền của ông, dư luận rất quan tâm, và cho rằng việc công an sách nhiễu phụ tá đắc lực, cũng là người bạn đồng hành của ông, trên con đường đấu tranh bảo vệ cho công lý và sự thật, chỉ là những tiếp diễn sẽ phải xẩy ra trong xã hội Việt Nam hiện nay.

GS Nguyễn Chính Kết, một nhà đấu tranh dân chủ trong nước hiện đang ở Hoa Kỳ, phát biểu:

“Đấu tranh thì thế nào thì cũng bị công an sách nhiễu thôi. Nếu mà LS Lê Trần Luật mà cứ kiên trì với công cuộc đấu tranh này, thì họ sẽ đưa vào trong tù như LS Nguyễn Văn Đài và LS Lê Thị Công Nhân thôi, vì họ không muốn phải đối diện với một đối thủ mà họ có thể đối chất lại bằng lý luận. Cái giới mà họ sợ nhất là giới luật sư, tại vì giới luật sư hiểu luật, cho nên một khi mà đứng lên bênh vực cho các nhà đấu tranh dân chủ hoặc những dân oan, thì nhà nước VN không làm sao mà có thể bẻ được những ngưòi này, tại họ căn cứ trên pháp luật VN để mà chứng tỏ rằng ngay cả cái pháp luật mà họ làm ra, thì họ cũng chà đạp luôn.”

Người ta cho rằngkhông phải ngẫu nhiên mà blogger Tạ Phong Tần bị làm khó dễ. Bà là chủ biên của blog Công Lý và Sự Thật, một blog rất đông người vào xem, bà đã từng đứng lên hô hào “Mỗi blogger hãy là một nhà báo công dân” với lập luận “Khi bạn đưa thông tin lên blog của bạn, tức bạn đã đem sự hiểu biết của mình truyền tải cho người khác, để mọi người cùng được biết, qua đó, mọi người cùng dùng quyền công dân của mình để đòi hỏi công chức Nhà nước phải thực hiện cho đúng chức năng và nhiệm vụ của họ trong quyền hạn mà luật pháp quy định”.

Blogger TPT cho rằng nhà nước VN gây khó dễ cho bà và văn phòng LS pháp quyền chỉ vì họ không muốn văn phòng này tiếp tục công việc bào chữa cho những người đấu tranh cho dân chủ, bà nói:

“Mục đích của họ chẳng qua là họ muốn bịt mồm bịt miệng tôi thôi, suốt ngày họ cứ gởi giấy mời tới tấp, cả tuần nay là một đống giấy mời như thế, thế là rồi nếu mà mình vì công việc của mình mà mình không đến đó theo ý của họ, thì họ dùng võ lực họ lôi đi như thế thì còn làm ăn gì được”.

Sinh viên Kim Duy tại Sài Gòn chia xẻ ưu tư với sự một chiều, thiếu bao quát của báo công an trong việc loan tin về tổ hợp luật sư pháp quyền:

“Trong nước không nắm được nhiều, vì khi mà tờ báo công an VN nhân dân đưa ra nhiều tội danh, thì không có một kết luật là tội danh gì, mà tin thì không hề nói đến việc LS LTL bào chữa cho giáo sứ Thái Hà hay những nhà dân chủ ở ngoài Hà Nội, nên đã ảnh hưởng không ít đến thanh danh của LS. Phải chăng những cái khó khăn của anh Luật gần đây có liên quan đến tiến trình đàn phám giữa Vatican và Việt Nam?”

Một trong những ước vọng khá đơn giản nhưng không dễ thực hiện của blogger Tạ Phong Tần là đánh động dư luận về sự khó khăn của người dân Việt Nam khi muốn hưởng cái quyền sơ đẳng nhất. Bà nói:
“Tôi chỉ cầu mong có một điều là người dân VN được hưởng cái quyền tự do giống như các xứ sở khác, một cái quyền đương nhiên của con người, khi sinh ra là đã có…”
Lời tâm sự của blogger Tạ Phong Tần là một tiếng chuông nữa gióng lên để cảnh báo hiện trạng tự do và nhân quyền tại VN sau khi luật sư Lê Trần Luật bị trấn áp trước đó.