“Lỗ Tấn là một chiến sĩ cách mạng vĩ đại của Việt Nam” |
Tác Giả: Trích báo Thanh Niên |
Thứ Hai, 01 Tháng 6 Năm 2009 21:56 |
Hôm 6 tháng 6, hơn 830 ngàn em học trò bậc trung học phổ thông tại Việt Nam tham gia cuộc thi tú tài (lớp 12). Những ngày này, hàng ngàn giáo viên đang bận rộn với việc chấm thi. Từ công việc này các thầy cô giáo cũng đã phát hiện ra nhiều câu chuyện “bi hài” của các sĩ tử ở Việt Nam ngày nay trong các bài thi môn Văn Học như một bài viết trên tờ Thanh Niên số ra mới đây: Sau khi được nghỉ ngơi 5 ngày, các giám thị ở một tỉnh thuộc đồng bằng Sông Cửu Long trở thành giám khảo. Những người ở vùng sâu lại cơm đùm gạo nắm về thị xã chấm thi. Hội đồng chấm thi có trên 300 giám khảo cho 7 bộ môn (6 môn thi tốt nghiệp chính thức và 1 môn thay thế). Ðiều lạ là một số giám khảo chưa dạy lớp 12 vẫn được điều động đi chấm thi. Giám khảo đến địa điểm chấm thi lúc 8 giờ sáng. Ðến 8 giờ 20 phút, hơn 300 người được tập trung vào một phòng hội đồng nhỏ với sức chứa hơn 100 người. Ðúng 8 giờ 40, chủ tịch hội đồng chấm thi phát biểu ý kiến, có đoạn: “Các thầy cô phải nhớ ghi điểm thành 2 chữ số thập phân. Hai chữ số thập phân nghĩa là gì? Là khi các thầy cô ghi điểm bảy thì phải ghi là bảy phảy không, không được ghi là bảy chấm không, chỉ có máy tính mới ghi là bảy chấm không, các thầy cô không phải là cái máy. Các thầy cô nhớ chưa? Các thầy cô phải khóa bài thi, khóa bài thi là sao? Nghĩa là các thầy cô dùng mực đỏ, gạch một đường chéo ở cuối bài thi.” "Môn văn càng lúc càng trở nên xa lạ với học sinh !” Câu cảm thán trên là của một đồng nghiệp lớn tuổi khi xấp bài ông chấm có đến 13/25 bài thi dưới 5 điểm. Một con số lạnh lùng làm đau lòng những người có tâm huyết với nghề và nặng lòng với tiếng Việt. 100% bài thi đều có lỗi chính tả. Thậm chí, có một bài chỉ viết được khoảng 200 chữ đã có đến hơn 50 lỗi! Các cô tú cậu tú tương lai không hiểu được cả những khái niệm đơn giản nhất trong văn học: Bài thơ, tập thơ, tác giả, tác phẩm. Chẳng thế mà các em đã viết như thế này: Tập thơ của Tố Hữu là Tiếng chổi tre, tập thơ khác là Kính gửi cụ Nguyễn Du; bài thơ Tây Tiến là “một tập thơ hùng dũng”. Em khác lại thản nhiên: “Tô Hoài là một tập truyện”, “Nam Cao là một tác phẩm.” Kể tiểu sử Lỗ Tấn, có em hùng hồn tuyên bố: “Lỗ Tấn là một chiến sĩ cách mạng vĩ đại của Việt Nam”, “ông làm nghề khai khoắng (ăn trộm?), khai mò (?),bới rác”. Kỹ năng làm văn thì hầu như các em quên sạch. Có đến 80% bài làm văn không hề chia đoạn trong thân bài. Thậm chí, có một số bài chỉ có một đoạn duy nhất từ đầu đến cuối. Nhiều bài không có đến một dấu chấm, dấu phẩy. Diễn đạt lủng củng, không biết chủ đề nằm ở đâu. Còn đây là một mở bài “lạ”: “Kính thưa các đồng chí và các bạn, đến dự buổi hội thảo hôm nay, tôi xin mời các đồng chí và các bạn nghiên cứu bài vợ chồng A Phủ của nhà thơ Tô Hoài. Mời các đồng chí và các bạn cùng tôi đi vào phân tích”. Kết bài càng “lạ” hơn: “Cảm ơn các đồng chí và các bạn đã lắng nghe, xin chào đoàn kết và quyết thắng.” Ðề thi yêu cầu phân tích một đoạn trích của bài thơ Tây Tiến, khá đông thí sinh đã phân tích cả bài (cho chắc ăn?) Ðề yêu cầu nêu ý nghĩa nhan đề truyện ngắn Ðôi mắt của Nam Cao, nhiều thí sinh đã phân tích cả truyện. Yêu cầu kể những nghề Lỗ Tấn đã làm và nêu lý do tại sao ông đổi sang làm văn nghệ, hơn 70% thí sinh viết luôn... cả tiểu sử. Vì lười học mà học sinh làm những bài văn kiểu râu ông này cắm cằm bà kia đến nỗi nếu tác giả đọc được thì chỉ còn biết... khóc! Một học sinh viết: “A phủ là canh điền nhà thống lý Pá tra, thống lý có bà vợ ba, bắt A phủ bóp chân hoài”; “Mỵ là người xấu xa cùng với A Phủ đi lường gạt mọi người, chẳng hề có lòng nhân đạo gì. Bởi vậy, tác giả mới kêu gọi mọi người có giá trị nhân đạo”. Câu thơ “Áo bào thay chiếu anh về đất” bị suy diễn thê thảm: “Anh bộ đội đi trong rừng bị gai cào rách áo bèn lấy chiếu cuốn lên mình để che áo rách”... Cứ thế, mọi chi tiết đều bị hiểu sai lệch, méo mó. |