Home Tin Tức Thời Sự Đại Sứ Mark Lagon gặp gỡ giới truyền thông tại Nam Cali để thảo luận về việc Chống Tệ Nạn Buôn Người

Đại Sứ Mark Lagon gặp gỡ giới truyền thông tại Nam Cali để thảo luận về việc Chống Tệ Nạn Buôn Người PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Giang, thông tín viên RFA.   
Thứ Ba, 13 Tháng 1 Năm 2009 06:53

Dù việc buôn bán nô lệ đã chấm dứt tại Hoa Kỳ trên hơn một thế kỷ nay, nhưng tệ nạn buôn bán người hiện nay vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới. Đây là một ưu tư lớn của Hoa Kỳ, vì thế vào mùa Xuân năm 2007, Tổng Thống Bush đã bổ nhiệm ông Mark Lagon vào chức vụ Đại Sứ Lưu Động, đặc trách việc Chống Tệ Nạn Buôn Người. Nhân chuyến đi công tác tại tiểu bang California trong dịp kỷ niệm hai năm ngày chống Tệ Nạn Buôn Người (ngày 11 tháng 1 năm 2009), Đại Sứ Mark Lagon đã gặp gỡ và thảo luận với giới truyền thông tại Nam California về vấn đề chống tệ nạn buôn người và bảo vệ các nạn nhân. Thông tín viên Hà Giang đã tham dự cuộc họp báo này và có bài tường trình như sau. 

Theo tài liệu của bộ ngoại giao Hoa Kỳ thì trên thế giới hiện có khoảng 27 triệu nạn nhân của việc buôn người xuyên biên giới, và hàng năm có thêm hơn 800 ngàn nạn nhân mới. Con số này đã tăng lên gấp 7 lần so với năm 1960.  Nạn nhân thường là người nghèo khổ, đã bị những cơ quan môi giới đánh lừa khi đi tìm việc làm và bị bán đi như những món hàng, biến thành những nô lệ tình dục, hoặc những lao nô phải làm việc trong điều kiện hết sức cơ cực. 

Đại Sứ Mark Lagon, người được tổng thống Bush bổ nhiệm đặc trách theo dõi vấn đề buôn người đã có một buổi họp báo vào ngày 11 tháng 1, năm 2009, để gặp gỡ và thảo luận với giới truyền thông tại Nam California về vấn đề chống tệ nạn buôn người liên quan đến Việt Nam. 

Đại Sứ Lagon cho biết việc chống nạn buôn người là một việc làm rất khó khăn, được ông tóm gọn vào ba phần chính: Trừng phạt kẻ môi giới, giúp đỡ nạn nhân, và tìm ra biện pháp ngăn ngừa. Ông chia sẻ:  
“Khoảng 800 ngàn người bị buôn bán qua biên giới mỗi năm, 80 % những người này là phụ nữ, và hơn một nửa là trẻ em. Con số này không kể hàng triệu người bị bán thành nô lệ tình dục hay cưỡng bách lao động ngay trong nước mình”. 
 
Khi được hỏi về tình trạng buôn người tại Việt Nam, Đại Sứ Mark Lagon đã đơn cử một trường hợp cụ thể, là vào tháng 9 năm 2008, tại Jordan, ông đã gặp khoảng 200 người lao động đến từ VN. Những người này bị đối xử tàn tệ như nô lệ, và phải sống trong tình trạng rất thiếu vệ sinh. Họ còn bị tước hết giấy tờ, để không thể chạy thoát đi đâu được. Ông cũng nhân dịp này cám ơn tổ chức Boat People SOS, một tổ chức phi chính phủ của người Mỹ gốc Việt, đã can thiệp để giúp đỡ những nạn nhân này. 
 
Cô Tiffany Nguyễn, đại diện của Boat People SOS tại Nam California đã hỏi là liệu chính quyền Hoa Kỳ có thể giúp đỡ gì cho những nạn nhân tại Jordan hiện đã xin hồi hương sợ bị trừng phạt vì đã phá hợp đồng. Đại Sứ Lagon trả lời rằng việc giúp đỡ cho nạn nhân, và trừng phạt những tổ chức lường gạt là trách nhiệm của mỗi chính phủ. Ông cũng cho rằng đây là một vấn đề nan giải, vì chính những tổ chức môi giới được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam lại có liên hệ rất mật thiết với các giới chức cao cấp của nhà cầm quyền. Hơn nữa, cho đến nay Việt Nam chỉ mới có biện pháp đối với nạn buôn người để làm nô lệ tình dục, còn nạn buôn người làm lao nô thì vẫn chưa được chú ý. 
 
Một thành viên của tổ chức phi chính phủ chuyên chống nạn buôn người có tên là VietAct đã đưa ra vấn đề về việc bản tường trình nạn buôn người hàng năm xếp hạng các quốc gia từ cấp 1 (vi phạm nhẹ nhất) đến cấp 3 (vi phạm nặng nhất). Ông nói: 
 
“Việt Nam đã được xếp hạng vào cấp 2 trong nhiều năm qua, và việc chống tệ nạn buôn người ở đây ngày càng không mấy khả quan, tôi muốn biết khi nào thì Việt Nam mới bị đẩy xuống cấp bực 3, và tôi cũng muốn hiểu hậu quả của việc bị xếp vào hạng ba đối với một quốc gia sẽ như thế nào.”  
 
Đại Sứ Lagon nói rằng phải chờ đến bản tường trình năm 2009 thì mới biết là Việt Nam có bị thụt xuống hạng ba hay không. Ông cũng cho biết các là quốc gia được xếp vào hạng ba sẽ phải chịu một số những biện pháp chế tài từ cộng đồng quốc tế.
 
Chúng tôi hỏi quan điểm của Đại Sứ Mark Lagon về tương quan giữa một thể chế độc tài và tệ nạn buôn người, và đã được ông khẳng định rằng, theo kinh nghiệm của ông, thì có một liên hệ mật thiết giữa một thể chế, hay mức độ dân chủ của một quốc gia với việc chống nạn buôn người ở quốc gia đó. Ông giải thích: 
 
"Để chống lại việc buôn người, cần phải có luật pháp minh bạch, cần phải dẹp bỏ tình trạng tham nhũng hiện đang có tại Việt Nam, ngoài ra cũng cần phải có một biện pháp trừng trị những kẻ đã biến người khác trở thành nô lệ. Ở một nơi không có luật pháp công minh, thì triển vọng chống lại nạn buôn người không mấy khả quan. Tôi cả quyết là có một mối tương quan trực tiếp giữa một chính thể và việc buôn người. Khi chúng tôi khuyến khích một chế độ cởi mở hơn cho Việt Nam, điều này sẽ giúp cho việc chống nạn buôn người. Mặt khác khi chúng tôi thúc giục chính quyền Việt Nam giải quyết tệ nạn buôn người, điều này cũng đóng góp cho một nỗ lực lớn hơn, đó là nỗ lực mang đến dân chủ và tự do cho Việt Nam."
 
Trước khi chấm dứt cuộc họp báo, Đại Sứ Mark Lagon đã kêu gọi sự tiếp tay của giới truyền thông, các tổ chức phi chính phủ, ông nói rằng ngay cả những người tiêu dùng cũng có thể giúp việc chống nạn buôn người bằng cách tẩy chay những món hàng đã được sản xuất bằng công sức của những lao nô.   
 
Buổi họp báo với Đại Sứ Lagon đã giúp mọi người hiểu biết sâu rộng hơn về tệ trạng buôn người. Riêng tại Việt Nam, theo phát biểu của Đại Sứ, thì việc chống nạn buôn người sẽ tiếp tục không hữu hiệu cho đến khi nào Việt Nam có được một nền luật pháp công minh và tệ trạng tham nhũng được giải quyết rốt ráo.