Home Tin Tức Thời Sự Hàng triệu công nhân Á Châu mất việc vì suy thoái kinh tế toàn cầu.

Hàng triệu công nhân Á Châu mất việc vì suy thoái kinh tế toàn cầu. PDF Print E-mail
Tác Giả: VOA News   
Thứ Tư, 14 Tháng 1 Năm 2009 21:56

 
Chính phủ khắp Châu Á lo ngại tình trạng thất nghiệp sẽ xảy ra hàng loạt
Hàng triệu công nhân Á Châu đang mất việc vì tình trạng suy sụp của nền kinh tế toàn cầu. Sau nhiều năm tạo công ăn việc làm ở các vùng thành thị, các chính phủ đang cố gắn tìm việc làm ở nông thôn cho những người thất nghiệp. Từ Bangkok, thông tín viên đài VOA Heda Bayron ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Các báo cáo về hãng xưởng bị đóng cửa gia tăng trên toàn vùng.  Phần lớn những vụ mất việc xảy ra trong khu vực sản xuất, từ những người làm đồ chơi tới người chế tạo xe hơi. Sản lượng nếu không ngừng trệ thì cũng chậm lại vì cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Ông Suparat Sirisuwanangkura, đứng đầu Hội Công nghiệp ô tô Thái, nói ngành này có 300 ngàn công nhân và họ đang cố gắng hết sức để giữ các công nhân. Tuy nhiên sản lượng dự kiến sẽ giảm từ 20% tới 30% trong năm nay.

Ông Suparat nói: “Chúng tôi không có dự tính đóng cửa cơ xưởng nào. Nhưng dĩ nhiên cần phải điều chỉnh nhiều điều, chẳng hạn không có chế độ lương giờ phụ trội hoặc chỉ có rất ít. Cố gắng dồn 2 ca vào thành một ca. Điều cuối cùng là chúng tôi cố gắng tránh giảm nhân lực càng nhiều càng tốt.”

Các chính phủ khắp Châu Á đều lo lắng việc sẽ xẩy ra thất nghiệp hàng loạt, và tình trạng bất ổn xã hội mà điều đó mang tới. Nhiều người thất nghiệp thuộc thành phần là những dân quê đã rời bỏ quê quán để tới làm việc tại những thành phố đang phát triển tại Á Châu.

Tại Trung Quốc, số dân di trú này rất lớn và họ đã lũ lượt hồi hương. Ông Geoffrey Crothall là phát ngôn viên của Tập san Lao Động Trung Quốc trụ sở đặt tại Hồng kông, là một tổ chức tham gia vào các vấn đề có liên hệ đến quyền công nhân tại Trung Quốc.

Ông Crothall nói: “Những số liệu chính thức cho biết số người mất việc năm ngoái vào khoảng 8 triệu, phần lớn là các công nhân di trú. Nếu so sánh với tổng số công nhân di trú tại Trung Quốc, thường được ước lượng vào khoảng 130 triệu, thì chúng ta có thể có một ý niệm về mức độ bị thôi việc lúc này.”

Một số chính phủ mong rằng những số đầu tư mới vào vùng nông thôn có thể giúp giảm thiểu áp lực về công ăn việc làm.

Bắc kinh hy vọng rằng chương trình kích hoạt 600 tỉ đôla của họ, với mức đầu tư lớn vào hạ tầng cơ sở, có thể giúp thu dụng một số những công nhân mất việc. Nhưng trong những tháng tới, con số từ 6 triệu đến 7 triệu sinh viên mới tốt nghiệp sẽ cộng thêm vào lực lượng lao động.

Chính phủ đang đề nghị giúp trả lại học phí cao đẳng cho những sinh viên mới ra trường, nếu họ chịu làm việc tại vùng nông thôn.

Ông Crothall nói hiểm họa khá lớn đối với Bắc kinh.

Ông Crothall nói: “Nếu những công nhân di dân không thể được tái tuyển dụng, khả năng bất ổn xã hội sẽ gia tăng và chính phủ biết rất rõ điều đó.”

Tại Nhật Bản, chính phủ cũng đang dành việc làm cho giới trẻ thất nghiệp tại Nhật, coi đó là một cách tạo dựng một thế hệ nông gia mới.

Tại Thái Lan, Jaded Chowtchilai, là một nhà hoạt động lao động giúp đỡ các nữ công nhân thất nghiệp, cho biết những công nhân bị thất nghiệp đang tìm cách thử thời vận tại các tỉnh.

Nhà hoạt động lao động Chowtchilai nói: “Tôi nghĩ hầu hết bọn họ đều cố gắng tìm việc; nhưng mà khó lắm. Một số việc thì chỗ làm quá xa, tận một tỉnh khác. Một số về tận vùng quê, nơi các trang trại.”

Trước sự kiện chính phủ Thái hứa hẹn các tưởng thưởng lớn hơn cho nông gia, trong khuôn khổ chương trình kích hoạt kinh tế của họ, thì đây có thể là hy vọng cho hàng ngàn người đang mất nguồn lợi tức.

Thu nhập nông nghiệp trong vùng đã giảm hạ, vì giá nông phẩm tiện dụng giảm mạnh sau khi đạt các mức kỷ lục hồi năm ngoái. Một số giới chức Á Châu cho rằng chung cuộc số công ăn việc làm phải trở lại trong khu vực công nghiệp thì thị trường lao động mới ổn định được.