Home Tin Tức Thời Sự Tết Việt ở Mỹ:

Tết Việt ở Mỹ: PDF Print E-mail
Tác Giả: Thu Trang - Khánh Hòa   
Thứ Ba, 27 Tháng 1 Năm 2009 03:35

  1/26/2009  

  "Sang đến Mỹ ai cũng đổi sang tuổi con trâu!", một bạn sinh viên Việt Nam trả lời rất nhanh và hồn nhiên khi một người bạn Mỹ hỏi "Bạn tuổi con gì?" - Đó là một trong những dòng thư gửi của các bạn người Việt sống ở nước ngoài gửi về Tuần Việt Nam nhân dịp năm mới.  
* Hoàng Khánh Hòa (từ Ohio, Mỹ): Thiêng liêng hai chữ "cộng đồng" 
 
Cách đây bốn tháng, khi đang còn ở Việt Nam chuẩn bị cho một năm du học ở Mỹ, tôi vẫn không thể mường tượng cuộc sống của mình trên đất Mỹ xa xôi sẽ như thế nào. Thành phố Dayton nơi tôi đặt chân đến là một thành phố nhỏ của bang Ohio.

Cộng đồng người Việt ở đây không lớn, cỡ vài nghìn người, nhưng cũng đủ để mọc lên một vài cửa hàng bán đồ Việt Nam, hoặc các cửa hàng của người Trung Quốc, mà mọi người hay gọi là “Chinese store” sẽ nhập các thực phẩm mà khách Việt Nam hỏi mua. Cách đây 20 năm, tìm những thứ này ở đây thì không dễ như bây giờ, khi mà cộng đồng người Việt ngày càng đông hơn.

Và điều thú vị là ở Mỹ, nhưng bạn sẽ có cảm giác đang đi du lịch khắp thế giới, vì đâu đâu cũng có rất nhiều cửa hàng đến nhà hàng treo biển Chinese, Indian, Mexican cho đến Thai, Vietnamese. Mỗi khi gặp nhau, mấy chị em du học sinh chúng tôi lại kéo đến quán Linh’s và thưởng thức các món từ khắp Bắc, Trung, Nam rất quen thuộc như chả giò, nem cuốn, bún bò Huế, hủ tiếu, mì xào…

Lần đầu tiên đến quán, được gọi món bằng tiếng Việt, rồi bỗng chốc nghe một điệu nhạc Nam Bộ da diết, trong lòng trào lên một nỗi nhớ nhà thật khó tả. Nhưng tôi cũng nhận ra đâu đó một cảm xúc thật ấm áp vì mình được thưởng thức những hương vị quê hương ngay trên đất Mỹ xa xôi, một điều giản dị như vậy nhưng quý biết bao nhiêu khi phải xa nhà và làm quen với một cuộc sống hoàn toàn mới.

 

 

Ngày Tết đầu tiên xa nhà đang đến gần. Trước Tết một tuần, cộng đồng người Việt Nam ở Dayton đã tổ chức đón Tết khá đông vui. Ngoài việc tái hiện một số nghi lễ truyền thống như lập bàn thờ cúng tổ tiên, người già thắp hương cầu chúc, người trẻ được lì xì mừng tuổi mới, các tiết mục ca nhạc ba miền cũng được mọi người từ già đến trẻ góp vui rất nhiệt tình.   

 

 


Một sự chuyển tiếp thế hệ đang thể hiện rất rõ trong cộng đồng người Việt ở đây. Thế hệ những người Việt Nam sang Mỹ từ những năm 1975 bây giờ đã là các cụ ông cụ bà, hoặc nếu chưa có cháu nội cháu ngoại thì con cái cũng đã trưởng thành và đang ở đâu đó trên đất Mỹ học tập, sinh sống và làm việc. Đối với người già, những kí ức về Việt Nam vẫn còn đau đáu. Đối với người trẻ, đó là một hình ảnh vừa hư vừa thực vì những gì mà họ biết cũng không hơn từ tranh ảnh, sách báo, và những câu chuyện kể lại từ cha mẹ.

Tuy vậy điều đáng mừng đó là thế hệ người Việt thứ hai ở Mỹ đều đang rất nỗ lực để khẳng định mình trong xã hội Mỹ cũng như tiến lên những nấc thang cao hơn trong học vấn và nghề nghiệp, nhưng họ vẫn mang theo những giá trị rất Việt Nam: thông minh, chăm chỉ và cởi mở. Họ có thể nói hoặc không nói được tiếng Việt, dù thế Việt Nam như những gì mà họ biết là một đất nước thanh bình, kinh tế đang rất phát triển, và họ đều tự hào về điều đó.


Biểu diễn tiết mục Táo Quân bằng tiếng Việt trong Lễ mừng năm mới Kỷ Sửu
ở Mỹ (ảnh tác giả cung cấp)

Và tôi cảm nhận rõ hơn giá trị của hai chữ "cộng đồng” ý nghĩa như thế nào. Nếu không có những người Việt Nam sinh sống ở đây ngày càng đông, làm sao tôi có thể mua được bánh chưng cho ngày Tết hay nấu cho mình những món ăn quen thuộc. Dù không được ngồi quây quần cùng bà nội, bố mẹ và anh chị, tôi vẫn cảm thấy một cái Tết ấm áp đang đến gần.

Gian hàng bán đồ Tết trong ngày lễ do cộng đồng người Việt tổ chức. Vậy là Tết năm nay, dù ở nước Mỹ xa xôi, tôi vẫn được thưởng thức bánh chưng xanh và dưa muối.

Một mùa xuân mới, ở một đất nước "mới"


 Một thoáng Hà Nội giữa lòng nước Mỹ (Ảnh tác giả cung cấp)
Khi tôi đang ngồi viết lại những dòng cảm xúc này, nước Mỹ đã chính thức có tổng thống mới được hơn 8 tiếng đồng hồ. Liệu rằng có sự kết nối nào giữa việc ăn Tết theo văn hóa nước mình và sự kiện nhậm chức của vị tổng thống thứ 44 của đất nước cờ hoa?

Tôi chỉ cảm thấy cả hai sự kiện đều đem đến cho tôi những xúc cảm mạnh, khi nghĩ về cuộc sống, về con người trong những ngày năm hết Tết đến. Bao giờ cũng vậy, một năm cũ qua đi, chúng ta thường dành một chút tĩnh tâm nhìn lại những gì chúng ta đã làm được, và nghĩ đến tương lai là một năm mới, liệu điều gì đang chờ đón ở phía trước.

 
Chờ đón xem lễ nhậm chức qua CNN
 Hình ảnh người dân Mỹ, đặc biệt là những người Mỹ da màu cực kỳ phấn khích chờ đón buổi lễ nhậm chức tổng thống khiến tôi nghĩ mình như đang sống trong một đất nước sắp có chiến tranh, và Obama xuất hiện như một vị anh hùng dân tộc chuẩn bị lãnh đạo toàn bộ nhân dân tham gia vào cuộc chiến đó.

Đây không phải là cuộc chiến như nước Mỹ đã tiến hành ở Việt Nam, hay Iraq, mà là cuộc chiến của tư tưởng, của sự cam đảm dám vượt lên những lối mòn.

Nước Mỹ đương nhiên không phải là một thiên đường từ trên trời rơi xuống, như Obam nhấn mạnh “Điều vĩ đại không tự nhiên mà có. Chúng ta phải giành lấy nó”

Nguồn gốc của sự hùng mạnh đó chẳng phải là cái gì cao xa, đó chính là từ bàn tay lao động mà ra. Và dĩ nhiên cũng giống như bất cứ xã hội nào, nước Mỹ cũng có vô số những khiếm khuyết, như từ chính trị cho đến kinh tế, đơn giản như mọi thường chỉ trích lối sống Mỹ là thực dụng và người Mỹ làm việc quá nhiều.

Tính lịch sử của Obama có lẽ không cần phải nhắc lại nữa. Điều khiến tôi ấn tượng nhất đó chính kiến của ông khi quay trở lại điều cốt yếu tạo nên sự hùng mạnh của một quốc gia, đó là yếu tố “con người”. Tin vào con người, tin vào tương lai, và hi vọng thay vì sợ hãi. 

Những ngôn từ đầy truyền cảm trong bài diễn văn nhậm chức có lẽ cũng chỉ có cơ hội xuất hiện khi đất nước “lâm nguy”. Và cũng có biết bao nhiêu người dân Mỹ ngày hôm nay, đã khóc khi nghe lời tuyên thệ nhậm chức của vị lãnh đạo đất nước. Họ thấy mình trở nên can đảm hơn, mạnh mẽ hơn và dám dấn thân hơn vì một tương lai tốt đẹp hơn phía trước.

Dù nước Mỹ vẫn tự hào với nền giáo dục số một thế giới, tổng thống mới vẫn tiếp tục nhấn mạnh cải cách nền giáo dục tốt hơn nữa, để mọi người dân đều có thể tiếp cận với giáo dục và trở thành những người lao động có trình độ, cạnh tranh với thế giới. Và biến đổi khí hậu điều mà một nước lớn như Mỹ vốn ít quan tâm, thì giờ cũng đã được nhắc đến như là một vấn đề của sự phát triển bền vững.

Chỉ với hai điểm đó, tôi nhận ra một điều rằng người Mỹ đã rất tỉnh táo để không ngủ quên trên chiến thắng. Sau một ngày tưng bừng với các bài hát chúc mừng, các bài phát biểu, các cuộc diễu hành, mỗi người lại quay trở về với công việc hiện tại, và cùng nhau cố gắng vì một ngày mai tốt đẹp hơn, không chỉ cho họ mà còn cho thế hệ tương lai.

Và cuối tuần này đón Tết xong, tôi lại quay trở lại với việc học hành bận rộn của mình. Tôi biết rằng những trải nghiệm này thật không dễ có được, vì thế mà phải tranh thủ từng phút giây, để một ngày nào đó khi trở về, tôi có thể chia sẻ được nhiều điều với mọi người ở quê nhà. 

Và như bao người, tôi cầu mong một năm mới tốt đẹp đang chờ đón tất cả chúng ta ở phía trước.

Thu Trang (từ New York, Mỹ): Năm Trâu, ai cũng muốn đổi sang tuổi... con trâu


        Con trâu là đầu cơ nghiệp.

Có lẽ Tết Kỷ Sửu năm nay, cộng đồng người Việt tại Mỹ ăn tết lớn để mừng "năm tuổi" của mình. "Sang đến Mỹ ai cũng đổi sang tuổi con trâu!", một bạn sinh viên Việt Nam trả lời rất nhanh và hồn nhiên khi một người bạn Mỹ hỏi "Bạn tuổi con gì?". Có lẽ đây là một câu nói đùa nhưng đâu đó cũng phản ánh sự thật về cuộc sống hiện tại của cộng đồng người Việt tại đây.

Chắc chắn là mọi người có cái lý tại sao lại chọn cho mình tuổi con trâu thay vì các con vật khác làm biểu tượng rất Á Đông của mình. Có thể ở một góc độ nào đó, những tính cách của con trâu mà người ta thường nhắc đến như cần cù, thân thiện, thực tiễn, giữ vững lập trường, quan điểm, chiến lược và tôn trọng giá trị đạo đức lại là những đặc tính mà bạn bè quốc tế thường nhắc đến, nhận định trong phong cách làm việc và tính cách của người Việt.

Cái lý đầu tiên có thể bắt nguồn từ câu tục ngữ của ông cha ta - Con trâu là đầu cơ nghiệp. Đối với người Việt định cư, họ tin chắc vào sự hy sinh, cần cù làm việc của họ hôm nay sẽ được đáp trả bằng sự thành công trong học vấn và sự nghiệp của con cháu họ.

Một điều rất đáng trân trọng là trong chương trình lễ hội tết năm nay của cộng đồng người Việt, các nơi đều có sân chơi dành riêng cho trẻ em như cuộc thi viết tiếng Việt đẹp và thi kể chuyện dân gian hay. Ngoài những nghi lễ truyền thống, giáo dục cho các em giữ được tiếng mẹ đẻ trên đất khách là một sự đầu tư đầy ý nghĩa và khích lệ các em trong những ngày Xuân ngoài.


 Niềm hy vọng chung: "Con của mình cũng có thể có cơ hội như Obama".
Nguồn: Economist

Tết năm nay cũng trùng vào lễ nhậm chức của Tân Tổng thống Mỹ nên mọi người luôn miệng bàn về niềm hy vọng. Đợt bầu cử vừa qua đã là một minh chứng cho sự đáp trả những nỗ lực trong học tập, làm việc cần cù, thông minh, sáng tạo, chiến lược và xuất thân trong một gia đình rất bình thường.

Dù ủng hộ cho Đảng Dân chủ hay Cộng hòa, sau cuộc bầu cử, trong thâm tâm của người Việt tại đây đều có chung một niềm hy vọng: "Con của mình cũng có thể có cơ hội như Obama!" Vâng, niềm hy vọng sẽ là một khởi sắc đầy tốt đẹp cho những ngày đầu Xuân.

Đối với các bạn làm việc tại Mỹ, đầu cơ nghiệp của họ có lẽ là sự sáng tạo, năng động, chăm chỉ, thân thiện và không ngại làm nhiều việc hơn các đồng nghiệp để có thêm kinh nghiệm. Trong tình hình kinh tế hiện nay tại Mỹ, với những tính cách này đã và đang giúp các bạn cạnh tranh để kiếm việc làm. Quan trọng hơn, là giữ và được thăng chức trong những môi trường làm việc có tính cạnh tranh về chuyên môn rất cao như Liên hiệp quốc, các công ty Tài chính, Công nghệ, Viện nghiên cứu hàng đầu thế giới....

Khi trao đổi về truyền thống của người Việt là hoàn tất các công việc của năm cũ trước tết và đón một năm mới với các điều tốt đẹp, một người bạn Mỹ của tôi đã kể lại kinh nghiệm mà cô không bao giời quên khi làm việc cho một tổ chức phi chính phủ tại Washington DC trong những ngày cuối năm tết Dương lịch.

Trong ba năm làm việc và quản lý nhiều nhân viên quốc tế, chỉ có những cộng sự người Việt của cô ấy đồng ý làm việc cho đến hết thời khắc giao thừa. Với mong muốn hoàn tất các công việc còn lại, và để các đồng nghiệp mình có một kỳ nghỉ sớm hơn với gia đình, và khi trở lại văn phòng làm việc phấn khởi hơn vì mọi cái đã được chuẩn bị tốt. Tôi không hề biết các bạn Việt Nam đó là ai để cám ơn họ. Vì họ đã âm thầm làm cố thêm một chút. Vì vậy, người bạn tôi đã có cái nhìn rất tích cực và thiện cảm về cả dân tộc Việt.

 Phải "cày bừa" thật kỹ để không phụ công cha mẹ

Với các du học sinh, sự khởi đầu của các bạn lại càng sớm hơn và đầy chông gai hơn vì phải xa gia đình và thích nghi nhanh với nền văn hóa, môi trường học tập, bạn bè, và cách nhìn mới. Việc bắt đầu của họ là học tập chăm chỉ để có thể theo kịp về ngoại ngữ với các bạn trong lớp. Hầu hết các em đều rất thông minh, sáng tạo và nhận ra rất nhanh được những điểm mạnh và yếu của mình qua các môn học, tham gia các hoạt động xã hội, văn hóa và thể thao.


  Năm nào cũng là năm "tuổi trâu" với người Việt ở Mỹ. 
 
Có dịp trao đổi với các em được học bổng toàn phần về các chuyên ngành được xếp vào bậc cao nhất tại Mỹ, học được ở các em tính chiến lược và sử dụng tối đa những mặt mạnh của mình từ khi học trung học hay đại học. Hầu hết các em đều sống với tâm niệm rằng: "Phải cày chị ơi!, sang đây mà không học thì thua người ta nhục lắm và uổng công bố mẹ mong đợi".

Cày được hiểu là sự siêng năng và cần cù trong học tập. Các em hướng dẫn nhau cách tìm trường và ngành học tốt nhất, và chuẩn bị cho mình nhiều kiến thức để đạt được các yêu cầu của trường mà các em muốn vào. Khi còn ngồi ở ghế nhà trường, các em đã biết chọn những kỹ năng nào đầu tư để có được những việc làm mà các em mong muốn sau khi ra trường. Các em tự cho mình là "tuổi con trâu" vì khi ở nhà thì chẳng có khái niệm "cày", nhưng sang đây thì lại nhận ra rất nhanh cái giá của sự cày cật lực này.

Con trâu cũng là một hình ảnh rất gần với trẻ thơ và sự mộc mạc. Đọc các tin tức về tết năm nay tại Việt Nam, thầm vui vì đã có nhiều chương trình Xuân nhằm đem lại cái tết đầy ý nghĩa cho các trẻ thơ, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn.

Từ những chương trình văn nghệ Xuân Yêu Thương, chương trình xã hội Ước Mơ của Thúy... đến những sự hỗ trợ của các doanh nghiệp và cá nhân, thông qua các phương tiện như email, nhật ký điện tử cá nhân (blog), trang web để kêu gọi mọi người thêm một tay giúp các trẻ nghèo có một cái tết ấm áp hơn.

Đọc những lời kêu gọi của các bạn qua những email, blog ... mới cảm nhận hết được câu tục ngữ: "Của cho không bằng cách cho". Các bạn đến với các em bằng những tấm lòng và cảm nhận thật được sự thiếu may mắn của các em nhỏ và các đồng bào vùng sâu vùng xa. Ngoài truyền thống nhớ về tổ tiên, gia đình, thầy cô và những người ân nhân, tết các bạn đã cho mọi người thêm một bài học là tết sẽ đầy ý nghĩa hơn nếu mình cùng nghĩ đến những người kém may mắn hơn mình.

Với đặc tính rất cần cù, thân thiện, giữ vững lập trường và tôn trọng giá trị đạo đức trong mọi công việc, hy vọng trong năm Kỷ Sửu này, mỗi chúng ta sẽ nhận được sự đáp trả đầy khích lệ.