Home Tin Tức Thời Sự Maldives Airways: Hãng Hàng không bí mật của Palestine

Maldives Airways: Hãng Hàng không bí mật của Palestine PDF Print E-mail
Tác Giả: Văn Hòa (theo The Daily Telegraph)   
Thứ Năm, 12 Tháng 2 Năm 2009 05:28


Chiếc máy bay DC-8S của Hãng Hàng không Maldives tại sân bay Malé.  
Vào tháng 3/1999, khi cuộc nổi dậy của dân tộc Palestine chống lại sự chiếm đóng lãnh thổ Palestine của quân đội Israel đang đi vào giai đoạn quyết liệt thì tại sân bay quốc tế ở thủ đô Beirut của Liban đã xảy ra một vụ việc nghiêm trọng. 


 Đó là việc một chiếc máy bay vận chuyển hành khách phản lực loại DC-8s của Hãng Hàng không Maldives (Maldives Airways) sau khi thực hiện chuyến bay thương mại từ thành phố Dubai của Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) đến thủ đô Beirut và đang chuẩn bị bay từ Beirut về lại thành phố Malé của đảo quốc Maldives, đã bị phá hoại. 


 Theo điều tra, hai khối thuốc nổ được kích hoạt cùng lúc đã làm hư hỏng nặng buồng lái và động cơ bên trái của máy bay. Theo nhận định của các chuyên viên hàng không, vụ phá hoại này hầu như  đã làm vô hiệu hóa hoạt động của chiếc DC-8s mà việc sửa chữa sẽ rất tốn kém và mất nhiều thời gian. Vì vậy, Faiz Zaidan, người đứng đầu Hãng Hàng không Maldives, đã quyết định làm thủ tục thanh lý chiếc máy bay bị phá hoại để bán phế liệu.


 Tuy nhiên, các câu hỏi được dư luận đặt ra, là tại sao chiếc DC-8s của Hãng Hàng không Maldives lại bị phá hoại và thủ phạm là ai? Các câu hỏi này chỉ có lời giải đáp vào năm 2000 sau khi Hãng Hàng không Maldives tuyên bố phá sản và đem bán chiếc máy bay DC-8s còn lại cho Công ty Dịch vụ bay Connie Kalitta của Australia. 


 Vụ phá sản của Hãng Hàng không Maldives đã làm sáng tỏ hai vấn đề: đó là việc hãng hàng không này chính là một hãng hàng không bí mật của Nhà nước Palestine mà khi bị phát hiện, Chính phủ Israel đã bí mật ra lệnh phá hoại một trong hai chiếc máy bay của hãng hàng không này khi đang đỗ tại sân bay quốc tế  của thủ đô Beirut vào tháng 3/1999.


 Kể từ khi được thành lập vào tháng 5/1966, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) do Chủ tịch Yasser Arafat lãnh đạo, luôn kiên trì đấu tranh vì một Nhà nước Palestine độc lập, giải phóng các lãnh thổ của người Palestine bị quân đội Israel chiếm đóng. 


 Cuộc đấu tranh chính nghĩa này của PLO đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các quốc gia thuộc khối Arập và các quốc gia Hồi giáo. Sự ủng hộ này không chỉ được thể hiện bằng phát biểu mà còn bằng hành động thiết thực như viện trợ kinh tế, quân sự và cả tài chính. 


 Theo điều tra của báo The Daily Telegraph của Anh, chỉ riêng Arập Xêút không thôi, hàng năm quốc gia  này đã bí mật tài trợ cho PLO một số tiền lên đến 700 triệu USD. Về phần mình, PLO đã triệt để tận dụng những nguồn tài trợ này để duy trì hoạt động. 


 Cũng theo báo The Daily Telegraph, PLO đã sử dụng những nguồn tiền tài trợ để tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực vận chuyển hàng hải, hàng không, trồng hoa quả tại Nam Mỹ, khai thác kim cương ở châu Phi, kinh doanh bất động sản tại các quốc gia Arập...


 Đến năm 1984, dưới sự dàn xếp của Arập Xêút và nhất là sự ủng hộ của Maumoon Abdul Gayoom, Tổng thống đảo quốc Maldives từ năm 1978, người luôn phản đối quyết liệt việc chiếm đóng lãnh thổ Palestine của quân đội Israel, PLO đã bí mật thành lập một hãng hàng không lấy tên gọi là Maldives Airways, một nhánh của Hãng Hàng không quốc gia Maldives (Air Maldives) để hoạt động kinh tài. 


 Phương tiện hoạt động của hãng hàng không bí mật này là hai chiếc máy bay phản lực DC-8s vận chuyển hành khách mua lại của Hãng Hàng không Kuweit. Hãng Hàng không Maldives chính thức được thành lập vào ngày 1/8/1984, có trụ sở đặt tại thành phố Malé của đảo quốc Maldives và do Faiz Zaidan, thành viên cao cấp của PLO, người hiện đang đứng đầu Hãng Hàng không quốc gia Palestine, phụ trách.


 Vào thời gian đầu khi mới thành lập,  để tránh bị phát hiện, Hãng Hàng không Maldives chỉ thực hiện những chuyến bay thương mại ngắn trong phạm vi các đảo thuộc lãnh thổ Maldives.


Đến năm 1990, khi đã trở thành một thương hiệu quen thuộc  đối với các du khách, Hãng Hàng không Maldives bắt đầu thực hiện những chuyến bay thương mại đường dài từ thành phố Malé đến thủ đô các quốc gia Arập như Beirut (Liban), Dubai (UAE), Amman (Jordanie), Ryad (Arập Xêút)... 


 Không chỉ hoạt động kinh tài mà các chuyến bay của Hãng Hàng không Maldives  còn có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, khí tài được các quốc gia Hồi giáo và Arập viện trợ cho PLO, đưa đón các nhà lãnh đạo PLO hoạt động ở nước ngoài. Hoạt động kinh tài của Hãng Hàng không Maldives diễn ra suốt một thời gian dài mà không hề bị tình báo Israel hay tình báo phương Tây phát hiện.


 Nhiều nguồn tin cho rằng, sở dĩ hoạt động của Hãng Hàng không Maldives bị lộ là từ sự phản bội của Jaweed al-Ghussein, một cố vấn tài chính của PLO. Al-Ghussein là người đứng đầu hoạt động điều phối các nguồn tài chính của PLO từ năm 1990 đến 1998. 


 Vào tháng 7/1998, Al-Ghussein bị phát hiện tham ô đến 5,6 triệu USD từ ngân sách của PLO. Trong thời gian bị điều tra, Al-Ghussein đã đào thoát khỏi lãnh thổ Palestine và bỏ trốn đến nhiều quốc gia Arập. Có thể tình báo Israel đã tiếp cận được với kẻ phản bội này và dùng tiền để mua những thông tin bí mật liên quan đến hoạt động của PLO. 


 Và một trong những thông tin quan trọng mà tình báo Israel mua được từ Al-Ghussein là sự tồn tại của Hãng Hàng không Maldives. Tình báo Israel đã tổ chức điều tra về hoạt động của hãng hàng không bí mật này và khi biết rằng Hãng Hàng không Maldives thường thực hiện những chuyến bay từ Maldives đến một số quốc gia Arập, trong đó có Liban, nên đã tổ chức phá hoại. 


 Hậu quả là đã xảy ra vụ phá hỏng chiếc máy bay DC-8s của Hãng Hàng không Maldives tại sân bay quốc tế Beirut vào tháng 3/1999. Biết đã bị phát hiện và để bảo toàn chiếc máy bay còn lại, PLO quyết định giải thể Hãng Hàng không Maldives và bán chiếc máy bay còn lại cho Công ty Dịch vụ bay Connie Kalitta của Australia.
 Số phận của kẻ phản bội Al-Ghussein cũng không may mắn hơn Hãng Hàng không Mladives. Bị truy bắt gắt gao, đến tháng 7/2000, Al-Ghussein bị bắt giữ tại UAE và sau đó được giải giao cho Nhà nước Palestine để xét xử với mức án cao nhất là tử hình