Thảo Trường là một nhà văn tự do. Ông sống trong thời chiến tranh, 17 năm phục vụ trong quân đội, nhưng khi viết văn ông là một con người tự do. Nhà văn nhìn cuộc chiến diễn ra trước mắt bằng con mắt của một con người. Ðối diện với sự sống và cái chết, nhà văn diễn tả những quan sát trung thực, những cảm nghĩ chân thành. Nhà văn giữ được chất nhân bản, yêu sự sống, thương con người, thương loài người, một tình thương không để hoen ố vì chính trị phe đảng bè phái, mà còn vượt lên trên những tranh chấp tư tưởng, ý thức hệ nhất thời.
Thảo Trường phải ngưng viết trong 17 năm làm tù binh của chế độ cộng sản. Và nay ngoài 70 tuổi, tị nạn ở Mỹ, ông lại sống và viết tự do. Nhưng ngay khi sống trong nhà tù, có thể nói tâm hồn ông vẫn tự do phơi phới. Khi nghe ông kể lại những mẩu chuyện trong tù, chúng ta thấy một người bình tĩnh chăm chú quan sát cuộc sống quanh mình, với tâm hồn thanh thản, và nhiều khi rất hóm hỉnh.
Thảo Trường kể chuyện người cựu tù binh đạp xe đi mót ve chai ven xa lộ PCH ở California mà lâu lâu lại vẩn vương nhớ những hình ảnh cũ. “Hồn bay lên khỏi những ngọn cây tràm rậm rì... qua những cây tràm khác trong trại giam ra khỏi hàng rào tre, bay qua Suối Lạnh, qua Suối Cạn, lướt trên ngọn cây, bay vù lên ngọn núi Mây Tào...” Ông nhớ lại những ông chánh án tòa thượng thẩm bị biệt giam, nhớ cậu bé con, nhớ người sĩ quan trẻ bị tâm thần được trả tự do nhưng nhất định không rời trại nếu không có xe quân cảnh Mỹ đến đón! Sau khi vất vả mới đánh lừa để đuổi được cậu tù trẻ này ra khỏi trại rồi, người trực trại than: “Tù cũng khổ! Cai tù cũng khổ! Ở tù cũng khổ! Ra tù cũng khổ!” Buổi tối, khi đàn bò xổng chuồng cả trại phải đi “thu quân” về rồi mới được ngủ bù, có bác cằn nhằn: “Bò cũng khổ! Người cũng khổ!”
Trong tù có câu chuyện một cựu sĩ quan được đàn em cũ trong lính giúp nên chỉ phải làm chân chăn heo, công việc nhàn đỡ phải đi lao động. Công việc là nấu cám cho heo ăn, kín nước rửa chuồng heo, tắm đàn heo cho sạch sẽ, chỉ loanh quanh trong nhà lô, đỡ mưa đỡ nắng. Cậu đàn em dặn dò “bác già”: “Ông thầy phải khôn một tý mới có hy vọng sống sót mà về Nam... Phải biết nín thở qua sông.” Ông sĩ quan cần cù theo chủ trương nín thở. Một bữa bà vợ của trại trưởng mang con heo cái tới lấy giống của con heo nọc trong trại. Bà phó tiến sĩ chỉ huy trại heo bảo ông tù binh vào chuồng heo giúp hai con vật làm bổn phận gây giống. Nhưng khi “bác già” nín thở bước vào thì bị con heo nọc tấn công, bác tháo chạy, phóng ra khỏi chuồng heo.
Thảo Trường viết, “Người đàn bà và cô phó tiến sĩ cười ngặt nghẽo:
- Anh thua con lợn à?
Bác già gật đầu:
- Thua. Tôi thua giống lợn!
Một người tù binh tất nhiên phải nhận là mình thua trận. Bác già bình thản công nhận điều đó: “Thua. Tôi thua giống lợn!”
Khi đọc những “miểng” truyện trong tuyển tập mới xuất bản của Thảo Trường, chúng ta sẽ thấy sự thực nhà văn không thua, dù thua cái giống lợn. Bởi vì ngay trong lúc sống trong tù thì óc sáng tạo của ông và đồng đội của ông vẫn làm việc tự do. Chúng ta được đọc những bài thơ Thanh Tâm Tuyền viết trong những năm tù đầy:
“Vẫn thấy trong mơ đời trở giấc Cỏ hoa rù quyến gió hoang đàng!”
Hay là:
“Mưa bay đều hạt mưa phơi phới Chiều đang tàn hiu quạnh rừng sâu”
Trong hoàn cảnh nào người tù binh vẫn nhớ:
“Ðứng vững không khuỵu chân Trên mảnh đất nghèo khổ Thở hít tận vô cùng”
Trong thời gian đọc lại Thảo Trường trong Tuyển Tập mà Người Việt mới xuất bản, tình cờ chúng ta cũng có dịp đọc mấy đoạn tùy bút của một nhà văn khác, là ông Nguyễn Khải. Hai nhà văn Thảo Trường và Nguyễn Khải cũng trạc tuổi như nhau, cùng sống trong quân đội, thuộc hai chế độ miền Nam và Bắc khác nhau. Thảo Trường may mắn còn sống và còn viết, Nguyễn Khải mới qua đời năm nay. Hai cuộc đời và hai văn nghiệp khác nhau.
Nguyễn Khải là một nhà văn chuyên nghiệp được quân đội miền Bắc nuôi để viết văn, còn Thảo Trường thì không. Ông không thuộc ngành tâm lý chiến, chỉ viết khi rảnh, theo ý thích, không viết lách như làm việc. Ngay năm 1969, khi viết về chiến tranh ông đã mô tả tinh vi những mâu thuẫn trong lòng một sĩ quan thấy anh lính thân cận nhất của mình ngã chết, rồi lại được nghe những tiếng khóc của người vợ lính mất chồng. Ðến bây giờ sau 40 năm chúng ta vẫn cảm động khi đọc lại. Trong một câu chuyện chiến tranh khác, Thảo Trường chỉ kể lại những đối thoại của một người lính Việt Nam Cộng Hòa với một em bé, khi em bé cứ cặm cụi, tẩn mẩn tìm cách đào một viên đạn bắn vào nhà mình, còn ghim trong tường. Thảo Trường còn viết, viên đạn Mỹ, nhưng không biết bên nào bắn. Một nhà văn miền Bắc, nhất là một nhà văn quân đội không được phép viết tự do như vậy.
Cho nên khi đọc bài “Ði tìm cái tôi đã mất” của Nguyễn Khải, chúng ta thấy một nhà văn như ông thật đáng thương. Ông mở đầu bằng lời thú nhận: “Năm 70 tuổi tôi bắt đầu chán viết.” Ông đã theo đảng Cộng Sản, tôn thờ thuyết những lời tiên tri Mác xít về việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Năm 2008, trước khi qua đời, ông nghĩ lại: “Dành cả một thời thanh xuân để tin vào những lời tiên tri ấy, về già nhìn lại cái tài sản tinh thần thâu góp một đời chỉ là một cái kho chứa đủ tạp nham chẳng có một chút giá trị gì.”
Ai đã đọc Nguyễn Khải thì biết ông là một nhà văn có tay nghề già giặn bậc nhất. Các tiểu thuyết của ông được bố cục chặt chẽ, nhân vật rất sống, rất thực dù ông cố ý xếp đặt cho những mục đích chính trị, ngoài ra lối kể chuyện của ông lôi cuốn người đọc dù ông viết về bất cứ đề tài nào. Nhưng mỗi tác phẩm của ông đều nhắm một mục tiêu tuyên truyền nhất định nào đó mà đảng Cộng Sản muốn dân chúng phải học tập trong một khoảng thời gian nào đó.
Bây giờ Nguyễn Khải nhìn lại quãng đời viết văn phục vụ Ðảng của ông, ông thấy đảng Cộng Sản đã giết chết cá tính con người, cả những người nghệ sĩ. Nhưng khi người nghệ sĩ phải hy sinh hết cá tính, phải vứt bỏ “những phát hiện độc đáo của riêng mình” thì “Mất những cái đó thì còn sống làm gì, còn viết tiếp làm gì?”
Nguyễn Khải nhớ lại cuộc đời viết văn của mình: “Ðám văn nghệ sĩ chúng tôi cũng ‘sống không dễ’ trong sự viết lách. Viết đúng luật lệ thì chỉ có hai chủ đề: Căm thù và hy sinh... Cái thế giới mênh mông, nhiều màu sắc ngày một thu hẹp lại và chỉ có hai màu: Ðỏ là quân ta, đen là quân địch.” Cho nên “Chính chúng tôi cũng tự chán mình. Tài đã kém lại bị bó chặt từ đầu tới chân, xoay tới xoay lui cũng chỉ một vòng quay, ú ớ một cách nói, càng viết càng nhảm.
Ðến lúc ngoài 70 tuổi Nguyễn Khải thú nhận:
“Tôi là nhà văn của một thời, thời hết thì văn phải chết, tuyển tập, toàn tập thành giấy lộn cho con cháu bán cân!”
Con người cộng sản Nguyễn Khải trước khi qua đời công nhận “Cách tổ chức xã hội của giai cấp tư bản dẫu có xấu xa đến tận đâu cũng vẫn tạo được những môi trường tự do và dân chủ hơn, mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển của tài năng của mọi cá nhân và của cả cộng đồng.” Kinh nghiệm riêng của ông là: “Năm đất nước mới thống nhất vào Sài Gòn được gặp gỡ các nhà văn nhà báo, các nghệ sĩ của chế độ cũ mà thèm. Họ sống thoải mái quá, nói năng hoạt bát, cử chỉ khoáng đạt, như chưa từng biết sợ ai. Còn mình thì đủ thứ sợ...”
Ðó là ông Nguyễn Khải không có dịp gặp những nhà văn bị tù như Thảo Trường, Doãn Quốc Sĩ, Như Phong Lê Văn Tiến, Hà Thượng Nhân, Trần Dạ Từ, Thanh Tâm Tuyền, vân vân. Ông sẽ thấy ngay khi bị bắt làm tù binh và bị dìm xuống đất đen như thú vật, những nhà văn tự do vẫn “Ðứng vững không khụy chân.”
Bài tùy bút của nhà văn Nguyễn Khải giống như một di chúc. Ông nói thẳng rằng trong chế độ toàn trị của đảng Cộng Sản “Văn chương cũng không thể còn. Nó sẽ chết vì bị ngạt... Những gì mà chủ nghĩa cộng sản hứa sẽ thành hiện thực trong tương lai thì cái hiện thực ấy sẽ giết chết cả loài người!”
Ðọc văn Thảo Trường thấy đời sống hừng hực bốc lên, thấy cuộc sống ngồn ngộn hiện ra, chúng ta phải cảm ơn trước năm 1975 đã được sống ở một miền Nam tự do, trong một chế độ tôn trọng những truyền thống nhân bản. Nhờ sống trong bầu không khí đó, mới có những tiểu thuyết của Võ Phiến, của Bình Nguyên Lộc, Mai Thảo, Sơn Nam, Thảo Trường, Nhã Ca, Dương Nghiễm Mậu, vân vân. Ðọc những lời tâm sự của một nhà văn ở thế giới khác là ông Nguyễn Khải, chúng ta càng thấm thía niềm biết ơn với những người đã chiến đấu bảo vệ những năm tháng tự do ngắn ngủi đó. Trong đó có những người bạn tù của Thảo Trường, mà ông đã rỉ rả kể chuyện cho chúng ta nghe trong “Những Mảnh Vụn của Tiểu Thuyết.”
|