Cho tới khoảng 1942-1943 tôi vẫn còn được nghe tiếng mõ ở làng mà Vua Lê thánh Tông (1460-1497) đã có thơ ca vịnh và Wikipedia có nhắc tới cũng như có nói tới vai trò của thằng mõ nguyên văn như sau: (Tìm trong google.com. wikipedia mục Thằng mõ)
“Thằng mõ là người có nhiệm vụ gõ mõ và thông báo theo chỉ thỉ của các chức sắc trong các làng xã cổ Việt Nam. Công việc của anh ta là đi khắp làng gõ mõ gọi dân làng đến tề tựu ở sân đình để nghe những tin tức mới xảy ra trong làng. Ngoài công việc trên, người này có nhiệm vụ khác là tuần phòng ban đêm và gõ từng hồi mõ báo hiệu giờ giấc dưới sự hướng dẫn của viên chức và các tráng đinh trong làng. Người này làm việc này không có lương bổng. Tuy nhiên anh ta thường được làng cấp cho một mảnh đất công nhỏ để cày cấy hoặc được đến mùa gặt thì được các địa chủ cho một ít thóc.
Trên thực tế, “thằng mõ” thường là một người rất nghèo và bị dân làng coi thường thân phận. Song Hoàng Ðế Lê Thánh Tông (1442 - 1497) đã từng làm một bài thơ ngợi khen vai trò của “thằng mõ”:
“Mõ này cả tiếng lại dài hơi, Mẫn cán ra tay chẳng phải chơi. Mộc đạc vang lừng trong bốn cõi, Kim thanh rền rĩ khắp đòi nơi. Trẻ già chốn chốn đều nghe lệnh, Làng nước ai ai phải cứ lời. Trên dưới quyền hành tay cắt đặt, Một mình một chiếu thảnh thơi ngồi.”
Tuy thân phận thấp hèn như vậy, nhưng “thằng mõ” xuất hiện khá nhiều trong các vở chèo cổ của Việt Nam.
Ðứng dưới góc độ nghiên cứu lịch sử về truyền thông đại chúng ở Việt Nam thì “thằng mõ” được xem là phương tiện truyền thông sơ khai nhất trong xã hội cổ truyền Việt Nam, “hệ thống truyền tin” này đã tồn tại đến giữa thế kỷ thứ XX và đóng góp giá trị nhất định trong việc mang tin tức đến cho dân làng.
Tôi có vài thắc mắc về định nghĩa vai trò thằng mõ của Wikipedia: “...Có nhiệm vụ thông báo theo chỉ thị. Câu hỏi là thông báo cái gì?
Tiếp ngay sau đó Wikipedia lại viết: ... gọi dân làng đến tề tựu ở sân đình để nghe những tin tức mới xẩy ra trong làng”.
Tin tức xẩy ra trong làng là tin đụng xe... rất khác với tin tức liên quan tới dân làng... Ðịnh nghĩa về nhiệm vụ của thằng mõ rất tơ lơ mơ đó của Wikipedia khác xa với Ðào Duy Anh khi ông viết: “Khi có việc làng thì lý trưởng và hương chức sai người mõ làng, thường gọi là thằng mõ (vì người ta cho chức mõ làng là vi tiện) đi khắp làng để đánh mõ mời làng ra họp ở đình”. (1)
Ðể cho vấn đề được đầy đủ chúng tôi xin trình bày các thắc mắc theo thứ tự sau:
1.Thằng Mõ và vai trò thông báo tin tức.
2. Thông báo tin tức về sự việc liên quan tới, hay tin tức về sự việc đã xẩy ra?
3. Dân làng tới nghe thông báo chỉ thị hay tới để họp việc làng? Trong buổi họp đó ai được quyền phát biểu và liệu có tranh luận không?
Về mục một chúng ta dễ dàng đồng ý về vai trò truyền thông của thằng mõ. Có nghĩa là từ ngày xưa, trước đây cỡ 500 năm ở Việt Nam, đã có một nhân vật tên là “Ông Mõ” (cách ăn nói theo văn hóa ngày nay chúng ta không thể trên giấy tờ gọi ai là Thằng được) và Ông Mõ có nhiệm vụ chính là sau bữa ăn tối thì đi khắp làng để làm nhiệm vụ truyền thông.
Trước khi bàn về mục hai và ba chúng ta cần ôn lại cách tổ chức của làng xã. Theo Ðào Duy Anh: “Ðời xưa các xã thôn không có Lý-trưởng do dân cử như ngày nay, mà chỉ có quan lại do triều đình đặt, gọi là xã quan. Theo sách Lịch-triều Hiến-chương thì buổi Trần sơ đời Thái-tôn đặt chức ty xã, ngũ phẩm trở lên làm đại ty xã, lục phẩm trở xuống làm tiều ty xã, cùng với xã chính, xã giám là các xã quan, phải chăm việc tu tạo hộ tịch, chức nhiệm cũng xem là quan trọng. Ðời Trần Thuận-Tôn thì các chức ấy bị bãi, nhưng sang triều Lê, sau khi khai quốc, lại đặt xã quan trở lại, đại xã ba người, trung xã hai người, tiểu xã một người. Ðời Thánh Tôn thì đổi các xã quan làm xã trưởng. Sau khi nhà Lê trung hưng, nhà vua khiến các châu huyện chọn các nho sinh và sinh đồ đặt các chức xã trưởng, xã tư, giao cho chinh lý việc làng và xét hỏi kiện cáo. Ðến đời Cảnh-trị lại chọn các lương gia tử đệ cho làm xã trưởng để huấn hóa xã dân, cứ ba năm thì xét hành trạng, nếu tốt thì cho thăng làm huyện quan. Từ buổi trung hưng, chức xã trưởng đã do quan địa phương chọn cử, thế là Triều-đình không can thiệp trực tiếp đến xã thôn như xưa nữa. Từ đấy uy quyền của Triều-đình lại một ngày một giảm, cho nên đến đời Long-đức Vĩnh-hựu (khoảng 1732-1735? chú thích của người viết) thì xã dân-tự hành bão cứ lấy xã trưởng, rồi chỉ trình quan trên phê chuẩn mà thôi. Lệ ấy vẫn còn cho đến ngày nay.” (Ngày nay là năm 1938 khi Ðào Duy Anh viết sách) (2)
Trong các làng Việt Nam chúng ta thường thấy nhiều hội đoàn dân sự như hội tư văn gồm những người có chức tước, hội văn phả gồm những người có học, tức là hội cựu học sinh hội võ phả tức là hội cựu chiến binh, hội đồng môn, hội bát âm của nhạc sĩ, hội chọi gà, trôi trâu, hội đua thuyền, rồi có các hội cùng nghề nghiệp mà ngày xưa gọi là phường... “Phường, họ, hội, giáp, hàng xóm, hàng ngõ đều là những tổ chức phổ thông tại miền quê Việt Nam” (3). Và các hội đó tự do hoạt động trong khuôn khổ luật pháp, không phải gia nhập... mặt trận tổ quốc.
Tóm lại từ trên ba trăm năm trước(trước 1945) viên chức trong làng là do dân làng đề cử, quan trên phê chuẩn; trong làng lại có khá nhiều hội đoàn dân sự được hoạt động tự do trong khuôn khổ pháp luật của nhà vua.
Trong khung cảnh đó (chắn chắn có nhiều hội viên trong các hội đoàn có danh vọng, tiền tài hay kiến thức hơn hẳn các viên chức) theo tôi ta phải hiểu câu viết của ÐDA đúng như ông viết: khi có việc liên quan tới dân làng (việc làng) thì Ông Mõ thông tin cho dân làng biết và mời ra đình làng họp.
Họp để nghe viên chức thông báo tin tức và quyết định của viên chức hay họp để bàn luận về các công việc của làng? Và ai có quyền bàn việc làng trong các buổi họp đó? Theo tổ chức làng đã ghi trong sử sách đã thì ta khó có thể tin rằng buổi họp ở đình làng là để nghe chỉ thị mà phải hiểu rằng đó là buổi họp để dân làng bàn việc làng.
Tuy chúng tôi không tìm thấy sử sách nào nói tới các buổi họp đó hay ai có quyền phát biểu trong buổi họp đó, nhưng có nhẽ cũng không phải là cường điệu khi nói rằng ai cũng có quyền phát biểu ý kiến.và dĩ nhiên có tranh luận. Bây giờ ta thử hình dung một buổi họp để lo việc hộ đê chẳng hạn, một việc ngày xưa rất quan trọng: trong buổi họp có Tiên Chỉ, các vị bô lão, viên chức, các vị quan hồi hưu, vài cựu quân nhân, có cựu học sinh, có nhạc sĩ, có vài cô ca sĩ nghiệp dư,có người của hội đan thúng, mẹt, có tráng đinh&chúng ta có thể hình dung các vị quan hồi hưu với kinh nghiệm kiểm soát việc hộ đê chắc sẽ được hỏi về vấn đề đào đất ở đâu và đắp vào đoạn đê nào, cựu quân nhân chắc sẽ có ý kiến về việc sắp xếp tráng đinh ai đào đất, ai khuân đất, ai đắp đất, hội đan thúng chắc sẽ có ý kiến là cần bao nhiêu thúng to nhỏ ra sao,nhạc sĩ và ca sĩ nghiệp dư chắc là được điều động để giúp vui... chắc chắn buổi họp sẽ sôi động với ý kiến và tranh luận.
Câu hỏi chót là: diễn trình chung kết thì quyết định chọn ý kiến nào để làm việc, để dân làng phải theo. Dân có được quyết định theo đa số không? Hay chức sắc độc đoán quyết định? Hay dân làng sẽ bị chinh phục bởi người có khả năng thuyết phục.Câu hỏi nầy cũng như những câu hỏi trên chúng tôi không (chưa) được đọc sách vở nào nói tới.
Tuy nhiên nếu không có gì lạ dưới ánh mặt trời thì chúng ta có thể hình dung như sau:
Trước hết có báo chí địa phương loan báo về các việc liên quan tới dân chúng của thị xã, và mời dân ra họp ở thị sảnh (City house, đình) ngày giờ họp cũng được thông báo đầy đủ, tới ngày họp dân thị xã, hội đoàn ở thị xã ra họp với đại diện dân và các viên chức, trong buổi họp có tranh luận và có biểu quyết lấy ý kiến đa số. Ðó là đại cương sinh hoạt ở các city ở Mỹ. (Hay là đại cương sinh hoạt ỏ làng mạc VN xưa?)
Tuy nhiên làng VN thì khá đông (4) và đa dạng:
- Có làng chỉ có một họ áp đảo ( đông tráng đinh nhất), khó có sinh hoạt như kể trên.
- Nhiều làng không có, hay có rất ít các hội đoàn như đã kể; trong trường hợp nầy tranh luận khó xẩy ra và tệ nạn cường hào ác bá như thường được kể không phải ít.
- Nhiều làng vì tập tục đặc biệt như trọng người tuổi tác trước hết hay trọng văn học (trọng người có bằng cấp)... như vậy cũng khó có sinh hoạt dân chủ.
Dầu sao với số lượng rất đông, vài chục ngàn làng, và với tổ chức đã được lịch sử ghi chép đầy đủ, với lịch sử bành trướng (về phía Nam) và tồn tại của VN thì sự suy diễn kể trên chúng tôi cho là đúng. Ðó là nói đi. Nói lại là chúng tôi không có bằng chứng trên sách vở nào cả.
Thương Huyền
Cước chú: 1. Việt Nam Văn hóa Sử Cương NXB Sống Mới in lại ở Mỹ trang 130. 2. Sđd trang 127. 3 Hội Hè Ðình Ðám của Toàn Ánh quyển hạ trang 308 tới 310. 4. Ðôi điều vế số lượng làng ở VN: hiên tại: theo lời giới thiệu sách Tổng kết nghiên cứu địa bạ Nam kỳ Lục tỉnh của Nguyên đình Ðầu xuất bản năm 1994 thì VN có khoảng 18,000 làng. Theo thống kê năm 2007 Vn có 10,964 xã và phường. Ngày nay đơn vị hành chánh chính thức của VN là xã chứ không dùng chữ “làng”. Nếu lại tính theo dân số trung bình thì VN có tới trên 60,000 làng.
|