Anh Ngữ Tại Hoa Kỳ |
Tác Giả: Huy Lực Bùi Tiên Khôi |
Chúa Nhật, 30 Tháng 11 Năm 2008 10:52 |
Nguồn gốc: Văn Tuyển. net Trên con đường tiến hoá của một ngôn ngữ được thông dụng nhất trên hành tinh nầy, năm 2006 một dấu mốc quan trọng của Anh ngữ đã tiến đến giới hạn một triệu chữ (1 million words) trong phương tiện phong phú giao lưu của loài người. Cơ quan Điều Hành Ngôn Ngữ Toàn Cầu (Global Language Monitor, viết tắt là GLM) do một nhóm chuyên viên truyền thông thành lập để nghiên cứu chiều hướng phát triển việc sử dụng Anh ngữ và ảnh hưởng sâu xa của Anh ngữ trong sinh hoạt văn hoá văn chương, và đời sống của con người. Theo cơ quan GLM cho biết, năm 2006, kho tàng Anh ngữ tại Hoa kỳ lên đến một triệu chữ, con số đáng quan tâm cho nhiều người. Trong lúc Pháp ngữ phải được Hàn Lâm Viện duyệt xét, cơ quan nầy thành lập năm 1635 do Hồng y Richelieux chủ xướng. Viện Hàn Lâm Pháp toàn quyền quyết định về văn phạm, từ ngữ mới, đó mới là Pháp văn chính thức. Hàn Lâm Viện Pháp, một nhóm người sống trong tháp ngà chữ nghĩa, bảo thủ, chịu áp lực chính trị gò bó, thành thử Pháp ngữ không phát triển theo nhu cầu tiến bộ của đời sống, nên hiện nay vẫn chỉ trong khoảng 100 ngàn chữ nghèo nàn. Nhìn lại Anh ngữ, nhất là Anh ngữ tại Hoa Kỳ, một ngôn ngữ tiến hóa nhanh nhất trong hàng vạn ngôn ngữ trên quả đất này. Hoa Kỳ là đất của những người di dân nên Anh ngữ cũng phối hợp phát triển hài hòa trộn lẫn theo ngôn ngữ và sinh hoạt của di dân. Sau đây là một vài chữ Anh ngữ tiêu biểu được thành hình từ nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới: Chữ Anh ngữ Được hình thành từ Nghĩa Dentist Pháp ngữ Nha sĩ Hamburger Đức ngữ Bánh mì kẹp thịt Dinosaur Hy Lạp ngữ Khủng Long Forum La Tinh Diễn Đàn Alligator Tây Ban Nha Cá Sấu Ao dai; Pho Việt Nam Áo dài, Phở Sự khác biệt giữa Anh ngữ tại Hoa Kỳ và Anh ngữ ở Anh Quốc, một phần trong cách sử dụng biến hoá. Trong mức độ nào đó, người Hoa Kỳ đơn giản hoá trong vần đọc (spelling) và chấp nhận cho Anh ngữ thích ứng trong môi trường mới. Sự khác biệt nầy đã thành hình lớn dần và kéo dài hơn 300 năm. Vào thế kỷ XVII, người Anh đầu tiên đến Hoa Kỳ rồi dần dần người Đức, người Pháp, người Ý, người Thụy Điển; người Âu châu đến định cư tại phần đất Tân Thế Giới cùng với thổ dân da đỏ bản xứ. Trong sinh hoạt chung của một cộng đồng đa sắc dân, một American English Language đã thành hình. Năm 1828, ông Noah Webster đã chính thức tách rời Anh ngữ tại Hoa Kỳ từ Anh ngữ ở Anh quốc, khi ông soạn và cho xuất bản quyển tự điển đầu tiên, An American Dictionary of the English Language. Ông Webster đã Mỹ hoá tiêu chuẩn cách đánh vần và đọc Anh ngữ, cùng in thêm nhiều từ ngữ mới, những chữ nầy chưa bao giờ có trong tự điển Anh ngữ ở Anh quốc. Từ đó, nhiều nhà xuất bản ở Hoa Kỳ lần lượt đua nhau làm tự điển theo đường lối của ông Webster và sách được chấp nhận hoan nghênh khắp hoàn cầu. Đầu thế kỷ XX, với quá khứ huy hoàng của Anh quốc, những trí thức Hồng Kông nhận định rằng, Anh ngữ từ Anh quốc là Anh ngữ chính thống quý phái tiêu chuẩn. Thời đại và sinh hoạt loài người đã đổi thay, nền văn hoá giáo dục Hoa Kỳ tràn ngập khắp địa cầu. Cuối năm 2002 tại diễn đàn Houston, tôi ngồi cạnh giáo sư Paul Chu, người đã từng cùng tôi giảng dạy tại Đại học Houston, hiện là Chủ tịch Đại học Hồng Kông, ông ta thì thầm vào tai tôi phê bình diễn giả bà Margaret Thatcher nói tiếng Anh ngọng nghịu thụt lưỡi đả đớt và chỉ có tiếng Anh tại Hoa Kỳ là du dương đầy nhạc điệu trầm bổng hùng hồn. Nhiều quốc gia trên thế giới có luật định bắt buộc chỉ dùng một ngôn ngữ chính thức trong một nước, gọi là quốc ngữ, nhưng ở Hoa kỳ không có luật dùng Anh ngữ là ngôn ngữ chính thức cho toàn thể liên bang. Chỉ có23 tiểu bang có luật định dùng Anh ngữ làm ngôn ngữ chính thức, trong đó có tiểu bang California, nơi nhiều người Việt Nam định cư nhất ở Hoa kỳ. Tiểu bang Texas nhiều lần đưa dự luật Official English Laws ra thảo luận đều bị bác bỏ, vì số người Hoa kỳ gốc Mễ Tây Cơ có thế lực chính trị khá mạnh. Chuyên viên nghiên cứu ngôn ngữ Hoa Kỳ ghi nhận có trên 336 ngôn ngữ đã từng được sử dụng ở Hoa Kỳ, trong đó có 176 ngôn ngữ thổ dân da đỏ; 52 ngôn ngữ của thổ dân hiện nay không còn ai nói đến nữa. Thổ ngữ da đỏ hiện nay được thông dụng nhiều nhất trong cộng đồng Hoa Kỳ là tiếng Navajo, nhiều tiếng nầy đã được biến hoá thành Anh ngữ. Vì Hoa Kỳ không có luật quốc ngữ chính thức, nên trong cuộc Tổng Kiểm Tra Dân số năm 2000, Văn phòng Thống Kê Liên bang đã phải in bản vấn đề lục kiểm tra bằng sáu thứ tiếng: Anh ngữ, Tây Ban Nha, Trung Hoa, Việt Nam, Đại Hàn và tiếng Phi Luật Tân Tagalog. Năm 2006, khi cơ quan GLM đốt pháo bông ăn mừng Anh ngữ tại Hoa Kỳ đã có một triệu chữ, những tạp chí viết Anh ngữ sáng tạo phức tạp khó hiểu như Newsweek hoặc tạp chí sử dụng Anh ngữ đơn giản rõ ràng như Reader’s Digest đều có bài đặc biệt hân hoan chào mừng. Trong một triệu chữ Anh ngữ nầy, nếu đại thi hào Anh ngữ Shakespeare đột nhiên tái sinh xuất hiện, có lẽ ông ta cũng ngạc nhiên ngỡ ngàng. Tất cả gia tài thi ca đồ sộ của ông để lại cho hậu thế, ông cũng chỉ sử dụng khoảng 24 ngàn chữ, trong số nầy có hơn 1000 từ do ông sáng tạo ra. Một người Hoa Kỳ sinh ra và lớn lên trên quê hương của mình, cắp sách đến trường học thi đậu bằng cử nhân kỹ sư BA, BS cũng chỉ sử dụng khoảng 14 ngàn chữ. Năm 1984, tôi được thành phố Houston bầu vào chức vụ Houston’s Poet Laureate, nhà thơ Công Huân Danh dự của thành phố Houston. Trong ba năm 1984-1987, tôi được mời làm keynote speaker, diễn giả chính của các buổi lễ văn hoá, xã hội. Một lần trong buổi lễ gây quỹ từ thiện năm 1985, thị trưởng thành phố Houston lúc bấy giờ, bà Kathy Whitmire giới thiệu tôi để đọc diễn văn khai mạc, bà nói tôi là một “great bard”, nhà thơ lớn. Ông Warren Buffett, có bằng BS, MS, nhà tỷ phú giàu thứ nhì trên thế giới hiện nay, ông ngồi bên tay phải liền quay hỏi tôi chữ “bard” nghĩa là gì. Thì ra chữ “bard” nằm ngoài 14 ngàn chữ thông thường, còn chữ poet là thi sĩ ở trong 14 ngàn chữ thông dụng hàng ngày của người Hoa Kỳ.Tiến sĩ Alan Greenspan, cựu Chủ Tịch Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ, một nhân vật ngoại lệ, thường sử dụng ngôn ngữ cao lạ khác với tiếng sử dụng thông thường. Khi còn trẻ, ông Greenspan muốn cầu hôn với người bạn gái, ông đã sử dụng ngôn ngữ văn chương đến hai lần mà cô ta vẫn ngơ ngác không hiểu, dầu cô ta là một minh tinh điện ảnh. Mãi đến lần thứ ba khi ông ta quỳ gối xuống và dâng chiếc nhẫn đính hôn, cô ta mới hiểu ra, lòng tràn ngập sung sướng ôm ông ta chấp nhận. Ngày 05 tháng 12 năm 1996, Chủ Tịch Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang, Alan Greenspan tuyên bố thị trường chứng khoán trên toàn thế giới đã gia tăng một cách vô lý bằng hai chữ “irrational exuberance”, ngày hôm sau thị trường chứng khoán toàn cầu đã sụt giảm mất đi 100 tỷ Mỹ kim vì hai chữ nầy. Hai chữ “irrational exuberance” đi vào lịch sử tài chánh thế giới như hai chữ đắt giá nhất của ngôn ngữ loài người. Một nhà văn lớn Hoa Kỳ, tác giả trên 60 tác phẩm, ông John Updike tốt nghiệp Cử nhân Anh văn Đại học Harvard với hạng Tối Ưu Danh Dự (Summa Cum Laude) là một trong hai người giới thiệu tôi gia nhập Trung Tâm Văn Bút PEN Club Hoa Kỳ, ông được rất nhiều giải thưởng văn chương huy chương cao quý. Trường thiên tiểu thuyết “Rabbit” mô tả cuộc đời thăng trầm của một cầu thủ lừng danh, ông John Updike cũng chỉ sử dụng khoảng 18 ngàn từ Anh ngữ. Nhà văn nữ Hoa Kỳ gốc Phi châu Toni Morrisson, bà được giải thưởng Nobel văn chương năm 1993, tiểu thuyết “Beloved” bán chạy nhất, bà cũng chỉ sử dụng khoảng 15 ngàn chữ Anh ngữ. Amy Tan nhà văn nữ Hoa Kỳ gốc Trung Hoa, có sách bán đến hàng triểu quyển và truyện của cô đã được đưa lên màn bạc, Amy Tan cũng chỉ sử dụng khoảng 13 ngàn chữ Anh ngữ khi viết tập truyện ngắn “The Joy Luck Club” và 14 ngàn chữ khi viết truyện dài “The Kitchen God Wife.” Còn những nhà văn Hoa Kỳ chuyên viết tiểu thuyết kinh dị hoặc những chuyện tình ướt át, nồng nặc mùi tình dục, sách bán rất chạy, mỗi quyển họ thu vào hàng triệu đô la như hai tác giả Stephen King và Danielle Steel; những nhà văn nầy họ chỉ dùng khoảng 12 ngàn chữ Anh ngữ. Iris Chang cô sử gia vĩ đại nhất của người Trung Hoa tại Hoa Kỳ, cô tự tử qua đời năm 2005 khi chỉ mới 26 tuổi; cô viết hai quyển sử “The Rape of Nanking” và “The Chinese in America” cũng chỉ sử dụng khoảng 11 ngàn từ Anh ngữ. Theo Văn Phòng Thống Kê Hoa Kỳ, 1/5 dân số Hoa Kỳ vào khoảng 60 triệu người từ 5 tuổi trở lên đã nói một ngôn ngữ khác tại nhà, không phải Anh ngữ. Trong số 60 triệu người nầy có 55% họ nói Anh ngữ lưu loát. Cộng đồng Việt Nam chúng ta sử dụng Việt ngữ tại nhà lên đến hơn 75% và khoảng gần 50% nghe hiểu và phát biểu Anh ngữ lưu loát. Một học sinh Việt Nam đến Hoa Kỳ 10 tuổi tiếp tục đến trường để tốt nghiệp trung học và sau 4 hay 5 năm tốt nghiệp đại học ở Hoa Kỳ với văn bằng cử nhân, kỹ sư BA, BS, những người Mỹ gốc Việt nầy thường sử dụng khoảng 11 ngàn chữ Anh ngữ. Gần đây, những cuộc thi đánh vần toàn quốc Spelling Bee tại thủ đô Washington D.C. đã có nhiều học sinh gốc Việt tham dự, một phát hiện đáng mừng. Khi gần đến vòng chung kết, học sinh gốc Việt thường vấp ngã vì gặp những chữ tiếng Anh thành hình từ tiếng La Tinh, Hy Lạp, Đức, Do Thái. Mong sao các em đọc nhiều sách Anh ngữ hơn nữa đế tiến sâu vào vòng chung kết cuộc thi đánh vần Spelling Bee và trong tương lai trở nên nhà văn Hoa Kỳ hầu thưởng thức cùng góp phần vào sự thăng hoa của kho tàng một triệu chữ Anh ngữ đã đạt trong năm 2006. |