Home Văn Học Khảo Luận Lịch sử tân nhạc Việt Nam

Lịch sử tân nhạc Việt Nam PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Quang Hải   
Thứ Bảy, 03 Tháng 1 Năm 2009 12:57

Nhạc Mới hay là Tân Nhạc hay là Nhạc Cải Cách là một loại nhạc xuất hiện vào khoảng năm 1928. Ðó là một thể nhạc lấy nhạc ngữ Tây phương làm nền tảng (thang âm thất cung do-ré-mi-fa-sol- la-si-do, hòa âm phối khí, nhạc khí Tây phương vv...).

Lịch sử tân nhạc Việt Nam có thể chia thành năm giai đoạn:

1. Giai đoạn tượng hình (1928-1937)

2. Giai đoạn thành lập (1938-1945)

3. Giai đoạn kháng Pháp (1946-1954)

4. Giai đoạn đất nước chia đôi (1954-1975)

5. Giai đoạn di tản (từ 1975 trở đi)
 

1.Giai đoạn tượng hình (1928-1937)

Nói cho đúng thì sự phát xuất đầu tiên của âm nhạc cải cách khởi xướng từ loại nhạc đàn tài tử trong Nam với những nhạc phẩm mới của thầy ký Trần Quang Quờn khoảng trước thế chiến thứ nhứt (1914-1918)

Nghệ sĩ cải lương tiền phong Tư Chơi (tên thật là Huỳnh Thủ Trung) đã sáng tác một số bài hát ta theo điệu tây như "Tiếng nhạn trong sương", "Hòa duyên", đồng thời viết bài Việt cho một số bài Tây thịnh hành thời đó như "Marinella" (trong vở tuồng Phũ Phàng). Một số bản nhạc Pháp được dịch ra lời Việt như "Pouet Pouet " (trong tuồng Tiếng Nói Trái Tim), "Tango mystérieux " (trong tuồng Ðóa Hoa Rừng), "La Madelon " (trong tuồng Giọt Lệ Chung Tình), vv..

Nghệ sĩ Bảy Nhiêu có sáng tác bài "Hoài Tình" trở thành một bản rất được ưa chuộng . Năm 1930, đảng cộng sản Ðông Dương được thành lập và bài ca của Ðình Như "Cùng Nhau Ði Hồng Binh" được sáng tác trong tù và đi liền với phong trào kháng Pháp.

Có một số bản nhạc được viết ra trước thế chiến thứ hai như « Bẽ Bàng » (1935), « Nghệ Sĩ Hành Khúc » (1936) của Lê Yên, « Bóng Ai Qua Thềm » (1937)của Văn Chung, « Xuân Năm Xưa »(1936) của Lê Thương , « Biệt Ly » (1939) của Doãn Mẫn, vv…

Vào khoảng năm 1937, phong trào "ái Tino" lên rất cao tại Việt Nam. Trên làn sóng điện, trong rạp hát, tại các vũ trường, nơi tư nhân đâu đâu cũng nghe những âm điệu du dương của nhạc sĩ Vincent Scotto qua giọng hát êm ả của Tino Rossi.

2.Giai đoạn thành lập (1938-1945)

Phong trào chuyển theo hướng làm thay đổi sở thích của giới trẻ. Trước mối nguy vọng Pháp và trong tinh thần bảo vệ nghệ thuật của dân tộc, một số nhạc sĩ Việt Nam ra tay sáng tác nh"ng bản tân nhạc đầu tiên. Ðó là vào năm 1938. Ở miền Bắc lúc ấy có Thẩm Oánh (định cư tại Hoa kỳ và từ trần năm 1996) , Dương Thiệu Tước (từ trần năm 1998 tại Việt Nam) , Trần Quang Ngọc, Lê Thương (từ trần năm 1996 tại Việt Nam). Trong Nam thì có Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Xuân Khoát, Phạm Ðăng Hinh. Tháng 3, 1938, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên được chánh phủ bảo hộ Pháp gởi ra Hà Nội để thuyết trình về âm nhạc cải cách hầu tạo một phong trào mới.

Vào tháng 9, 1938, báo Ngày Nay đã góp công vào phong trào phổ biến nhạc mới bằng cách đăng những bài tân nhạc đầu tiên. Từ năm 1938 tới 1942 báo Ngày Nay đã đăng "Bông Cúc Vàng", "Kiếp Hoa" của Nguyễn Văn Tuyên, "Bình Minh", "Ðàn Xuân "của Nguyễn Xuân Khoát, "Khúc Yêu Ðương" của Thẩm Oánh, "Bản Ðàn Xuân" của Lê Thương, "Ðám Mây Rừng " của Phạm Ðăng Hinh, "Ðường Trường" của Trần Quang Ngọc.Báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy có đăng bản "Con Thuyền Không Bến " của Ðặng Thế Phong.

Các nhạc sĩ Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Trần Dư, Vũ Khánh, Phạm Văn Nhượng cùng nhau thành lập nhóm MYOSOTIS. Trong nhóm này có hai xu hướng:

1. sáng tác nhạc mới nhưng có âm hưởng nhạc dân tộc do Thẩm Oánh chủ trương.

2. sáng tác hoàn toàn theo nhạc ngữ Tây phương do Dương Thiệu Tước cầm đầu.

Ít lâu sau, một nhóm khác gồm vài nhạc sĩ trẻ đầy nhiệt quyết thành lập nhóm TRICEA gồm Văn Chung, Lê Yên, Dzoãn Mẫn. Nhóm này chịu ảnh hưởng nhạc Trung Quốc lúc đầu, về sau phảng phất âm hưởng Âu châu và phải rả sớm. Nhóm Ðồng Vọng ở Hải Phòng có các nhạc sĩ Hoàng Quý, Văn Cao, Canh Thân. Nhóm Ðồng Vọng do Hoàng Quý điều khiển ra đời chuyên về nhạc hướng đạo lúc đầu và sau đó tích cực đóng góp trong việc phổ biến nhạc mới.

Lê Thương lúc đó giảng dạy tại trường trung học Lê Lợi. Một số tráng sinh hướng đạo có nh"ng tên đi vào lịch sử âm nhạc Việt Nam như Canh Thân, Phạm Ngữ, Hoàng Quý đã sáng tác những bài nhạc đáng kể như "Nhớ Quê Hương" (Phạm Ngữ), và "Chùa Hương" (Hoàng Quý).

Tỉnh Nam Ðịnh chứng kiến sự chào đơì của hai bài "Ðêm Thu" và "Con Thuyền Không Bến" của nhạc sĩ đoản mệnh Ðặng Thế Phong.

Hai bài nhạc Nhựt "Hà Nhựt Quân Tái Lai " (Bao giờ anh trở lại ) và "Shina No Yoru " (Ðêm Trung Hoa) trích trong phim "Ðêm Trung Hoa" (Nuit de Chine) đã gợi hứng cho nhạc sĩ Việt Nam thời bấy giờ sáng tác nhạc Việt, tạo thành phong trào "Người Việt hát nhạc Việt ".

1939: thế chiến thứ hai bùng nổ tại Âu Châu. Nh"ng bài "Việt Nam Bất Diệt" của Hoàng Gia Linh, "Trên Sông Bạch Ðằng" của Hoàng Quý, "Tiếng Gọi Sinh Viên" của Lưu Hữu Phước đã làm sống dậy tinh thần yêu nước của tuổi trẻ.

Tân nhạc trong hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ đã đóng một vai trò đáng kể và từ đó phát triển rất mạnh. Phong trào tân nhạc đã được đưa lên cao tột đỉnh với Tổng Hội Sinh Viên trong giai đoạn lịch sử 1943-1945. Nhạc sĩ đi liền với Tổng Hội Sinh Viên không ai khác hơn là Lưu Hữu Phước. Những bài hát làm ra đúng thời, đúng lúc và vẫn còn sống mãi trong tim đa số người Việt ngày hôm nay (nhứt là những ngươì vào tuổi ngũ tuần trở đi). Những ai đã 3

sống trong thời kháng chiến chống Pháp vẫn còn nhớ những bài gợi lên những giai đoạn lịch sử Việt Nam như "Ải Chi Lăng", "Bạch Ðằng Giang", "Hội Nghị Diên Hồng", hay những bài khích động thanh niên như "Tiếng Gọi Sinh Viên" (đổi thành Tiếng Gọi Thanh Niên, và cũng là bài quốc ca của thơì Ngô Ðình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu). "Lên Ðàng" hay với thiếu nữ như "Thiếu Nữ Việt Nam", hay những bài gắn liền với lịch sử như "Kinh Cầu Nguyện", "Hồn Tử Sĩ" (bài mà trong bất cứ chương trình đấu tranh của người Việt di tản vẫn còn dùng để tưởng nhớ các chiến sĩ tử trận) . Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là người đầu tiên sáng tác nhạc ca kịch trong kịch thơ "Tục Lụy" của Khái Hưng và Thế Lữ và tiểu ca kịch "Con Thỏ Ngọc". Nguyễn Ðình Thi sáng tác bài "Diệt Phát Xít" thúc đẩy dân chúng nổi lên chống Nhựt Bổn.

Lúc bấy giờ ở tại Sài Gòn, chỉ lẻ tẻ vài hội hoạt động về nhạc cải cách. Hội Nam Kỳ Ðức Trí Thể dục mời bà nhạc sĩ dương cầm Louise Nguyễn Văn Tỵ (tên thật là Thái Thị Lang) trình diễn piano với những bài do bà sáng tác. Nhạc sĩ quá cố Võ Ðức Thu trình bày nhạc phẩm "Việt Nam Tân Ðiệu". Từ Bắc tới Nam, nhạc sĩ tân nhạc bắt đầu mọc lên như nấm.

Trong giai đoạn 1944-1945, nhiều bài bạn tôn giáo như "A Di Ðà Phật" của Thẩm Oánh được hát nhân ngày khánh thành trùng tu chùa quan sứ Hà Nội vào cuối năm 1942 hay bài "Sám Hối" và nhiều ca khúc khác của Nguyễn Hữu Ba và Văn Giảng sáng tác tại Huế. Nhạc đoàn Lê Bão Tịnh gồm các nhạc sĩ Hùng Lân, Hải Linh, Tâm Bảo, Thiên Phụng đã sáng tác tập Cung Thánh gồm hàng trăm bài Thánh ca Thiên chúa giáo (1944-1945).

Giai đoạn 1945-1946 đánh dấu cuộc chiến tranh bùng nổ tại Việt Nam vừa sau trận thế chiến thứ hai. Các nhạc sĩ lo sáng tác nhạc chiến đấu như Văn Cao với "Tiến Quân Ca" (trở thành Quốc Ca của chế độ cộng sản miền Bắc từ năm 1945, và được dùng làm Quốc Ca của Việt Nam Xã hội chủ nghĩa từ năm 1976 sau khi thống nhứt đất nước), "Chiến Sĩ Việt Nam ", như Ðỗ Nhuận với "Nhớ Chiến Khu ", như Phạm Duy với "Chiến Sĩ Vô Danh ", "Xuất Quân ", như Lưu Hữu Phước với "Ðoàn Quân Ma ", như Phan Huỳnh Ðiểu với "Giải Phóng Quân ", như Thẩm Oánh với "Việt Nam Phục Quốc ". Song song vơí những sáng tác chiến đấu, tình cảm vẫn còn rung động trong nguồn hứng qua các bài "Thiên Thai " (Văn Cao), "Ðêm Ðông " (Nguyễn Văn Thương), "Xuân và Tuổi Trẻ " (La Hối), "Mùa Ðông Binh Sĩ " (Phan Huỳnh Ðiểu), "Dạ Khúc " (Nguyễn Mỹ Ca), "Ðêm Tàn Bến Ngự " (Dương Thiệu Tước), " Cây Ðàn Bỏ Quên " (Phạm Duy), "Mơ Hoa " (Hoàng Giác), "Cô Lái Ðò" (Thẩm Oánh), "Suối Mơ " (Văn Cao), "Hẹn Một Ngày Về " (Lê Hữu Mục), "Ði Chơi Chùa Hương " (Trần Văn Khê/Nguyễn Nhược Pháp).

Các nhạc sĩ đã dùng nhạc để diễn tả những bài thơ lãng mạn của Đoàn Phú Tứ (« Màu Thời Gian » nhạc Nguyễn Xuân Khoát), của Lưu Trọng Lư ( « Tiếng Thu » nhạc Phạm Duy), của Nguyễn Bính (« Cô Lái Đò » nhạc Nguyễn Đình Phúc) . Các đề tài lãng mạn của Tự Lực Văn Đoàn tạo nguồn hứng cho một vài nhạc phẩm như « Bướm Hoa » của Nguyễn Văn Thương , hay « Cô Hái Hoa » của Hoàng Giác .

Nhạc nhà thờ với nhạc sĩ Hùng Lân (tù trần năm 1986 tại Việt Nam), nhạc quân đội với Đinh Ngọc Liên khởi xướng trong giai đoạn sơ khai này .

Trước năm 1945, nhạc dành cho trẻ em rất hiếm. Hoàng Quý có viết một số bài vì ông là huynh trưởng của đoàn hướng đạo Hải Phòng . Phạm Văn Xung đã đưa nhiều bản nhạc trẻ em Tây phương với lời Việt vào phong trào hướng đạo. Một số rất ít nhạc phẩm của Nguyễn Xuân Khoát như « Con Voi », « Thằng Bờm », hay của Lê Thương như « Thằng Cuội » được xem như là những ca khúc trẻ em đầu tiên của Việt Nam . Sau 1945, Phong Nhã là người đầu 4

tiên thật sự viết ca khúc cho trẻ em như « Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi nhi đồng », « Kim Đồng », « Nhanh Bước Nhanh Nhi Đồng », vv…

3.Giai đoạn kháng pháp (1946-1954)

Giai đoạn kháng Pháp (1946-1954) bắt đầu từ tháng 12, 1946 đã chứng kiến sự chào đời của một số nhạc khúc tranh đấu mãnh liệt. Ða số các nhạc sĩ đã rời cuộc sống xa hoa của thủ đô và các thành phố để tự nguyện dấn thân vào cuộc kháng chiến toàn quốc. Từ đó, âm nhạc Việt Nam bước vào một giai đoạn mới. Tại vùng bị chiếm, âm nhạc vẫn tiếp tục theo chiều hướng nhạc tr" tình, lãng mạn, hay nhạc nói lên những hình ảnh dân tộc Việt, phong cảnh Việt. Có thể kể một số bài bản điển hình như "Người Hà Nội " (Nguyễn Ðình Thi), "Làng Tôi " (Văn Chung), "Quê Em " (Nguyễn Ðức Toàn), "Rạng Ðông " (Hùng Lân), "Tình Ca" (Phạm Duy), "Bà Mẹ Quê" (Phạm Duy), "Vợ Chồng Quê " (Phạm Duy), "Em Bé Quê " (Phạm Duy), "Ngày Trở Về " (Phạm Duy), "Mơ Khúc Tương Phùng " (Văn Phụng), "Ai Về Sông Tương "(Thông Ðạt), "Tiếng Thời Gian " (Lâm Tuyền), "Hòn Vọng Phu 1,2,3 " (Lê Thương), "Hòa Bình 48 " (Lê Thương), "Liên Hiệp Quốc " (Lê Thương), "Chúc Tết " (Lê Thương), "Tiếng Thùy Dương " (Lê Thương), vv....

Với thể hành khúc, ca khúc chiến đấu, âm điệu hùng tráng lúc đầu dựa theo các điệu diễn binh của Pháp, rồi dần dần hấp thụ và chuyển biến thành những hành khúc mang màu sắc dân tộc. Qua những nhạc khúc đi sâu vào lòng dân tộc thời bấy giờ như "Du kích Sông Thao", "Chiến Thắng Ðiện Biên " của Ðỗ Nhuận, "Sông Lô" của Văn Cao, "Tiểu Ðoàn 307 " của Nguyễn Hữu Trí, "Bộ Ðội Về Làng" của Lê Yên, "Quê Tôi Giải Phóng " của Văn Chung. "Hò Kéo Pháo" của Hoàng Vân, nhạc đấu tranh đã thành công trong việc kết hợp ngôn ngữ âm nhạc Tây phương và âm điệu dân tộc dựa trên thang âm ngũ cung. Bác và đảng cũng là một đề tài mới mẻ đã sinh ra một bài như "Ca Ngợi Hồ Chủ Tịch" của Văn Cao, "Biết Ơn Cụ Hồ" của Lưu Bách Thụ, và "Chào Mừng Ðảng Lao Ðộng Việt nam " của Lưu Hữu Phước, vv....

Trong giai đoạn này , tại Pháp trong những năm 1949 tới năm 1951, hãng dĩa ORIA đã thu mấy chục dĩa nhựa 78 vòng tiếng hát của các ca sĩ Hải Minh (biệt hiệu của giáo sư Trần Văn Khê), Bích Thuận, Hoàng Lan, Văn Lý (tức nhạc sĩ Nguyễn Văn Thông) những ca khúc của Lưu Hữu Phước (« Hội nghị Diên Hồng »), Phạm Duy (« Chiến sĩ vô danh »), Lê Thương (« Tiếng Thùy Dương », « Hòa Bình 48 »), Võ Ðức Thu (« Quyết Tiến »), Nguyễn Hữu Ba ( « Lửa Rừng Ðêm »), Đan Trường (« Trách Người Đi ») vv...

Giai đoạn thứ nhì của lịch sử tân nhạc khởi sự từ sau hiệp định Genève (1954) cho tới lúc mất Saigon (30 tháng 4, 1975).

4. Giai đoạn đất nước chia đôi (1954-74)

Hiệp định Genève được ký vào tháng 7,1954. Ðất nước Việt Nam bị chia đôi. Vĩ tuyến 17 được tạm dùng làm ranh giới cắt đôi xứ Việt Nam. Miền Bắc với chế độ xã hội chủ nghĩa, và miền Nam với chế độ dân chủ cộng hòa.

A. Nhạc mới tại miền Bắc

Với đường lối cộng sản, với sự ảnh hưởng âm nhạc của Trung Quốc và Nga sô ngày càng sâu đậm theo tỷ số ngày càng cao của các nhà soạn nhạc được gởi đi du học ở các nước cộng sản. Bốn chủ đề được khuyến khích để phát triển:

1.Hồ chí Minh. Tên của Hồ Chí Minh được dùng làm nguồn hứng cho một số sáng tác như " Việt Bắc nhớ Bác Hồ" (Phạm Tuyên), "Hồ Chí Minh Ðẹp Nhất Tên Người " (Trần Kiết Tường), "Ðôi Dép Bác " (Văn An), " Nhớ Ơn Hồ Chí Minh" (Tô Vũ), "Lời Ca Dâng Bác " (Trọng Loan), "Trồng Cây Lại Nhớ Ðến Người" (Ðỗ Nhuận), vv....

2. Phong cảnh và tâm hồn Việt Nam cũng gợi cho một số nhạc sĩ viết những nhạc phẩm như "Quảng Bình Quê Ta Ơi" (Hoàng Vân), "Vàm Cỏ Ðông " (Trương Quang Lực), "Tây Nguyên Bất Khuất" (Văn Ký), "Bài Ca Hà Nội " (Vũ Thành), "Trường Sơn Ðông, Trường Sơn Tây" (Hoàng Hiệp), "Một Khúc Tâm Tình Của Người Hà Tĩnh " (Nguyễn Văn Tý), "Những Cô Gái Ðồng Bằng Sông Cửu Long" (Huỳnh Thơ), « Cô Gái Sài Gòn Đi Tải Đạn » (Lư Nhất Vũ), « Tiếng Về Sài Gòn » (Huỳnh Minh Siêng), « Sài Gòn Quật Khởi » (Hồ Bắc), « Hướng Về Hà Nội » (Hồ Bắc), vv...

3. Dân tộc thiểu số là một đề tài mơí cho những sáng tác như "Tiếng Ðàn Tà Lư" (Huy Thục), "Cô Gái Cầm Ðàn Lên Ðỉnh Núi" (Văn Ký), "Bản Mèo Ðổi Mới" (Trịnh Lai), "Em Là Hoa Pơ Lang" (ÐứcMinh), "Bóng Cây Kơ Nia" (Phan Huỳnh Ðiểu).

4. Giai đoạn kháng Mỹ, Giải phóng miền Nam (1965-1975) là một động cơ thúc đẩy những nhà sáng tác âm nhạc sản xuất những bản nhạc như "Anh Vẫn Hành Quân" (Huy Du), "Chào Anh Giải Phóng Quân" (Hoàng Vân), "Lời Anh Vọng Mãi Ngàn Năm - Nguyễn Văn Trỗi " (Vũ Thành), "Bài Ca Năm Tấn" (Nguyễn Văn Tý), "Lá Thư Hậu Phương" (Phạm Tuyên), "Trai Anh Hùng, Gái Ðảm Ðang" (Ðỗ Nhuận), "Bài Ca May Áo" (Xuân Hồng), "Hành Khúc Giải Phóng" (Lưu Nguyễn Long Hưng tức Lưu Hữu Phước), "Giải Phóng Miền Nam" (Huỳnh Minh Siêng , một biệt hiệu khác của Lưu Hữu Phước). Bài "Giải Phóng Miền Nam" được dùng làm quốc ca của Mặt trận giải phóng từ năm 1960 tới năm 1975.

Sau khi "giải phóng " miền Nam ngày 30 tháng 4,1975, một số bản nhạc được chào đời : "Tiếng Hát Thành Phố Mang Tên Người" (Cao Việt Bách), "Bài Ca Thống Nhứt" (Võ Văn Di), "Ðất Nước Trọn Niềm Vui" (Hoàng Hà), "Bài Ca Xây Dựng" (Hoàng Vân), vv..... Ngoài bốn chủ đề trên, các nhạc sĩ miền Bắc cũng có sáng tác cho những nhạc khí cổ truyền qua những nhạc phẩm như : "Vì Miền Nam" cho độc huyền và dàn nhạc giao hưởng của Huy Thục, "Vững Một Niềm Tin" cho đàn nguyệt của Xuân Bá, "Vũ Khúc Tây Nguyên" cho đàn độc huyền của Ðỗ Nhuận, "Hội Mùa" cho sáo của Ðinh Thìn, "Tình Quê Hương" cho đàn nhị của Thao Giang, "Kể Chuyện Quê Hương" cho đàn tỳ bà của Mai Phương, "Bình Minh Trên Reo Cao" cho đàn tranh của Phương Bảo. Đa số những sáng tác cho nhạc khí cổ truyền đều do chính tác giả trình diễn như các nhạc sĩ Đức Tùy, Ngọc Phan , Đinh Thình với sáo trúc, Mai Phương với đàn tỳ bà, Hồ Khắc Chí với đàn bầu, Kim Oanh với đàn trưng, klôngput, Phương Bảo với đàn tranh, Thao Giang, Thế Dân. Riêng về đàn bầu có khá nhiều nhạc sĩ sáng tác đóng góp như Huy Thục, Hoàng Đạm, Hoàng Vân, Đức Nhuận, Huy Du, Đinh Long, Xuân Khải, Khắc Chí, Văn Thắng , Xuân Tứ, Hồng Thái , Quốc Lộc được các nhạc sĩ trình diễn sau đây độc tấu : Mạnh Thắng, Đức Nhuận, Đoàn Anh Tuấn, Nguyễn Tiến, Khắc Chí, Nguyễn Chương, Thanh Tâm, Xuân Ba, Ngọc Hướng.

Sau khi hiệp định Giôneo ( Accord de Genève) ký xong, nhiều đoàn ca múa chuyên nghiệp của các quốc gia Liên Xô và Đông Âu tới Hà nội trình diễn với những màn hợp xướng làm cho các nhạc sĩ Việt Nam thời đó quan tâm tới việc soạn ca khúc nhiều bè . Những sáng tác đầu tiên vào năm 1955 như « Hò Đẵn Gỗ » (Đỗ Nhuận), « Sóng Cửa Tùng » (Doãn Nho), « Chiến Sĩ Biên Phòng » (Huy Thục), cũng như trong năm 1956

và 1957 với « Ta Đã Lớn », « Hò Kiến Thiết » (Nguyễn Xuân Khoát), « Tiếng Chim » (Lưu Cầu), « Tiếng Hát Người Chiến Sĩ Biên Thùy » (Tô Hải , 1958), vv…

Từ 1960 tới 1975, song song với lớp nhạc sĩ đi đầu như Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Lương Ngọc Trác, sau đó tới Doãn Nho, Tô Hải, Lưu Cầu, Vân Đông, Hoàng Hà, Hồ Bắc, Huy Thục, La Thăng, một số nhạc sĩ trẻ (Trọng Bằng, Cao Việt Bách, Đỗ Dũng, Hoàng Bội, Thế Bảo) chú ý tới soạn vừa cho hát và nhạc khí xuất hiện và đẩy mạnh phong trào sáng tác hợp xướng ở miền Bắc .

Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát thể nghiệm vở thanh xướng kịch (một loại trường ca) đầu tiên « Vượt Sông Cái » vào năm 1955, và Đàm Linh viết vở « Nguyễn Văn Trỗi » theo lời thơ của Chu Điền vào năm 1965.

Ảnh hưởng nhạc cổ điển Tây phương được thể hiện trong những bài hát dân ca, những giao hưởng khúc, những "opera" (kịch hát) với phương pháp phối âm phối khí theo nhạc ngữ Tây phương do các nhạc sĩ được gởi đi tu nghiệp ở các viện âm nhạc các quốc gia cộng sản. Nguyễn Ðình Tân, Ðàm Linh, Nguyễn Văn Nam, Trọng Bằng, Ðỗ Nhuận, Văn Ký đều du học ở Nga Sô, Hoàng Việt ở Bảo Gia Lợi, Nguyễn Văn Thương ở Ðông Ðức, Hoàng Ðàm, Hoàng Vân ở Trung Quốc, Nguyễn Tài Tuệ ở Bắc Hàn. Những kịch hát (opera) Việt hóa được thành hình như "A Sao" và "Người Tạc Tượng" của Ðỗ Nhuận, "Bên Bờ Krong Pa" của Nhật Lai, "Bông Sen" của Lưu Hữu Phước và Nguyên Vũ, "Quê Hương" của Hoàng Việt.

Một xu hướng mới được phát hiện sau khi đất nước bị chia đôi, đó là thể loại sáng tác bài ca không lời theo cấu trúc cổ điển Tây phương dùng cho dàn nhạc hơn là hát . Các nhạc sĩ Lưu Cầu (« Quê Hương »), Nguyễn Văn Thương, Chu Minh (« Bài Ca Không Lời »), Tô Vũ (« Trăng Cung Hồ »), Hồng Đăng , Văn Ký, Lê Lôi, Huy Du (« Miền Nam Quê Hương Ta Ơi »), Ca Lê Thuần (12 préludes không tiêu đề), Minh Khang (10 préludes), Hoàng Dương (« Giai Điệu Quê Hương »), Hoàng Cương , Sơn Ngọc Hoàng , vv… Rồi các loại khác như vũ khúc chú trọng đến các vũ điệu các sắc tộc miền núi như các tác phẩm « Vũ Khúc Tây Nguyên » (Hoàng Đạm), « Tây Nguyên Vui Chiến Thắng » (Nguyễn Văn Thương), « Rừng Xuân Tây Nguyên » (Vĩnh Cát), « Vũ Khúc Hơ Rê » (Hoàng Dương), « Vũ Khúc Tây Bắc » (Trọng Bằng), vv…

Các loại khác như Scherzo ( « Lý Ngựa Ô » của Nguyễn Tuấn), Ru Con (« Hát Ru cho piano » của Nguyễn Đình Tấn), Sérénade ( « Chiều Quê Hương » cho piano và violon của Nguyễn Thị Nhung), Fantaisie (« Fantaisie số 1 » của Quang Hải), Rhapsodie (« Bài Ca Chim Ưng » của Đàm Linh), Sonate (« Người Về Đem Tới Ngày Vui » của Trọng Bằng ), Symphonie (Giao hưởng khúc) (« Quê Hương » của Hoàng Việt) được sự hưởng ứng của nhiều nhạc sĩ .

Một loại hình khác là Ca kịch nhỏ (operette như « Tục Lụy » của Lưu Hữu Phước), kịch hát nói (« Căn Nhà Màu Hồng Ngọc » của Hoàng Vân) và điện ảnh . Tác giả đầu tiên của nhạc phim ảnh là Nguyễn Đình Phúc (phim « Chung Một Dòng Sông », « Lửa Trung Tuyến ») đã tạo nên một trường phái viết nhạc phim . Các nhạc sĩ khác như Trọng Bằng (« Cù Chính Lan », « Biển Lửa »), Hồng Đăng (« Hà Nội Mùa Chim Làm Tổ ») , Hoàng Vân ( « Con Chim Vành Khuyên »), Đàm Linh ( « Đường Về Quê Mẹ »), Trọng Đài ( « Canh Bạc »), Đặng Hữu Phúc (« Tướng Về Hưu ») tiếp nối và phát triển mạnh mẽ nhạc phim ở Việt Nam .

B. Nhạc mới tại miền Nam

Song song với sự phát triển nhạc tại miền Bắc, luồng sóng người Bắc di cư vào miền Nam sau hiệp định Genève đã mang theo rất nhiều nhạc sĩ , và văn nghệ sĩ. Trong một chiều hướng tự do, các nhạc sĩ đã cùng nhau thi đua sáng tác qua nh"ng khuynh hướng và chủ đề mà tôi tạm chia thành bốn giai đoạn:

1. Nhạc tình tự dân tộc (1954-63)

2. Nhạc tình cảm lãng mạn (1963-1975)

3. Nhạc phản chiến xuống đường (1966-1975)

4. Du ca và nhạc trẻ (1968-1975)

1.Nhạc tình tự dân tộc (1954-1963)

Trong giai đoạn đầu này, miền Nam trở thành đệ nhất cộng hòa dươí thời cố tổng thống Ngô Ðình Diệm. Những bài hát bộc lộ, thể hiện hình ảnh dân tộc, đất nước, cũng như đơì lính chiến được dùng làm đề tài để sáng tác. "Con đường cái quan" (Phạm Duy), "Mẹ Việt Nam", và "Tâm Ca" của Phạm Duy là những thiên trường ca nói lên cái đẹp của quê hương. Nhiều nhạc sĩ khác đã đóng góp rất nhiều như Lam Phương với "Khúc Ca Ngày Mùa", "Chiều Hành Quân", như Lê Trọng Nguyễn với "Nắng Chiều", như Lê Trạch Lựu với "Em Tôi", như Trần Văn Trạch với "Chiến Xa Việt Nam", "Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia", "Chiếc Xe Lửa Mùng Năm", như Nguyễn Văn Ðông với "Chiều Mưa Biên Giới", "Mấy Dặm Sơn Khê", như Huỳnh Anh với "Mưa Rừng", như Hoàng Thi Thơ với "Gạo Trắng Trăng Thanh", "Tìm Anh", như Trịnh Hưng với « Lối Về Xóm Nhỏ », « Tôi Yêu ».

2.Nhạc tình cảm lãng mạn (1963-1975)

Ðệ nhị cộng hòa bắt đầu tháng 11,1963 sau khi Ngô Ðình Diệm bị giết. Tình và Lính là hai chủ đề quan trọng nhứt. Ðời lính được nói tới nhiều qua một số nhạc phẩm: "Lính Nghĩ Gì ? (Hoài Linh), "Tình Anh Lính Chiến " (Lam Phương), "Lính Trận Mưa Xa" (Bằng Giang và Anh Châu), "Anh Tiền Tuyến, Em Hậu Phương" (Minh Kỳ), "Phiên Gác Ðêm Xuân" (Nguyễn Văn Ðông), "Trên Vùng Bốn Chiến Thuật" (Trúc Phương), "Người Ở Lại Charlie" (Trần Thiện Thanh), "Người Yêu Của Lính" (Anh Chương ), "Em Yêu Người Lính Chiến" (Thu Hồ), "Ngày Phép Của Lính" (Thanh Sơn), "Vì Yêu Anh Là Lính" (Y Vân), "Tình Lính" (Y Vân), "Lính Mà Anh" (Anh Thy), "Người Lính Chung Tình" (Khánh Băng), "Hai Người Lính Tâm Sự" (Thanh Sơn), "13 Tuổi Lính" (Lê Dinh-Minh Kỳ), "Ngày Tròn Tuổi Lính" (Lê Dinh-Dạ Cầm). Cho tới năm 1969, một số nhạc phẩm sau đây đã được rất đông người Việt miền Nam ưa thích và vẫn còn gợi lại trong lòng những người lìa xa đất nước ngày hôm nay. Như những tình khúc và các bài không tên nhứt là "Bài Không Tên Thứ Nhứt", "Bài Không Tên Số 2" của Vũ Thành An, "Mộng Dưới Hoa" (Phạm Ðình Chương-Ðinh Hùng), "Nửa Hồn Thương Ðau" (Phạm Ðình Chương-Cung Tiến-Thanh Tâm Tuyền), "Sang Ngang " (Ðỗ Lễ), "Giọt Mưa Trên Lá "(Phạm Duy), "Kỷ Vật Cho Em" (Phạm Duy) , "Nghìn Trùng Xa Cách" (Phạm Duy), "Nửa Ðêm Ngoài Phố" (Trúc Phương), "Lệ Ðá" (Hà Huyền Chi- Trần Trịnh), "Thôi " (Y Vân), "Căn Nhà Ngoại Ô" (Anh Bằng - T.H.), "Thương Quá Việt Nam" (Phạm Thế Mỹ), "Nỗi Lòng " (Nguyễn Văn Khánh), "Kiếp Nghèo" (Lam Phương), "Khi Ðã Yêu" (Phượng Linh), "Tình Yêu Ðã Mất " (Phạm Mạnh Cương), "100 phần 100" (Ngọc Sơn -Tuấn Hải), vv.... Khi bước sang 1970 cho tới khi Saigon bị thất thủ vào ngày 30 tháng 4, 1975, nhạc sĩ trẻ đã gây một tiếng vang lớn trong làng tân nhạc Việt Nam. Trần Thiện Thanh (cũng là ca sĩ Nhật Trường, sang định cư tại Hoa kỳ , 1993) là nhạc sĩ tiêu biểu cho giai đoạn tân nhạc thời này (1970-75). Những nhạc khúc của anh như "Mùa Ðông Của Anh", "Người Yêu Tôi Khóc", "Anh Không 8

Chết Ðâu Em", "Người Ở Lại Charlie", tả lại nỗi đau khổ của người lính , người tình ở tiền tuyến cũng như nỗi lo lắng của người sống hay chết sau chiến tranh. Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận những ca khúc khác cũng đánh dấu vai trò của nó trong giai đoạn này. Phạm Duy với "Mùa Thu Chết", "Em Hiền Như Ma Soeur" , Nguyễn Ánh 9 với "Không", « Buồn Ơi, Chào Mi », Châu Kỳ với "Tôi Viết Nhạc Buồn", Vũ Chương-Dạ Cầm với "Lần Ðầu Cũng Là Lần Cuối", Lê Dinh với "Nếu Mai Này", Lê Mộng Bảo với "Ve Sầu", Vũ Thành An với "Ðừng Yêu Tôi", Khánh Băng vơí "Nếu Một Ngày", Mai Bích Dung với "Cho Người Tình Nhớ" , Hoàng Thi Thơ với "Một Lần Cuối", Tùng Giang và Nam Lộc với "Anh Ðã Quên Mùa Thu", Ngân Giang với "Vỗ Ta Mừng Rạng Ðông", vv.... Cũng trong giai đoạn này (1963-1975) Phạm Duy là nhạc sĩ sáng tác nhiều nhạc phẩm nhất ở Việt Nam, và đa số các bản nhạc đều được ưa thích. Phạm Duy đã sáng tác trên 700 bài và nhiều tập nhạc về một chủ đề như "Bé Ca", "Tục Ca", "Tâm Phẫn Ca", "Ðạo Ca", "Bình Ca". Hoàng Thi Thơ là một trong một số ít nhạc sĩ đã thành công ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhạc mang nhiều dân tộc tính như "Gạo Trắng Trăng Thanh", "Rước Tình Về Với Quê Hương", nhạc quê hương như "Trơì Quê Hương Ta Xanh", "Mặt Trời Lại Sáng Quê Hương", nhạc hùng mạnh như "Những Người Không Biết Quay Lùi", "Quân Thù Nào", nhạc tình cảm như "Ðường Xưa Lối Cũ ", "Tà Áo Cưới", "Chuyện Tình Người Trinh Nữ Tên Thi". Hoàng Thi Thơ còn soạn một số nhạc cảnh như "Xe Phở Việt Nam", "Lão Hành Khất Mù Ðộc Ðáo", hay những trường ca như "Trường Ca Một Ngày Trọng Ðại", "Trường Ca Màu Hồng Sử Xanh", cũng như viết nhạc cho một số vũ điệu dân tộc ít người như múa xòe , múa sập, múa kơ ho, và những kịch hát như "Ả Ðào Say", "Cô Gái Ðiên". Lam Phương là nhạc sĩ miền Nam đã sáng tác mấy trăm nhạc phẩm và một số đã đi sâu vào lòng dân miền Nam vì giai điệu phản ảnh dân nhạc. Có thể kể như "Khúc Ca Ngày Mùa", "Chuyến Ðò Vĩ Tuyến", "Chiều Hành Quân", "Kiếp Nghèo", "Ðoàn Người Lữ Thứ" "Tình Anh Lính Chiến", "Nhạc Rừng Khuya", "Trăng Thanh Bình", "Ngày Tạm Biệt", vv... Trần Văn Trạch, một thiên tài của Việt Nam, giữ một ngôi vị độc tôn về nhạc hài hước trong lịch sử tân nhạc Việt Nam và đã đóng góp một số nhạc phẩm như "Tai Nạn TêLêPhôn", "Cái Ðồng Hồ", "Chiếc Xe Lửa Mùng Năm". Bài "Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia" của Trần Văn Trạch đã được sáng tác vào năm 1955 và đã nổi tiếng khắp miền Nam Việt Nam trong vòng 20 năm (tới năm 1975), một bài hát mà hầu như mọi người Việt Nam miền Nam đều đã được nghe vì là bài hát được trình bày mỗi tuần trước khi xổ số tại Saigon. Nhạc châm biếm xã hội đã được thể hiện qua ban tam ca AVT với những bản nhạc chịu nhiều ảnh hưởng của Chèo như "Trấn Thủ Lưu Ðồn", "Bán Nước", "Ba Bà Ði Bán Lợn Xề", vv....

3. Nhạc phản chiến - xuống đường (1966-1975)

Hiện tượng Trịnh Công Sơn tiêu biểu cho phong trào nhạc phản chiến tại miền Nam. Bắt đầu vào khoảng năm 1966, những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn với một nhạc ngữ mới lạ dựa vào dân ca Mỹ, Ái nhĩ lan, hay loại nhạc thể (modal music) của thời Trung Cổ bên Âu châu, đã chinh phục thế hệ trẻ qua giọng hát của Khánh Ly. Trịnh Công Sơn đã đánh trúng tâm lý của giới trẻ, một giới trẻ ngao ngán cuộc chiến, chỉ khao khát hòa bình. Năm 1968, Trịnh Công Sơn đã tung ra tập nhạc "Kinh Việt Nam" sau Tết Mậu Thân và đã kêu gào mọi người nên dừng tay giết nhau.

"Dân ta tàn phế 20 năm. Nước mắt và máu đã làm thành nh"ng con suối lớn chảy mòn tiềm lực sáng tạo. Ðã mươì năm nay, anh em ta săn đuổi nhau bằng hận thù giả tạo. Xin hãy dừng tay để mọi căn nhà Việt Nam co' thể mở rộng chờ đón một sớm mai hòa bình ".

"Cánh Ðồng Hòa Bình", "Ðồng Dao Hòa Bình", "Nối Vòng Tay Lớn" của Trịnh Công Sơn đã được vang dậy trong các buổi hát phản chiến. Tập nhạc "Ta Phải Thấy Mặt Trời " (1969) Trịnh Công Sơn gieo tiếp những hạt giống chống chiến tranh tại miền Nam một cách mãnh 9

liệt. Sự thành công của "Những Tình Khúc" (1967) của Trịnh Công Sơn với các bản "Nhìn Những Mũa Thu Ði", "Mưa Hồng", "Diễm Xưa", "Nắng Thủy Tinh", "Còn Tuổi Nào Cho Em", "Tôi Ru Em Ngủ", "Tình Sầu", "Tình Xa", "Ru Em", "Ru Ta Ngậm Ngùi", "Biển Nhớ", "Hạ Trắng ", "Cát Bụi", "Như Cánh Vạc Bay" đã tạo một chỗ đứng vững vàng trong làng tân nhạc Việt Nam. Từ đó mới nẩy sinh những bài hát kêu gọi hòa bình trong "Hãy Nói Giùm Tôi" trong "Ca Khúc Da Vàng". Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ nổi nhất trong vòng 10 năm chót của đệ nhị Cộng Hòa Việt Nam (1966-1975) với hàng trăm bản nhạc nói lên tình yêu, đau khổ bởi chiến tranh, kêu gọi hòa bình. Những chủ đề đó đã được thể hiện qua các tập "Ca Khúc Thần Thoại Quê Hương" , "Ca Khúc Da Vàng".

Song song với nhạc phẩm phản chiến của Trịnh Công Sơn, vào lúc sau Tết Mậu Thân 1968, mầm móng chóng đối chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ở Saigon bắt đầu nẩy nở ở tại các trường đại học văn khoa Saigon với Miên Ðức Thắng (tên thật là Nguyễn Văn Thắng), tác giả của những nhạc phẩm "Hát Từ Ðồng Hoang", "Lớn Mãi Không Ngừng". Phong trào học sinh và sinh viên xuống đường dưới sự lèo lái của Huỳnh Tấn Mẫm, chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Saigon lúc đó đã tạo thành một luồng gió mới đối với nền tân nhạc Việt. "Hát Cho Ðồng Bào Ta Nghe" ra đời giữa ngọn lửa đấu tranh của các thành thị miền Nam. "Hát Cùng Ðồng Bào Ta" , tập nhạc xuống đường thứ hai xuất bản vào năm 1971 đã đưa tiếng hát từ những công trường, bến tàu, những phường xóm lao động đến các học đường. Những bài hát xuống đường được giới sinh viên học sinh hát nhiều nhất lúc đó là "Sức Mạnh Nhân Dân »(Trương Quốc Khánh), "Tình Nghĩa Bắc Nam" (Nguyễn Văn Sanh), "Ðường Ta Ði Niềm Tin Lớn Mạnh" (Nguyễn Văn Sanh), "Phương Ðông Ðã Dậy Nắng Hồng" (Nguyễn La Nghi), "Qui Nhơn Ngời Ngời Biển Lửa" (thơ Trần Nhật Nam, nhạc Ðoàn Ðình Quang), "Hát Trên Ðường Ðường Tranh Ðấu" (Ðoàn Công Nhân), "Người Cha Bến Tàu" (ý thơ Võ Thiệu Quang, nhạc Trần Long Ẩn), "Không Ai Ngăn Nỗi Lời Ca" (La Hữu Vang), "Dậy Mà Ði" (Nguyễn Xuân Tấn). Tôn Thất Lập đã đóng góp nhiêù bản nhạc đi liền với phong trào sinh viên xuống đường như "Những Ngày Ðại Hội Ðấu Tranh", viết trong đại hội kỳ 2 tại đại học Vạn Hạnh, "Lúa Reo Trên Khắp Ðồng Bằng", "Từ Sông Hương đến Sông Hát", "Chúng Ta Ðã Ðứng Dậy", vv..... Phạm Thế Mỹ, một nhạc sĩ của đại học Vạn Hạnh đã viết "Hoa Vẫn Nở Trên Ðường Quê Hương ", "Những Người Không Chết ", "Thương Quá Việt Nam", "Bông Hồng Cài Áo" (qua y' thơ của Thích Nhật Hạnh).

5. Du ca và phong trào nhạc trẻ (1968-1975)

Phong trào du ca Việt Nam được thành lập năm 1966 tại Saigon cùng một lúc với phong trào làm công tác xã hội của thanh niên , sinh viên và học sinh; hai sáng lập viên của phong trào là các anh Nguyễn Quyết Thắng và Ðinh Gia Lập. Phong trào được bộ Quốc Gia giáo dục và thanh niên Việt Nam Cộng Hòa công nhận chính thức và cấp giấy phép hoạt động trên toàn quốc kể từ ngày 24 tháng giêng năm 1969.

Du ca là một đoàn thể hoạt động về văn nghệ phục vụ cộng đồng. Văn nghệ cộng đồng là hình thức văn nghệ trong đó cả người nghe lẫn người hát đều cộng tác với nhau, mục đích tác động tinh thần và cảm hóa ngươì nghe hơn là ru ngủ, để tất cả cùng ý thức và phục vụ cho cộng đồng, xứ sở . Người hát du ca trao đổi những khả năng chuyên môn qua sinh hoạt tập thể. Du ca viên gây tinh thần cộng đồng trong phạm vi khả năng của mình. Người du ca noí với mọi người bằng những lời tai nghe mắt thấy qua âm thanh tiếng nhạc, hoạt cảnh , hay vũ khúc, vv.. Những lọai nhạc du ca gồm có: thanh niên ca, thiếu niên ca, sinh hoạt ca, dân ca, sử ca, nhận thức ca, và những bài ca tình người. Phong trào du ca do anh Hoàng Ngọc Tuệ làm chủ tịch đến năm 1967 thì anh Ðỗ Ngọc Yến lên thay thế. Các huynh trưởng hướng dẫn cũng như cố vấn như Nguyễn Ðức Quang, Trầm Tử Thiêng, Phạm Duy, Lê Ðình Ðiểu, Ngô Mạnh Thu, Hà 10

Tường Cát, Trần Văn Ngô, Trần Ðại Lộc, Nguyễn Thanh, Nguyễn Khả Lộc, Phan Huy Ðạt, Tống Hoằng và Phương Oanh. Phong trào cũng quy tụ khá nhiều nhạc sĩ tên tuổi cũng như huấn luyện viên và các cây viết trẻ gồm có: Nguyễn Ðức Quang, Ngô Mạnh Thu, Trầm Tử Thiêng, Phạm Duy, Nguyễn Thanh, Anh Việt Thu, Giang Châu, Nguyễn Hữu Nghĩa, Phan Ni Tấn, và Nguyễn Quyết Thắng. Những tuyển tập nhạc du ca đã phát hành như: tuyển tập du ca 1, du ca 2, du ca 3, "Những Bài Ca Khai Phá", "Ta Ði Trên Dòng Lịch Sử" , "Những Ðiều Trông Thấy", "Sinh Hoạt Ca", "Những Khuôn Mặt Du Ca", "Hát Cho Những Người Sống Sót".

Phong trào du ca Việt Nam trước 1975 có tác dụng mạnh đối với các giới trẻ qua các toán ca diễn đó đây, trong học đường, ngoài sân cỏ, trên sân khấu, trong các đoàn thể bạn, hướng đạo, hay thanh sinh công (thanh niên, sinh viên, công nhân). Những ca khúc sinh hoạt của du ca là thức ăn nuôi dưỡng các đoàn thể để sinh hoạt. Du ca ra đời đúng lúc mọi người đang đòi hỏi một nền văn nghệ sống động, thức tỉnh và mới lạ, và cũng bởi niềm tỉnh thức đó, đâu đâu ta cũng nghe nh"ng bài hát quen thuộc. Thí dụ như bài "Việt Nam , Việt Nam " (Phạm Duy), "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ " (Nguyễn Ðức Quang), "Hát Từ Tim, Hát Bằng Hơi Thở" (Nguyễn Quyết Thắng), "Anh Sẽ Về" (Nguyễn Hữu Nghĩa, thơ Kinh Kha), "Xin Chọn Nơi Này Làm Quê Hương" (Nguyễn Ðức Quang), vv....

Phạm Duy cũng có đóng góp trong phong trào du ca với một số bài bản như "Sức Mấy Mà Buồn", "Thôi Bỏ Ði Tám". Tất cả những ca khúc trong phong trào du ca đều có mục đích kêu gọi thanh niên hãy tự hào, tin tưởng và hy vọng nơi tương lai. Dù khó khăn, dù gian nan, dù sao đi n"a, người dân Việt Nam nên chấp nhận Việt Nam là quê hương ngàn đời. Niềm hy vọng nhỏ nhoi chỉ lóe lên và chưa được bừng sáng thì 30tháng 4, 1975 đã đưa hàng trăm nghìn người ra đi trên đường di tản.

Nhạc trẻ là một hiện tượng âm nhạc xuất hiện tiên khởi vào đầu thập niên 60. Nhạc kích động Âu Mỹ bắt đầu xâm nhập thị trường miền Nam vào cuối năm 1959. Giới trẻ, con của các thương gia và giới trưởng giả theo học chương trình Pháp thường nghe các loại nhạc kích động của Mỹ và Pháp. Phải đợi tới khoảng 1963-65, phong trào nghe nhạc kích động tây phương bành trướng mạnh qua các buổi tổ chức khiêu vũ tại gia. Các danh ca của Mỹ như Paul Anka, Elvis Presley, The Platters, của Anh quốc nhu Cliff Richard, The Shadows, The Beatles, The Rolling Stones, của Pháp như Johnny Halliday, Sylvie Vartan, Françoise Hardy, Christophe, Dalida, vv.... là thần tượng của giới thanh niên nam nữ dưới 18 tuổi.

Những ban nhạc trẻ kích động mang những trên như C.B.C., The Dreamers, The Uptight, The Blue Jets, The Spotlights (sau đổi thành Strawberry Four với Tùng Giang, Ðức Huy, Tuấn Ngọc và Billy Shane - cả 4 người này hiện nay ở Mỹ và Billy Shane đã qua đời năm 1998). Một số ca sĩ Việt thích kèm theo tên ngoại quốc bên cạnh tên Việt như Elvis Phương (hiện ở Hoa Kỳ), Pauline Ngọc (không còn hát n"a và hiện sống bên Ðức), Prosper Thắng (sống ở Pháp và từ trần năm 1998), Julie Quang (hiện sống ở Mỹ), Carol Kim ( sống ở Mỹ),vv.. Họ nổi danh với các bản nhạc ngoại quốc hát bằng lời Pháp và Anh. Những hộp đêm Mỹ ngày càng nhiều từ 1968 trở đi càng khuyến khích số người hát nhạc Mỹ nhiều hơn nữa. Trước sự bành trướng mạnh mẽ của nhạc ngoại quốc nổi tiếng, Phạm Duy, Quốc Dũng, Nam Lộc, Tùng Giang, Trường Hải, vv... chuyển sang đặt lời Việt cho nhạc ngoại quốc.

Phải đợi tới năm 1971 mơí thấy xuất hiện đại hội nhạc trẻ đầu tiên được tổ chức tại sân Hoa Lư do Trường Kỳ (hiện ở Montreal, Canada), Tùng Giang (ở California, Hoa Kỳ), và Nam Lộc ( làm việc cho một cơ quan thiện nguyện USCC ở Los Angeles, Cali) đảm trách. Sự thành công của đại hội nhạc trẻ đầu tiên ở Saigon đã đẩy mạnh nhạc trẻ lên cao độ qua những 11

năm kế tiếp (1971 tại trường trung học Taberd với hơn 10.000 người nghe, và 1974 , năm chót trước khi mất Saigon tại vườn sở thú với trên 20.000 khán giả).

Những bản nhạc ngoại quốc như "The House of the Rising Sun", "Reviens la Nuit", "Tous les Garçons et les Filles", "Capri, c'est fini", "Bang Bang" , "Besame Mucho", "Only You", "My Prayer", "Be Bop Be Lu La", "Love Story", "Yesterday", "Michelle", etc... là những bài vẫn còn được "ăn khách" trong cộng đồng người Viẹt ở hải ngoại hiện nay. Loại nhạc trẻ không đóng góp gì vào gia tài của nền tân nhạc Việt Nam hay chỉ là loại nhạc bắt chước theo người Tây phương, không có gì là sáng tạo cả. Ðó là loại nhạc cuồng loạn, ru hồn thế hệ trẻ trong khung cảnh chiến tranh để cho họ tạm quên cảnh tương tàn của đất nước qua những bước nhảy tango, twist, be-bop, valse, pasodoble, rumba, cha cha cha, vv.. Một giai đoạn bị Mỹ hóa giữa thơì kỳ náo loạn.

Giai đoạn thứ ba của lịch sử tân nhạc Việt Nam kể từ khi hàng triệu người Việt bỏ xứ ra đi trên đường tạm dung sau ngày 30 tháng 4,1975 cho tới đầu thiên niên kỷ thứ ba

5.Nhạc di tản từ 30 tháng 4, 1975.

30 năm lặng lẽ trôi qua.30 năm đầy biến chuyển trong lịch sử thế giới nói chung và trong lịch sử Việt Nam nói riêng. Chỉ riêng về ngành âm nhạc Việt Nam, nhất là ở hải ngoại, số lượng bài bản tân nhạc , những ca khúc đã thay đổi nhiều đề tài, đã tăng số lượng theo một mức độ ngoài sức tưởng tượng của loài người. Những năm đầu của thời di tản cho thấy những băng nhựa đủ loại, từ các cuốn băng sao lại băng cũ thời trước 75, đến các băng được sản xuất tại Âu Mỹ do hàng chục trung tâm băng nhạc. Ðến năm 1988 mở màn cho giai đoạn dĩa laser loại compact disc. Chỉ trong vòng 5 năm (1988-1993) hàng nghìn dĩa laser tràn lan khắp nơi. Loại dĩa laser video phát triển từ 1992 lúc phong trào hát Karaoke khởi xướng mạnh tại Hoa Kỳ và Canada. Nhiều quán cà phê và quán phở, tiệm ăn ở Bắc Mỹ phải trang bị máy karaoke và luôn cả tư nhân cũng thích hát Karaoke vào cuối tuần trong những cuộc họp bạn tại gia. Gần đây hơn, các loại dĩa CDV, và DVD thay thế loại laserdisc làm bành trướng mạnh phong trào Karaoke tại tư gia. Video về tân nhạc cũng rất thịnh hành. Hàng mấy chục trung tâm băng nhạc xuất hiện tại Âu Mỹ và các ca sĩ tự lập các trung tâm sản xuất riêng. Trong phạm vi nhạc di tản, tôi chỉ đề cập tới tân nhạc Việt Nam ở hải ngoại. Tân nhạc Việt Nam ở hải ngoại (1975-2005) Giai đoạn di tản qua 25 năm cho thấy sức mạnh vô cùng mãnh liệt của ngươì Việt trong lĩnh vực sáng tác. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, con người làm văn nghệ lúc nào cũng hăng say tìm nguồn hứng qua những sáng tác âm nhạc. Một số nhạc sĩ ra đi trong đợt di tản đầu tiên gồm có Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Lam Phương, Nam Lộc, Song Ngọc, Tô Huyền Vân, Huỳnh Anh. Năm giai đoạn thể hiện lịch sử tiến triển của tân nhạc hải ngoại:

1. Nhớ Quê Hương, nhớ Saigon

Ðất nước vừa bị mất, quê hương phải lìa xa. Saigon vừa bị đổi tên. Niềm thất vọng tràn trề dâng cao trong lòng tất cả người dân Việt phải bỏ xứ ra đi trong uất hận, căm tức, tủi nhục. Toán người di tản ra đi đầu tiên đã đến Mỹ vào gi"a mùa xuân năm 1975. Phải đợi tới cuối thu 1975, một số nhạc sĩ có tên tuổi ở Saigon đã ra đi trong đợt đầu và trong số đó có Nam Lộc. Nam Lộc là người đã viết một bản nhạc vào cuối năm 1975 và là bài thành công nhứt trong giai đoạn đầu của di tản (1975-1980). Ðó là bài "Saigon Ơi ! Vĩnh Biệt ". Saigon , thành phố của bao kỷ niệm, của nhớ nhung, của hàng triệu con tim bi. rung động mỗi khi hai chữ Saigon được nhắc đến, là đề tài cho một số nhạc phẩm như "Saigon Ơi! Vĩnh Biệt !" (Nam Lộc , 1975), "Saigon Ơi ! Thôi Ðã Hết" (Nam Lộc , 1976), "Saigon, Bây giờ Buồn Không Em ?" (Song Ngọc, 1976), "Ðêm Qua Mơ Thấy Saigon" (Hoàng Thi Thơ, 1976), "Saigon 12

Niềm Nhớ Không Tên" (Nguyễn Ðình Toàn, 1977), "Khi Xa Saigon" (Lê Uyên Phương, 1980), "Bài Cuối Cho Saigon" (Song Ngọc, 1981), "Saigon Áo Xanh Nón Lá " (Anh Bằng - Vũ Kiện, 1981), "Trả lại Saigon Cho Tôi" , "Saigon Ra Ðường" (thơ Duyên Anh, nhạc Vũ Trung Hiền, 1982), "Saigon Năm Xưa "(Trần Quang Hải, 1985).

Ngày 9 tháng 5, 1976 tại Los Angeles, California, lễ kỷ niệm một năm xa xứ đã được một số nghệ sĩ Việt tổ chức một chương trình đại nhạc hội đầu tiên giống như ở Saigon cùng lúc với sự chào đời cuốn băng thực hiện lần đầu tại hải ngoại do n" ca sĩ Thanh Thúy hát với tựa cuốn băng Thanh Thúy 1: Saigon ơi! Vĩnh biệt đánh dấu một biến chuyển mấu chốt trong lĩnh vực tân nhạc di tản và sản xuất băng nhạc tại hải ngoại.

Ở Âu châu tại Paris, phải đợi tới tháng 9,1976 mới thấy sự bùng nổ của chương trình nhạc hội qua sự cố gắng của Lê Lai (đài VOA) từ Hoa Thịnh Ðốn sang Paris để tổ chức 4 buổi trình diễn tân nhạc, dân ca và ngâm thơ với Khánh Ly, Hoàng Oanh và sự cộng tác của nhạc sĩ Trần Quang Hải . Sự thành công của chương trình thi ca nhạc di tản đầu tiên đã khơi mào cho chương trình thi ca vũ nhạc kịch của đoàn Hoàng Thi Thơ từ Mỹ sang Pháp và Thụy Sĩ trình diễn vào cuối tháng 10, 1976.

Các trung tâm băng nhạc lần lần xuất hiện ở Mỹ và Pháp. Từ 1988 bắt đầu chuyển mình sang phong trào làm dĩa laser. Cả chục nghìn dĩa CD đã được tung ra trên thị trường băng nhạc Việt Nam từ 1987. Nhạc sĩ Phạm Duy là người đầu tiên đưa nhạc Việt vào dĩa CD do Phạm Duy Cường soạn hòa âm và sản xuất với tựa đề "Nhạc Tình Phạm Duy" vào cuối năm 1987. Vào đầu tháng 2, 1988, tại Paris, nhà sản xuất dĩa hát Pháp Playasound đã tung ra thị trường quốc tế dĩa laser đầu tiên về nhạc cổ truyền Việt Nam với Trần Quang Hải và Bạch Yến qua dĩa "Rêves et Réalités/Trần Quang Hải et Bạch Yến" (Giấc Mơ và Sự Thật).

Băng vidéo trở thành một món ăn tinh thần cần thiết cho cộng đồng người Việt hải ngoại. Trung tâm Thúy Nga trở nên một nơi phát hành các chương trình ca nhạc hay nhất từ 1989 trở đi với sự tuyển chọn ca sĩ, phối hợp vơí kỹ thuật thu hình do một cơ quan chuyên nghiệp Pháp đảm nhận. Phong trào Karaoke lan tràn vào giới nhạc Việt từ 1990.

2. Nhạc tranh đấu và kháng chiến

Sau ba năm im hơi 1975-1978), sống ẩn dật tại Miami (Florida) bên Mỹ trong khi chờ đợi các con (ban nhạc The Dreamers) còn kẹt lại ở Saigon (sau đó toàn ban nhạc The Dreamers đã được sang Mỹ và hiện định cư tại Midway City, California), trong khi ca sĩ Duy Quang đã nhờ Julie Quang (bây giờ chỉ mang tên Julie thôi sau khi chia tay với Duy Quang) để sang Pháp vào cuối năm 1978, Phạm Duy, người sáng tác nhạc nhiều nhất ở Việt Nam, lại xuất hiện lộ diện qua quyển nhạc "Hát Trên Ðường Tạm Dung" (1978). Bản "Tôi Ði Trên Ðường Tạm Dung" và bản "Nguyên Vẹn Hình Hài" của Phạm Duy đã là ngọn đuốc đốt cháy tạo nguồn hứng sáng tác cho một số nhạc sĩ trẻ để tung ra những nhạc phẩm tả nỗi uất ức oán hờn căm thù đi liền với phong trào phục quốc kháng chiến cùng lúc với sự xuất hiện của Võ Ðại Tôn và Hoàng Cơ Minh. Nguyệt Ánh , một hiện tượng mới trong làng tân nhạc từ 1980 bắt đầu sáng tác nhiều nhạc phẩm phục quốc qua những cuốn băng như "Em nhớ màu cờ", "Dưới Cờ Phục Quốc", vv... Tên Nguyệt Ánh đi liền với giai đoạn phục quốc, kháng chiến.

Việt Dzũng, một nhạc sĩ trẻ, hăng say kháng chiến, nói lên tiếng nói căm hờn qua các bản nhạc đầy ý chí trong hai cuốn băng "Lưu Vong Khúc" và "Kinh Tỵ Nạn" (1981). Trần Quang Hải và Bạch Yến đã sáng tác một số nhạc phẩm đấu tranh , điển hình nhất là "Thương Nhớ Quê Hương" (1978), "Cầu Mong Cho Mau Hòa Bình" (1978), và "Em Về Giữ Lửa" ( phổ thơ 13

của Minh Ðức Hoài Trinh, 1978) Chí nguyện đoàn hải ngoại phục quốc Việt Nam, với mục đích yểm trợ "chiến dịch người về" đã xuất bản hai cuốn băng "Hát Cho Những Người Về " (1981), và "Rực Lửa Trời Ðông" (1983) gồm những ca khúc nung nấu tinh thần kháng chiến ở hải ngoại và quốc nội. Nhiều chủ đề được tung ra qua một số băng nhạc sản xuất từ 1976-80 như "Tháng Tư Buồn", "Sài Gòn Vĩnh Biệt Tình Ta", "Ngày Quốc Hận 30 tháng 4, 75", "Người Di Tản Buồn", "Hát Cho Người Tìm Tự Do", "Quê Hương Bỏ Lại", vv...

3. Nhạc tả lại cảnh lao tù Việt Nam

Năm 1981, Phạm Duy sáng tác 20 bài lấy tựa là "Ngục Ca" qua lời thơ của ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện trong tập thơ "Tiếng Vọng Từ Ðáy Vực" . Hà Thúc Sinh sáng tác trong thời gian học tập cải tạo ở Việt Nam . Sau khi vượt biển , được định cư tại Mỹ, đã xuất bản tập nhạc "Tiếng Hát Tủi Nhục" (1982). Châu Ðình An, một nhạc sĩ trẻ , đã đóng góp qua tập nhạc "Những Lời Ca Thép " (1982). Phạm Duy, Lê Uyên Phương, Nguyệt Ánh, Việt Dzũng, Nguyễn Ðức Quang ở Mỹ, Nguyễn Hữu Nghĩa, Phan Ni Tấn, Vy Hùng ở Canada, Trần Quang Hải, Duyên Anh, Ngô Càn Chiếu ở Pháp, Nguyễn Quyết Thắng ở Hòa Lan, Nguyễn Ðình Ngoạn ở Ðức, Phạm Quang Ngọc, Cung Ðàn Nguyễn Sỹ Nam, Hoàng Ngọc Tuấn ở Úc châu đã viết nhiều bài ca tranh đấu cũng như những ca khúc phù hợp với phong trào phục quốc.

4. Sự phục sinh của nhạc tiền chiến

Từ năm 1982 trở đi, hiện tượng phục sinh nhạc tiền chiến được phát triển rộng rãi. Những ca sĩ đua nhau sản xuất băng nhạc hát lại những bài hát tiền chiến hay những bài trước 1975. Bạch Yến, Khánh Ly, Lệ Thu, Thanh Thúy, Kim Anh, Minh Hiếu, Thanh Tuyền, Hương Lan, Julie, Huyền Châu, Bích Thuận, Phương Dung, Kim Loan, Duy Quang, Elvis Phương, Thanh Mai, vv.... trong những năm 1983-85 đã phát hành trên 100 cuốn băng nhạc làm sống lại những bài ca tiền chiến như để gợi lại biết bao kỷ niệm của thời quá khứ. Chủ đề phục quốc, kháng chiến nhường bước cho chủ đề tình yêu và kỷ niệm quê hương sau 10 năm lưu vong. Một số nhạc sĩ như Lam Phương, Ðức Huy, Phan Kiên, Duy Quang, Ngô Minh Khánh, Trần Quang Hải, Duyên Anh trong khoảng thời gian 1982-85 đã sáng tác rất nhiêù nhạc phẩm ca ngợi tình yêu đôi lứa. "Yêu Em Dài Lâu" (Ðức Huy), "Ru Ðơì Phù Ảo" (Duyên Anh, 1984), "Anh Cần Em" (Trần Quang Hải -Lương Ngọc Châu, 1982). Giai đoạn này đánh dấu một chiều hướng mới trong làng nhạc Việt với sự viết lời ngoại quốc (Pháp và Anh) trên nhạc Việt do nhạc sĩ Trần Quang Hải đề xướng và mang nhạc Việt do nhạc sĩ Việt sáng tác vào thị trường quốc tế.

5. Hưng Ca, nhạc trẻ, nhạc song ngữ

Phong trào phổ thơ được bành trướng, cũng như sự tái sinh phong trào du ca vơí Nguyễn Ðức Quang, Nguyễn Hữu Nghĩa và Phan Ni Tấn. Nguyễn Quyết Thắng ở Hòa Lan đã đẩy mạnh phong trào du ca với sự thực hiện một trang nhà Du Ca với đầy đủ hình ảnh các sáng lập viên, bài hát và sinh hoạt ở hải ngoại .(http://home. wanadoo.nl/ duca )

Phong trào Hưng Ca gồm các nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa, Hà Thúc Sinh, Nguyệt Ánh, Việt Dzũng, Châu Đình An, Huỳnh Công Ánh, Trần Lãng Minh, Phan Ni Tấn, Khúc Lan, được chánh thức ra đời tại San Jose vào ngày 7 tháng 9, năm 1985 với tôn chỉ là dùng văn nghệ sân khấu và thanh niên để giữ vững niềm tin cách mạng dân tộc chống chủ nghĩa và bạo quyền cộng sản. Hai tập nhạc được phát hành: "Hưng Ca 1: Lên Ðường "(1985), và "Hưng Ca 2: Hẹn Em Sài Gòn" (1986). 14

Vấn đề thích nhạc ngoại quốc đã có từ thập niên 60 tại Việt Nam. Ba mươi năm trôi qua ở hải ngoại, giờ đây phong trào thích nhạc ngoại quốc (giống loại nhạc trẻ thời thập niên 70 ở Saigon) lại bành trướng mạnh và được giới trẻ lớn lên ở hải ngoại hưởng ứng nồng nhiệt. Từ chỗ ưa thích nhạc ngoại quốc đã tạo ra phong trào xuất bản nhạc khiêu vũ và sự phát hiện nhiều vũ trường ở các nơi có đông người Việt sinh sống. Một số mầm non ca sĩ trẻ như Linda Trang Ðài, Cinda Thúy, Sơn Tuyền, Thúy Vi, Thái Hiền, Phương Thúy, Lucia Kim Chi, Tryzzie Phương Trinh, Tuệ Châu, Tuấn Anh ở Mỹ, Ngọc Huệ (sang định cư ở Mỹ từ năm 1991), Bảo Khánh, Quỳnh Lân ở Úc châu cùng với Công Thành và Lynn (sang định cư ở Hoa kỳ từ năm 1987). Về sau có Don Hồ (nổi tiếng nhứt trong năm 1992), Dalena (nữ ca sĩ Mỹ chuyên hát tiếng Việt, nổi tiếng nhứt trong hai năm 1991 và 1992),Trịnh Nam Sơn, Thái Tài, Ý Nhi, Ý Lan, Sher'e Thu Thủy, Phi Khanh, Như Mai, Kenny, Mỹ Huyền, Ngọc Bích, Thanh Hà, Quỳnh Như, Mạnh Ðình, Phi Nhung, Thanh Trúc, vv... mang lại cho nền nhạc trẻ một luồng gió mới và tạo nhiều sống động.

Từ chỗ ưa thích nhạc ngoại quốc đi tới nhạc song ngữ rất gần. Một số nhạc sĩ Việt như Phạm Duy, gần đây hơn có Khúc Lan, Ngọc Huệ, tất cả đều ở Mỹ và dịch lời ca Mỹ và Pháp ra bằng tiếng Việt và các ca sĩ trẻ hát nửa Việt nửa Anh hay Pháp và tạo thành một phong trào nhạc song ngữ từ năm 1987 trở đi. Trong thơì gian 10 năm chót của thế kỷ 20, Phạm Duy đã phổ nhạc thơ Hoàng Cầm, phát hành quyển "Ngàn Lời Ca" (1987). Năm 1991, Phạm Duy thực hiện một loạt ca khúc "Bầy Chim Lìa Xứ", và phần giao hưởng cho "Con Ðường Cái Quan". Sau cùng ông soạn nhạc phổ thơ "Truyện Kiều" và sẽ hoàn thành trong một thời gian gần đây. Trong vài năm chót đây (từ 1988), một số ca sĩ tân nhạc sống dưới chế độ cộng sản đã thoát ra hải ngoại và xin tỵ nạn như Họa Mi ( Pháp, 1988), Ái Vân (Ðức, 1990, và sau đó định cư tại Hoa Kỳ), Anh Khoa (Hung Gia Lợi, 1988), Thái Châu (Gia nã đại, 1990), Bích Liên (Ðức, 1992), Duy Khánh (Hoa Kỳ, 1991), Duy Trác (Hoa Kỳ, 1992), Nhật Trường (Hoa Kỳ, 1993) đã mang lại cho nhạc Việt ở hải ngoại một luồng gió mới , nhứt là trong ngành phát hành băng nhạc và băng vidéo.

Một số nữ nhạc sĩ nổi danh ở hải ngoại qua nhiều sáng tác như Nguyệt Ánh, Khúc Lan, Linh Phương, Lê Tín Hương, mdtt ở Hoa kỳ, Bảo Trâm ở Canada, Trang Thanh Trúc, Mộng Trang ở Pháp, Bích Hà, Quách Nam Dung ở Úc châu. Nhạc sĩ Vô Thường (từ trần năm 2003 tại Hoa kỳ) tạo một chỗ đứng riêng biệt với tiếng đàn Tây ban cầm tay trái qua hàng trăm CD tự xuất bản tại Hoa Kỳ . Các nhạc sĩ nghiệp dư như bác sĩ Phạm Anh Dũng (Hoa Kỳ), bác sĩ Nguyên Bích (Hoa Kỳ), Phạm Quang Tuấn (Úc châu) có viết nhạc , và nhiều hội viên của hai hội Nhạc Việt (nhacviet@yahoo. com ) và Em Ca Hát (emcahat@yahoo. com) , cũng như nhạc sĩ Võ Tá Hân đã phổ nhạc cho trên 200 bài thơ và thực hiện trên 22 CD với toàn nhạc của anh. Nhạc thiền đạo được phát triển từ năm 1996 vơí hai hiện tượng đáng kể: thiền sư Lương Sĩ Hằng và Vô Thượng Sư Thanh Hải và một số nhạc phổ thơ của hai vị này.

Nhạc cận đại Việt Nam theo chiều hướng Tây phương cũng được phát triển trong giới nhạc Việt . Nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Cường chưa đầy 30 tuổi khi sáng tác bài « Phụng Vũ » đã đoạt giải thưởng ở đại hội quốc tế âm nhạc gia trẻ Á châu và Thái Bình Dương tại Wellington (Tân Tây Lan) năm 1984. Nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn rời Việt Nam năm 1983 định cư tại Úc châu đã học dân tộc nhạc học và hiện giảng dạy nhạc đương đại tại trường đại học University of New South Wales và mỹ học tại University of Sydney .. Tác giả của nhiều nhạc phẩm đương đại phối hợp nhạc ngữ Việt, Á và Úc , Âu qua nhiều dĩa CD xuất bản tại Úc . Nhạc sĩ Lê Tuấn Hùng (sinh năm 1962 đậu tiến sĩ dân tộc nhạc học tại trường đại học Monash University (Melbourne, Úc châu) và chú trọng nhiều tới sáng tác nhạc đương đại giữ nhạc Việt và nhạc Tây phương cùng với sự cộng tác của vỡ là nữ nhạc sĩ Đặng Kim Hiền (huy 15

chương vàng đàn tranh và dân ca ở Việt Nam trước khi sang định cư tại Úc năm 1990) với nhiều dĩa CD phát hành tại Úc .

Tại Hoa Kỳ , nhạc sĩ Cung Tiến (sinh năm 1938) tiếp tục sáng tác nhạc đương đại. Nhạc tấu khúc « Chinh phụ ngâm » (1987) , soạn cho 21 nhạc khí, đã được trình diễn lần đầu vào ngày 27 tháng 3, 1988 tại San Jose với dàn nhạc thính phòng San Jose, đã được giải thưởng Văn Học nghệ thuật quốc khánh 1988. Hội viên của hội nhạc sĩ sáng tác ở Minneapolis (Minnesota, Hoa Kỳ), Cung Tiến đã trình làng một sáng tác nhạc đương đại « Lơ thơ tơ liễu buông mành » dựa trên một điệu dân ca Quan họ (2003). Nhạc sĩ Phan Quang Phục ( sinh năm 1962) sang Hoa Kỳ năm 1982, đậu tiến sĩ âm nhạc tại trường đại học Michigan (Hoa kỳ), dạy sáng tác tại trường đại học Cleveland State University (1993-1996) và sau đó tại trường đại học University of Illinois. Được giải thưởng Prix de Rome năm 1997, một giải thưởng cao quý nhứt trong lĩnh vực âm nhạc . Phan Quang Phục, được xem như là một trong 6 nhạc sĩ trẻ giỏi nhứt xứ Mỹ về nhạc đương đại, đã sáng tác rất nhiều và các nhạc phẩm được trình diễn khắp năm châu .

Xứ Pháp đã đào tạo một số nhạc sĩ Việt Nam có một chỗ đứng quan trọng trong làng nhạc hiện đại . Nguyễn Văn Tường (1929-1996), người Việt đầu tiên học nhạc điện thanh (musique électro-acoustique) đã viết những nhạc phẩm phối hợp hai tư tưởng Âu Á như bài « Cộng Tồn » (1968) (Co-existence) , « Về Nguồn » (1975) sử dụng máy móc điện tử và nhạc cổ truyền Việt Nam . Nguyễn Thiên Đạo (sinh năm 1939) , học trò Việt duy nhứt của nhạc sư Olivier Messiaen đã sử dụng nhạc ngữ cận đại tây phương trong một số nhạc phẩm như « Thành Đồng Tổ Quốc », « Khóc Tố Như », vở kịch opéra « Mỵ Châu Trọng Thủy ». Tôn Thất Tiết (sinh năm 1933) học nhạc ở Pháp từ năm 1958 và khởi sự sáng tác năm 1964. Ông đã sáng tác trên 50 nhạc phẩm đa số mang tên Việt như « Tứ đại cảnh » (1968), « Hy Vọng » (1971), « Ngũ Hành » (1973), « Chu Kỳ 1 tới 5 » (1976-1983, « Kiếm Ai » (1978), « Tranh » (1980). Ông nhận rất nhiều giải thưởng quốc tế, và ông viết nhạc phim cho những phim « Mùi Đu Đủ Xanh », « Xích Lô » của nhà đạo diễn trẻ tuổi Trần Anh Hùng. Trương Tăng (1936-1989) học nhạc ở nhiều trường nhạc tại Paris, sáng tác nhiều nhạc phẩm như « Fujiyama » (thơ giao hưởng), « Dạ Hương » (kịch hát dựa trên một truyện cổ tích Việt Nam), « Mẹ ». Anh đã sáng tác nhiều tiểu khúc cho đàn tranh, đàn bầu. Được giải thưởng của ông hoàng Rainier của Monaco cho một giao hưởng khúc với 100 nhạc khí . Trương Tăng chuyển sang nhạc điện toán (musique assistée par ordinateur) và học tại trung tâm IRCAM , Paris . Trần Quang Hải đóng góp nhiều trong lĩnh vực nhạc đương đại. Cộng tác với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tường trong phần trình diễn đàn môi, đàn tranh, hát đồng song thanh và muỗng trong nhạc phẩm « Về Nguồn » (1975), cũng như đã cộng tác với Misha Lobko để hoàn thành bản « Shaman » (1982) trong đó nhạc jazz, điện tử, nhạc cổ truyền, nhạc tùy hứng đều được sử dụng. Trần Quang Hải đã trình bày nhạc phẩm « Trở Về Nguồn Cội » với đàn tranh và nhạc điện tử tại đại học nhạc Á châu ở tỉnh Etampes (Pháp) năm 1988. Sự khám phá kỹ thuật hát đồng song thanh nghĩa là hát hai âm thanh khác nhau cùng một lúc từ trong cổ họng (chant diphonique / chant de gorge – overtone singing / throat singing) phát xuất từ Mông Cổ, Tuva đã giúp cho Trần Quang Hải từ năm 1974 sáng tác nhiều nhạc phẩm mới trong nhạc điện thanh (musique électro-acoustique) , nhạc tùy hứng (musique improvisée – improvized music), nhạc thế giới (musique du monde – world music), nhạc thiền (musique méditative – music for meditation), nhạc điều trị học (musicothérapie – music therapy).

6. Nhạc tại Việt Nam sau 1975

Tân nhạc từ năm 1975 trở đi đã thay đổi đề tài. Nhạc đã xoay từ chiến tranh tới hòa bình, từ đất nước bị chia đôi tới thống nhất với một cuộc sống mới, từ nhạc bị gò ép trong lối viết nhạc 16

Nga sô và Trung quốc tới sự giao lưu văn hóa phóng túng với thế giới . Trong vòng gần 30 năm (1975-2004) mức sản xuất ở Việt Nam đã tiến rất xa và rất mau .

Đất nước được thống nhất, đề tài xoay về phong cảnh đẹp của Việt Nam. Lính trong vai trò kiến thiết , trong hòa bình. Tình yêu đôi lứa được phát triển mạnh.

Trong xứ Việt Nam có hai chiều hướng về nhạc : nhạc nhẹ chú trọng về giải trí, hay nói một cách khác là tân nhạc , và nhạc nặng tức là loại nhạc giao hưởng, nhạc trình diễn trong khung cảnh của viện quốc gia âm nhạc viết cho kịch, vũ và điện ảnh .

*Nhạc nhẹ

Loại nhạc nhẹ dính liền với nhạc thời trang, nhạc trẻ khơi nguồn từ các nguồn nhạc dân gian, nhạc ngoại quốc kích động . Nó được phát hiện theo hai khuynh hướng .

1.khuynh hướng dùng ngôn ngữ âm nhạc cổ điển Âu châu do nhạc sĩ Thanh Tùng (« Mưa Ngâu », « Giọt Nắng Bên Thềm ») đề xướng qua đề tài tình yêu . Có rất nhiều nhạc sĩ trẻ đi theo khuynh hướng này với những tìm tòi và sáng tạo khác nhau như Nguyễn Đình Bảng (« Cơn Mưa Em Bất Chợt »), Từ Huy (« Những Lời Em Hát »), Phú Quang (« Em Ơi, Hà Nội Phố »), Duy Thái , Nguyễn Ngọc Thiện ( « Như Khúc Tình Ca »), Dương Thụ (« Tiếng Sóng Biển »), Đặng Hữu Phúc (« Ru Con Mùa Đông »), Phạm Trọng Cầu (« Tiếng Hát Cho Em »).

2.khuynh hướng thứ nhì chuyên về âm nhạc dân tộc cổ truyền . Ban nhạc nhẹ của nhà hát Tuổi Trẻ do Đỗ Hồng Quân phụ trách đã đưa các nhạc khí dân tộc, cũng như cách phối âm phối khí, trình diễn, sáng tác theo chiều hướng nhạc dân gian. Các nhạc sĩ Nguyễn Cường « Đừng Sánh Em Với Mặt Trời », « Một Nét Ca Trù Mùa Xuân »), Trần Tiến (« Tùy Hứng Ngựa Ô », « Tiếng Trống Baranưng ») , Phó Đức Phương (« Nha Trang Thu »), Trương Ngọc Ninh sáng tác theo chiều hướng này .

Nhạc tại Việt Nam sau 1975 Trong xứ Việt Nam có hai chiều hướng về nhạc: nhạc nhẹ chú trọng về giải trí, hay nói một cách khác là tân nhạc, và nhạc nặng tức là loại nhạc giao hưởng, nhạc trình diễn trong khung cảnh của viện quốc gia âm nhạc. Loại nhạc nhẹ dính liền với nhạc thời trang, nhạc trẻ khơi nguồn từ các nguồn nhạc dân gian, nhạc ngoại quốc kích động. Nó được phát hiện theo hai khuynh hướng:

1. khuynh hướng dùng ngôn ngữ âm nhạc cổ điển Âu châu do nhạc sĩ Thanh Tùng đề xướng qua đề tài tình yêu. Có rất nhiều nhạc sĩ trẻ đi theo khuynh hướng này với những tìm tòi và sáng tạo khác nhau như Nguyễn Ðình Bảng, Từ Huy, Phú Quang, Duy Thái, Nguyễn Ngọc Thiện, Dương Thụ.

2. khuynh hướng thứ nhì chuyên về âm nhạc dân tộc cổ truyền . Ban nhạc nhẹ của nhà hát Tuổi Trẻ do Ðỗ Hồng Quân phụ trách đã đưa các nhạc khí dân tộc, cũng như cách phối âm phối khí, trình diễn, sáng tác theo chiều hướng nhạc dân gian. Các nhạc sĩ Nguyễn Cường, Trần Tiến, Phó Ðức Phương, Trương Ngọc Ninh sáng tác theo chiều hướng này.

Một số nhạc sĩ thuộc thế hệ trước như Hoàng Vân, Huy Du, Xuân Hồng, Hoàng Hiệp, Phan Huỳnh Điểu, Nguyền Đức Toàn, Phạm Tuyên, Tân Huyền, Hồng Đăng, Văn Ký, Vũ Thanh, Nguyễn Văn Tý cũng sáng tác những nhạc phẩm được phổ biến rộng rãi trong quần chúng . 17

Ca khúc quần chúng gồm có mọi thể loại : hành khúc (« Khúc Quân Hành Trên Bán Đảo » của Cát Vận, « Hành Quân Lên Tây Bắc » của An Thuyên ; trữ tình (« Dáng Đứng Bến Tre » của Nguyễn Văn Tý , « Điệp Khúc Tình Yêu » của Trần Tiến, « Em Ơi , Hà Nội Phố » của Phú Quang phổ thơ Phan Vũ .

Nhóm « Những Người Bạn » gồm 8 nhạc sĩ : Trịnh Công Sơn (từ trần năm 2001), Trần Long Ẩn , Tôn Thất Lập, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Thanh Tùng, Nguyễn Văn Hiên, và Vũ Hoàng được chào đời tại Sài Gòn vào ngày 8 tháng 3, năm 1992 sau khi Trịnh Công Sơn sang Pháp gặp nhóm nghệ sĩ phố (artists on the road / artists de rue). Tên « Những Người Bạn » do Trịnh Công Sơn đề nghị với mục đích là sáng tác và trình bày sáng tác mới cho bạn và công chúng nghe . Mỗi tháng, nhóm đều có họp và mỗi người phải giới thiệu ít nhất là một sáng tác mới của mình và nghe lời phê bình của an hem . Nhóm « Những Người Bạn » sẵn sàng đi giới thiệu những tác phẩm mới và làm thành băng nhạc, vidéo với sự phụ giúp của những ca sĩ nổi tiêng như Lệ Thu (sang định cư tại Pháp), Lê Tuấn, Ngọc Sơn, Thế Sơn, Thu Hà, Yến Linh. Trong buổi đầu tiên của nhóm này, Trịnh Công Sơn đã trình bày nhạc phẩm mới nhứt tên là « Con Mắt Còn Lại » (ý thơ Bùi Giáng). Thanh Tùng viết một ca khúc « Lối Cũ Ta Về » trong hoài niệm về người vợ đã mất . Trần Long Ẩn viết tặng mẹ. Hiện tượng này xảy ra vì các ca khúc mới sau 1975 không còn người nghe . Dân chúng ưa nhạc « sến », nhạc « vàng » hay nhạc trướ 75. Các ca khúc trữ tình trước 75 xua đuổi các loại nhạc đấu tranh ca tụng Bác và Đảng, và luôn cả nhạc mới sau 75.

Từ năm 1990 trở đi, phong trào tổ chứ hát vinh danh các nhạc sĩ lão thành như Nguyễn Văn Thương, Lê Thương , Hoàng Giác, Tô Vũ, Nguyễn Văn Tý hay các nhạc sĩ trẻ hơn như Trịnh Công Sơn được tổ chức tại Hà Nội và Sài Gòn và những ca khúc tiền chiến được hát trở lại .

Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã chuyển hướng sáng tác qua nhạc trẻ em (nhạc đồng dao) được nhiều thành công qua hàng trăm ca khúc mới . Một số nhạc sĩ trẻ như Phú Quang, Thanh Tùng, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phạm Minh Tuấn, Tôn Thất Lập, Thế Hiền, Nguyễn Văn Hiên, Dương Thụ, Từ Huy, Ngọc Đại , vv… viết nhiều bài nhạc mới rất được ưa chuộng. Đề tài mới hướng về tình yêu chứ không còn ca tụng Đảng nữa .

Nhiều nhạc sĩ trẻ tiếp nối các nhạc sĩ đàn anh tạo một thế hệ mới trong địa hạt sáng tác . Có thể kể Nguyễn Hiệp (1947), Thế Hải (1947), Văn Thành Nho (1949), Nguyễn Phú Quang (1949), Trần Quang Lộc (1949), Vũ Ngọc Giao (1951), Linh Giang, Trần Thiết Hùng (1951, Quang Minh (1953), Quang Lộc (1954), Châu Đăng Khoa (1955), Vũ Hoàng (1956), Võ Công Ánh (1957), Nguyễn Hải (1958), Trương Ngọc Ánh (1959).

Các ca sĩ trẻ nổi tiếng hiện nay càng ngày càng nhiều như Lê Dung (từ trần năm 2001), Ánh Tuyết, Thanh Lam, Hồng Nhung, Hồng Hạnh, Cẩm Vân, Cẩm Ly, Phương Thanh, Lam Trường, Đan Trường , Quang Linh, Bảo Yến, Khắc Dũng, Thanh Long, Mỹ Linh, Tam Ca Áo Trắng, Bằng Kiều (sang định cư ở Hoa Kỳ, thành hôn với nữ ca sĩ Trizzy Phương Trinh), Trang Nhung, Hồ Lệ Thu, Nguyên Vũ, Hiền Thục, Trần Thu Hà (định cư tại Hoa kỳ), Tạ Minh Tâm, Quang Thọ… Nhạc trẻ, nhạc ngoại quốc thuộc đủ loại pop, hip hop, house, rave, rap, jazz, thịnh hành trở lại với nhiều tụ điểm hát ngoài trời rộng lớn tại Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn cũ)

Năm 2002 đánh dấu sự phát hiện hai nhạc sĩ trẻ Quốc An và Nguyễn Nhất Huy với bản nhạc « Hát Với Dòng Sông ». Một nhạc sĩ trẻ khác Tiến Luân chuyên về nhạc có âm hưởng dân tộc nổi lên với bài « Quê Em Mùa Nước Lũ ». Nhạc sĩ Quang Đạt (sinh năm 1976), giảng viên Nhạc Viện TPHCM và trường âm nhạc Yamaha và là người soạn hòa âm cho rất nhiều ca 18

khúc thịnh hành nhất trong năm 2002 như « Cây Đàn Sinh Viên », « Hát Với Dòng Sông », « Hát Cho Người Ở Lại », « Tình Phiêu Lãng », « Lời Mẹ Ru ». Các ca sĩ thuộc thế hệ thế kỷ 21 như Mỹ Tâm, Nguyễn Phi Hùng , Thanh Thảo, nhóm MTV, Minh Quân, Nhóm Ty My Ty, Việt Quang, Ưng Hoàng Phúc, Lâm Chí Khanh, Ngô Thành Vân, Mỹ Lệ, vv….

Thị trường băng dĩa, CD, VCD và ngay cả DVD bành trướng mạnh mẽ từ năm 2000. Hàng chục đại hội liên hoan tân nhạc được đài truyền hình , đài phát thanh, báo chí tổ chức khắp nơi trên toàn xứ tạo cơ hội cho những ca sĩ trẻ có điều kiện thăng tiến. Hội nhạc sĩ Việt Nam thành lập năm 1957 đã quy tụ hàng trăm nhạc sĩ và trở thành hội viên của hiệp hội các nhà soạn nhạc Châu Á ( ACL – Asian Composers League) từ năm 2000. Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam được thành lập vào năm 2002 bảo vệ những nhạc phẩm Việt Nam ở Việt Nam và ngoại quốc .

Từ năm 2001, một số ca sĩ trẻ trong nước chạy ra xứ ngoài (Trần Thu Hà, Bằng Kiều qua hôn nhân, Thu Phương, MC Huy, Bảo Yến, Nhã Phương), một số ca sĩ bị mắc bịnh « siêu sao », đa số chạy theo kiểu hát nhép (tạo nên những « búp bê biết hát »), fan ảo (phát sinh fan club ), hát nhạc chưa được phép, một số ca sĩ tranh nhau ca khúc mua độc quyền , làm xáo trộn đời sống âm nhạc trẻ ở Việt Nam.

Một số nhạc sĩ tìm lợi tức thương mại qua việc đặt lời Việt cho nhạc ngoại, chìm đắm trong nhạc lai, nhạc nhái , đạo nhạc (chấn động nhất trong năm 2004 với hai nhạc sĩ Bảo Chấn và Quốc Bảo), đạo thơ.

Việc viết lời Việt trên nhạc ngoại không phải là chuyện mới mẻ. Trước đó đã có các bản « Đồng Xanh » ( từ « Greenfield »), « Cha Yêu » (từ « Papa »), và rất nhiều ca khúc song ngữ được lưu hành ở miền Nam trước 75. Vấn đề chuyển ngữ bị lạm phát vì yếu tố thương mại. Những ca khúc thời trang của Tây phương hay Á châu được chuyển ngữ một cách hấp tấp, vội vàng, đôi khi trở nên ngây ngô, ngớ ngẩn, không còn ý nghĩa nguyên bản như trong ca khúc « Yêu Nhau Đi » (từ « Tragedy »), « Ôi Tình Yêu », « Mắt Bồ Câu » (từ nhạc Thái)

Những bài hát nổi tiếng của các « diva » lừng danh thế giới như Whitney Houston, Celine Dion, Mariah Carey, Toni Braxton đã được các ca sĩ Việt Nam chọn và bắt chước sao cho thật giống nguyên bản, tạo thành một phong trào nhạc nhái . Điển hình nhất là nữ ca sĩ Hồng Nhung với « Everything I Do », « Beauty and Beast » (do Brandy hát nguyên bản), Thanh Lam với « Unbreak My Heart », « I Will Always Love You » (do Toni Braxton hát), Hồng Hạnh nổi tiếng với bài « I Wanna Dance With Somebody » (do Whitney Houston trình bày).

Sự ra đời của chương trình Làn Sóng Xanh (LSX) của đài Tiếng Nói Nhân Dân TPHCM, chương trình VTV Bài Hát Tôi Yêu và Mai Vàng cho thấy những bản nhạc ngoại đa số đứng đầu bảng xếp hạng ca khúc được yêu thích nhứt . Vì lý do đó, các ca sĩ đua nhau hát nhạc ngoại để có tên trên danh sách ca khúc của ba chương trình kể trên . Ca khúc thuần túy Việt Nam hay có âm hưởng dân ca dần dần bị chìm trong quên lãng và không được giới trẻ để ý tới . Hiện tượng « nhạc sĩ thị trường » được chào đời để đáp ứng thị hiếu quần chúng trẻ .

Hiện tượng trong làng nhạc trẻ ở Việt Nam từ năm 2003 là « liveshow » đã đưa nữ ca sĩ Mỹ Tâm lên hàng đầu các ca sĩ nổi tiếng trong năm 2003 và 2004 .

Năm 2004, nhạc ngoại lời Việt chiếm 30% số ca khúc phổ biến trong băng dĩa nhạc theo thống kê của phòng ca múa nhạc sở VHTT TPHCM . Trên sân khấu biểu diễn, số ca khúc nhạc ngoại lời Viẹt chiếm gần 50 % . Những quyết định, kiểm điểm, phê bính, trừng phạt 19

được đưa ra qua các quyết định mới trong quy chế 47 về tổ chức biểu diễn để mong mang lại trật tữ và tạo điều kiện cho việc hồi sinh nhạc trẻ thuần túy Việt Nam

Nhạc Jazz được nhập vào thị trường nhạc Việt từ khi Việt Nam mở cửa và chấp nhận « đổi mới » (perestroika) vào cuối thập niên 80. Nhạc sĩ kèn saxophone Quyên Văn Minh đã gây dựng phong trào nghe nhạc Jazz từ đầu thập niên 90 với sự thành lập Hanoi Jazz Club . Tại Sài Gòn (TPHCM bây giờ) có một số quán có nhạc Jazz như Dragon Bar, Yoko Cafe, Bob Jazz va Wild Horse . Qua 4 liên hoan nhạc Jazz Châu Âu từ năm 2001, không khí thích nhạc Jazz được bừng sôi trong giới yêu nhạc jazz còn trong giai đoạn phôi thai tại Việt Nam , nhưng hy vọng sẽ được phát triển mạnh trong tương lai .

Nhạc thiếu nhi

Từ năm 1976, sau khi Việt Nam được thống nhất, ca khúc thiếu nhi được sáng tác mạnh hơn với sự đóng góp của nhiều nhạc sĩ đàn anh như Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước , Phong Nhã (« Bài Ca Sum Hợp »), Phan Huỳnh Điểu (« Ngày Vui Mới »), Phạm Tuyên (« Hát Dưới Trời Thu Hà Nội », tập nhạc thiếu nhi « Chú Voi Con Ở Bản Đôn »), Hoàng Vân, Hồ Bắc, Xuân Giao (« Giấc Mơ Em Bé »), Hoàng Hà (« Chú Bộ Đội ») , Hoàng Long ( « Từ Rừng Xanh Cháu Về Thăm Lăng Bác » sáng tác chung với Hoàng Lân), Hoàng Hà ( « Con Mèo Ra Bờ Sông »), Vũ Thanh (« Em Đi Trong Tươi Xanh »), Huy Trân (« Bầu Trời Này, Mặt Đất Này » thơ Diệp Minh Tuyên ), Minh Châu (« Dàn Đồng Ca Mùa Hạ »), Hàn Ngọc Bích (« Mùa Xuân Và Tuổi Hoa »), vv… Các nhạc sĩ trẻ của thế hệ đang lên như Cao Minh Khanh (« Mùa Xuân Và Tình Bạn »), Trần Ngọc (« Em Như Chim Câu Trắng »), Đỗ Trí Dũng (« Các Đám Mây Sẽ Kể »), Vũ Trọng Tường (« Mùa Thu Ngày Khai Trường »), vv… cũng như các nhạc sĩ nổi tiếng như Trịnh Công Sơn (« Em Là Hoa Hồng Nhỏ »), Phạm Trọng Cầu (« Nhịp Cầu Tre »), Trương Quang Lục ( « Màu Mực Tím »), Nguyễn Văn Hiên (« Thêm Một Tuổi Hồng »), Nguyễn Ngọc Thiện ( « Cô Bé Dỗi Hờn »), Phạm Đăng Khương (« Con Đường Đến Trường »), Vũ Hoàng (« Hoa Điểm 10 »), vv…viết nhiều bài hát cho trẻ em . Nhiều trung tâm văn hóa thiếu nhi Hà Nội, TPHCM, Quảng Nam, Đà Nẵng , Cần Thơ tạo điều kiện cho trẻ em hát với nhau. Đại hội liên hoan nhạc trẻ em được tổ chức hàng năm khắp nơi . Cuộc hội thảo « Âm nhạc thiếu nhi » do ban âm nhạc thiếu nhi - hội nhạc sĩ Việt Nam tổ chức năm 1985 đánh dấu sự lưu ý của giới nhạc sĩ đối với giới trẻ em. Băng nhạc cassette audio và video, hay băng karaoke giúp cho trẻ em thích hát nhạc của lứa tuổi của chúng .

Nhạc mới cho nhạc khí cổ truyền

Sau 1975, phong trào cải tiến nhạc khí cổ truyền và sáng tác bài bản mới lên tới cao độ. Những công trình cải tiến nhạc khí đáng được để ý như cải tiến đàn tính của dân tộc Tày, Thái, hệ thống mõ ống, mõ cá của Tạ Thâm, đàn trưng của Đỗ Lộc, Bá Phổ, sáo mèo của Lương Kim Vinh, sáo trúc của Đinh Thìn, đàn bầu của Phan Chí Thanh, Xuân Hoạch, k’ni của Quốc Hùng, dinh pah cũa Nay Knia Sơn, đàn tranh của Phương Bảo, Nguyễn Vĩnh Bảo. Ngoài ra, một số nhạc sĩ đã chế ra những cây đàn hoàn toàn mới như nhạc sĩ Phạm Lý (Tp.HCM) chế tạo mới bộ đàn lý gồm 4 cây. Nhạc sĩ Lê Thái Sơn (Hà Tây) với cây đàn p'rông (một dạng piano làm bằng tre, nứa). Những trường hợp này được xem như là sự sáng chế nhạc cụ.

Các nhạc phẩm được lưu truyền trong dân chúng gồm có : « Trở Về Tây Nguyên » (Đỗ Lộc) cho đàn trưng và dàn nhạc dân tộc, « Khát Vọng Ba Dan » (Nguyễn Cường) cho đàn đinh pah của dân tộc Ê Đê và dàn nhạc, « Thúy Kiều » (Văn Thắng) cho đàn tỳ bà và tốp nhạc dây (2 viôlông, 1 viôla, 1 xenlô), « Biển Quê Hương » (Trần Quý) cho đàn bầu và dàn nhạc giao 20

hưởng, tổ khúc « Rừng Đêm Trăng » (Phú Quang) viết cho 5 loại sáo cải tiến píthiu, pípặp, sáo H’Mông, pítầmlay, pítốp) của một số sắc tộc Tây Bắc cùng dàn nhạc nhẹ Tây phương với trống mõ dân tộc . Nhạc cụ gõ rất được các nhạc sĩ dùng trong nhiều sáng tác đương đại như « Tiếng Pháo Giao Thừa » (Nguyễn Xuân Khoát), « Trống Cười Cưới Chồng » (Đỗ Nhuận), « Âm Vang Điện Biên » (Huy Thục) .

Ca kịch, nhạc kịch, vũ kịch, nhạc điện ảnh

Những loại ca kịch (kịch hát mới –comédie musicale ), và nhạc kịch (opéra) chỉ được phát triển thực sự từ 1985 trở đi. Vở kịch hát « Thạch Sanh Lý Thông » (Đức Minh) đã tạo thành công qua lần trình diễn đầu tiên năm 1985 tại Hải Phòng. Đề tài được lấy từ các truyện cổ tích như « Nàng Công Chúa Lên Rừng » (Văn Thành Nho), « Chuyện Tình Nàng Tiên Du » (Phó Đức Phương), hay đề tài trong đời sống hàng ngày như « Lửa Tình Trên Cát Trắng » (Vũ Ngọc Quang) , « Yêu Trước Phật Đài » (Trọng Đài), hoặc liên hệ tới văn học xứ người như « Tình Yêu Và Danh Dự » (Vũ Ngọc Quang) dựa trên Le Cid của Pierre Corneille thuộc xứ Pháp .

Nhạc kịch (opéra) theo kiểu opéra tây phương phải kể đến hai vở tạo tiếng vang nhiều nhứt sau 1975. Đó là vở « Nguyễn Trãi » (Đỗ Nhuận) được trình diễn lần đầu nhân dịp kỷ niệm 600 năm ngày sinh của Nguyễn Trãi, và vở « Tình Yêu Của Em » (Tiếng Hát Xanh) (Nguyễn Đình Tấn) diễn lần đầu năm 1981 nói lên số phận của một số người trong cuộc chiến tranh cách mạng dành lại độc lập, tự do cho Việt Nam .

Vũ kịch (ballet) là một loại hình đã có trước 1975, dựa trên các vũ điệu sắc tộc Việt Nam nhưng chưa có hoàn chỉnh . Tổ khúc thơ múa « Giai điệu Niềm Tin » (biên đạo múa : Đoàn Long, nhạc của Hoàng Việt với nhạc phẩm « Giao Hưởng số 1 ») và thơ múa « Hồ Gươm » với Hoàng Đình Quý biên đạo múa, và nhạc của Cao Việt Bách . Từ năm 1990 trở đi, vũ kịch tái sinh và nẩy nở khắp nơi . Vở kịch múa « Ngọc Trai Đỏ » (Ca Lê Thuần) được ra mắt tại nhà hát lớn TPHCM nhân dịp kỷ niệm 300 năm thành lập thành phố Sài Gòn . Đa số đề tài vũ kịch đều hướng về các sắc tộc ở Việt Nam như « Hành Trình Đến Cõi Then » (múa do Lê Khình, nhạc của Phó Đức Phương), « Sự Tích Chiếc Khèn Bè » múa do Đoàn Long, nhạc của Vũ Duy Cường), « Huyền Sử Chiêng Cồng » (múa do Đoàn Long, nhạc của Đặng Nguyễn), « Huyền Thoại Trường Sơn » (múa do Bằng Thịnh, nhạc của Ngô Quốc Tính .

Nhạc kịch nói chỉ là nhạc đệm, nhạc nền (musique de fond) cho vở kịch. Loại này ít được phát triển. Một số nhạc sĩ đã thử thách qua một số kịch nói . Chẳng hạn như « Âm Mưu Và Hậu Quả » (Đàm Linh), « Hẹn Ngày Trở Lại » (Trọng Bằng), « Quyền Được Hạnh Phúc » (Hoàng Vân), « Cuộc Gặp Gỡ Muộn Màng » (Doãn Nho), « Ăn Mày Hạnh Phúc » (Huy Thục), « Chị Nhàn » (Tô Hải), « Đứng Gác Dưới Đèn Nêông » (Trần Ngọc Xương), « Nguồn Sáng Trong Đời » (Phó Đức Phương), và những nhạc sĩ khác như Ca Lê Thuần, Quang Hải, Phú Quang, Phạm Minh Tuấn, An Thuyên, Ngô Quốc Tính, vv…

Nhạc điện ảnh còn ở trong tình trạng sơ khai trong giai đoạn chiến tranh (1954-75) với chủ đề chiến tranh, giải phóng đất nước. Nhạc phim chuyên về nhạc hùng. Cuốn phim đầu tiên có nhạc loại giao hưởng của Nguyễn Đình Phúc được soạn nghiêm túc là « Chung Một Dòng Sông ». Sau đó có thêm nhạc sĩ khác như Hoàng Vân, Trọng Bằng, Hoàng Hiệp, Y Vân, Phạm Trọng Cầu, Trịnh Công Sơn, Phạm Minh Tuấn, vv…

Nhạc sĩ Hồng Đăng viết cho trên 70 phim đủ loại « Kén Rể », « Hà Nội Mùa Chim Làm Tổ », « Đời Hát Trong », « Hạt Muối Của Biển », vv… Trọng Bằng, tốt nghiệp ở Nga Sô, viết nhạc 21

loại giao hưởng cho các phim « Cù Chính Lan », « Hoàng Hoa Thám », « Ngôi Sao Tren Biển », vv… Đàm Linh tạo sự chú ý qua nhạc của phim « Trận Chiến Đấu Tiếp Diễn », « Đường Về Quê Mẹ », « Đứa Con Người Hàng Xóm », vv… với cách sử dụng nhạc khí Tây phương, hay hòa hợp Tây phương và Việt Nam . Hoàng Vân viết nhạc phim chuyên về nhạc giao hưởng cho cả trăm cuốn phim trong đó có phim được giải thưởng như « Con Chim Vành Khuyên », « Biển Gọi », « Em Bé Hà Nội ». Đặng Hữu Phúc khởi sự viết nhạc cuốn phim « Anh Và Em » từ năm 1986 và liên tiếp nhiều phim khác như « Tướng Về Hưu », « Người Đàn Bà Bị Săn Đuổi », vv… Gần đây Đặng Hữu Phúc sử dụng máy vi tính để viết nhạc phim. Trọng Đài viết nhạc phim từ 1989 như « Canh Bạc » , « Số Phận Của Một Tình Yêu », « Quạ Và Công » (phim hoạt họa). Đỗ Hồng Quân đã chiếm nhiều giải thưởng âm nhạc của liên hoan phim toàn quốc lần 8 (1987) với phim « Thằng Bờm », liên hoan phim toàn quốc lần 9 (1990) với phim « Đêm Hội Long Trì », liên hoan phim toàn quốc lần 10 (1993) với phim « Cờ Lau ».

Nhạc Giao Hưởng

Trong thời gian 10 năm đầu (1975-1985) nhạc giao hưởng theo ngôn ngữ Tây phương cổ điển gặp khó khăn trong việc phổ biến. Nhưng sau đó, giới yêu nhạc cổ điển đông hơn, và nhiều nhạc phẩm được chào đời qua tài năng của các nhà soạn nhạc được huấn luyện tại Âm nhạc viện Hà Nội hay ở các âm nhạc viện Âu châu và Nga sô .

Đỗ Hồng Quân (« Chủ Đề Và Biến Tấu » cho dương cầm, « Rápxôđi Việt Nam »), Đặng Hữu Phúc (« Xô Nát Phúc Điệu » cho dương cầm), Nguyễn Văn Quý (« Xô Nát số 4 cho viôlông và pianô »), Nguyễn Cường (« Tứ tấu dây 94 »), Thụy Loan (« Khúc Trữ Tình » - Romance), Phúc Linh (« Ngẫu Hứng » cho ôboa, bátxông, và pianô), Xuân Tứ (« Bài Ca Chung Thủy ») mở màn cho những nhạc phẩm lớn theo chiều hướng nhạc cổ điển Tây phương đương đại .

Nhạc giao hưởng thu hút một số nhạc sĩ như Doãn Nho (thơ giao hưởng « Thánh Gióng »), Nguyễn Thị Nhung (thơ giao hưởng « Khát Vọng »), Trần Trọng Hùng ( « Giao hưởng cho đàn dây và gõ »), Đàm Linh (giao hưởng « Không Đề ») , Nguyễn Đình Bảng (balát giao hưởng « Thị Kính Thị Mầu »), Trọng Bằng (« Người Về Đem Tới Ngày Vui »), Trần Ngọc Xương (« Trăm Sông Đổ Về Biển Lớn »), Lê Khiêm Hoàn (tổ khúc giao hưởng « Hội Được Mùa »), Đặng Văn Bông (‘Mẹ Và Đất Nước », Trần Trọng Hùng (« Trở Về Với Điện Biên »).

Loại hình hòa tấu (concerto) cho nhạc cụ và dàn nhạc không thấy trong nhạc Việt Nam cho tới năm 1985. Một số nhạc phẩm dùng nhạc khí cổ truyền dân tộc cho phần độc tấu (Quang Hải với nhạc phẩm « Hòa Tấu Số 1 » chủ đề 1 cho đàn tranh và dàn nhạc « Quê Tôi Giải Phóng ») . Điển hình là các nhạc sĩ Ca Lê Thuần (« Hòa Tấu Nhỏ Cho Pianô Và Dàn Nhạc ») Phạm Minh Tuấn (« Bất Khuất »), Trọng Đại (« Hòa Tấu Cho Dàn Nhạc »), Đỗ Hồng Quân (« Hòa Tấu Cho Viôlông Và Dàn Nhạc »). Chủ đề để sáng tạo nhạc giao hưởng, hòa tấu dựa trên làn điệu dân ca, thang âm điệu thức nhạc dân tộc. Trong sự phát triển các nhạc phẩm, đa số các nhà soạn nhạc chú tâm về các bè theo chiều ngang . Nhưng cũng có một vài nhà soạn nhạc trẻ như Vũ Nhật Tân (« Ký Ức ») tạo sự gặp gỡ các âm theo chiều dọc .

Giá trị âm nhạc Việt Nam trong giai đoạn lịch sử bi thảm, khó khăn mà chúng ta hiện nay đang trải qua, sẽ được chấp nhận, hay bị đào thải là do nơi sự cố gắng của mỗi cá nhân, mỗi nghệ sĩ. Khi chúng ta tự hào nhạc của tổ tiên và hãnh diện khi học hỏi cũng như lúc trình diễn, tìm đủ mọi cách để vun bồi, phát triển và truyền lại cho đám hậu sinh theo một đường lối tốt 22

đẹp, phản ảnh dân tộc tính thì trong tương lai, nhạc Việt sẽ được nẩy nở ngày càng đẹp hơn, giàu hơn, phong phú hơn để tạo một chỗ đứng vững mạnh trong vườn nhạc Á châu. Chính dân tộc Việt Nam sẽ quyết định sự sống còn của nền âm nhạc Việt trong tương lai .

Sách tham khảo

ĐÀO Trọng Từ , 1979 : « La Renaissance de la musique vietnamienne », Essais sur la musique viêtnamienne, Editions en langues étrangères : 146-221, Hanoi, Vietnam .

GIBBS, Jason, 1996 : « Nhạc Tiền Chiến : The Origins of Vietnamese Popular Song », bài tham luận ở hội nghị của Society for Ethnomusicology, Northern Carolina, Hoa kỳ (8 trang)

GIBBS, Jason, 1997 : « Reform and Tradition in Early Vietnamese Popular Song », Nhạc Việt 6: 5-33, Kent , Ohio, Hoa Kỳ

HOÀNG Hiệp, CA Lê Thuần, XUÂN Hồng , LƯU Hữu Phước, QUANG Hải, NGUYỄN Lang, PHAN Huỳnh Điểu, TRÍ Thanh, TRỊNH Công Sơn, TRẦN Trọng, ĐĂNG Đàn, TÔ Hải, 1986: Âm Nhạc ở thành phố Hồ Chí Minh , nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh, 180 trang, TP HCM, Việt Nam

HỒ Trường An, 1998: Theo Chân Những Tiếng Hát, 385 trang, tổ hợp xuất bản miền Đông, Arlington, Virginia, Hoa Kỳ .

HỒ Trường An , 2000: Theo Chân Những Tiếng Hát, 380 trang, tổ hợp xuất bản miền Đông, Arlington, Virginia, Hoa Kỳ

LÊ Hoàng Anh, 2000 : Trò Chuyện Với Nghệ Sĩ , nhà xuất bản Thanh Niên, 965 trang, TP HCM, Việt Nam

LÊ Hoàng Long, 1996: Chuyện Tình Các Nhạc Sĩ Tiền Chiến, Văn Hóa Thông Tin (nxb), 202 trang, Hà Nội, Việt Nam

PHẠM Duy, : Hồi ký 1: Thời Thơ Ấu, Vào Đời, 149 trang, Midway City, Calif. Hoa Kỳ

PHẠM Duy, : Hồi ký 2: Thời Cách Mạng Kháng Chiến, 128 trang, Midway City, Calif, Hoa kỳ

PHẠM Duy, : Hồi ký 3: Thời Phân Chia Quốc Cộng, 164 trang, Midmay City, Calif, Hoa Kỳ

PHẠM Duy, : Hồi ký 4: Thời Lưu Vong, 176 trang, Midway City, Calif, Hoa Kỳ

REYES, Adelaida, 1999: Songs of the Caged, Songs of the Frê/ Music and the Refugê Experience, Temple University Press (nxb), 218 trang, Philadelphia, Hoa Kỳ

TRẦN Cường, 1996: Âm Nhạc / Tác Giả Và Tác Phẩm, Giáo dục âm nhạc phổ thông, tập 1, Nhà xuất bản âm nhạc, 347 trang, Hà Nội, Việt Nam 23

TRẦN Quang Hải, 1987: “La Musique et les réfugiés », La Revue Musicale (nxb) 402-403-404 : 125-133, Paris, Pháp .

TRẦN Quang Hải, 1989 : Âm Nhạc Việt Nam Biên Khảo , Bắc Đẩu (nxb), 361 trang, Paris, Pháp .

TRẦN Quang Hải, 2001, 2002, 2003 : Tổng Kết Nhạc Việt Hải Ngoại, trang nhà www.vietnhac. org , Minneapolis, Minnesota, Hoa Kỳ

TRẦN Quang Hải, 2001 : « Vietnamese Music in Exile since 1975 and Musical Life in Vietnam since Perestroika”, The World of Music 2-3: 103-112, University of Bamberg, Đức (có thể xem trang nhà www.honque.com , New Jersey, Hoa Kỳ hay www.vietnhac. org , Minneapolis, Hoa Kỳ)

TRƯỜNG Kỳ, 1995: Tuyển Tập Nghệ Sĩ 1 , tác giả xuất bản, 300 trang, Montreal, Canada

TRƯỜNG Kỳ, 1997: Tuyển Tập Nghệ Sĩ 2 , tác giả xuất bản, 320 trang, Montreal, Canada

TRƯỜNG Kỳ, 1999: Tuyển Tập Nghệ Sĩ 3 , tác giả xuất bản, 367 trang, Montreal, Canada

TRƯỜNG Kỳ, 2000: Tuyển Tập Nghệ Sĩ 4 , tác giả xuất bản, 368 trang, Montreal, Canada

TRƯỜNG Kỳ, 2001: Tuyển Tập Nghệ Sĩ 5 , tác giả xuất bản, 378 trang, Montreal, Canada

TRƯỜNG Kỳ, 2002: Tuyển Tập Nghệ Sĩ 6 , tác giả xuất bản, 384 trang, Montreal, Canada

TRƯỜNG Kỳ, 2002 : Một Thời Nhạc Trẻ, tác giả xuất bản, 384 trang, Montreal, Canada

TÚ Ngọc, NGUYỄN Thị Nhung, VŨ Tự Lân, NGUYỄN Ngọc Oánh, THÁI Phiến : 2000 : Âm Nhạc Mới Việt Nam / Tiến Trình Và Thành Tựu, Viện Âm Nhạc (nxb), 1000 trang, Hà Nội, Việt Nam

VŨ Tự Lân, 2001: Những Tác Động Của Giao Lưu Văn Hóa Quốc Tế Đối Với Sự Hình Thành – Phát Triển Âm Nhạc Chuyên Nghiệp Mới Việt Nam , Hội Nhạc Sĩ Việt Nam (nxb), 92 trang, Hà Nội, Việt Nam .

Báo Chí

Sóng Nhạc, nguyệt san, chuyên về sinh hoạt tân nhạc Việt Nam ở quốc nội ,địa chỉ: 81 Trần Quốc Tuhảo, Q3, TPHCM, Việt Nam . điện thư: ngvanhien@hcmeuco. edu.vn

Văn Hóa Nghệ Thuật , nguyệt san, chuyên về nghiên cứ nhạc dân tộc, tân nhạc và nhạc cổ điển Tây phương ỡ Việt Nam ; địa chỉ: 32 Hào Nam, Đống Đa, Việt Nam . điện thư : This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it . vn

Âm Nhạc và Thời Đại, nguyệt san, chuyên về đủ mọi khí cạnh âm nhạc Việt Nam tại quốc nội . Cơ quan ngôn luận của Hội Nhạc sĩ Việt Nam ; địa chỉ : 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, Việt Nam. ĐT: (84-4) 94 35 384

Trang Nhà24

www.tranquanghai. org và http://tranquanghai .phapviet. com

Hai trang nhà này của Trần Quang Hải có một bài viết về tân nhạc Việt Nam bằng 3 thứ tiếng (Việt / Pháp / Anh)

www.vnstyle. vdc.com.vn/ vim : khánh thành năm 2002, trang nhà này của Viện Âm Nhạc Hà Nội giới thiệu sinh hoạt của Viện qua tin tức, bài vở, sách , dĩa CD, VCD về nhạcViệt Nam bằng hai thứ tiếng (Việt / Anh)

www.vov.org. vn : những bài ca không quên, ca khúc trữ tình, nhạc không lời, chương trình ca nhạc, ca nhạc thiếu nhi .

www.vietscape. com : nhạc trẻ, tân nhạc, phỏng vấn ca nhạc sĩ Việt Nam hải ngoại

www.saigonbao. com/amnhac/ Amnhac2.htm : những trang nhà về nhạc Việt và điện ảnh Việt Nam ở hải ngoại

http://www.vnunited .org/audio : rất nhiều bài tân nhạc Việt Nam do các ca sĩ trình bày (MP3)

http://www.vncentra l.com/news/ vanhoa: tin tức về tân nhạc Việt Nam

http://www.angelfir e.com/ut/ ttran4/VN. html : các ca sĩ Việt Nam, tân nhạc, nhạc vàng

www.vietet.com : tin tức nhạc trẻ Việt Nam ở Hoa kỳ, tiểu sử các ca sĩ và địa chỉ

www.vietnhac. org : trang nhà do sinh viên ở Minneapolis thực hiện có trên 100 tiểu sử nhạc sĩ hải ngoại, tiểu sử các nhạc sĩ qua đời, và gần 200 bài viết về nhạc Việt Nam đủ loại .

www.honque.com : báo mạng lưới với nhiều bài viết về nhạc Việt Nam , phỏng vấn nhiều nhạc sĩ Việt Nam hải ngoại, và có thể nghe và xem video nhạc Việt sáng tác ở hải ngoại

www.talawas. org : báo mạng lưới ỡ Đức với một số bài về nhạc Việt Nam, phỏng vấn nhạc sĩ Việt Nam hải ngoại

www.tienve.org : báo mạng lưới ở Úc châu với nhiều bài viết và nhạc phẩm về nhạc Việt Nam .

http://vietsciences .free.fr : báo mạng lưới ở Pháp có một chương trình dành cho nhạc Việt Nam

http://home. wanadoo.nl/ duca : lịch sử du ca, du ca viên, và nghe nhạc du ca

www.emviet.com/ pvh : trang nhà chào đời năm 2002 ở Úc châu, giới thiệu những sáng tác của nhạc sĩ Phan Văn Hưng và những ca khúc khác cùng một số dân ca Việt Nam

http://home. vicnet.net. au/~aaf/us. htm : trang nhà của đôi nhạc sĩ Lê Tuấn Hùng và Đặng Kim Hiền ớ Úc châu, gồm có những sáng tác nhạc hiện đại của Lê Tuấn Hùng và những bài viết về nhạc Việt Nam . 25

www.geocities. com/emcahat: nơi sinh hoạt của giới yêu nhạc tài tử và bán chuyên nghiệp ở hải ngoại

www.vota.com/ nhac : trang nhà của nhạc sĩ Võ Tá Hân với tất cả sáng tác của anh và có thể nghe những CD gồm trên 200 nhạc phẩm đã được phát hành .

http://perso. club-internet. fr/nmchau : rất nhiều sáng tác của các nhạc sĩ của nhóm Nhạc Việt và của nhóm The Silicon Band ở Pháp .

www.giaidieu. net : diễn đàn trao đổi nhạc Việt, tin tức nhạc trẻ Việt Nam , tiểu sử nhạc sĩ và ca sĩ sống tại Việt Nam .

www.giaidieuxanh. com.vn : tất cả tin tức nhạc ở Việt Nam từ nhạc cổ truyền dân tộc đến nhạc Pop Việt /Tây phương, nhạc cổ điển Tây phương và nhạc hiện đại thế giới .