Home Văn Học Khảo Luận Ngày xuân nói chuyện Tam Quốc, luận chuyện Nễ Hành

Ngày xuân nói chuyện Tam Quốc, luận chuyện Nễ Hành PDF Print E-mail
Tác Giả: Quách tố Vương   
Thứ Ba, 27 Tháng 1 Năm 2009 21:30

Nễ Hành là một nhân vật phụ trong Tam Quốc Chí, chỉ xuất hiện vỏn vẹn 9 trang trong bộ trường thiên dài 2085 trang nhưng nhắc đến Nễ Hành, người đời thường hay ca tụng cái dũng cảm, gan mật hơn người. Kể cả tay phê bình văn học lừng danh Trung Hoa Kim Thánh Thán cũng ca ngợi hết lời. Tào Tháo là tay gian hùng, đại gian, đại ác, quỷ thần đều căm giận, quyền bính lấn át cả vua, thế mà Nễ Hành, kẻ sĩ trói gà không chặt, tay không tấc sắt, giữa buổi đại tiệc đã dám ngang nhiên biểu diễn một màn sexy bằng cách đứng lên, tụt quần trước mặt bá quan văn võ trưng “cái củ hành tây” cho Tào Tháo coi chơi.

Hành động như vậy nếu không là kẻ “mát dây” thì nhất định phải là nhân vật phi thường.

Vậy chúng ta thử luận xem Nễ Hành là kẻ mát dây hay người phi thường, người can đảm hay tên liều mạng?

Đời Tam Quốc, thời gian gần 60 năm, trong đó Đế Quốc Trung Hoa bị phân chia ra làm 3 nước, tạo ra thế ba chân vạc:

1- Nhà Thục Hán là chính thống.
2- Nhà Nguỵ, nhà Ngô đều là tiếm quốc.
3- Nhà Tần là nhuận vận.

Vì vậy theo quan niệm trung quân, kẻ sĩ thời đó phải lo khôi phục nhà Hán để tỏ rõ đại nghĩa cùng thiên hạ. Như Khổng Minh cúc cung tận tuỵ với nhà Hán, hết lòng làm thần tử, tận trung với vua là Chiêu Liệt Hoàng Đế tức là Lưu Bị.

Còn mộng của Tào Tháo là tiếm ngôi Thiên Tử để làm Hoàng Đế.

Trong thời gian mưu đồ sự nghiệp, Tào Tháo đã tỏ ra là kẻ có tài, nhiều mưu lược, ít người sánh kịp.

Tháo cũng lo chiêu dụ người tài trí về để giúp mình. Một hôm Tào Tháo sai Trương Tú viết thư chiêu dụ Lưu Biểu, nhưng Giả Hủ tiến ra xin để cử Khổng Dung. Khổng Dung lại đề cử Nễ Hành. Khổng Dung bèn viết biểu dâng lên Hiến Đế.

Biểu văn như sau: “Thần trộm thấy đất Bình Nguyên có người xử sĩ họ Nể, tên Hành, tự là Chính Bình 24 tuổi, tư chất nhân hoà, tâm linh sáng rỡ, anh tài trác lạc, học rộng văn hay. Thăng đường xem việc, hiểu thấu sâu xa, liếc mắt nhìn qua, miệng đà làu thuộc, tai mới nghe lọt, đã nhớ nhập tâm. Tính tình hợp đạo, thiên tư có thần. Kỳ tài Hoàng Dương, thần trí An Thế nếu so với Hành chẳng có gì lạ. Lòng trung quả thẳng ngay, chí nguyện như sương tuyết, ham điều thiện như soi gương, ghét điều ác như thù địch. Nét cao thượng Nhâm Toà, tiết tháo sắt son, Sử Ngư cũng không hơn được.

Trộm nghĩ đàn diều hâu cả trăm, không bằng một con chim ngạc. Nếu Hành đứng trong triều ắt thể khả quan. Tài hùng biện thao thao, chính khí dâng đầy ngùn ngụt. Giải điều nghi, gỡ mối rối, đủ tài chế biến phò nguy...

Nếu như Rồng được vươn tới cửa Trời, giương cánh trên sông Ngân, lên tiếng ở toà Tử Vi, toả ánh rực rỡ cầu vồng...”

Tờ biểu còn dài nữa, Khổng Dung ca tụng Nễ Hành hết lời. Đại khái như tài của Nễ Hành có thể làm lệch đất nghiêng trời.

Con gà ghét nhau vì tiếng gáy. Tào Tháo đọc biểu đã phát ứa gan, đâm ra ghét ngay Nễ Hành. Khổng Dung nâng bi Nễ Hành mà nâng quá mạnh khiến Nễ Hành trợn trắng mắt.
 
Tờ biểu của Khổng Dung là cái dây thòng lọng đã tròng vào cổ Nễ Hành từ đó, chỉ chờ Tào Tháo thắt lại.

Tháo là kẻ đa nghi, cần người tài giúp sức nhưng lúc nào cũng để dạ nghi ngờ.

Như cái chết của Dương Tu tuy xảy ra sau cái chết của Nễ Hành nhưng người viết cũng xin thuật lại để độc giả nhìn rõ tâm địa Tháo.

“... Tào Tháo đang cho lập một hoa viên. Lập rồi đến xem, không khen chê gì cả, chỉ viết một chữ “hoạt” trên cửa rồi về.

Dương Tu nói: ”Trong cửa mà viết chữ hoạt thành ra chữ “khoát” có nghĩa là rộng.
Thừa tướng chê cửa nầy rộng.”
Thợ bèn sửa nhỏ lại một chút.
Lần sau Tháo đến xem, ngạc nhiên hỏi:
“Ai mà biết ý ta, hay vậy?”
Tả hữu thưa:
“Ấy là Dương Tu.”

buột miệng khen ngợi nhưng trong lòng đã không thích.

Có một lần ngoài ải Bắc, có người đến dâng một thố cơm rượu. Tháo đề nơi nấp thố: “Nhất hiệp tô” rồi để trên ghế.

Dương Tu vào thấy ba chữ ấy, liền dở ra, lấy muỗng múc chia cho mỗi người một muỗng. Tháo thấy vậy bèn hỏi:

“Vì ý gì mà làm như vậy?”

Dương Tu thưa:

“Trên thố Thừa Tướng đề: “Nhất hiệp tô nghĩa là nhứt nhơn nhứt khẩu tô, mỗi người một miếng cơm rượu cho nên tôi phải vâng lời Thừa Tướng.”

Tháo khen nhưng trong lòng đã ghét.

Tháo hay sợ thích khách nên dặn dò kẻ hầu hạ: “Khi ta ngủ, đừng lại gần vì ta chiêm bao, hay giết người.”

Một ngày kia, Tháo đang ngủ ngày, rớt mền.

Có một tên hầu cận lật đật chạy vào lấy mền đắp lại cho Tháo. Tháo ngồi dậy rút gươm chém chết tên hầu cận rồi lên nằm ngủ tiếp.

Đến lúc thức dậy, Tháo giả bộ thất kinh hỏi: “Ai giết kẻ hầu cận của ta?”

Dương Tu biết ý Tào Tháo nên khi chôn tên hầu cận, Tu chỉ cái hòm nói rằng:

“Không phải Thừa Tướng chiêm bao mà mi chiêm bao đấy.”

Tháo nghe được thì càng ghét lắm....

Tháo đóng binh nơi Tà Cốc đã lâu ngày muốn tiến đánh thì bị Mã Siêu chận lối, muốn rút lại sợ quân Thục chê cười. Thành thử cứ dùng dằng, không quyết. Một buổi chiều Tháo đang ngồi buồn bực thì nhà bếp dâng lên một bát thang gà. Tháo nhìn thấy trong bát có miếng gân gà, bất giác thở dài một tiếng. Vừa lúc đó Tạ Hầu Đôn bước vào xin mật khẩu cho buổi tuần đêm.

Tháo buột miệng nói luôn:
“Gân gà! Gân gà!”

Quan Hành Quân Chủ Bạ Dương Tu thấy Tào Tháo cho hai tiếng “mật khẩu gân gà” liền sai quân sĩ thu xếp hành trang chuẩn bị ra về.

Hạ Hầu Đôn hay tin, giật mình vội mời Dương Tu đến hỏi: “Sao Ông lại sửa soạn rút về?

Tu nói: “Cứ suy hai tiếng mật khẩu gân gà đủ biết Nguỵ Vương sắp rút về bất thần đây. Vì cái gân gà không có thịt lại dai khó mà nuốt được, bỏ đi thì tiếc vì có mùi thơm. Nay quân ta tiến lên không nổi mà bỏ thì sợ bị chê cười nhưng ở mãi đây cũng vô ích, chi bằng rút về cho xong.”

Hạ Hầu Đôn khen: “Ông thật đã hiểu thấu gan ruột Nguỵ vương.”

Rồi Đôn cũng bắt chước Dương Tu cho quân sửa soạn hành trang.

Đêm ấy Tào Tháo bồn chồn không sao ngủ được, cầm búa đi tuần hành qua các trại. Thấy quân sĩ đua nhau sửa soạn hành trang, Tháo giật mình cho triệu ngay Đôn đến hỏi duyên cớ.

Đôn trình bày cớ sự.

Tháo gọi ngay Dương Tu và hỏi.

Tu đem ý nghĩa hai tiếng gân gà ra giải đáp.

Tào Tháo đùng đùng nổi giận, đập án mắng rằng:

“Sao ngươi dám vẻ chuyện làm loạn lòng quân?”

Lập tức thét đao phủ thủ lôi Tu ra chém rồi truyền đem thủ cấp treo ngoài viên môn làm lệnh.

Bảo rằng: “Sao ngươi dám làm loạn lòng quân?” chỉ là cái cớ để chém Dương Tu. Sự thật cái ý chém Dương Tu đã có trong lòng Tháo từ khi Tháo biết Dương Tu đã rõ gan ruột của mình.

Tính Tháo hay ghen Tài như vậy nên tờ biểu của Khổng Dung đã là cái mầm hoạ cho Nễ Hành.

Đọc biểu xong, Tào Tháo sai triệu Nễ Hành đến. Chào hỏi xong Tháo cứ lờ đi, không mời ngồi.

Nễ Hành bị chạm nọc tự ái, ngửa mặt lên Trời than rằng: “Than ôi! Trời đất rộng lớn thế nầy sao không có lấy một người?”

Tháo hỏi:  “Thủ hạ ta có cả mấy chục người đây, đều là anh hùng thời nay, sao lại bảo không có người?

Hành hỏi: “Là những ai, xin cho nghe?”

Tháo kể số thủ hạ của mình. Nghe xong Nễ Hành cười rộ: “Ông nói sai rồi. Mấy nhân vật nầy, tôi biết rõ lắm. Như Tuân Húc có thể sai đi điếu tang, thăm bệnh. Tuân Du có thể dùng giữ mả, canh mồ, Trình Dục có thể coi nhà, giữ cửa. Quách Gia có thể sai đọc văn, ngâm thơ, Trương Liêu thì đánh chuông, đánh trống, Hứa Chữ có thể giữ ngựa, chăn trâu, Nhạc Tiến thì sai đọc chiếu, đọc trạng, Lý Điển có thể sai đi truyền hịch, tống thư, Lã Kiền biết mài dao, đúc kiếm, Mãn Sũng có tài uống rượu, ăm tấm, Vưu Cấm có thể sai vác gạch, xây tường, Từ Hoảng nên sai mổ lợn, giết chó. Hạ Hầu Đôn có thể gọi là Tướng Quân Hoàn Thể (ý nói mỉa Hạ Hầu Đôn một mắt) và đến như Tào Nhân thật đáng mặt Thái Thú vòi tiền. Ngoài ra đều là hạng giá áo túi cơm, lọ rượu bị thịt hết mà thôi!

Đọc đến đây những người có chút hiểu biết về tình đời, lòng người đều cảm thấy chán ngán Nễ Hành. Thói khinh bạc người khác của Nễ Hành quả là một việc làm ngu dại, nhất là khinh bạc đám thủ hạ của Tháo trước mặt họ và trước mặt Tháo.

Chưa gì Trương Liêu đứng gần đó đã muốn rút gươm chém Hành. Nếu Nễ Hành có được Tào Tháo trọng dụng thì cũng khó mà sống với đám thủ hạ của Tháo.

Tháo nghe Hành trả lời, vặn hỏi: “Thế ngươi có tài gì?

Hành tự phụ, đáp ngay: “Thiên văn, địa lý, không điều gì không biết, Tam Giáo, Cửu Lưu, không chỗ nào không tường. Trên có thể giúp vua được như Nghiêu, như Thuấn, dưới có thể theo đòi Đức Khổng, Thầy Nhan, há thèm nghị luận với bầy tục tử sao?”

Tháo chơi xỏ: “Hiện ta đang thiếu một chức Cổ Lại để sớm tối đánh trống hầu những buổi triều hạ, yến hưởng. Vậy Hành hãy giữ chức nầy.”

Hành nhận lời ngay rồi bước ra.
Hôm sau Tháo ngồi trên đỉnh sảnh, mở tiệc lớn đãi tân khách rồi truyền Cổ Lại đánh trống. Nễ Hành bước tới, tên đánh trống cũ bảo Hành rằng:

“Đánh trống phải mặc áo mới vào!”

Hành cứ phớt lờ, xăn tay áo đánh ba hồi trống Ngư Dương, ấm tiết tuyệt diệu, nghe vang vang như có tiếng đá, tiếng vàng ngân lên ai oán.

Bỗng tả hữu quát nạt Hành: “Sao không thay áo?”

Hành bèn cởi áo, tụt quần ngay trước bàn tiệc, đứng lõa thể để nhơn nhơn “thằng chuyên chính vô sản” trước mắt mọi người.

Trên bàn tiệc nhiều người lấy tay che mắt.

Biểu diễn xong một màn sexy, Nễ Hành từ từ cúi xuống, kéo quần lên, sắc mặt thản nhiên không hề thay đổi.

Tháo mắng rằng: “Trên chỗ miếu đường, sao mầy quá vô lễ?

Hành mắng lại: “Dối vua lừa trên mới là vô lễ chứ. Ta để lộ cái hình hài do cha mẹ sinh ra, tức là phô tấm thân trong trắng của ta vậy.”

Tháo vẫn hỏi: “Mầy trong trắng thì ai dơ bẩn?”

Hành đáp lập tức: “Mầy dơ bẩn chứ ai! Mầy không thấy rõ người hiền kẻ ngu, ấy là mắt bẩn, không đọc thi thư, ấy là miệng bẩn, không dung chư hầu, ấy là bụng bẩn, cứ nghĩ mưu soán nghịch, ấy là tim bẩn. Như ta đây là danh sĩ thiên hạ mà mầy dùng làm tên đánh trống thì cũng giống như Dương Hoá khinh đức Trọng Ni, Tang Thương gièm pha thầy Mạnh Tử. Mầy muốn gây nghiệp Vương Bá mà khinh người thế nầy à?”

Đọc đến đây, người ta thấy rõ Nễ Hành vì bị chạm tự ái nên coi rẻ tánh mạng. Đã mắng Tào Tháo là thằng “dối vua lừa trên” thì tại sao lại lết đầu tới tìm chút địa vị công danh với thằng dối vua lừa trên.

Mắng Tháo là kẻ mắt bẩn, miệng bẩn, bụng bẩn, tim bẩn mà lại muốn đến để làm thủ hạ của Tháo thì tâm hồn của Hành có bẩn không?

Cái câu như ta đây là “danh sĩ thiên hạ mà mầy dùng làm tên đánh trống” đã cho ta thấy rõ tâm sự của Nễ Hành. Có điều khi nói câu nầy Nễ Hành chưa khóc nức nở mà thôi! Vả lại mấy tiếng: “như ta đây là danh sĩ thiên hạ” chỉ do Hành tự phong cho mình càng thấy rõ tâm tình cao ngạo của Nễ Hành.

Nếu lúc đón Hành, Tháo dùng đại lễ để chiêu hiền đãi sĩ, phong cho Hành một địa vị cao trọng thì chắc chắn Hành sẽ cúi đầu nhận lãnh và sẽ là một bộ hạ của Tháo như bao nhiêu người khác.

Vỗ ngực xưng mình là danh sĩ thiên hạ, Thiên văn, Địa lý, Tam giáo, Cửu lưu không chuyện gì không biết, thế mà việc chọn người để theo, Hành lại mù tịt.

Thời đó từ quân cho tới dân, ai cũng biết Tháo chỉ là một gian tặc chỉ chờ cơ hội để soán ngôi. Thế mà Hành, một danh sĩ thiên hạ lại không biết.

Mắng Tháo: “Mầy không thấy rõ người hiền, kẻ ngu, ấy là mắt bẩn. Hành cũng không thấy rõ Tháo là gian tặc hay trung thần như vậy mắt Hành có bẩn không? Tự cho mình là danh sĩ thiên hạ, đến lúc bị hạ nhục, bị dùng làm tên đánh trống, Hành không còn coi mạng sống mình vào đâu nữa. Thái độ đó, không phải là thái độ của người quân tử. Đối với cái chết, người quân tử đôi lúc coi nhẹ như lông hồng, đôi lúc coi nặng như núi Thái. Công lao đèn sách mấy mươi năm trời, học đến chuyện trên trời dưới đất đều biết cả, tài năng đó chưa giúp được gì cho dân cho nước để rồi chọn cái chết lãng nhách vì bị tên gian tặc làm nhục. Thái độ của Hành phải được coi là “liều mạng” hơn là “can đảm” là tên thất phu hơn kẻ thức thời. Người ta khoái Hành, ca tụng Hành chỉ vì cái tâm lý ghét Tháo đó thôi. Tháo là một tên đại gian, đại ác, quỷ thần đều căm giận mà Hành dám đứng lên chửi như chửi chó.

Nhưng cái điên rồ của Hành không phải chỉ dừng ở đó...:

Tháo trỏ mặt Hành bảo: “Nay mầy hãy đi sứ qua Kinh Châu, nếu thuyết được Lưu Biểu về hàng thì sẽ được chức Công Khanh.”

Hành không chịu đi. Tháo bắt đóng yên ba con ngựa, sai hai người áp hai bên, bế xốc Hành lôi đi. Lại bảo bọn văn võ tay sai đem rượu ra cửa Đông tống tiễn.

Khi ra chờ ngoài thành, Tuân Húc dặn đồng bọn rằng:

“Khi Nễ Hành tới, cứ ngồi im đừng ai đứng dậy nhé!”

Hành đến nơi, xuống ngựa bước vào. Bọn Tuân Húc ngồi lặng thinh, Hành bèn ngã người khóc rống lên. Tuân Húc hỏi:

“Vì sao mà khóc?”

Hành nói: “Ôi chao! Vào chỗ cái quan tài người chết, không khóc sao được?”

Cả bọn cùng nói: “Bọn tao là thây ma thì mầy là thằng cuồng quỷ không đầu”

Hành ngạo nghễ: “Tao là bầy tôi nhà Hán, không thuộc đảng thằng Tào man, sao lại không có đầu?

Bọn chúng muốn giết đi nhưng Tuân Húc vội ngăn lại: “Đồ chim sẻ, chuột đồng ấy, giết làm gì bẩn đao?”

Hành mắng lại: “Tao là chim chuột, còn có tính chất người, chứ tụi chúng bây chỉ là giun dế, sâu bọ hết.”

Phần trên khi nói chuyện với Tháo, Hành ngạo nghễ tự khoe mình: Thiên Văn, Địa Lý không điều gì không biết, Tam Giáo, Cửu Lưu không chỗ nào không tường. Trên có thể giúp vua được như Nghiêu như Thuấn, dưới có thể theo đòi Đức Khổng, Thầy Nhan, há thèm nghị luận với bầy tục tử sao?

Thế mà bây giờ Hành lại đang chửi lộn tay đôi với Tuân Húc, thủ hạ của Tháo, kẻ mà Nễ Hành bỉ thử là chỉ có thể sai đi điếu tang, thăm bệnh.

Hành sang Kinh Châu, vào ra mắt Lưu Biểu, miệng tuy ca tụng tài đức mà lời văn ngụ ý chê bai, châm biếm. Lưu Biểu bực mình nhưng không nói ra chỉ sai Hành qua Giang Hạ yết kiến Hoàng Tổ...

Đến lúc gặp Hoàng Tổ thì Hành để lộ nguyên con là thằng “mát dây” chứ không phải người phi thường.

Hôm ấy Hoàng Tồ uống rượu với Hành, cả hai cùng say, Tổ hỏi Hành:

“Anh ở Hứa Đô, có thấy nhân vật nào đáng kể?

Hành đáp: “Có thằng Cu lớn Khổng văn Cử với thằng Cu nhỏ Dương Đức Tổ là tạm được, ngoài hai tên ấy chẳng có nhân vật nào nữa.”

Tổ lại hỏi: “Như ta đây thế nào?”

Hành đáp: “Anh như vị thần trong miếu tuy hưởng đồ cúng tế mà chẳng linh nghiệm chút nào.”

Hoàng Tổ đùng đùng nổi giận mắng: “À, mầy dám bảo tao là hạng người gỗ, tượng đất à?”

Rồi sai chém đầu. Hành đến chết vẫn chửi Hoàng Tổ không ngớt miệng.

Cái chết của Nễ Hành như thế! Tào Tháo ở Hứa Đô nghe tin Hành bị hại thì cười rằng:

“Đồ hủ nho, múa gươm lưỡi, nay lưỡi mình lại giết mình nhé!”

Chẳng phải riêng gì Tào Tháo mà hầu hết người đời đều mang trong người tấm lòng đố kỵ, ganh ghét tài năng của kẻ khác nhất là cái tài năng đó lại cứ được đem ra bô bô khoác lác.

Tuân Sinh Tiên nói: “Đem cái thói kiêu căng khinh bạc đối đãi với người quân tử thì tự mình làm cho mình thất đức. Đem cái thói kiêu căng khinh bạc đối đãi với kẻ tiểu nhân thì tự mình làm hại thân mình vậy.”

Khinh bạc đám thủ hạ của Tháo trước mặt họ, trước đám đông người, chê bai, biếm nhẽ Lưu Biểu, hạ nhục Hoàng Tổ mà không có lý do gì chính đáng, chỉ với ý muốn đề cao tài năng mình, khoác lác cho thoả mãn lòng tự cao, tự đại để rồi chuốc lấy cái chết như một ngu phu.

Trang Tử có nói: “Khôn chết, dại chết, biết sống.” Nễ Hành không khôn, cũng không biết sống nên cầm chắc cái chết trong tay vậy.