Nhà thơ Mỹ giúp bảo tồn văn hóa chữ Nôm của Việt Nam |
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm |
Chúa Nhật, 08 Tháng 2 Năm 2009 12:49 |
Chữ Việt hiện nay hay là chữ quốc ngữ là do người Pháp đặt ra và nhìn cũng tương tự như Anh ngữ hay Pháp ngữ. Nhưng trong nhiều thế kỷ, chữ Việt đã được viết cách khác dựa vào chữ Nho. Bây giờ chỉ một nhóm người còn đọc nổi loại chữ Hán Nôm đó. Tại Hà Nội, thông tín viên đài VOA Matt Steinglass tham quan một Viện đang cố gắng bảo tồn di sản này. Tại một quán cà phê cũng là một tụ điểm văn hóa, mấy chục người Việt nam và người nước ngoài đang kỷ niệm 10 năm bảo tồn chữ Nôm. Ông Balaban là một nhà thơ Mỹ đến Việt Nam với tư cách một người thiện nguyện nhân đạo trong chiến tranh cách đây 40 năm. Ông đã chú ý đến chữ Nôm khi dịch tác phẩm của nhà thơ nữ Việt nam Hồ Xuân Hương. Chính ông đã lập ra Hội chữ Nôm. Ông Balaban nói: “Hồ Xuân Hương là một người vợ lẽ sống vào năm 1800. Một nhà phê bình đã mô tả bà là một khuôn mặt nữ phá phách nhưng xuất chúng của thế kỷ 18 và 19. Đôi khi toàn thể những bài thơ của bà đều mang những ý nghĩa đảo ngược, với tình dục là đề tài tiềm ẩn.” Những bài thơ của Hồ xuân Hương mang tính cách nữ quyền gây kinh ngạc. Bài thơ sau đây nói về phong tục đa thê một thời rất thông dụng tại Việt nam, khiến những phụ nữ như Hồ xuân Hương phải làm lẽ cho những người quyền thế. Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm, Cầm bằng làm mướn, mướn không công. Thân này ví biết dường này nhỉ, Thà trước thôi đành ở vậy xong.” Đọc Thơ Hồ Xuân Hương tưởng chừng mới được viết hôm qua vì những tư tưởng rất hiện đại. Tuy nhiên, phần đông người Việt nam lại không đọc được nguyên bản vì bà viết bằng chữ Nôm. Chỉ một số rất ít người Việt đọc được chữ Nôm, phần đông là các nhà sư, người già, hay những người có sở thích. Và những người thật sự hiểu chữ Nôm? Tổ chức vừa nêu cho là chỉ có khoảng 30 người trên toàn thế giới. Tại thư viện quốc gia Việt Nam, một nhóm nhỏ do hội này tài trợ đang bận rộn với một công trình lớn: chuyển qua kỹ thuật số 4,400 bản thảo Hán Nôm giá trị nhất trong văn khố Quốc gia Việt nam. Đứng đầu nhóm bảo tồn tại thư viện là ông Tô Trọng Đức. Nhóm này chụp những hình rõ của mỗi tư liệu và nhập những dữ kiện liên quan đến việc tư liệu đã được in như thế nào và sưu tập ra sao. Sau cùng họ viết lại bằng tay toàn bộ tác phẩm, vì không có phần mềm nào dành cho chữ nôm. Cách đây ít năm, Hội đã gửi đại diện tới dự một hội nghị quốc tế của ủy ban điều hành việc chữ được tạo mã ra sao trên Internet. Mới đầu, các đại biểu Trung Quốc phản đối việc tạo một hệ thống mã riêng cho chữ Nôm. Họ nói đó chỉ là một loại chữ của Tàu. Sau đó một chuyên gia Việt nam đưa một bản chữ Nôm ra và người Trung quốc đã không đọc được, vậy là hiện nay chữ Nôm đã có hệ thống tạo mã chính thức của mình trên Internet. Đây là một bước ngoặt đối với loại chữ mà từ 75 năm nay không có gì quan trọng được viết ra. Người Việt nam bây giờ đọc thi văn cổ điển như các bài thơ của Hồ Xuân Hương bằng loại mẫu tự ABC mà người Pháp đã đưa vào từ đầu thế kỷ 19. Ca sĩ Lê Phạm Lệ ngâm thơ Hồ Xuân Hương nói rằng thơ chữ Nôm và chữ quốc ngữ không hoàn toàn giống nhau. Cô Lê nói: “Một cách nào đó, tôi thấy là ngâm thơ Hồ xuân Hương bằng chữ Nôm cho cảm giác mạnh hơn. Lý do là đó giống như một sự cảm thông với một di sản cổ điển. Đó cũng là mục tiêu, là nỗ lực mà Hội chữ Nôm đang theo đuổi.” Với cố gắng và duyên may của Hội chữ Nôm, một thế hệ trẻ Việt nam sẽ có thể thưởng thức thơ Hồ Xuân Hương đúng như đúng như lúc bà đặt bút lông lên giấy tại Hà Nội cách đây 200 năm. |