Tháng Hai PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Mạnh Hùng   
Thứ Hai, 09 Tháng 2 Năm 2009 11:20

Tuần rồi, một trận bão tuyết đã đổ vào thủ đô Luân Ðôn. Trong suốt ngày Thứ Hai mồng hai Tháng Hai, hầu như mọi hoạt động của thành phố lúc nào cũng bận rộn này. đều bị ngừng lại. Xe bus ngồi yên trong trạm, xe thơ không phát và bệnh viện chỉ nhận những trường hợp khẩn cấp nhất. Hầu hết các trường học đều đóng cửa và khoảng một nửa nhân viên các công tư sở không đến được sở làm.

Nhưng có lẽ vì vậy mà người ta có cơ hội gần gũi với thiên nhiên hơn. Chỉ khi bị mắc kẹt trong nhà nhìn trời tuyết xuống người ta mới cảm thấy tại sao người xưa lại cho tháng hai là tháng tệ nhất của năm, một khoảng thời gian trơ trụi giữa mùa đông và mùa xuân. Thành ra không có gì lạ khi người Anglo Saxon thời xưa gọi tháng này là “tháng bùn” (mud month)

Dưới thời đế quốc La Mã, Tháng Hai là tháng cuối cùng của năm. Cho đến thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên, năm của La Mã chỉ có 10 tháng, từ Tháng Ba cho đến Tháng Chạp. Khoảng thời gian từ cuối Tháng Chạp cho đến Tháng Ba là một chuỗi ngày vô danh của Mùa Ðông thành ra không được tính. Phải sang thế kỷ thứ 7 trước Công Nguyên, người La Mã mới thêm hai Tháng Giêng và Hai vào cho đủ một năm. Nếu Tháng Giêng - January - được lấy tên từ vị thần “Janus”, vị thần có hai bộ mặt, một nhìn về đàng trước hướng về tương lai và một nhìn vào đằng sau quan chiêm quá khứ, biểu tượng việc chuyển tiếp giữa năm cũ và năm mới thì, Tháng Hai - February - được lấy từ chữ La tinh “Februa” có nghĩa “lễ sám hối”. Thành ra ngay từ thuở ra đời, Tháng Hai là một tháng để người ta suy tư và hối quả.

Tại Anh, những người dân bản xứ trước khi người La Mã đến gọi Tháng Hai này bằng một cái tên khác - Kalemonath - tháng bắp cải. Ðó là vì đây là giai đoạn mà người dân hồi xưa gọi là “thời gian đói”, khi mà hầu hết những thực phẩm dự trữ cho Mùa Ðông đã bị ăn gần hết trong khi Mùa Xuân còn chưa đến. Vào lúc này, hầu như món ăn độc nhất còn lại là bắp cải vì nó là một trong số hiếm hoi những món rau cỏ có thể giữ được lâu dài. Có lẽ vì vậy mà súp bắp cải đã trở thành món ăn tiêu biểu của nhiều nước xứ lạnh từ Anh qua đến Nga.

Tháng Hai là tháng thiếu ăn. Chính vì thế mà những ngày ăn chay trước Lễ Phục Sinh của Thiên Chúa Giáo được chọn rơi đúng vào trong Tháng Hai này. Ngày lễ Tro mở đầu cho mùa chay thường đến đúng vào lúc mà những thực phẩm dự trữ cho Mùa Ðông đã hoặc cạn hoặc là phải bỏ đi vì bị hư thối. Sự trộn lẫn giữa những yêu cầu của tôn giáo và cuộc sống đã thể hiện qua ngôn ngữ. Từ ngữ “Lent” trong tiếng Anh để chỉ mùa chay của Thiên Chúa Giáo có gốc từ tiếng Anglo Saxon cổ “Lencten” ám chỉ giai đoạn này khi mà ngày mỗi lúc một dài thêm và đêm ngắn lại với Mùa Xuân tới gần.

Tháng Hai thường được coi như là tháng lạnh nhất trong năm. Nhưng cũng trong tháng hai này người ta cũng thấy có những dấu hiệu của Mùa Xuân sắp tới. Một số hoa nở sớm như “snowdrops” hoặc “crocus” đã bắt đầu xuất hiện. Tại các hồ ao, ếch nhái đã ra khỏi giấc ngủ Mùa Ðông và bắt đầu kêu tìm bạn ầm ỹ lúc hoàng hôn xuống.

Nhưng như trận bão tuần này tại Anh cho thấy, Tháng Hai cũng là tháng mà thiên nhiên hãy còn chần chừ với thời tiết thay đổi như chong chóng. Ðó là lý do của huyền thoại Mỹ về ngày 2 tháng 2 - “Groundhog Day” - khi chú chuột groundhog tỉnh giấc ngủ đông và thò đầu ra khỏi hang để xem thời tiết. Nếu chú thấy bóng mình trong ánh nắng chói chan của Mùa Ðông thì chú quay trở lại và ngủ thêm sáu tuần nữa mới trở dậy vì thời tiết lạnh giá sẽ còn kéo dài thêm nữa. Nhưng nếu chú thấy trời bị mây che phủ thì sẽ trở dậy liền vì Mùa Ðông sắp chấm dứt.

Huyền thoại này tuy là của Mỹ, nhưng nó có gốc từ Châu Âu, đặc biệt là từ Anh và Ðức mà những người dân di cư từ hai nước này đã mang sang tới Mỹ. Theo tập tục của dân Anh thì vào ngày 2 tháng 2, ngày Candlemas, một ngày lễ lớn tưởng niệm đức mẹ đồng trinh Maria, người ta có thể biết trước được thời tiết những ngày sắp tới. Ca dao của dân Anh nói:

“Nếu ngày Candlemas trong sáng và ấm, chắc chắn là Mùa Ðông sẽ còn kéo dài. Nhưng nếu ngày Candlemas mang gió và tuyết tới, thì Mùa Xuân chẳng bao lâu sẽ xuất hiện.”( If Candlemas is mild and pure, Winter will be long for sure. If Candlemas brings wind and snow, Then spring will very soon show.)

Nếu như những lời tiên đoán dân dã này đúng thì Mùa Xuân chắc chắn chẳng bao lâu nữa sẽ xuất hiện.

Ðiều kỳ cục cuối cùng của Tháng Hai này là nó ngắn nhất trong tất cả các tháng của năm Âm Lịch, thông thường chỉ có 28 ngày nhưng cứ khoảng bốn năm một lần lại có thêm một ngày nữa gọi là vào năm nhuận. Huyền thoại nói rằng Tháng Hai thời xưa cũng có 30 ngày như những tháng khác, nhưng rồi sau đó bị mất đi hai ngày vì người ta muốn vinh danh hai vị hoàng đế La Mã. Ðầu tiên, Tháng Bảy (July), tháng thứ năm sau lúc bắt đầu của năm vào Tháng Ba có tên là “quintilus” (tháng thứ năm). Và tháng này chỉ có 30 ngày vì một năm chỉ có 5 tháng có 31 ngày cho đủ 365 ngày. Nhưng khi tháng thứ năm này được đổi thành “July để vinh danh Julius Caesar thì người ta lấy một ngày của tháng hai để bù vào thành 31 ngày. Và khi tháng thứ sáu, “sextilis” được đặt tên lại để vinh danh Agustus Caesar thì người ta thấy chẳng lẽ Julius có 31 ngày mà Augustus lại chỉ có 30 ngày hay sao, thế là Tháng Hai lại mất đi thêm một ngày nữa.

Thế còn cứ xấp xỉ bốn năm một lần Tháng Hai lại thêm một ngày là vì một năm - một vòng quay của quả đất chung quanh mặt trời - không phải chỉ có 365 ngày mà còn dư thêm khoảng 5 tiếng đồng hồ nữa. Thành ra để cho khỏi bị sai lạc với chu kỳ thiên văn, cứ mỗi bốn năm một lần người ta phải thêm một ngày nữa. Nhưng thêm một ngày như vậy, dần dà lịch số và chu kỳ thiên văn cũng sai lạc đi. Thành ra đến khoảng thế kỷ thứ 16, Ðức Giáo hoàng Gregory XIII đã ra lệnh sửa lại lịch, cứ 400 năm, năm nào chia chẵn cho 400, thì không nhuận, tức là không thêm một ngày cho Tháng Hai nữa. Và để kéo thiên văn và lịch số phù hợp với nhau, Ðức Giáo hoàng quyết định hủy đi 10 ngày trong lịch khiến năm 1582 chỉ có 355 ngày. Nhưng vào lúc đó, quyền uy của giáo hoàng chỉ có hiệu lực tại những nước còn theo Thiên chúa giáo La Mã. Còn tại những nước như nước Anh, lúc đó đã chuyển sang đạo Tin Lành thì vẫn tiếp tục lịch cũ. Phải đến thế kỷ thứ 18 nước Anh mới đổi lịch theo lịch mới. Và khi đổi lịch này thì phải cắt đi mất 13 ngày, tạo ra nhiều cuộc biểu tình tại Luân Ðôn đòi chính phủ phải trả lại cho dân chúng 13 ngày bị mất đi.