Home Văn Học Khảo Luận Đầu Xuân lại bàn chuyện dịch thơ

Đầu Xuân lại bàn chuyện dịch thơ PDF Print E-mail
Tác Giả: Mặc Giao   
Thứ Sáu, 13 Tháng 2 Năm 2009 21:29

Đầu năm 2007, tôi có cho đăng trong Giai Phẩm Xuân Đinh Hợi Việt Nam xuất bản tại San Jose bài “Đầu Xuân Bàn Chuyện Dịch Thơ”. Xuân năm nay tôi lại xin bàn tiếp về cùng đề tài. Trong bài này, tôi sẽ diễn dịch và chứng minh thêm là thơ rất khó dịch từ ngôn ngữ nọ sang ngôn ngữ kia, bởi vì mỗi ngôn ngữ có nét đặc thù và cái hay riêng. Nếu dịch đúng từng chữ, người đọc chưa chắc hiểu. Nếu dịch kiểu giải thích cho rõ ý thì lời dịch sẽ hết là thơ. Làm sao lột được ý của những câu thơ Kiều của Nguyễn Du

tiếc thay một  đoá trà mi
con ong đã tỏ đường đi lối về

Đọc hai câu dịch sau đây, liệu người ngoại quốc có hiểu Nguyễn Du nói gì không và có cảm thấy mấy câu thơ này hay như chúng ta cảm không?

Alas! The devilish bee, with his suckling spout,
Through that camellia went his way in and out
(Lê Cao Phan dịch)

Một câu Kiều khác cũng trong hoàn cảnh tương tự

Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung

She thought, “Had I known that deep I should lower
I’d better have let him pick my prime flower”

(Lê Cao Phan dịch)

Tôi xin chứng minh thêm lập luận này bằng một thí dụ khác: Vũ Hoàng Chương là người hay dùng điển tích. Bài thơ sau đây của ông có những chữ khi dịch sang ngoại ngữ vẫn phải để nguyên tiếng Việt, ai hiểu thì hiểu, không hiểu thì đọc chú thích bên dưới. Nếu không đọc thì làm sao biết được sự tích “Châu về Hợp Phố” và câu thơ “Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự” của Trương Kế?

XUÂN BÁO NỬA ĐÊM
Bên trời vẳng báo xuân sang
Giữa khi Hợp Phố mơ màng về châu
Gác nằm hiu quạnh bấy lâu
Nửa đêm chợt nổi cái sầu Cô Tô

LE PRINTEMPS S’ANNONCE À MINUIT
De l’horizon accourt la nouvelle: “le printemps vient”
Et à ce moment Hợp Phố rêve au retour de ses perles précieuse
Là-haut, je m’entends, depuis longtemps solitaire
Il est minuit et toute la mélancolie de Cô Tô me pénètre
(Simone Kuhnen De La Coeuillerie dịch)

Dịch ý, dịch lời đã khó như vậy, nhưng còn một thứ khó hơn là dịch tứ thơ. Tứ thơ là một cái gì rất khó định nghiã. Nó là một ý, một lời làm cho người đọc sững sờ thích thú. Nó xác định câu đó là một câu thơ, không phải văn xuôi

Muôn mầu chen dự lễ đăng quang
Biển nước xanh lơ biển cát vàng
Hoa tím buông lơi sườn cỏ biếc
Ôi rừng trinh bạch đảo hồng hoang
(Vũ Hoàng Chương)

A myriad of colours jostled, attending my Coronation-day
Water-sea’s navy blue mixed up with sand-sea’s golden
Hanging on green grassed slopes, bunches of purple flowers swayed
O! white-virgin jungles! Rosy-deserted islands!
(Nguyễn Khang dịch)

Cái hay của bốn câu thơ trên vừa ở ý (ngày đầu con người được sinh ra để làm chủ vũ trụ), vừa ở lời, vừa ở hình ảnh. Những câu thơ dịch đã lột được ý của tác giả và đã nhấn mạnh những mầu sắc làm nên một bức tranh hài hòa. Tuy nhiên những ý và lời tạo nên tứ thơ thì khó dịch nổi. Chẳng hạn “buông lơi” được dịch là “swayed” có nghiã lúc lắc, đung đưa. Khó có chữ nào khác dịch hay hơn.

Nhưng qủa tình không diễn tả được hết ý tứ về những chùm hoa tím buông lơi, buông thả một cách hững hờ, như thể muốn quyến rũ người ngắm. Cũng vậy, tiếng kép “hồng hoang” không chỉ có nghiã là “hoang vắng hồng” (rosy-deserted) , nhưng diễn tả thuở khai thiên lập địa, lúc con người vừa được sinh ra và vừa khám phá ra vũ trụ. Đó là những tứ thơ cả lời lẫn ý, khó dịch vô cùng.

Vì dịch sát nghiã khó hay và khó hiểu, nên các dịch giả thơ (tôi không nói văn xuôi) thường dựa vào ý thơ để “tái sáng tác” bài thơ bằng một ngôn ngữ khác. Như vậy may ra mới có một bài thơ dịch hay. Có thể nói dịch giả cũng là người “đồng sáng tác”. Tôi xin dẫn chứng vài thí dụ

TĨNH DẠ TỨ CỦA LÝ BẠCH
Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương

Tôi dịch sát nghiã như sau:
Đầu giường trăng sáng tỏ
Mặt đất như mờ sương
Ngửng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương

Nhà văn Toàn Phong đã “sáng tác” một bài dịch khác với những chữ thêm vào cho bài thơ du dương hơn:

Đầu giường trăng sáng như gương
Tưởng như mặt đất dãi sương mịt mùng
Ngửng đầu trăng sáng trên không
Cúi đầu luống những trạnh lòng nhớ quê

Hai câu thơ của Thôi Hộ
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong

Nếu dịch sát nghiã “Không biết mặt người đã đi đến chốn nào? Hoa đào vẫn cười với gió đông như cũ” thì nghe chẳng có chất thơ chút nào. Phải nhờ đến thiên tài Nguyễn Du “sáng tác lại” thì hai câu thơ dịch mới thật có hồn

Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông

Vì dịch thơ khó như thế nên ông Võ Phiến mới phát biểu một câu rất chí lý: “Cái gọi là thơ” thì dịch được, “cái thật là thơ” thì không dịch được” (Võ Phiến, Đàm Thoại, tr 268. Văn Mới, Hoa Kỳ 2000).

Nói về trường hợp thơ chữ Hán được dịch sang thơ chữ Việt, chúng ta thấy những câu dịch có vẻ thoải mái hơn, dễ lột được cái hay của câu thơ chữ Hán hơn. Sở dĩ vậy là vì trước hết các văn nhân thi bá Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của văn chương Trung Quốc hàng ngàn năm. Những thể thơ và điển tích Trung Hoa đã trở thành thông thường đối với người làm thơ và đọc thơ Việt Nam.

Thứ đến, các cụ ta lại khôn ngoan biến tiếng Hán thành tiếng Hán Việt để vừa bảo tồn tiếng Việt (Thí dụ tiếng Quan Thoại nói ‘Chúng Hỏa Min Quơ’, các cụ đổi thành ‘Trung Hoa Dân Quốc’), vừa cho tiếng Hán năm âm bậc tương đương với nặng, sắc huyền, hỏi, ngã của tiếng Việt. Nhờ thế, nhiều khi chúng ta đọc những câu thơ tiếng Hán, dù không hiểu nghiã, vẫn thấy rất hay. Đôi khi thơ dịch sang tiếng Việt còn hay hơn nguyên tác. Thí dụ:

Cổ bề thanh động tràng thành nguyệt
Phong hỏa ảnh chiếu cam tuyền vân
(Đặng Trần Côn)

Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây
(Đoàn Thị Điểm dịch)

Những câu dịch sau đây mới thật tuyệt diệu:

Thanh thanh mạch thượng tang
Mạch thượng tang, mạch thượng tang,
Thiếp ý quân tâm thùy đoản trường
(Đặng Trần Côn)

(Cùng ngoảnh lại mà cùng chẳng thấy)
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một mầu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
(Đoàn Thị Điểm dịch)

Dịch thơ chữ Hán của tác giả người Hoa, dịch thơ chữ Hán của tác giả người Việt như tác phẩm Chinh Phụ Ngâm vừa trích dẫn trên đây, các cụ còn dịch thơ chữ Hán của chính mình sang tiếng Việt. Như vậy là các cụ sáng tác hai lần. Chúng ta hãy đọc những câu thơ tự dịch của cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Có những bài chúng ta không ngờ là cụ sáng tác bằng hai thứ tiếng

Hữu thời xuất kinh lộ
Không sơn văn lạc tuyền

Cũng có lúc chơi nơi dặm khách
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo

Hữu tửu vị thùy mãi
Bất mãi phi vô tiền
Hữu thi vị thùy tả
Bất tả phi vô tiên
Trần phồn tháp bất hạ
Bá Nha cầm diệc nhiên

Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua
Câu thơ nghĩ đắn đo chẳng viết
Viết đưa ai, ai biết mà đưa?
Giường kia treo những hững hờ
Đàn kia muốn gảy, ngẩn ngơ tiếng đàn

Từ thơ ngũ ngôn chữ Hán, cụ Tam Nguyên Yên Đổ đã chuyển thành thơ song thất lục bát Việt Nam rất tài tình.

Dịch thơ là một việc hao tâm tổn trí. Tôi chỉ đưa vài nhận xét và không dám phê bình ai. Muốn có một bài thơ dịch hay, người dịch phải thông hiểu cả hai ngôn ngữ, phải biết xử dụng ngôn ngữ dịch một cách thành thạo, phải có tâm hồn đồng điệu với tác giả và phải biết cộng tác với tác giả để tái sáng tác bài thơ. Vì vậy chúng ta đừng mong độc giả ngoại quốc mê thơ Kiều khi đọc bản dịch như chúng ta mê khi đọc bản quốc văn.

DỊCH THƠ THỜI ĐẠI

Ở phần trên, tôi đã góp ý thêm về việc dịch thơ của các thi hào nổi tiếng, với những vần thơ văn hoa, chải chuốt, thuộc giòng thơ cổ điển. Tiếp theo đây, tôi xin nói về việc dịch thơ của thời đại mới, với những vần thơ mới. Việc dịch thơ thời đại mới có hai đặc điểm: Một là chỉ chú trọng dịch cho sát nghiã, lột được ý câu thơ, không cần hoa hoè hoa sói. Hai là việc dịch thơ đôi khi trở thành một trò chơi giải trí với những ý và lời rất ngộ nghĩnh, gây nhiều thú vị.

Thơ thời đại được dịch nhiều nhất là thơ có tính đấu tranh. Thí dụ thơ của Nguyễn Chí Thiện được Nguyễn Ngọc Bích dịch sang Anh ngữ và in thành tập dầy 550 trang có tựa đề “HOA ĐỊA NGỤC – THE FLOWERS OF HELL” Chúng ta hãy đọc vài bài cả bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh

TÔI IM LẶNG
Tôi im lặng khi kẻ thù hành hạ
Sắt thép đưa vào, đau đớn hôn mê
Câu chuyện anh hùng để trẻ con nghe
Tôi im lặng chỉ vì tôi tự nhủ:
Có ai đi rừng gặp loài dã thú
Lại mở mồm kêu xin chúng thương tha?

I KEEP SHUT
I keep shut my mouth when tortured by enemy
He may resort to iron & steel create unbearable pain
I still keep my mouth shut – leaving tales of heroism
To children – only because I told myself:
Can one imagine running into wild beasts in the forest
And swoop down to plead with them for one’s life?

TRONG BÓNG ĐÊM
Trong bóng đêm đè nghẹt
Phục sẵn một mặt trời
Trong đau khổ không lời
Phục sẵn toàn sấm sét
Trong lớp người đói rét
Phục sẵn những đoàn quân
Khi vận nước xoay vần
Tất cả thành nguyên tử

IN THE NIGHT
In this stifling night
There lies in wait a sun
Unspoken suffering
Hides nothing but thunder and lighting
In the starved and shivering millions
Are thousand armies
When a new era comes
All will go off like an atom bomb

BÁC HỒ RỒI LẠI BÁC TÔN
Bác Hồ rồi lại Bác Tôn!
Cả hai đều thích ôm hôn nhi đồng
Nước da hai bác mầu hồng
Nước da các cháu nhi đồng mầu xanh
Giữa hai cái mặt bành bành
Những khăn quàng đỏ bay quanh cổ cò!

UNCLE HO AND NOW UNCLE TON
Uncle Ho and now we have Uncle Ton
Both are fond of embracing our kids
The uncles’ complexion is rose-tinted
But the children’s in fact is pale blue
In between the uncles’ arse-like flat faces
Red scarves fly around thin-necked skinnies

Bài thơ cuối đã trở thành ca dao mới, không ngờ lại là thơ của Nguyễn Chí Thiện. Bản dịch Anh ngữ của Nguyễn Ngọc Bích cũng rất tới. “Mặt bành bành” mà dịch thành “arse-like flat faces” (mặt bẹt như mông) thì hết chỗ chê.
Đặc tính thứ hai của thơ dịch thời đại là tính khôi hài. Cũng ông Võ Phiến đã phát giác ra những câu thơ nửa tiếng Việt nửa tiếng Triều Châu của đồng bào Việt gốc Hoa vùng Bạc Liêu:

Chờ anh em mãn kiếp chờ
Chờ cho ến xại vượt bờ khùi ui
(Chờ cho rau muống vượt bờ nở bông)

Chim kêu ngồ ố, láng dài
A hia xủa bố, a mùi ùm chai
(Anh đi lấy vợ, em rày chẳng hay)

Những câu lục bát giao lưu ngôn ngữ này làm tôi nhớ tới một câu thơ một bà me Tây gửi cho ông chồng đã về Pháp

Từ khi “toa kít-tê dơ”
“Bon nơ” cũng lắm, “man lơ” cũng nhiều

(“Toa kít-tê dơ”: Toi quitter je: anh rời bỏ em. “Bon nơ”: Bonheur: hạnh phúc. “Man lơ”: đau khổ, bất hạnh)

Thời buổi này, khi người ta muốn tống khứ những uẩn ức ra khỏi lòng, người ta hay trao đổi với nhau những điều gọi là khôn ngoan, nhưng thật ra là than thân trách phận bằng một giọng cố làm ra vẻ tếu để giảm bớt sự bi thảm. Cách đây 3 năm, 2004, tôi có nhận được một “message” của Vũ Thư Nguyên in lại Mười Điều về Hôn Nhân bằng Anh ngữ, bên cạnh có dịch sang Việt ngữ bằng thơ lục bát. Tôi không biết ai là tác giả của những bài dịch này. Tôi thấy hay và đã đóng góp với anh em bằng cách hiệu đính lại một số câu, chữ cho sát nghiã. Thí dụ những câu sau đây:

Marriage and love are purely matter of chemistry
That is why wife treats husband like toxic waste

Hôn nhân cùng với ái tình
Như hai hóa chất rập rình hút nhau
Thế nên bà vợ về sau
Coi chồng như chất độc mầu da cam

A man is incomplete until he is married
After that, he is finished

Đàn ông không vợ chưa hùng
Vợ rồi là kể… cáo chung cuộc đời

Cuối cùng là một truyện kể thêm chưa ai chịu dịch. Tôi đánh liều dịch đại. Xin các bà các cô đừng hỏi tội tôi. Tôi chỉ là người dịch tài tử, không chuyên nghiệp, nhất là không phải tác giả của truyện này:

A long married couple came upon a wishing well.
The wife leaned over, made a wish and threw in a penny.
The husband decided to make a wish too.
But he leaned over too much, fell into the well, and drowned.
The wife was stunned for a moment
but then smiled: “IT REALLY WORKS!”

Một đôi đã lấy nhau lâu
Đứng trên miệng giếng nguyện cầu nỗi riêng
Bà cầu và ném đồng tiền
Ông nghiêng mình khấn, ngã liền giếng sâu
Bàng hoàng một thoáng chẳng lâu
Bà cười tủm tỉm: “TA CẦU ĐƯỢC NGAY!”

Dịch thơ là để giới thiệu với người ngoại quốc văn chương của nước mình. Trong hoàn cảnh hiện nay chúng ta lại càng cần dịch nhiều hơn cho những người trẻ Việt Nam sống ở nước ngoài có thể đọc và hiểu về văn học quê hương. Tôi không có chuyên môn dịch thuật, chỉ chú tâm sưu tầm những bài đã được các vị khác dịch để giới thiệu những nét hay đẹp của thơ Việt Nam. Trong thời buổi giao lưu đủ thứ, giao lưu văn hóa phải được đặt lên hàng quan trọng. Chúng ta cần biết người và cũng cần người biết chúng ta. Chính vì vậy mà tại Nhật, cũng như tại nhiều quốc gia tiến bộ khác, số sách ngoại quốc dịch sang tiếng Nhật được xuất bản mỗi năm cũng ngang ngửa như số sách viết bằng tiếng Nhật.

Nói chuyện dịch thơ nhân buổi đầu xuân cũng là để tìm lại chút hương xưa, để đưa hồn về với những mùa xuân đã đi qua trong mộng tưởng. Nơi đất khách quê người, xuân vẫn về nhưng chúng ta không có cảnh xuân quê hương, không được hưởng không khí xuân, tình cảm xuân như khi còn ở quê nhà. Trong khi đó, nhìn về quê hương, ta thấy đa số đồng bào cũng đón xuân theo kiểu “Vui là vui gượng kẻo là”. Chúng ta ở “bên trời lận đận” cũng chỉ còn biết nâng chén rượu cay, ngâm câu thơ của cụ Tiên Điền để chia sẻ nỗi niềm với nàng Kiều

Mặc người mây Sở mưa Tần
Những mình nào có biết xuân là gì

Offrait-elle aux clients les délices entières,
Nul désir ne venait pour ses joies printanières
(Lê Cao Phan dịch)

SÁCH THAM KHẢO
- Communion Cảm Thông, Vũ Hoàng Chương, Sài Gòn 1960. Xuân Thu tái bản tại Hoa Kỳ.
- Tâm Tình Người Đẹp, Vũ Hoàng Chương, Editions Nguyễn Khang, Sài Gòn 1961.
- Chinh Phụ Ngâm và tâm thức lãng mạng của kẻ lưu đầy, Lê Tuyên, Văn Nghệ tái bản tại Hoa Kỳ, 1988.
- Histoire de Kieu, bản dịch Pháp ngữ của Lê Cao Phan, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1994, .
- The Story of Kieu, bản dịch Anh ngữ của Lê Cao Phan, Nhà xuất bản Văn Nghệ, TP HCM, 1996.
- Hoa Địa Ngục – The Flowers of Hell, thơ Nguyễn Chí Thiện, Nguyễn Ngọc Bích dịch sang Anh ngữ. Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ, 1996.