Thời thế và định mệnh của một cuốn sách |
Tác Giả: Nguyễn Mạnh Trinh |
Thứ Bảy, 09 Tháng 5 Năm 2009 22:27 |
Có một người, trước khi rời xa quê cha đất tổ, đã in một cuốn sách như một phần đời của mình để lại ở quê hương. Mượn lời người xưa để nói về tâm sự hôm nay. Bốn chục bài thơ vịnh Kiều, để từ cái tâm tư dồn nén của cụ Tố Như ngày xưa để in một tập sách nhan đề là Phong Vận Kỳ Oan mà cuộc đời của thi sĩ theo nhận xét của nhiều người bạn cũng rất là kỳ oan phong vận. Người thi sĩ ấy, là một sĩ quan Hải Quân khóa 20, ba năm tù cải tạo, cộng ba năm tù vì tội tình nghi chính trị và nửa năm tù về tội trợ giúp người bạn tổ chức vượt biên. Và thân phận của chàng, trong một liên tưởng nào đó, cũng mang mang số phận của nàng Kiều, của “phận hèn bao quản nước sa/ lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh”. Mà thực ra, ở thời đại chúng ta, ai mà chẳng lênh đênh, ai mà chẳng trôi dạt theo thời thế xoay vần. Người ấy, người thi sĩ ấy là Nguyễn Ðình Hoàng. Bây giờ, người thi sĩ ấy ở tuổi hơn sáu mươi đã đến xứ Mỹ một cách trễ tràng. Và ở bến đậu có lẽ cuối đời ấy, chấp nhận một cuộc sống sẽ có nhiều cực nhọc, có khi đọc lại những bài vịnh Kiều của mình, để thấy thấm thía cái thuyết tài mệnh tương đố. Khi còn ở quê nhà, mệt mỏi vì cuộc sống dù đã bằng lòng với nếp thanh bạch, người thi sĩ ấy đã trong mười mấy năm học chữ Hán, học chữ Nôm, để may ra tìm trong sách vở thấy một phần nào lẽ sống của cuộc đời. Không biết đó có phải là một hành động tương tự với Phùng Quán “vịn vào thơ mà đứng dậy.” Ai ở trong chúng ta mà không đọc Ðộc Tiểu Thanh Ký, một tâm sự ngút trời mà cụ Tiên Ðiền muốn lớp người sau ba trăm năm còn rưng lệ. Từ một thời hỗn quân hỗn quan, từ vua Lê chúa Trịnh, đến Nhà Tây Sơn rồi triều Nguyễn Gia Long, thân phận kẻ sĩ như ngọn cỏ bồng, thổi theo gió lênh đênh. Chuyện kim chuyện cổ sao cũng giống quá khứ hiện tại của chúng ta, cũng những con chốt cuốn của định mệnh trôi nổi. Tây Hồ mai uyển tận thành khư Ðộc điếu song tiền nhất chỉ thư Chi phấn hữu thần liên tử hậu Văn chương vô mệnh lụy phần dư Cổ kim hận sự thiên nan vấn Phong vận kỳ oan ngã tự cư Bất tri tam bách dư niên hậu Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như? Bản dịch Vũ Tam Tập: Hồ Tây cảnh đẹp hóa gò hoang Thổn thức bên song mảnh giấy tàn Son phấn có thần chôn vẫn hận Văn chương không mệnh đốt còn vương Nỗi hờn thiên cổ trời khôn hỏi Cái án phong lưu khách tự mang Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa Người đời ai khóc Tố Như chăng? Ðọc bài thơ ấy đã có nhiều người cảm khái. Vịnh về Kiều, hay viết về Nguyễn Du, cũng chỉ là bầy tỏ tấm lòng với người xưa nhưng lại chạnh nghĩ đến hiện tại bây giờ. Cuộc thế đổi thay, thành trụ hoại không, tháng năm với lịch sử chỉ là nháy mắt. Con lốc cuốn đi thân phận kiếp người, để lại dư âm trong văn chương những nỗi buồn thiên cổ. Ðèn khuya một bóng, nghe nỗi niềm dàn trải, đến lạnh thấu đất trời. Nguyễn Ðình Hoàng vịnh Kiều bằng 12 bài thơ, như muốn dàn trải và đồng vọng nỗi niềm riêng mình đến với tận cùng của tấm lòng mà niềm cảm khái dường mênh mang không dứt “mây rụng xuống cơn mưa đời mê mải tiếng sấm đêm xa buồn đến nao lòng bèo nước gió mây, phận người chìm nổi tiếng ai hò lạnh ngắt ngã ba sông tiếng hò nối đôi bờ kim cổ ngọn bút lông loang sấm chớp trăm miền nét vạch chảy ngang trời sóng vỗ đóa hoa sầu lấp lánh hạt mưa đêm hạt kết chuỗi lời nhân gian khấn khứa vái van xin một quẻ bói thơ Kiều chuyện son phấn mở trang kinh thần thánh lời tiên tri câu thơ cũ vừa gieo vần gieo xuống trái tim sầu tan nát mà hương hoa bay khắp chín từng tròi chốn oan - ương chỉ tự mình đi - ở ở cũng là đi đó Nguyễn Du ơi!” Ði ở, có không, nói với Nguyễn Du như một lời tâm sự, không biết có phải Nguyễn Ðình Hoàng nghĩ đến thân phận mình? Câu thơ cuối, khi chợt nghe như một câu thơ bất kính với người xưa nhưng nghĩ lại, biết đâu có phải là lời tâm sự với người đồng điệu. Lập thân tối hạ thị văn chương, cái con đường nhọc nhằn của kiếp nhân sinh ấy thời đại nào mà chẳng giống nhau. Cái nghiệp chướng oan nghiệt ấy cứ vương vấn mãi một đời, và trong cái thời thế nhiễu nhương lúc ấy và bây giờ, có phải là tiếng nói không thể không cất lên của một thuở bão bùng giông tố. Nói về những tệ nạn xã hội, qua cái vỏ của những nhân vật trong truyện Kiều như Hoạn Thư, Tú bà, Mã Giám Sinh, Bạc Bà, Bạc Hạnh,... sao giống y hệt thời đại bây giờ. Hay thi sĩ vịnh Kiều để nói lên một cách gián tiếp những băng hoại của chế độ được gọi là xã hội chủ nghĩa. Dám viết và dám in những bài thơ ấy trong chủ tâm muốn nói những điều không thể nói có phải là một việc làm có suy tính. Bữa nào, gặp tác giả Phong Vận Kỳ Oan chắc tôi phải hỏi để biết rõ được khúc nôi! Ðọc bài thơ Vịnh Kiều “Căn bệnh mấy ngàn năm” nói tích xưa mà tưởng chuyện bây giờ. “Như những gã chồng vờ Malaysia, Ðài Loan, Trung Quốc... mua vợ kinh doanh lời khấn nguyện của Bạc Hạnh trước lúc thành thân cũng chỉ để xin xỏ vận may nơi thần mày trắng Thúy Kiều ơi Non nước xa khơi Châu Thai buồm thuận Nước lại vẩn bùn Thân vẫn nhọ nhem Trò buôn người của đám xã hội đen Thời đại nào chẳng một vốn bốn lời Kiếm tiền như nước Thân gái dặm trường sa cơ lỡ bước gởi vào đâu được cuộc đời Xuân Lầu xanh Lầu xanh Thị dục loài người Căn bệnh mấy ngàn năm” Làm thơ vịnh Kiều, sao Nguyễn Ðình Hoàng lại có những tâm tư dường như của bao nhiêu căm uất của cuộc sống góp lại. Những năm tù tội hình như rút vào trong tâm cảm anh những nỗi niềm mà chỉ có văn chương mới đủ sức để anh quên đi những eo xèo nhân thế, những gập ghềnh của một đời người cứ bị ám ảnh hoài của một lý lịch mà chế độ công an này bắt buộc phải để ý vì đó có thể là những mồi lửa thiêu rụi chế độ khi thời cơ tới. “...Ðâu chỉ một Thúy Kiều lầm than tan nát đâu chỉ một vài đường dây tội ác Cỡ Bạc Hạnh Tú Bà Còn biết bao đường dây tàn độc ranh ma Len lỏi luồn đi Suốt đêm ngày Trói chặt tay người Phồng da Ứa máu Ðánh lộn sòng tốt xấu Nối vào nhau Tầng thấp Tầng cao Từ lũ bất lương đến quan lớn trong triều Cùng một duộc Lấn vào nhau Lương tâm tiêu điều u ám Ðen trắng thay hình đổi dạng Ác nhân chạm áo đầy đường Nên Nguyễn Du ơi Những kẻ bị hành hình Mới chỉ rất tượng trưng.” Dân gian ta có câu “chết đứng như Từ Hải” chỉ tình trạng bị lừa gạt để đưa đẩy vào hoàn cảnh bất ngờ oan khiên. Cụ Tiên Ðiền đã tả “khí thiêng khi đã về thần/nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng/ trơ như đá vững như đồng/ ai lay chẳng chuyển ai rung chẳng rời/” một cảnh tượng thật là hùng tráng uy nghi. Tự nhiên tôi nghĩ đến cái chết bị bức tử của Việt Nam Cộng Hòa năm 1975. Và, hình như Nguyễn Ðình Hoàng trong bài vịnh Kiều cũng nói xa nói gần về cái ngày hận tủi ấy. “...Bỗng chốc hóa thành không người đứng như trời trồng người muốn chui vào đất thấy nhau chẳng dám trông máu chảy rồi mũi tên hòn đạn ấy xô chẳng ngã tượng đồng nói gì lay với rung nỗi đau và nỗi giận vừa giận vừa thương tâm thương cánh bèo lận đận trôi về đâu... xa xăm hỡi trời che đất chở nét đứng thẳng ngàn năm cho dối lừa hèn hạ ngã sóng soài dưới chân nàng đến rồi Kiều hỡi Ta ngã vào thơ văn Một ngàn năm... Một vạn năm Cái chết đứng còn nguyên Cái ngã cũng còn nguyên Oan khí tương triền Tuôn rơi nước mắt Ràn rụa đau thương Ấm áp nỗi niềm” Ngã vào thơ văn, có phải để nguôi ngoai đi tấm lòng của người bại tướng, có giống không cái ngã của Từ Hải khi Kiều đến, như cụ Nguyễn Du đã viết “lạ thay oan khí tương triền/ nàng vừa phục xuống Từ liền ngã ra/”? Có khi câu thơ ý văn đã làm cho cuộc sống bớt đi những đau đớn trái ngang, để cho lãng mạn văn chương thành những liều tiên dược? Những câu hỏi ấy, mỗi người một chọn lựa để trả lời. Dẫu sao, có những điều khó ngỏ khi tâm vẫn muốn mà lực không còn. Thế cho nên cụ Tiên Ðiền đã phải thở than rằng ba trăm năm sau còn có kẻ hậu sinh nhỏ cho vài dư lệ để thông cảm được với cảnh ngộ của người bị trôi dạt trong cảnh biến đổi tang thương... Một bài thơ chữ Hán bài Tạp Thi có những câu vừa bi thiết vừa cảm khái của một kẻ sĩ, loanh quanh trong lý tưởng và sinh kế để thấy mình bạc đầu vì những nỗi niềm dằn vặt khôn nguôi. “Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên Xuân lan thu cúc thành hư sự Hạ thử đông hàn đoạt thiếu niên Hoàng khuyển truy hoan Hồng Lĩnh hạ Bạch vân ngọa bệnh Quế Giang biên Thôn cư bất yểm tần cô tửu Thượng hữu nang trung tam thập tiền” Dịch nghĩa: tráng sĩ bạc đầu buồn bã ngước nhìn trời hùng tâm và sinh kế đôi đường không biết gì nữa hoa lan ngày xuân hoa cúc mùa thu đều thành việc hư huyễn mùa hạ nóng mùa đông lạnh đã cướp mất tuổi thiếu niên dắt chó vàng rong chơi dưới chân núi Hồng Lĩnh mây trắng nằm bệnh ven bờ Quế Giang ở xóm quê không chán nhiều lần đi mua rượu trong túi chỉ còn ba chục đồng tiền” Ðời sống của cụ Tiên Ðiền ngập tràn những điều không vừa ý. Ngay cả khi làm quan, được vua Gia Long biết đến sở học và tài năng nhưng ông vẫn chỉ là một người thụ động trong quan trường và ngay trong chính thâm tâm ông, cũng man mác nỗi niềm của một hàng thần lơ láo có phải? ông bị kẹt trong một chế độ mà sự phân hóa giữa những người chiến thắng đàng trong và những người đàng ngoài của phía bị thua trận hoặc đã bị tiêu vong. Nguyễn Ðình Hoàng chắc cũng đã nghiền ngẫm những bài thơ chữ Hán cũng như Ðoạn Trường Tân Thanh. Và, tìm được ở trong văn chương này những điều tâm đắc cũng như chia sẻ được với nỗi niềm của những người sinh bất phùng thời. Viết những bài thơ vịnh Kiều, Nguyễn Ðình Hoàng nhiều lúc đã sử dụng thể thơ tự do không vần để chuyên chở mạnh mẽ hơn tâm cảm của mình và muốn tìm một điều gì mới lạ hơn là những câu thất ngôn bát cú của đẽo gọt ngôn từ của cô đọng ý nghĩa. Giở tập thơ, nhìn ra bóng tối ngoài trời, tự nhiên thấy mình như sống lại thuở ngày xưa, khi tù cải tạo về, lơ láo trong một xã hội mà những kẻ cầm quyền muốn xóa bỏ mình và gia đình mình. Những buổi tối đạp xe lang thang tìm chỗ trú qua đêm ở trong thành phố Sài Gòn tuy quen thuộc mà sao lạnh lùng hoang vắng quá khi nghĩ đến thân phận những nàng Kiều đang lủi lầm trong cái lênh đênh của thời thế mà chạnh lòng. Lúc ấy, sao thương cụ Nguyễn Du trong cảnh: “hành cước vô căn nhậm chuyển bồng/Giang Nam Giang Bắc nhất nang không” (phiêu bạc không ngưng ngọn cỏ bồng/bên sông nam bắc, túi rỗng không). Lúc ấy lại nhớ đến thi sĩ ngồi ở chỗ bán thuốc lá lẻ gần nhà đêm cúp điện, bên ngọn đèn dầu nhỏ leo lét cho khách mồi thuốc, nghe những câu thơ vịnh Kiều của những thằng bại binh cùng sẻ chia thân phận với nhau. Có phải đó là tiếng đỗ quyên ngậm ngùi gọi nước gọi non không nhưng trong đáy sâu thẳm của suy tư vẫn là nỗi u hoài của những người lính thấy chua xót vì bàn tay mình quá nhỏ bé và cũng chẳng biết làm gì để thân thế mình cứ phiêu bạc như ngọn cỏ bồng trôi dạt không biết nơi nào là bến là bờ. Bởi vậy, nói cho cùng vịnh Kiều, tả về người nhưng lại chạnh nỗi mình, đó có phải là lối “bất đắc kỳ bình tắc minh” ma Hàn Dũ đời xưa đã đề cập đến. |