Home Văn Học THƠ Các thi sĩ Kỷ niệm khó quên…

Kỷ niệm khó quên… PDF Print E-mail
Tác Giả: Nam Sơn Trần Văn Chi   
Thứ Ba, 18 Tháng 11 Năm 2008 05:43

Mẹ già như chuối ba hương,

Như xôi nếp mật, như đường mía lau.

(Ca dao)

Cái bàn ủi bà con ngoài Bắc gọi là cái bàn là. Bàn ủi là đồ dùng để ủi cho quần áo thẳng. Bàn ủi làm bằng kim loại, đáy phẳng, đốt nóng lên để ủi đồ, rất quen thuộc và gần gũi với mọi người mình.

Từ ngày phải bỏ quê hương mà đi tới nay, nhiều người cũng bỏ luôn cái “thói quen” ủi áo quần bằng cái bàn ủi “con gà cồ một cẳng” vào mỗi cuối tuần, và cũng đã quên rồi hình ảnh cái bàn ủi con gà một cẳng ngày xưa! Thật đáng tiếc!

Bàn ủi dùng ở xứ mình đầu tiên có thể đến từ bên Tàu. Bởi nước Tàu được xem là nơi “phát minh” ra cái bàn ủi sớm nhứt. Ngay từ thế kỷ thứ I trước Công nguyên, người Tàu đã biết bỏ than nóng vào nồi, dùng như cái bàn ủi, để làm thẳng áo quần và các sản phẩm bằng tơ lụa của họ rối.

Còn nhớ lúc Ba tôi qua đời, một mình mẹ tôi phải lo liệu tảo tần, chuyện lớn đến chuyện nhỏ. Hồi đó nhà phải chay giặc, hoàn cảnh tuy khó khăn nhưng riêng phần tôi thì vẫn được mẹ cho tiếp tục đi học.

Do hoàn cảnh, nên tôi không có được nhiều sự dỗ dành và nuông chiều của mẹ như bao đứa trẻ đồng lứa trong xóm, có cha mẹ đầy đủ! Bù lại tôi có nhiều kỷ niệm với mẹ tôi, những kỷ niệm khó quên trong đời.

Ðúng là khó quên. Bởi tới nay tôi còn nhớ như in: nhớ cục cơm nếp, vắt cơm, nhớ tán đường chảy, nhớ mấy con tôm rang muối còn nguyên đầu đuôi,... mà mẹ tôi tự tay đặt vào cái giỏ tre cho tôi đem theo đi học vào mỗi buổi sáng. Nhớ những cắc bạc mà mẹ nhét vào túi áo để tôi mua cà rem ăn như mấy đứa bạn cùng lớp. Nhớ cái áo cái quần cái nón nỉ mẹ sắm cho vào ngày khai trường, ngày Tết, vân vân.

Và tôi cũng nhớ hoài cái bàn ủi cổ lỗ xỉ, tròn như cái gào múc nước, mà mẹ trao. Nhớ hoài lời mẹ biểu rằng “ủi đồ mặc với người ta”; nhơn khi tôi thi đậu vào trường tiểu học nam tỉnh lỵ Gò Công. Và đó là lần đầu tiên trong đời tôi thấy cái bàn ủi.

Ngày đó quê tôi nghèo lắm! Gia đình nào có chiếc bàn ủi trong nhà thì được xem như nhà có tiền, nhà giàu lắm. Nhà tôi nào phải là nhà giàu nhưng tôi không biết cái bàn ủi mẹ tôi lấy ở đâu ra. Sau nầy tôi mới biết đó là cái bàn ủi của bà ngoại cho mẹ khi về với ba. Mẹ nói: “Ông ngoại mầy hồi xưa làm Ông Quản, nhà giàu lắm”.

Ðó là chiếc bàn ủi “cũ xì cổ lỗ xỉ và nhỏ xíu”. Tôi đoán, chiếc bàn ủi nầy chắc làm từ cuối thế kỷ XIX, làm ra dành cho các ông quan làm việc cho triều đình thời nhà Nguyễn, hay cho nhà quyền quý, nhà giàu sang chớ không phải cho hạng thứ dân.

Bàn ủi của mẹ tôi có hình dạng lạ kỳ lạ. Hình tròn có cán giống cái gáo múc nước ở nhà quê, đáy phẳng, bằng thau/đồng, có in chữ thọ chữ vạn (?),có hoa văn cầu kỳ. Bàn ủi không có nắp đậy nên than có thể văng ra ngoài làm cháy đồ nếu ủi không nhẹ và khéo tay. Tay cầm để ủi được tra vào bên hông bàn ủi thay vì tra ở trên nắp như bàn ủi ngày nay. Tay ủi bằng gỗ dài độ gang tay, được trau chuốt công phu.

Cái bàn ủi nhỏ xíu hình tròn, đáy cũng tròn, không dày không nặng như bàn ủi bây giờ, thích họp với áo quần ngày xưa, may bằng tơ lụa nhẹ và mỏng của người quyền quý.

Ngày đó quê tôi người ta dùng gáo dừa để đốt làm than nướng cá, nướng bánh bông lan và nhứt là nướng bánh phồng ngày Tết. Mẹ tôi lui cui đốt gáo dừa cháy thành than đỏ rực rồi gắp từng mảnh than còn cháy bỏ vào bàn ủi. Hơi nóng hừng hừng, làm cho mặt hai mẹ con đỏ ao.

Gia tài của tôi bấy giờ chỉ có hai cái áo sơ-mi cụt tay cổ lật, hình như may bằng vải coton thô màu trắng. Bàn ủi đáy tròn rất khó ủi len lách vào những chỗ khó như nách áo, bâu áo sơ mi. Bàn ủi nhỏ nên chứa có mấy cục than gáo dừa thì đã đầy rồi. Phun nước, chà tời chà lui, rồi phun nước nữa! Ủi qua ủi lại hoài trên cái áo... hết chỗ nầy tới chỗ kia mà cái áo không chịu hết nhăn! Và ủi thế nào sao cũng chưa vừa ý!

Bàn ủi không có lỗ thông hơi nên mau nguội! Lần nầy mẹ tôi chăm thêm than và bà phải dùng ống thổi lửa thổi cho than đỏ.

Lần đầu tiên ủi đồ, cả buổi hôm đó tôi tập phun nước, tập chà, tập xếp cái áo sơ-mi. Mồ hôi ướt cả người hai mẹ con, nhưng chừng như mẹ tôi vui lắm, còn tôi thì lấy làm đắc ý lắm vì mình sẽ được mặc đồ ủi như mấy thằng bạn ở ngoài tỉnh lỵ...

Thuở đó trong cả xóm chỉ có nhà tôi có cái bàn ủi. Và chiếc bàn ủi “cũ xì cổ lỗ xỉ nhỏ xíu” của nhà tôi trở nên nổi tiếng trong xóm. Thỉnh thoảng có người đến mượn để ủi đồ “đi xóm”, đi đám cưới. Trong những ngày giáp Tết thì chiếc bàn ủi hình như không ngày nào có mặt ở nhà, hết nhà nầy tới nhà kia mượn, có người còn phải đặt cả mấy ngày trước để ủi đồ mặc đi chợ Tết.

Còn “cái ống thổi lửa” ngày xưa với tôi thật là kỳ thú!

Cái ống thổi lửa là dụng cụ dùng để thổi cho lửa mau bén thay vì phải quạt. Thuở đó bếp nấu cơm được kê bằng ba cục đất gọi là ông Táo, có người mua bếp ông lò, bếp “cà ràng” bằng đất nung đỏ làm ở miệt Lái Thiêu.

Củi đốt gồm các loại cây tạp, gặp ở đâu đó là cứ chặt về, phơi khô để dành. Củi là trái dừa dùng xong đem phơi khô hết để dành. Tất cả cái gì đốt được đều dùng làm củi. Người ở chợ, ở tỉnh thành ai dùng “lò ràng” thì xài củi đước Cà Mau, ai xài than đước phải dùng bếp ông lò nấu than. Người nghèo dùng lò nấu bằng “mạt cưa”.

Cái ống thổi lửa thông thường bằng một đoạn cây tre/trúc rỗng ruột, dài độ hai hoặc ba gang tay. Càng dài càng tốt. Chỉ cần kê miệng vào một đầu ống mà thổi, đầu kia để vào gần củi đang mới nhóm cháy. Cứ thế mà thổi phù phù thay vì phải thổi bằng miệng hay phải quạt “phành phạch” vào cái bếp lò. Dùng ống thổi lửa làm lửa sẽ bén lên ngay với tôi hồi nhỏ thật là kỳ diệu!

Ðâu phải nhà nào cũng có sắm cái ống thổi lửa đâu. Cái ống thổi của mẹ tôi chắc dùng lâu ngày lắm nên đã lên nước bóng lưởng, và đầu ống kia vì cứ bị cho sát vào lửa nên bị cháy sém đen thui. Ngoài cái thổi lửa làm bằng tre, mẹ tôi còn có cái ống thổi bằng thau nhưng ít khi thấy bà đem ra xài.

Cho tới sau nầy, cái bếp dầu hôi xuất hiện thì cái bếp ông Táo và ống thổi lửa đã đi vào quên lãng. Cuộc sống ngày càng khấm khá, ai nấy thường hay quên những thứ tầm thường như cái ống thổi lửa ngày xưa!

Rồi đến bàn ủi con gà cồ một cẳng.

Theo ngày tháng tôi trở thành học sinh trung học và được mẹ cho tiền mua cái bàn ủi con gà cồ một cẳng. Con gà cồ một cẳng đứng trước mũi bàn ủi chỉ là cái chốt để tránh phỏng tay mỗi khi mở nắp bàn ủi mà thôi. Nhưng hình ảnh con gà cồ đứng một cẳng thật là quen thuộc lại “có cảm tình” với tôi và với mọi người Việt mình, dầu bạn không phải là người nhà quê như tôi.

Phải nói là những người thợ đúc đồng thau Việt Nam, những người làm nên cái bàn ủi với con gà cồ một cẳng có kiểu dáng vừa đẹp vừa thích hợp với thị hiếu và tâm lý người Việt. Phải chăng vì thế mà cái bàn ủi con gà cồ một cẳng không có gì thay thế được. Mãi cho tới ngày cái bàn ủi điện ra đời thì nó mới chịu nhường chỗ!

Chiếc bàn ủi có cái chốt con gà cồ một cẳng cũng đã theo bao người Việt mình từ tấm bé, cho nên tới nay dầu không còn ai xài nữa nhưng không sao mà quên được! Chuyện cái bàn ủi con gà cồ đúng là chuyện cổ tích Việt Nam?

Rồi theo thời gian, bàn ủi điện vào Việt Nam. Tôi bỏ cái bàn ủi con gà, dùng bàn ủi điện hồi nào? Không nhớ!

Chỉ biết theo lịch sử, thì ngày 6.6.1882, ông Henry W.Seeley ở New York đăng ký bằng sáng chế mẫu bàn ủi sử dụng nguồn điện để làm nóng. Ðến năm 1892, hai công ty Crompton và General Electric tung ra thị trường mẫu bàn ủi sử dụng điện trở. Cho đến những năm đầu của thập niên 50 thế kỷ 20, thì bàn ủi điện có hơi nước ra đời.

Bàn ủi điện không sống thọ như bàn ủi than con gà cồ của ta, mà chỉ sống cỡ 500 giờ sử dụng. Bàn ủi điện dưới đáy bằng gang mạ crôm, phẳng, nhiệt độ ổn định đến 120 độ C nên ủi đồ phẳng hơn ủi than. Nay bàn ủi có phun hơi nước, phun sương khỏi chê.

Chuyện học hành ngày xưa đến với tôi tự nhiên như mỗi năm người ta thêm một tuổi. Và cái bản ủi có mặt trong đời sống học trò, rong ruổi theo tôi lên Sài Gòn.

Lâu rồi từ ngày phải bỏ quê hương mà đi tới nay, nhiều người trong đó có tôi nữa, đã bỏ cái “thói quen” ủi áo quần bằng cái bàn ủi “con gà cồ một cẳng” vào mỗi cuối tuần.

Nay nhắc lại chuyên cái bàn ủi con gà cồ một cẳng như chuyện cổ tích ngày xưa.

Với tôi cái bàn ủi “cũ xì cổ lỗ xỉ và nhỏ xíu”, cái ống thổi lửa, cái bàn ủi con gà cồ một cẳng không chỉ là kỷ niệm khó quên mà còn là hình bóng mẹ tôi ngày xưa ấy.

Ngày 24 tháng 10 năm 2008