Người vô tội trở lại nhà lao - Hoa héo rũ và những câu hỏi nhức nhối |
Tác Giả: Võ Thị Hảo | ||
Thứ Hai, 24 Tháng 11 Năm 2008 21:40 | ||
Tôi nhìn thấy những nhà báo ôm hoa đứng dưới mưa trời ảm đạm trước cửa toà Hà Nội. Họ biết đồng nghiệp của họ vô tội và họ tin rằng những người bị oan khuất sẽ được trả tự do ngay sau phiên toà này. Và họ còn chờ cái ngày mà những đồng nghịêp bị hàm oan phải được xin lỗi, cải chính và bồi thường danh dự. Nhìn họ mà rơi nứơc mắt. Họ vẫn kiên nhẫn để chờ đợi một phiên toà công bằng. Để họ còn có chút niềm tin mà hành nghề..
Người vô tội trở lại nhà lao
Vậy là phiên toà xử hai nhà báo và hai cán bộ điều tra liên quan đến việc công bố thông tin trong vụ PMU 18 đã diễn ra và kết thúc. Chừng ấy người, chừng ấy chứng cứ, chừng ấy luật sư, chừng ấy to tát vì liên quan đến bao nhiêu nhân vật, mà chỉ xử trong hai ngày, tốc độ thật phi thường. Và còn một điều phi thường khác, là trong phiên toà này có tới bốn người vô tội bị kết án oan. Tôi mừng rằng nhà báo Nguyễn Văn Hải đã ra khỏi tù ngục. Thở hít khí trời là một quyền tối thiểu với người vô tội. Dù Hải có nhận tội, thì Hải vẫn là người vô tội. Và Hải vẫn phải còng lưng gánh cái án hai năm cải tạo không giam giữ trên vai. Đó là một oan án. Nhưng có hai người khác: nhà báo- nhà thơ Nguyễn Việt Chiến và thượng tá tá Đinh Thế Huynh. Họ cũng vô tội. Sau phiên toà, họ lại bị giam vào ngục. Họ không được thở hít khí trời. Còn tướng Quắc- vị dũng sĩ can đảm phá nhiều vụ án tham nhũng, đã quyết một mất một còn tấn công vào vụ tham nhũng lớn này trước khi về hưu . Ông đã được tưởng thưởng thích đáng bằng một án cảnh cáo cùng những lời đồn thổi thiếu lương tâm trong nhiều tháng qua! Tôi nhìn thấy mái tóc bạc nhiều và những đau khổ trong những ngày lao tù in vết trên gương mặt Nguyễn Việt Chiến. Rất rõ, dù chỉ được nhìn qua ảnh. Chiến đang mang bệnh. Nhưng đáng mừng là tinh thần của anh không bạc nhược. Chiến và luật sư của anh đã đưa ra những chứng cứ rất xác đáng để nói rằng anh không đưa tin sai. Nguồn tin được trích dẫn từ thông tin của cơ quan hữu trách và được phối kiểm từ 5 nguồn, trong đó có những nhân vật trọng trách. Và theo anh, từ đó đến nay đã hai năm nhưng bản thân anh và báo Thanh niên chưa nhận được bất cứ đơn kiện nào nói rằng anh đã đưa tin sai. Trước sau, Chiến vẫn trả lời rất khảng khái rằng : “tôi không có tội”. Hai nhà báo ở đây cùng vô tội. Nhưng cách kết án thật lạ lùng: người vô tội nhận rằng có tội thì trả tự do. Còn một người vô tội khác không thể nhận rằng mình có tội theo áp lực của toà thì lại xử hai năm tù giam! Như vậy, sao tránh được những câu hỏi mà công luận đặt ra. Phải chăng, người không có tội mà chịu nhận tội do toà quy kết thì phóng thích, còn nếu người ta không nhận tội mà người ta không mắc, thì lại phạt tù giam, thì hoá ra, phiên toà chỉ đặt ra để xử về sự ngoan ngoãn thôi hay sao? Phiên toà này, cũng như nhiều phiên toà khác, mà công luận đã đưa tin trước đây, lại đem tới oan khiên cho ít nhất là bốn người.. Bốn công dân nằm trong hàng ngũ ít ỏi những công dân yêu nước nhiệt thành, dám hy sinh sự an lành của mình, dám từ chối những lời mời mọc bỏ qua hoặc bao che cho tiêu cực và tham nhũng. Tôi nhìn thấy có những nhà báo ôm hoa đứng dưới mưa trời ảm đạm trước cửa toà Hà Nội. Họ biết đồng nghiệp của họ vô tội và họ tin rằng những người bị oan khuất sẽ được trả tự do ngay sau phiên toà này. Và họ còn chờ cái ngày mà những đồng nghịêp bị hàm oan phải được xin lỗi, cải chính và bồi thường danh dự. Nhìn họ mà rơi nứơc mắt. Họ vẫn kiên nhẫn để chờ đợi một phiên toà công bằng. Nhưng hoa héo rũ vì không có người nhận. Người nhận lại trở vào nhà lao rồi! Toà có vui không? Về cách xét xử của quý toà, dư luận đã quan tâm rất nhiều. Nhiều người phẫn nộ vì sự bất công rành rành. Chưa nói đến lương tri, chỉ căn cứ vào luật Việt Nam thì cũng không đúng. Tôi cứ băn khoăn mãi, cũng như nhiều lần đã băn khoăn khi nghiên cứu hồ sơ những vụ oan sai ở VN, rằng, điều gì đã khiến những người kiến thức luật “đầy mình” làm như thế? Tôi đã từng chứng kiến có một số cá nhân của một tỉnh đủ quyền lực để huy động cả một lực lượng nội chính từ công an, toà án đến cả Hội phụ nữ, đến cả một vài tờ báo, đến cả một vài người có quyền lực ở Ban Tư tưởng và Văn hoá... để che giấu cho một cái sai của một số cá nhân đã tạo ra những chứng cớ giả và kết tội oan cho một cô giáo trong một phiên toà cách đó đã hơn chục năm. Họ cũng công phu soạn ra cả một bản liệt kê dài dằng dặc những tội ăn cắp vặt của người bị oan, chẳng liên quan gì đến chứng cứ của phiên toà cách đó mười năm để mạt sát nhân thân của cô giáo này. Cái đáng buồn là cô ấy không hề ăn cắp vặt. (Điều này đã được làm rõ tại một phiên toà tại Toà Hà Nội- năm 2007- cô giáo này đã thắng kiện kể cả ở phiên sơ thẩm và phúc thẩm. Nhân đây, tôi xin bày tỏ lòng trân trọng chánh án và các thẩm phán, kiểm sát, công tố viên... đã xử phiên toà này ở Toà Hà Nội). Tôi cũng đã từng chứng kiến khi nghiên cứu hồ sơ của nhiều vụ oan án khác. Và tôi lấy làm lạ rằng: công dân vốn thấp cổ bé họng. Ở VN, côgn dân như trứng mỏng trước cường quyền. Khi đã phải kêu oan, nghĩa là phải chấp nhận đối dịên với sự mất mát, với kỳ thị, nguy hiểm, vì rất nhiều vị lãnh đạo công khai nói rằng họ là những kẻ làm loạn và bất cứ lúc nào họ cũng có thể bị quy tội “gây rối trật tự công cộng” nếu có chút sơ suất và bị vào tù nếu họ làm ngứa mắt nhà chức trách. Cái tội “gây rối trật tự công cộng” và nhiều tội danh khác trong luật hịên hành, theo như nhiều luật gia đã phát biểu, là những tội danh khép mở rất “cao su”, rất dễ bị những cá nhân độc ác có quyền lực gây oan sai chăng ra là, bẫy hang hùm nọc rắn hãm hại người vô tội ! Những người có trách nhiệm làm sai trong các vụ oan án, lẽ ra họ có phải đứng ra xin lỗi người bị oan.
Xin lỗi nghĩa là chuộc lại được danh dự và là một lời cam kết tôi sẽ trở lại làm người chính trực. Xin lỗi, chỉ thế thôi, con dân bị hàm oan, cả một cá nhân, gia đình, dòng họ có khi tan tác vì những vịêc làm sai trái gieo oan giá hoạ cho họ - có dám đòi gì, chỉ một lời đầu môi, trả cho những nỗi oan tày trời. Thế thôi. Việt nam này con dân đã quen chịu khổ, chỉ cần một lời thế, để họ có thể bình an mà sống tiếp. Nhưng không. Cái đạo làm người tối thiểu mà cha ông ta để lại, là làm oan cho người, “lời nói đọi máu”, phải ân hận cả đời, và phải tìm mọi cách để chuộc lỗi. Những người có trách nhịêm gây oan sai sao không làm cái điều tối thiểu ấy của một con người, mà cứ để che giấu cái sai này thì lại lấy thời gian và công của của nhân dân để chế biến ra những cái giả khác, dùng cường quyền và vũ lực để làm ra những oan khiên khác. Oan khiên tiếp nối oan khiên. Đến mức oan khiên ngút trời, làm sao công dân chịu cho nổi. Trong đời làm báo của tôi, tôi đã gặp nhiều người kêu oan. Ngủ hè ngủ bụi, dãi nắng dầm mưa, tán gia bại sản, ốm đau mòn mỏi, thậm chí chết chóc để kêu oan. Có một người kêu oan, đến trước cổng nghị trường Quốc hội để kêu mà không được, bà đã nghẹn uất và ngã ngất vào tay tôi. Cái tay tôi lúc đó là đôi tay vô dụng, vô tình đi ngang bên cạnh. Cổ tôi đeo một cái thẻ phóng viên được phép ra vào nghị trường để viết tin bài. Đôi tay tôi yếu ớt thảm hại! Tôi nhớ bà cả đời. Tóc bà mẹ ấy rất dài. Xổ tung như một đám mây nổi giận. Tôi cũng đã chứng kiến một ông cụ hai lần ôm đầu máu vì bị tai nạn trong khi hàng tháng cứ đạp xe từ Bắc Ninh lên xã, huyện tỉnh, rồi Trung ương, rồi báo chí - kêu oan. Cụ đã kêu oan hàng chục năm. Những chứng cứ rành rành ngàn năm cũng không thể khoả lấp được, minh chứng rằng cụ bị oan. Để giải quyết nỗi oan đó, nhà chức trách ở xã chỉ cần không đầy 5 phút. Vậy mà không. Không! Không và không! Máu cụ già ấy đã đổ. Và đến chết cụ không được minh oan. Máu và nứơc mắt nhiều người đã đổ trên con đường kêu cầu công lý. Công lý bị cầm tù trong nhiều bàn tay. Sự tư lợi và vô cảm đã biến họ thành độc ác. Công lý đôi khi dường như cũng không nằm trong tay những người xử án, trong các cơ quan điều tra, mà đang được nắm trong những bàn tay tuỳ tiện, ban phát, sẵn sàng độc ác trước phận người lành. Và trách nhiệm, họ có thể đổ cho tập thể. Tập thể trong những trường hợp này nghĩa là không ai cả. Nghĩa là sự độc ác tha hồ hoan ca. Ôi! Mạng công dân và người dân lành có bằng loài sâu kiến, dưới bàn tay của một số người khi đã nắm quyền lực trong tay muốn làm gì cũng được? Không có hệ thống thực sự giám sát họ. Một Thủ tướng trong thời quá khứ đã từng phát biểu công khai trứơc nghị trường rằng bản thân ông muốn cách chức một phó GĐ Sở cũng không được!
Vì sao?Ai cũng biết vì sao. Và trong một bức tranh như vậy, toà án cũng chỉ là một công cụ xa vời với lời thề công lý mà vì nó họ có cớ để ăn lương của dân và hành nghề. Trong vụ án này, xử như thế, họ có vui không? Họ có biết rằng nếu cứ đà này, chính gia đình và các thế hệ tương lai của họ và đất nứơc này cũng chịu tác động không ít sau hịêu ứng của những phiên toà kiểu này. Hẳn rằng họ có biết: dù trước đây, bây giờ hay mai sau, bất cứ công dân nào cũng không thể thiếu sự minh bạch và chính trực. Nếu không, mỗi người, mỗi gia đình, dòng họ đều bị tổn thương, bị nhục mạ và đi vào con đường tăm tối do những kẻ ám sát hiện tại và tương lai mong muốn. · Những câu hỏi nhức nhối: 1- Tướng Quắc và ông Huynh có thẩm quyền và trách nhiệm trả lời báo chí không? Họ có quyền từ chối báo chí không? Đương nhiên là không. Vụ án này không nằm trong diện thuộc bí mật quốc gia. Đương nhiên ông phải trả lời. Ông có quyền ém nhẹm thông tin về một vụ việc đang được dư luận và các lãnh đạo cao cấp của đảng và nhà nứơc quan tâm không? Đương nhiên là không. Nếu làm thế, chính ông lại bị vi phạm pháp luật và sẽ bị quy kết cố tình che giấu thông tin, có thể là với động cơ vụ lợi, sẽ vi phạm khoản 2 điều 25 Bộ luật tố tụng hình sự, song song với việc vi phạm Luật báo chí và chủ trương chính sách của CP. Trong vụ Năm Cam và nhiều vụ khác, báo chí luôn đeo bám các người có trách nhịêm trong quá trình điều tra và trách nhịêm của họ là phải cung cấp thông tin cho công luận, im lặng cũng đồng nghĩa với che giấu và mờ ám, dễ bề bị lợi dụng. Vụ Năm Cam và nhiều vụ khác được để cho tự nhiên, không ai bị kỷ luật, bị tù đày vì cung cấp và công bố thông tin. Vì sao trong vụ PMU 18, các nhà điều tra và báo chí lại bị đối xử như vậy? Nếu nói rằng để ngăn chặn họ, chỉ cần một quyết định đánh máy trong vòng 5 phút và Ban Tuyên giáo Trung ương lệnh cho các Tổng Biên tập trong cuộc họp giao ban, thậm chí gọi địên không thôi cũng được, rằng các vị tuyệt đối không được đưa tin bài gì đâu nhé, thì báo chí lập tức im thít. Vì sao cứ để cho họ làm, thời gian đầu còn khuyến khích, rồi sau đó, bỏ tù!? 2- Báo chí có trách nhịêm phải cung cấp thông tin cho độc giả không? Đương nhiên báo chí phải cung cấp thông tin cho độc giả. Điều này nằm trong Luật pháp VN. Để thực hiên quyền được thông tin của nhân dân và đảm bảo sự minh bạch để bảo vệ sự trong sạch lành mạnh của chính quyền, hàng trăm tờ báo trong nứơc đã đưa tin bài về vụ này, nội dung không khác Tuổi trẻ và Thanh niên là mấy. Hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến đã đưa tin cẩn trọng, bằng việc chỉ định rõ trong bài là theo nguồn tin từ cảnh sát điều tra...Chính bản thân cách thông tin này cũng đã mang tính khách quan, báo cho người đọc biết rằng đây chỉ là quan điểm của cảnh sát điều tra, chỉ là một nguồn thông tin để công luận và các cơ quan chức năng tham khảo và đưa ra nhận định riêng của mỗi người, chưa phải là do kết quả điều tra và quan điểm của nhà báo. Nhà báo chưa và không bao giờ có đủ thẩm quyền cũng như phương tiện và trách nhiệm để điều tra vụ việc. Chỉ là người phát hịên các thông tin, các nguồn tin và đưa nội dung của nó lên cho công luận cũng như nhà chức trách xem xét. Thông tin của báo chí bao giờ cũng chỉ mang tính tham khảo. Chấm hết. Chỉ có Toà án mới có thể kết tội người hay hay người khác. Như vậy, người chịu trách nhiệm về nguồn tin là cơ quan điều tra và những người cung cấp, chứ không phải nhà báo. Nếu để nói họ đúng hay sai, phải cải chính hay xin lỗi, thì phải có một cơ quan trọng tài đủ thẩm quyền như toà án xem xét và đưa ra kết luận. Nếu kết luận ai sai ai đúng, bên nào cũng có quyền kháng cáo để xử đi xử lại, nhằm đi tới công lý. Nói rằng ai sai ai đúng trong vụ PMU 18 hịên nay là võ đoán vì toà án chưa bao giờ xử về vụ PMu 18. Vì thế, trong quá trình điều tra, nếu có những sơ suất, gây oan sai cho bất kỳ quan chức nào đó, thì bên làm sai phải minh oan và bồi thường danh dự thật nghiêm túc cho họ. Nhưng sự minh oan này cũng phải công bằng và có đủ chứng cứ, để thuyết phục được dư luận, nếu không, chỉ khiến cho công luận thêm nghi ngờ về những thế lực đứng sau vụ tham nhũng này, nhất là khi trên thế giới đang rộ lên việc Nhật bản phát hiện ra vụ hối lộ quan chức VN cũng nằm trong những dự án thuộc PMU 18. Nếu có những người bị oan sai, bị quy là có hành vi tham nhũng trong vụ PMU 18 mà họ không làm, thì cần minh oan cho họ. Nhưng cái mà họ cần họ cũng hết sức cần một phiên toà xử công minh mọi oan sai của họ. Danh dự của họ cần được trả lại đàng hoàng, minh bạch trước quốc gia. Họ cần điều đó, càng sớm càng tốt, chứ không phải là một quyết định mang tính mập mờ và tư túi. Vậy, hoàn toàn không có lý do gì để kết luận cho bốn nhân vật tại phiên toà nói trên là đưa thông tin sai và phạm tội. 2-Vì sao “thay ngựa giữa dòng”?
Vụ PMU 18 hịên nay chưa đưa ra xét xử. Những nhà điều tra trước đây( do tướng Quắc điều hành) và những nhà điều tra sau này tiếp nối công việc của tướng Quắc, cả hai bên đều chưa có cơ hội, cũng như chưa có một cuộc đối chiếu, có một cơ quan trọng tài đứng ra để phân định ai đúng ai sai. Đặc biệt, việc “thay ngựa giữa dòng” với nhóm điều tra của tứơng Quắc là một bất công và gây nguy hiểm cho việc bảo vệ và nhất quán trong việc đánh giá một cách công bằng những chứng cứ đã thu thập được trong quá trình điều tra. Bởi vì, nếu chúng ta không nhầm, thì mục dích của công vịêc nàyđược nói rằng không vì những cá nhân, mà là để đi tới sự thật, công bằng và chân lý- một vụ án nằm trọn vẹn trong hành lang chống tham nhũng theo chủ trương mà đảng và Nhà nứơc đã nhiều lần kêu gọi. Vụ án này cần được ứng xử tối thiểu như vậy. Nếu ứng xử khác đi, công luận trong nứơc và thế giới càng tăng thêm nghi ngờ và danh dự của những nhà cầm quyền sẽ bị tổn hại. 3- Có người nghi rằng “Tù người, diệt khẩu”? Giả sử tướng Quắc, thượng tá Huynh, hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến sai, thì khi xử lý họ, trước đó và đồng thời phải xử lý những người gây oan sai dù trong lĩnh vực nào, trên khắp cả nứơc . Tiền lệ là không có.Và hịên tại là không. Bao nhiêu vụ sai trái khác không xử lý. . Nếu làm như vậy trong vụ này, không tránh được việc dư luận đang đặt câu hỏi nghi ngờ về việc “tù người - diệt khẩu” . Giả sử tướng Quắc, thượng tá Huynh, hai nhà báo Chiến và Hải có không chính xác, sơ suất trong việc thông tin, thì theo pháp luật hịên hành, không thể quy tội họ được. Lỗi của họ thuộc phạm vi xử lý hành chính. Nếu họ có thông tin sai cho ai đó, thì cái điều mà người bị oan cần, là sự minh oan đàng hoàng, có đủ chứng lý thuyết phục, để họ và gia đình của họ tiếp tục đi trong cộng đồng, không phải e ngại, mặc cảm. Chứ không phải là một cách khiến cho dự người ta càng thêm nghi ngờ, thậm chí nguyền rủa, tổn hại cho danh dự của họ. *Phương án đối phó tình thế: một phiên phúc thẩm
Như thế là những chứng cứ mà nhà báo Nguyễn Việt Chiến và ba người đứng trước vành móng ngựa cùng ông hôm 14, 15/10 ấy, cùng những luật sư của họ đưa ra để chứng minh cho sự vô tội, đã không được toà quan tâm. Những người không có tội đã bị kết tội oan. Có quá nhiều điều có thể bàn về những điều đã xẩy ra khiến cho dư luận nhiều người phẫn nộ và niềm tin vào thực trạng pháp luật VN càng thêm hao mòn qua phiên toà này. Có người nhận xét rằng có vẻ như ông Chiến bị hai năm tù giam vì đã không ngoan. Dư lụân đặt câu hỏi: nếu ông Chiến ngoan hơn, nhận tất cả tội mà toà quy kết, dù trong lòng ông biết rằng mình vô tội, thì có lẽ ông đựơc phóng thích chăng? Nếu thì thì thật nực cười! Nói thế thì chẳng hoá ra nền pháp luật VN, với bao nhiêu điều luật rành rành, với bao nhiêu chứng cứ để chứng minh người vô tội, lại không có giá trị bằng việc ngoan ngoãn hay sao? Nói thế thì sẽ bị quy là nói xằng đấy. Tôi tin rằng hai người bị tù giam trong vụ này sẽ kháng án. Một phiên phúc thẩm công bằng hơn, từ những người biết mất ngủ một chút, biết đâu, sẽ khiến cho người ta đỡ ác cảm hơn. Và biết đâu, một phiên phúc thẩm như vậy sẽ ra tay làm hộ cái mong muốn mà có thể có ai đó trong những vị quan toà ngồi trên ghế xét xử ngày 14-15/10/2008 tại Hà Nội đã mong muốn mà không làm được( Tôi hy vọng là đã có người mong thế)?! Tôi tin, dù đã làm gì, trong lòng ai đó vẫn còn một lương tâm. Và lương tâm phải lên tiếng. Cánh cửa trại giam đã mở ra và khoá lại. Nhưng ta chỉ đón được một người. Hải đã nhận tội trước toà và được phóng thích. Nhưng tôi tin, trong thâm tâm, Hải biết hơn ai hết rằng mình vô tội. Trong tiền lệ pháp lý mà nói, đã từng có nhiều người vô tội, do không chịu được áp lực đày ải về tinh thần hay thể xác, để mong được tự do, mong chấm dứt tất cả, đã nhận những tội mà mình không làm. Trong lao tù, thậm chí, người ta muốn chết đi để tránh khỏi những áp lực và trứơc sự khăng khăng buộc tội của những người có quyền lực.
Còn hai người còn lại trong nhà lao ấy. Hôm nay các anh bị tù đày khổ ải. Nhưng tôi vẫn tin vào một ngày mai, cái ngày mà các anh được phục hồi danh dự. Có quá nhiều người cần được giải oan và bồi thường danh dự. Oan hồn chi chít trên mặt đất này. Và đất nước này phải được phục hồi danh dự càng nhanh càng tốt bằng lòng chính trực, công lý và sự minh bạch. Vì với hiệu quả càn quét của những vòi rồng tham nhũng khổng lồ, của cải và một số thứ cốt tử khác của đất nứơc này cũng sắp cạn kiệt. Nếu sự minh bach bị chôn cất dưới những nấm mồ, cùng việc để cho nhân tài vật lực cạn kiệt, cùng với việc bị dư luận quốc tế lên án, trong thế kỷ trước thì chưa sao, nhưng trong thế kỷ XXI thì là sự tự hủy. Vì nếu không thế, thì mặt trời ơi! Người sinh ra để làm gì! |