Thần Giao Cách Cảm |
Tác Giả: Tấn Quân |
Thứ Hai, 01 Tháng 12 Năm 2008 04:56 |
Tháng 4-1975, ông Thành không kịp từ giã vợ con chạy theo dòng người di tản, lọt tọt thế nào mà lại leo lên được con tàu Trường Xuân. Khi ngồi trên boong tàu, bó gối nhìn bao nhiêu gia đình ngồi xếp như cá mòi, tiếng trẻ con khóc như xé lòng ông Thành, lúc này ông chỉ còn biết cầu nguyện, tự bào chữa là ông đi để lại vợ con là ý Chúa, ông đâu có biết rằng khi ở lại, vợ và 8 đứa con nheo nhóc của ông coi như ....mồ côi cha, đứa lớn tha đứa nhỏ, cửa nhà tan nát, bà Thành bán tuốt hết những thứ có thể bán được để đổi lấy gạo củi cho cả nhà, thậm chí còn có khi đi bán cả máu. Và chắc cũng tại ý Chúa, con tàu Trường Xuân đưa ông đến bến bờ Hồng Kông, và định mệnh đẩy đưa ông đến định cư ở thung lũng Hoa Vàng San Jose. Tại đây, mãi đến năm 1977, ông mới liên lạc thư từ được với gia đình và bắt đầu dành dụm gửi về cho vợ con những thùng quà khiêm tốn. ..."Người đi một nửa hồn tôi chết Một nửa hồn tôi...đợi lãnh quà. Đứa con gái lớn của ông vẫn ngân nga như thế mỗi khi nhận được giấy báo lãnh quà ở Tân Sơn Nhất. Quà tuy không nhiều nhưng cũng đủ an ủi bà Thành và lũ con trong lúc túng bấn- Ông Thành đối với bà Thành không phải là người đàn ông tệ bạc, ông thương yêu đồng đều 8 đứa con khi còn ở nhà cũng như khi đang ở xứ người- Lũ con luôn luôn nghĩ về ông như một người cha cực kỳ lý tưởng. Bà Thành luôn cầu nguyện cho một ngày vợ chồng con cái được đoàn tụ, bà tin tưởng một cách tuyệt đối là chồng bà người đàn ông thủy chung nhất trên cõi đời này- bà con dòng họ ai có xầm xì rằng cái đất Mỹ vốn nhiều cạm dỗ, coi chừng có ngày ông Thành ngã lòng theo mấy con đầm xanh đỏ tím vàng, bà vẫn vững lòng tin như bàn thạch. Đến năm 1979, bà Thành nhận được lá thư của một người đàn bà lạ hoắc, cực kỳ kém văn hóa vì những lời lẽ khiếm nhã trong thư. Bà Lan tự nhận là vợ chính thức có giấy tờ hôn thú với ông Thành, bà ta yêu cầu bà Thành và lũ con bà chấm dứt quấy nhiễu yêu sách tiền bạc quà cáp với ông Thành. Cả nhà bà Thành tưởng đâu đất trời sụp đổ. Thảo nào lâu nay ông Thành không gửi thư từ, tiền bạc kể cả giấy bảo lãnh mà ông có hứa là sắp xong rồi sẽ gửi về ngay- cũng may những đứa con ông Thành vốn ngoan ngoãn , lễ phép đã an ủi bà Thành- Quả thật, ông trời nếu có thì cũng rất công bằng, ổng lấy mất cái này thì ổng sẽ cho lại cái khác- Bà Thành đâu có dư dả bạc vàng gì, vậy mà 7 trong 8 đứa con bà được bà con giúp đỡ cho đi vượt biên và lần lượt được định cư ở Mỹ. Khoa là đứa con trai lớn nhất, việc làm đầu tiên khi đến Mỹ là đi tìm cha- cuộc hành trình đi tìm người cha đột nhiên biến mất trong cuộc đời của 9 mẹ con bắt đầu từ địa chỉ cuối cùng của ông Thành ở San Jose- mọi lá thư gửi đi đã bị bưu điện trả lại- mọi cố gắng liên lạc với các hội đoàn, hội đồng hương cũng không hề đem lại một chút "ánh sáng ở cuối đường hầm". Ông Thành vẫn biệt tăm biệt tích như chưa hề hiện hữu trên cái cõi đời ô trọc này. Khoa vừa đi học đi làm vừa lo chăm sóc em, quên hẳn tuổi thanh xuân, phần thì lo giúp đỡ mẹ và em bên nhà, rồi giấy tờ bảo lãnh và vẫn không quên chuyện đi tìm tông tích ông Thành. Quả thật người đàn bà mà ông Thành vướng vào vô cùng cao tay ấn đã khiến ông từ một người cha gương mẫu trở thành người từ bỏ vợ con một cách dễ dàng. Năm 2000, anh em Khoa dù không thành công cũng thành nhân, bà Thành và đứa con út chuẩn bị hành trang lên đường qua Mỹ. Một hôm, trong lúc lái xe, Khoa vẫn thích nghe đi nghe lại chiếc CD có nhạc guitar hòa tấu bài "Đường Về Cổ Thành", quen thuộc- Tự nhiên như có ai thúc đẩy, Khoa tắt CD mở qua đài radio LSR, giọng cô xướng ngôn viên đọc những mẫu phân ưu cáo phó trong ngày...bỗng nhiên Khoa nghe thấy tên người được đọc tên là Nguyễn Văn Thành, sinh ngày...tháng...năm... Quả đúng là ba mình rồi, lại còn sĩ quan quân cảnh tỉnh P.Y. là nơi ông Thành đã từng đi lính nhiều năm. Chẳng lẽ ông Thành đã chết. Khoa run rẩy lái xe vào lề nghe tiếp bản tin phân ưu ông Thành đã mất.... ở thành phố lạ hoắc S. người phân ưu không ai khác là bác Vân bạn thân của ông Thành. Điều gì đã khiến Khoa nghe được mẩu tin phân ưu hôm nay? Nếu không phải đó là thần giao cách cảm giữa tình phụ tử- Ông Thành chắc lúc lâm chung ắt hẳn đã ray rứt lương tâm mà không nhắm mắt và đã khiến xui cho Khoa nghe được tin đau buồn này. Khoa lái xe thẳng đến đài LSR, xin được số phone của người phân ưu là bác Vân sau khi giải thích khá dài dòng để cô thư ký thông cảm cho. Khoa nói là vừa nghe được tin một người quen vừa mới qua đời, mà không biết địa chỉ để đi viếng nên nhờ đài cho số phone của người phân ưu là bác Vân- cuối cùng Khoa cũng liên lạc được với bác Vân. Ông Vân không thể nào khước từ được lời yêu cầu của Khoa, Khoa muốn biết rõ địa chỉ nơi ở cuối cùng, nơi nhà thờ làm đám ma của ông Thành. Khoa gọi vào hãng xin nghỉ làm, gọi cho lũ em là anh có việc đi vắng vài hôm và lái xe một mạch 6 tiếng đồng hồ để đến thành phố S.... Chỉ cách có mấy giờ lái xe mà 20 năm nay, cha con Khoa không thể nào gặp gỡ. Khoa tìm đến ngôi thánh đường sáng sớm, ngày Chủ Nhật gặp Cha xứ. Cha xác nhận có làm thánh lễ cho ông Thành và chỉ đường đến nghĩa trang. Trời thành phố S. âm u lạ thường cho dù là đang ngày hè, Thành phố buồn tênh vắng vẻ, thảo nào ông Thành đã kiếm nơi này ẩn dật, ắt hẳn không muốn gặp người quen. Nghĩa trang thì mênh mông biết đâu mà kiếm ra nơi ông Thành nằm xuống. Khoa lái xe vòng vòng cứ thấy chỗ nào có hoa tươi là tấp vô. Và chắc hẳn ông Thành có phù hộ, chỉ đường. Cuối cùng, Khoa tìm thấy khu đất ở cuối nghĩa trang, thấy những vòng hoa phúng điếu, phân ưu bằng tiếng Việt. Muốn cho chắc ăn Khoa vào văn phòng hỏi nhân viên đang trực ở đó, họ xác nhận đúng tên ông Thành. Khoa lái xe trở ra khu mộ. Lúc này nước mắt ở đâu mà tuôn ra như suối, Khoa nói chuyện kể lể với cha mình, tưởng đâu ông Thành ngồi đâu đó lắng nghe. Khoa tưởng đến mẹ già đang ở bên nhà chuẩn bị lên đường. Khoa quyết định không báo tin cho bà Thành biết để bà còn một niềm hy vọng sẽ được hội ngộ với chồng. Khóc chán chê, Khoa gọi điện thoại cho các em để xin phép nghỉ việc, lái xe lên đây để cả 7 anh em được để tang cho cha. Khoa chạy ta phố lấy phòng khách sạn, ít nhất là phải ở lại thành phố S. 2 ngày lo công việc. Không có nỗi ngang trái nào cho bằng cái nỗi 7 đứa con chỉ ở cách xa người cha có mấy giờ lái xe đã phải chịu nỗi chia lìa cho đến lúc gặp được nhau thì cha nằm im lìm dưới kia. Bảy đứa con bảy vầng khăn trắng, những ngọn nến những chậu hoa nằm chơ vơ trên bãi cỏ. Thêm 2 chiếc khăn dành cho bà Thành và đứa em út chưa sang. Những giọt nước mắt, những tiếng nấc, những lời cầu kinh cùng mùi hương trầm tỏa ra trong trưa vắng. Quả là thần giao cách cảm đã đưa mấy cha con đoàn tụ trong nước mắt. Trong khi mấy anh em Khoa đang đọc kinh ở mộ ông Thành, thì người đàn bà, ắt hẳn là vợ sau ông Thành, lái xe ra nghĩa trang. Bà dụi mắt tưởng đâu nằm mơ, tại sao mộ ông Thành rõ ràng là ở đó, chỉ cách có 3 ngày, mà nay ở đâu ra cả đám người chít khăn trắng lố nhố, lại còn hương trầm nghi ngút. Bà tất tả quay ra xe lái về nhà mà trăm cái dấu hỏi lảng vảng trong đầu.... Hay là vợ con ông Thành đã qua Mỹ mà ông Thành không hề hay biết? Bà chợt nghĩ đến những lá thư đã gửi về cho bà Thành và cả một quãng thời gian dài bà chế ngự ông Thành, những lá thư của vợ con ông Thành gửi sang đã được bà xé bỏ cho vào thùng rác không thương tiếc, và nhiều lần dọn nhà, càng xa cộng đồng người Việt càng tốt và bà đã thành công trong việc làm cho ông Thành đoạn tuyệt với gia đình vợ con. Vậy mà giờ này đây, hình ảnh đám người lố nhố với những vành khăn trắng thì 100% chỉ có những đứa con của ông Thành đã vượt biên sang đây- vì bà lấy ông Thành không có con chung mà ông thì phải nai lưng ra cày để nuôi 2 đứa con riêng của bà với ông chồng trước. Quả thật, cái cõi đời này có nhiều chuyện oái ăm cười ra nước mắt, con ruột mình thì không nuôi mà còng lưng ra nuôi con người khác - để khi chết đi thì con người khác đâu có ruột rà gì mà nó quấn khăn tang. Bà lái xe về nhà mà lòng dạ ngổn ngang tơi bời hoa lá. Bà lo lắng, nghĩ đến cách đối phó trong nay mai nếu vợ con ông Thành đến đây. Bước chân vào nhà, chưa kịp thở thì đã có chuông điện thoại. Bà nhấc máy chưa kịp nói gì, đã nghe tiếng người gọi, đó là Khoa con trai ông Thành. - Thưa bà, cháu là Khoa, bác Vân đã cho cháu số điện thoại và số nhà mà ba cháu đã từng ở, chúng cháu chỉ xin phép bác cho chúng cháu đứng trước cửa nhà để chúng cháu được tưởng nhớ đến cha chúng cháu đã trút hơi thở cuối cùng nơi này. Bà bàng hoàng cúp phone. Vén màn cửa trông ra. Cái đám người lố nhố ở nghĩa trang đang đứng trước cửa nhà bà, cúi đầu thổn thức. Cái lương tâm vốn không có răng của bà bấy lâu nay đâu có biết ray rứt là gì, mà nay bỗng trước cái cảnh trái ngang này bà cũng muốn lăn đùng ra té xỉu. Bà chỉ sợ đám con ông Thành có phản ứng mạnh hơn thì bà chỉ có nước chết. Nhưng cũng may, anh em Khoa lái xe trở về quận Cam đem theo những bùi ngùi, xót xa, thương tiếc cho cha mình. Những người con hiếu thảo của ông Thành, cứ mỗi năm đến ngày giỗ lại chở nhau lên thành phố S. thăm mộ đọc kinh. Bà Thành khi đến Mỹ cũng được báo tin buồn nhưng bà vốn mạnh mẽ, nên trầm tĩnh đón nhận và luôn đọc kinh cầu nguyện cho chồng và luôn luôn tự nhủ mình- sống là phải biết quên đi và tha thứ . Khi qua Mỹ được 3 năm, bà Thành đã đến tuổi đi xin trợ cấp tiền già, y tế bà không ngờ đất Mỹ có những điều kỳ diệu. Tại sở xã hội, bà phải khai tên tuổi của chồng và khai thêm chi tiết ông chồng tự nhiên đứt liên lạc- Sở xã hội truy ra lý lịch, chỗ làm, nơi ông khai ly dị 1 chiều- đến đây, sau nhiều năm, bà Thành bị choáng váng vì mới biết mình bị li dị. Sở xã hội yêu cầu bà cung cấp hôn thú, giấy khai sinh các con vì họ cho biết bà sẽ được hưởng tiền an sinh xã hội từ ông chồng, cho dù ông có vợ khác và bà thì đã bị ông ly dị. Bà Thành cũng không hiểu được, bà như từ trên trời rơi xuống, tiền bạc cũng đâu có nghĩa lý gì đối với bà lúc này, con cái đã thành nhân dư sức cưu mang bà, bà chỉ buồn cho tình nghĩa phu thê đã không được vuông tròn. Nhưng rồi bà cũng phải tự an ủi mình- "Thôi thì coi như định mệnh đã an bài".
|