Home Văn Học THƠ Các thi sĩ Thương nhớ Bình Dương, Long An, Tây Ninh, kể chuyện tình duyên Hậu Nghĩa

Thương nhớ Bình Dương, Long An, Tây Ninh, kể chuyện tình duyên Hậu Nghĩa PDF Print E-mail
Tác Giả: An Tiêm MAI LÝ CANG (Paris)   
Thứ Ba, 10 Tháng 2 Năm 2009 22:05

Đã lâu lắm rồi tôi thường có dịp được nghe nói đến, có những con người xa xứ do định mệnh của cuộc sống đẩy đưa vào tận miền Nam lập nghiệp. Rồi bởi do duyên tình hậu nghĩa luyến lưu, vì thế, sau một thời gian gần gũi thiết tha bên cục đất tuy vô tình mà có sức trữ tình quyến rủ thiêng liêng. Cho nên, phải đành chấp nhận dừng chân trên điểm hẹn, và xin được chọn nơi nầy làm quê hương thứ hai của cuộc đời mình.

Tuy cũng có những trường hợp khác, như là khách thương hồ đến đó chỉ vì mục đích sinh nhai, nhưng khi rời khỏi vùng địa lý thân thương nầy thì cũng không khỏi đã mang theo rất nhiều kỷ niệm êm đềm nơi đất lành chim đậu. Và như một đoạn phim trường trực chiếu trên màn ảnh, mà khán giả đang theo dõi bây giờ chính là những đồng hương ”đất khách tha phương ngộ cố tri” vốn có nhiều liên hệ mật thiết trước sau về tình nghĩa bầu bạn giao du trong giềng mối xóm làng, hiện đang sinh sống rải rác ở khắp nơi trên toàn thế giới. Hằng năm, tất cả đã hẹn cùng nhau quy tụ tâm hồn vào trong ký ức của không gian bé nhỏ nầy qua những tâm tình ràng buộc, thắm đượm màu sắc của quê hương. Tôi muốn nói đến một sự đóng góp tinh thần của những con người từ lâu có tâm hồn tình thâm nghĩa hậu, thủy chung lòng dạ phố phường, lúc nào cũng có mang tâm trạng âm thầm thương nhớ vườn cây trái Bình Dương, vựa lúa vàng Long An, ngọn gió núi Tây Ninh và nặng tình cánh đồng xanh Hậu Nghĩa...

Và cho dù trên đây chỉ là những hình ảnh nhận thức của một sự kiện có giá trị về mặt tình cảm. Tuy nhiên, nếu nói chung về mặt tích cực thì chính những hình ảnh của nhận thức đó phải được coi như là biểu tượng của một điều kiện cần không thể không có, để cho những đồng hương có dịp tìm đến nhận diện với nhau trong tình nghĩa anh chị em bạn bè. Do vậy, tiếp nối đường nét của những bức tranh hãy còn dang dở, tôi cố gắng phác họa phụ lằn ranh những dấu ấn trong ký ức, để kỷ niệm về một vùng đất già nua nhưng có một dạo lại trẻ trung ra nhờ được sát nhập lập thành tỉnh mới.

Trong quá khứ, Hậu Nghĩa đã có những địa danh lịch sử thời tiền chiến do vị trí đặc biệt của vùng địa lý, thổ ngơi thuộc đất Bình Dương và Long An. Do vậy mà hôm nay, ngày mai sức tiến của con người có thể làm cho phong cảnh của Hậu Nghĩa dễ bị đổi thay. Nhưng những cái gì được gọi là dư âm kỷ niệm êm đềm của hôm qua, thì chắc chắn hình ảnh của Hậu Nghĩa bao giờ cũng hãy còn lưu lại trong hầu hết tâm hồn của những con người tha phương viễn xứ.

Thực vậy, ngày xưa có người nói chuyện bông đùa rằng tỉnh Hậu Nghĩa nên hình nầy mà nếu không nhờ có những dãy phố lụp xụp như kiểu thành phố Trảng Bàng, thì sẽ không phải là một Hậu Nghĩa có mang theo ý nghĩa là hậu nghĩa. Cho dù lãnh địa nơi nầy đã có sự góp mặt cả tinh hoa của cục đất Củ Chi, Đức Huệ, Đức Hòa. Do vậy, cho nên trong phạm vi bài nầy tôi muốn có dịp được cùng với tất cả đồng hương, để chúng ta cùng nhau gợi lại về những nét đan thanh trong phong thủy của một ngôi làng xưa, phố cũ.

Trảng Bàng! Tên gọi thương nhớ làm sao của một thành phố nhỏ nằm ven quốc lộ 1, và được nhìn thấy có dấu chấm trên bản đồ thân yêu tổ quốc. Cách đây hơn ba phần tư thế kỷ, thì ngay kế tại vị trí của ngôi chợ cũ Trảng Bàng khi xưa chính là chốt đóng binh của lính lê dương dưới thời Pháp thuộc. Và trải qua bao thế hệ cha ông dày công tạo dựng khai phá biên cương từ cuộc Nam tiến, đất Trảng Bàng là nơi lập nghiệp sau cùng của hầu hết ông bà của cả đồng hương. Khi còn trực thuộc hành chánh tỉnh Tây Ninh, Trảng Bàng đã là một quận lỵ nổi tiếng trên nhiều phương diện mặc dù chỉ có mấy dãy phố chính thấp lè tè kéo dài từ bờ kinh, nhà Vuông qua khu chợ lên ngã tư Cầu Cống, rồi thòng thêm ra hai xóm nhà khu cây da, cây thị và khu cây me thẳng tới ngã ba hai châu. Do vậy, tâm lý của người dân dạo mà có dụ đất đai bị sát nhập ấy thì lúc nào cũng cảm thấy rằng, là tâm hồn mình gần gũi với non nước Tây Ninh nhiều hơn là thổ ngơi Hậu nghĩa. Xét ra, thì tâm lý nầy cũng tế nhị lắm chứ! Vì gần với Tây Ninh thì Trảng Bàng còn có được núi Bà Đen, Tòa Thánh Cao Đài là hai danh lam thắng cảnh có tầm vóc quốc gia. Còn nếu an phận trong Hậu Nghĩa trẻ trung, sinh sau đẻ muộn thì Trảng Bàng chỉ được coi như là một quận lỵ anh cả, quy tụ nhiều tiềm năng để phát triển nhu cầu làng mạc. Tuy nhiên, cũng không quá đáng khi cho rằng đất Trảng Bàng là hình ảnh của một bà mụ khéo tay đã giúp sinh ra được nhiều đứa con có những đặc tính khác nhau. Tỉ dụ như lúc thời bình thì có những nhà văn, nhà báo ra thành lập nghiệp nổi danh một dạo, nhà kinh doanh đến chốn kinh kỳ ăn nên làm ra. Gặp thời chiến thì có những con nhà võ xông pha ngang dọc bốn phương, công thành danh toại. Tất cả đều làm rạng danh cục đất hiền hòa bên dòng sông Vàm Cỏ Đông thơ mộng.

Và sự thơ mộng đó đã được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau. Nói riêng trên địa hạt văn nghệ, thì Trảng Bàng đã từng là một trong những nơi đi tiên phong trong các phong trào tổ chức xướng ca vô ngại, để mỗi cuối tuần có dịp đáp ứng nhu cầu giải trí cho đồng bào trong quận. Và không những thế, mà đồng bào tại đây lại còn vỗ tay nhiệt liệt ủng hộ hoan nghinh các đoàn hát cải lương từ ở các phương xa kéo đến trình diễn thường xuyên. Điều nầy, chứng tỏ rằng tình yêu văn nghệ của bà con đồng hương của chúng ta khi xưa ở quê nhà không thiếu. Và tôi cũng có thể khẳng định rằng, các nghệ sĩ cải lương cao tuổi hiện nay còn sống sót hiện ở trong nước có thể minh chứng bằng cuộc đời của họ qua những kỷ niệm ngày xưa trên làng quê phố cũ ở nơi nầy.

Đặc biệt ở lãnh vực thể thao, Trảng Bàng ngày trước có những danh cầu được nhiều người mến mộ, và đội bóng đá Trảng Bàng là một đội bóng đá mang giày trước cả đội bóng đá Tây Ninh. Dưới sự dìu dắt của thủ quân Tư Báu, các cầu thủ Trảng Bàng từng được dịp ra quân tung lưới đội cầu Svay Riêng (Cam Bốt) rất nhiều lần, và cũng đã lập được rất nhiều thành tích trong các cuộc đấu giao hữu với các đội banh khác.

Nhưng khi nói đến cục đất Trảng Bàng mà chúng ta không nhậm lẹ ưu tiên nhắc tới những món ăn đặc sản địa phương như bánh phồng, bánh tráng ngọt, bánh tráng phơi sương, bánh canh giò heo*, thì quả thật là một điều thiếu sót lớn lao! Và hầu hết đồng bào hải ngoại con dân “chính cống” đồng hương của chúng ta hôm nay còn có gì hơn để gọi là niềm vui hãnh diện cho quê hương ruột thịt của chính mình?

Vậy trước hết, phải nói Trảng Bàng là chỗ chợ hàng bông vì số lượng rau cải cung cấp về cho thành phố Sài Gòn hằng ngày. Ngày xưa, chợ hàng bông của quận Trảng Bàng có tên là chợ Gia Huỳnh. Chợ Gia Huỳnh nằm kế bên các lò bánh canh giò heo, bánh tráng phơi sương đặc biệt nổi tiếng về phương thức biến chế gia truyền, mà ai ăn vào cũng phải khen ngon, và bắt chước công thức nấu nướng hoài cũng không sao có kết quả được! Ngày ngay, mọi kỹ thuật biến chế công thức nào cũng được không coi như là còn bí mật nữa, và các lò bánh canh chủ yếu đua sức cạnh tranh nhau qua cách tiếp đãi khách hàng. Bây giờ, thì người ta lại nhìn thấy thường xuyên bóng dáng đó đây của cả du khách ẩm thực từ Sài Gòn, từ bên kia biên giới Cam Bốt cũng dừng chân lại đây để thưởng thức món đặc sản địa phương sau mỗi chuyến tham quan. Và cũng giống như các khu ăn uống ở khắp mọi nơi, các lò bánh canh giò heo với bánh tráng phơi sương nổi tiếng nầy chỉ tập trung lại ở cạnh một hai con đường. Và cũng thử, nếu đem so sánh sự bành trướng về món ẩm thực nầy trong vài chục năm qua, thì người ta mới thấy là đã có một sự thay đổi rất nhiều về mọi mặt.

Trảng Bàng thân thương! Cái tên nghe đơn sơ, mộc mạc làm sao, ấy thế mà thời tiền chiến đã có những tâm hồn lãng mạn yêu văn, sính thơ từ ở phương xa tìm đến một địa danh nên thơ nào đó để tìm nguồn cảm hứng khai thác đề tài tác phẩm của mình. Nhưng tâm hồn nghệ sĩ của người dân Trảng Bàng cũng không phải kém! Kể từ lúc được tin Trảng Bàng sửa soạn khăn gói hành trang lên đường rời bỏ Tây Ninh để gá duyên về cùng Hậu Nghĩa, thì lòng dạ người dân cảm thấy nao nao như có một cái gì va chạm làm chấn thương về mặt tình cảm, tinh thần. Do vậy, dạo ấy khách bàng quan khó có thể tìm thấy được cái cảnh người dân địa phương nào sớm có ý vội...

trau tria mãnh má hồng (khi về Hán: Hậu Nghĩa) vào khoảnh khắc không gian mà lòng dạ của con người hãy còn...

bịn rịn chòm mây bạc (lúc lìa Ngô: Tây Ninh).

Rồi cho dù trải qua bao ngày tháng phù du của cuộc đời, Trảng Bàng lúc nào cũng hiện thân tỏ ra là một vùng đất dân gian tài tử đôi khi pha chút tinh thần cao bồi rẫy theo truyền thống phong tục, tập quán của ông bà khi xưa sinh sống lâu năm quanh miền sơn cước Bà Đen. Thực vậy, lúc bấy giờ hiến đất Trảng Bàng về cho Hậu nghĩa, Tây Ninh cũng âu sầu cảm thấy biết rằng mình vĩnh viễn sẽ không còn có được nữa một bộ phận của tứ chi sinh động về mặt văn hóa đa dạng.

Nhưng bây giờ chúng ta nên trở về với một Hậu Nghĩa trẻ trung đầy nhựa sống cần được sự cưu mang, ôm ấp, bao dung của những con người vốn có tinh thần hoài cổ, tiếc thương quá khứ, lưu luyến thời gian.

Và người ta còn có thể nói rằng, chính sóng nước con sông Vàm Cỏ Đông đã có công tưới mát cho cánh đồng Hậu Nghĩa, hoặc là, chính đất đai Hậu Nghĩa chỉ thích bám chặt hình hài vào tuần thủy lưu êm ả của dòng Vàm Cỏ Đông giang. Tuy nhiên, một mẫu đồng ruộng Bàu Trai khi xưa không thể đắp nên thành dù như trên đã nói là đã có những Củ Chi, Đức Huệ, Đức Hòa...khi xưa vốn là da thịt của nắm đất màu mỡ Bình Dương và Long An. Hơn thế nữa, dù sao thì Trảng Bàng vẫn hãy còn ra đó và trọng lượng về tiềm năng kinh tế, địa bàn chiến lược của cục đất Trảng Bàng dạo ấy đã làm lệch cán cân, làm lu mờ hình ảnh của những vùng phong thủy, thổ ngơi kia. Vì vậy, thế đứng của Trảng Bàng lúc ấy được ví như là hình ảnh của một đứa con đầu tiên dưới mái gia đình.

Trảng Bàng có giếng Mạch trữ tình, có mả Trúc huyền bí và bắp, mía, ruộng lúa phì nhiêu. Giếng Mạch ngày xưa là nơi hò hẹn của những cặp thanh niên nam nữ trong làng đến gánh nước về uống, vì nước dưới mạch ngầm nầy rất ngon và mát. Và cũng để tiện dịp cùng nhau trao đổi tâm tình. Theo lời các vị bô lão kể chuyện, thì chính ngọn nước phun nầy đã từng là tụ điểm se duyên cho những cặp hôn nhân, mà về sau có con cháu đề huề. Ngoài ra, nét chấm phá về mặt sơn kỳ thủy tú cũng được nhìn thấy rõ hơn vào những buổi trời trong có mây giăng giăng lơ thơ thoáng hiện ra ngọn núi Bà Đen đầy huyền thoại ở phương trời xa tít. Trong giây phút tâm hồn rung động, khách nhàn du sẽ có dịp bồi hồi hồi tưởng lại đâu là dấu vết của người xưa (nhà Nguyễn) khi định phương hướng la bàn trên con đường tiến quân chinh phục lân bang.

Còn mả Trúc khi xưa vốn là một ngôi mộ cổ được xây cất chu đáo, chung quanh có hàng rào tre trúc rậm rạp, nhưng thực tế thì người ta không thể biết được đích xác con số thi hài nằm trong lòng đất? Vì có chuyện lạ, là nơi đây thường hay có lửa bay lên trời vào lúc ban đêm mà ai cũng biết tên gọi của hiện tượng đó là ma Trơi. Tại mả ma Trơi nầy còn có những rặng trâm bầu trái to ngọt lịm để cho lũ trẻ con rủ nhau đến hái, và cũng là tụ điểm hoang vắng thích hợp, để cho bọn trẻ con nghịch ngượm trong làng thường xuyên kéo tới bày trò tập trận cờ lau. Và nếu chúng ta không quên, thì Trảng bàng lại còn có cả một cây thị đặc biệt to cao có tuổi đời đã gần một thế kỷ nay rồi. Cây thị vốn không phải là một loại cây quí hiếm, nhưng trái thị thì lại được liệt kê vào trong một thứ trái cây thần tiên trong thần thoại dân gian của chúng ta mà ai cũng biết trong truyện Tấm Cám. Nhớ lại ngày xưa, các cô cậu học trò mỗi khi có dịp đi ngang đều vui đùa giơ tay mở rộng cái cặp sách và hú to lên mong sao cho trái thị rớt bị...học trò.

Giờ đây, hồi tưởng lại quá trình hình thành ngắn ngủi của giang san Hậu Nghĩa trong những ngày tháng sau cùng, mà đất Trảng Bàng chính là nơi đã phát sinh ra rất nhiều kỷ niệm vui buồn thương thương nhớ nhớ lẫn lộn, quyện vào tâm khảm của mỗi con người chúng ta. Tuy nhiên, nếu bên cạnh những cuộc trường tình thắm thiết, buộc ràng bao nỗi ân tình với cả niềm tin, lời hứa bên nhau hãy còn trong mộng đẹp...Rồi thử nhìn vào thực tế, thì cũng có những đám mây đen u ám, thê lương nặng trĩu đè lên cả bầu trời quê hương Trảng Bàng, khiến cho đồng hương ta phải cam gánh chịu đau buồn nhiều hậu quả.

Đó là hình ảnh”truồng chạy” trên lưng có mang theo ngọn lửa bạo tàn của một em bé gái thân thương của quê hương ta trên quốc lộ 1. Hàng triệu trái tim của con người yêu chuộng Hòa Bình và Công Lý trên trái đất nầy, khi nhìn thấy chứng tích đều thành tâm xúc động âm thầm nhỏ lệ, xót xa cho vết tích của chiến tranh tại Việt Nam và nói riêng là ở tại Trảng Bàng. Do vậy, em bé gái ấy ngày ngay được cả thế giới biết đến xem như là đứa con biểu tượng của Việt Nam còn sống sót sau cuộc chiến tranh Mỹ Việt. Và bây giờ, bà đã chính thức được tổ chức UNESCO vinh danh trao cho nhiệm vụ là sứ giả Hòa Bình và bổ nhiệm làm Đại sứ Thiện Chí.

Hậu Nghĩa ngày nay đứng về mặt hành chánh thì đã bị xóa mờ, nhưng sở dĩ được nhắc tới nguồn gốc lịch sử là nhờ có khu công nghiệp hiện đại và tham quan khu du lịch địa đạo Củ Chi, có khác với Trảng Bàng ngày trước được nói đến rất nhiều nhờ có một địa danh đặc biệt.

Đó là Tha La xóm đạo!

Nói đến Tha La, hẳn người ta không bao giờ quên được hình ảnh và tâm trạng của những người trai thời loạn phải xếp bút nghiên, giã từ mái trường Cao Cẳng Trảng Bàng để lên đường theo tiếng gọi của hồn thiêng sông núi. Hơn thế nữa, đó còn là trường hợp diển hình của những văn nhân, thi sỉ lãng tử, xúc cảnh sinh tình trước bức họa đồng quê bên sóng nước Tha La**. Thực vậy, thời tiền chiến năm 1945 có một ngôi làng nhỏ khoảng độ chừng vài chục nóc gia tọa lạc bên bờ sông Vàm Cỏ Đông xanh biếc, thơ mộng. Dân cư trong làng phần đông theo đạo Chúa và hầu hết cùng làm nghề ruộng rẫy, hoa màu. Muốn vào ghé bến Tha La thì phải đi ngang qua nhịp cầu Quan dẫn lối từ Lộc Giang hoặc từ chợ quận Trảng Bàng thuộc tỉnh Tây Ninh. Nếu muốn thay đổi lộ trình để hái cà na, bình bát thiên nhiên và ngắm nhìn ngọn núi Bà Đen xa tít nhô lên ở tận chân trời man mác, thì có thể mượn dòng thủy đạo từ hướng An Tịnh mà lênh đênh theo ngọn thủy triều đưa tới.

Cho dù nếu khách không phải là một nghệ nhân sành văn hóa, thổ ngơi, ẩm thực địa phương. Nhưng khi đã đặt gót chân tới đất Trảng Bàng lần đầu tiên, thì cũng sẽ không làm sao quên được những kỷ niệm hạp khẩu của món bánh canh giò heo, bánh tráng phơi sương đặc biệt nổi tiếng số một tại miền Nam ở tại chợ hàng bông Gia Huỳnh. Chính bữa ăn lót dạ vừa lòng nầy sẽ làm cho khách viễn du yên tâm, trước khi cất bước tiếp tục đăng trình viếng thăm vùng sơn kỳ thủy tú Tây Ninh và nói riêng là của nơi nầy.

Còn gì thú vị cho bằng khi ngồi co ro trên chiếc xe thổ mộ cũ kĩ, liếc dòm con ngựa già cố kéo cộc cạch chạy ngang qua các mái chùa cổ kính Phước Lưu khi xưa nằm che khuất dạng dưới những tàn cây đại thụ. Đến ngã ba đường, người phu già sẽ gò nhẹ dây cương phía trái cho xe quanh qua con đường đá đỏ. Từ đàng xa, một cánh đồng hoa sim dại thoáng hiện ra ở hai bên vệ đường, lác đác đó đây là những ngôi mộ hoang tàn nằm im theo tháng ngày, không một khói nhang, hiu quạnh. Trong tiếng gáy của những con gà nhìn nước ao khô cạn, chiếc xe thổ mộ vẫn vô tình đưa khách nhàn du vào tận vườn cây trái Tha La vào những buổi trưa hè, để có dịp ngắm nhìn cây xanh trái ngọt. Dưới cơn nắng nóng thiêu người, tiếng ve sầu trên cành phượng vĩ vẫn liên tục cất lên những khúc hát u buồn bên làn gió hây hây thổi nhẹ nhấp nhô làn sóng nước bờ sông.

Ôi! Đẹp làm sao khung cảnh nên thơ bé nhỏ nầy lại tự khép mình nơi hoang vắng!

Tuy nhiên, may mắn thay trong vườn hoa văn học nghệ thuật nước nhà nhằm lúc trổ hoa vào thời điểm không gian đó, đã có xuất hiện một cây bút tuổi trẻ đầy phong độ, một nhà văn tiêu biểu đầu tiên của đất Trảng Bàng có tầm cỡ trên văn đàn lúc bấy giờ. Nhà văn đó chính là giáo sư Thẩm Thệ Hà***. Sau bao ngày tha phương ở chốn kinh kỳ hoa lệ, thì ông khăn gói trở về quê và đi tìm nguồn cảm hứng tâm hồn tại Tha La, để thực hiện một công trình văn hóa khó khăn, tế nhị đòi hỏi một phải có trình độ khả năng nghị luận sắc bén bằng với những tinh thần nhận thức thực tế trong tác phẩm. Nếu cách đây chừng sáu bảy thập niên, giới mộ điệu ghiền tiểu thuyết tại miền Nam khoái đọc các tác phẩm kích thích về xã hội, tâm lý của Hồ Biểu Chánh, võ hiệp kỳ tình, phiêu lưu của Phú Đức, đồng rừng, ruộng rẫy, sông rạch của Sơn Nam, tình cảm tế nhị thâm thúy của Bình Nguyên Lộc v.v, thì Thẩm Thệ Hà đã lựa chọn một hướng đi cho mình...có lẽ vì bản chất của ông vốn là một nhà mô phạm?

Thực vậy, qua tác phẩm “Đời Tươi Thắm” lồng mối tình đôi bạn vào trong khung cảnh bên cạnh giáo đường vắng vẻ Tha La, ông đã đưa người đọc đi vào không gian nồng nàn qua biên cương của tình yêu tuổi trẻ nhận thức về ý nghĩa của cuộc đời trong cuộc sống thực tế ở tương lai. Trong phần bố cục cũng như về văn phong, ông trình bày khúc chiết, rõ ràng cùng với lối hành văn diễn tả trong sáng không có sự mâu thuẫn trong cá tính của nhân vật. Và theo quan niệm cuối cùng của ông trong tác phẩm, thì mối tương quan buộc ràng cuộc sống giữa tình yêu con người với nhau là một nhân tố thực thể tất nhiên, cần được sự cổ võ liên hợp và không thể tách rời. Nhất là đối với thành phần của tuổi trẻ đôi mươi chứa chan niềm tin yêu lý tưởng. Do vậy, cảm tưởng của một người đọc sách có trình độ học vấn và nhận thức cao, lúc bấy giờ, sau khi xem qua được tác phẩm “Đời Tươi Thắm” nầy thì chắc chắn phải đều đồng ý cho rằng là dụng ý của tác giả của nó, là muốn khai mào cho một trận bút chiến (polémique) với phần kết cục trong cuốn sách “Hồn Bướm Mơ Tiên” của Khái Hưng? Vì từ lâu, ý kiến cá nhân ông đã từng lên tiếng phê bình về phần kết cục trong tác phẩm lừng danh đó. Và ông cho là nó kém sâu sắc, phản thực tế, phản khoa học của một sự lập luận giải quyết lưng chừng thiếu tính chất tế nhị và bén nhạy về mặt tâm lý, tình cảm đương đại của con người.

Còn nữa, ngoài bản sắc văn chương phong phú trong câu truyện “Đời Tươi Thắm”. Thẩm Thệ Hà còn là một nhà nghiên cứu lịch sử từng dày công sưu tầm về huyền thoại của vị thủy tổ nhà Nguyễn được hiền thần Bà Đen báo mộng cứu nguy trên con đường bôn ba đào tẩu, lưu lạc vào vùng sơn cước Tây Ninh. Và mãi cho đến ngày hôm nay, câu chuyện kỳ thú đó bây giờ vẫn hãy còn được nhiều người truyền tụng.

Tuy nhiên, ngoài những thực thoại hãy còn nghi vấn cần phải được trả về cho lịch sử, về huyền thoại Vua Gia Long được hiền thần báo mộng cứu nguy lánh nạn Tây Sơn để về sau có còn thời cơ dựng xây nên nghiệp đế. Chính cái tên hiệu Thẩm Thệ Hà của ông cũng còn là đề tài thú vị của một giai thoại ngoạn mục khác, do bởi một dạo có sự xuất hiện hoành tráng của nữ minh tinh màn bạc cũng có cái tên tài tử hao hao là Thẩm Thúy Hằng...

Tóm lại, dẫu sao thì hồn quê của xứ Trảng Bàng nầy từ lâu cũng không bao giờ phải là của riêng ai, nắm đất thiêng của chung nầy là của chung tất cả đồng hương, cũng như của cả đồng bào, nhưng những cái gì mà bạn cảm nhận được có danh thơm thì bạn có quyền hãnh diện. Và hẳn bạn từng nghe, người ta thường nói chim chóc xa rừng còn thương cành nhớ cội, huống chi là người rời bỏ quê hương ai mà không nhung nhớ xóm làng! Trường hợp của chúng ta vắng xa làng xưa phố cũ lâu ngày, hẳn bạn có thể hình dung ra được một sự đổi thịt thay da nơi thôn xóm, ở đầu đình cuối chợ mà tùy theo sự tiếp cận của cách nhìn, để cho bạn phải làm sao tránh khỏi được bao điều trăn trở, ước mơ và...ôm ấp?

Nhưng thôi! Có tiếng canh gà điểm sáng đúng vào lúc bức tranh quê mẹ mạo muội đã vẽ đơn sơ, nhưng tôi không sao có thể tiếp tục hoàn thành được phần hậu cảnh cuối cùng. Hơn thế nữa, tôi tự biết sức mình vì lãnh địa Hậu Nghĩa (vốn là khúc ruột hình hài “hậu duệ”của Bình Dương, Long An, Tây Ninh tạo thành) hãy còn nhiều vùng đất mà tôi thiếu sót chưa được đề cập đến trong những trang sử góp công tô điểm, đắp xây làng mạc và xây dựng tình người. Hi vọng rằng, sự thiếu sót nầy sẽ được tất cả đồng hương nhiệt tình bổ sung đóng vào góp bằng với tất cả những tâm tình thân ái, đậm đà nơi phần hậu cảnh đó, để lưu lại cho nhau và cho cả thế hệ mai sau một kỷ niệm liên đới, lòng dặn lòng, tay trong tay.

Sau cùng, để kết thúc những kỷ niệm viết về làng xưa phố cũ với nỗi niềm canh cánh bên lòng thương nhớ khôn nguôi. Tôi xin gói ghém tất cả tâm tình ứa lệ, cảm hoài vào trọn mấy vần thơ mộc mạc sau đây để ôn lại một quảng đường đời, để chúng ta cùng nhau tìm lại được những bức chân dung đẹp tuyệt vời của quê hương ta yêu dấu!

Và chân tình gởi bạn tấm thiệp Xuân nầy với ước mong có ngày tái ngộ hàn huyên.

Hồi còi giục giã xuống tàu

Tâm tình xin gởi trọn vào tình thương

Chiều tà vọng nhớ cố hương

Mái trường Cao Cẳng, giáo đường Tha La...

An Tiêm MAI LÝ CANG (Paris)