Một Lần Đổi Hướng |
Tác Giả: Tài Công MH153 |
Thứ Hai, 06 Tháng 4 Năm 2009 22:58 |
Trời vừa hừng đông, chiếc xe đò cũ kỹ chở đầy hàng hóa, nặng nhọc lăn bánh ì ạch rời bến cảng Phú Lâm, bò từ từ ra đường lộ lớn, hòa nhập vào dòng xe cộ tấp nập xuôi về miền Tây. Tôi ngồi thu mình nơi hàng ghế cuối, hai tay ôm chặt giỏ là một vật quan trọng trong quyết định sự sống còn của gần 80 sinh mạng chuẩn bị vượt biển phó thác cho may rủi, tìm cái sống trong cái chết của chuyến đi định mệnh trên một chiếc thuyền mong manh bé nhỏ. Đó là chiếc hải bàn do anh Phương, một người anh nuôi tốt bụng, sĩ quan Hải Thuyền (đã qua đời vì bạo bệnh trong trại cải tạo năm 1977), để lại cho tôi trước khi đi tập trung với một lời nhắn nhủ: " Em cất kỹ cái này, mai mốt biết đâu có khi cần ". Tôi cất giữ chiếc hải bàn suốt ba năm như một báu vật hộ thân. Phong trào vượt biển rầm rộ khắp nơi, hải bàn trở nên đắt giá. Nhiều lúc tôi đói rã ruột nhưng cố chịu đựng cầm cự qua ngày, nhất định không mang ra bán. Rồi ngày đó đã đến nhưng lời anh Phương Hải Thuyền đã nhắn nhủ. Xe từ từ tăng tốc độ, lao nhanh làm gió lạnh buổi sáng sớm lùa vào cơ thể người. Tôi chợt rùng mình hồi hộp, tim đập mạnh khi nghĩ đến các trạm công an kiểm soát dọc đường. Tôi sẽ trả lời sao khi bị xét hỏi, bị bắt với tang vật, mà bản án dành cho những người tổ chức vượt biên lúc bấy giờ là "phản quốc". Riêng tôi lại là tài công sẽ cầm lái chiếc ghe chở người vượt biển. Tôi không dám nghĩ tiếp, nhắm mắt lâm râm cầu xin Thượng Đế, khấn nguyện vong hồn anh Phương Hải Thuyền phù hộ, tôi đã đem được chiếc hải bàn đến điểm hẹn. Trời nhá nhem tối, sau khi vượt chặng đường dài ba trăm sáu chục cây số, qua nhiều trạm công an lục soát xét hỏi. Tạ ơn Thượng Đế ở trên cao. Cảm ơn anh Phương Hải Thuyền đã phù hộ, tôi đã đem được chiếc hải bàn xuống điểm hẹn. Xách chiếc giỏ đệm ra khỏi xe đò, tôi ngơ ngác đưa mắt nhìn quanh tìm người chủ ghe đưa tôi đến điểm hẹn. Tất cả đều xa lạ trước cảnh ồn ào hỗn độn của bến xe Cà Mau, phần lo ngại bị bọn lưu manh giựt giỏ xách. Tim tôi lại đập mạnh khi chợt thấy bóng hai người công an sắc phục đang ngồi trong quán nước gần đó. Do phản ứng tự nhiên hay do quá hồi hộp, một động lực nào đã khiến tôi mạnh dạn bước lại ngồi xuống bàn bên cạnh hai người công an, nghĩ rằng nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất. Ngồi chỗ này thì bọn lưu manh không dám đến giựt giỏ xách, nhưng lại quên mất một điều, người ta đến đón tôi cũng sẽ không dám đến gặp tôi để đưa đến điểm hẹn. Cuối cùng tôi cũng gặp được người hướng dẫn, đến điểm hẹn ngủ tạm một đêm để hôm sau xuống nghe. Trong căn nhà nhỏ bên cạnh những khuôn mặt lạ hoắc đa số là phụ nữ và trẻ con, không cần đoán cũng biết họ xuống đây chờ vượt biên như tôi. Dù họ đã cải trang, mặc áo bà ba đen theo kiểu nhà quê, nhưng chiếc áo đen thô kia lại vô tình tố cáo làn da trắng trẻo, mịn màng của đàn bà đô thị, và những bàn tay nõn nà búp măng của hàng tiểu thư đài các, con gái nhà giàu Sài Gòn, những mái tóc "demigracon", làm sao qua mắt được đám nghiệp vụ công an nghiệp vụ, chuyên lùng bắt dân thành phố xuống vượt biên. Mọi người yên lặng ngồi quạt muỗi chờ sáng, thỉnh thoảng tiếng con nít giựt mình khóc ré lên vì muỗi cắn. Tôi nín thở từng cơn. Không ai dám ngủ vì phập phồng lo sợ công an có thể ập vào khám xét bắt đi bất cứ lúc nào. Thời gian trôi thật chậm chạp, nặng nề khó thở. Người chủ ghe kêu tôi tìm chỗ chợp mắt môt chút để lấy sức vì mai còn phải đảm trách chuyến hải trình dài. Tôi nhắm mắt nguyện cầu Thượng Đế, xin anh Phương Hải Thuyền... Tờ mờ sáng mọi người đã thức dậy. Theo sắp xếp của chủ ghe, từng toán vài người xuống bến tàu có xuồng nhỏ đưa ra ghe lớn. Riêng tôi ở lại với người tài cải (thợ máy) tên là Mười An để thảo luận tình hình sắp tới và những biện pháp đối phó lỡ gặp công an chận giữa đường hay ra khỏi bị Hải tặc tấn công... 9 giờ sáng, tôi cùng Mười An với chiếc hải bàn được xuồng máy đuôi tôm đưa ra Vàm Tắc Thủ để đến chiếc ghe vận mạng. Đó là chiếc ghe lưới đánh cá nhỏ đang đậu cặp vào đám lá ven bờ Vàm Tắc Thủ. Sông chia ba nhánh, nhánh vô Cà Mau, nhánh vào U Minh, nhánh ra cửa biển Ông Đốc. Trên ghe có vài tay lưới đang bung xổ ra để ngụy trang, từ xa trông như ghe đang đậu để vá lưới, sửa chữa. Chúng tôi leo lên gặp chủ ghe dặn dò kế hoạch lộ trình. Sau vài phút trao đổi, được biết chuyến đi còn nhiều nguy hiểm chực chờ, không đơn giản như tôi tưởng, phải qua một khúc sông dài mới qua cửa biển Ông Đốc. Dọc đường còn phải đi ngang đồn công an Rạch Ráng, phải ngưng lại vài điểm rước thêm người, lấy thêm dầu và lương thực... Từ giây phút này, tôi hồi hộp từng cơn, cảm thấy phó thác tất cả cho chiếc ghe định mệnh mang số MH 153. Mười An trấn tĩnh tôi bằng một câu khôi hài lạc quan đỏ đen bói toán: anh à, số 153 cộng lại là 9 nút. Tôi cười hỏi lại: Còn chữ MH thì sao? An trả lời không do dự: " MH là số ghe của tỉnh Minh Hải. Mấy cha nội tôi lấy tên rừng U minh và biển Nam Hải ghép lại. Em thấy chữ EM còn có nghĩa là "Một Hơi", tức là ra tới biển thì anh lo cầm lái, em lo coi máy, chạy một hơi là tới Mã Lai liền. Em chưa biết anh tên gì nhưng anh là tài công thì em kêu anh bằng anh Tài nghe. Còn em là con thứ mười trong gia đình 11 anh em nên Mụ Bà đặt tên cho em Mười An, vậy tức em có tới mười bà mẹ sanh hộ mạng lận ". Tôi nhìn An mỉm cười, thầm hy vọng những điều người thợ máy nói sẽ là sự thật. Tôi và An chui xuống hầm máy xem xét tình trạng máy móc, đề máy, thử bơm nước, thử số tới số de cản thận, rồi ra phía trước mở nắp xuống coi các khoang hầm, xem lườn ghe có bị vô nước không. Tôi thấy có gần hai mưới người toàn đàn bà con nít ngồi nín khe, sợ sệt. Họ đã ém sẵn trong đó từ lúc nào. Mở nắp hầm lên thì con nít khóc ré lên đòi về nhà. Đậy lại thì ngộp, thiếu không khí, nhưng không còn cách nào khác hơn vì trên ngã ba Vàm Tắc Thủ sáng sớm xuồng ghe tấp nập xuôi ngược dập dìu. Một chiếc vỏ lãi ( loại xuồng nhỏ và dài, đặt máy GMC chạy nhanh như ca nô, còn gọi là vỏ vọt ) của công an tuần tiễu chạy lại gần. Tôi chỉ đủ thời gian gõ lên nắp hầm ba tiếng theo chỉ dẫn của chủ ghe để báo động cho người ở dưới khoang biết có công an tới gần xong cùng Mười An lập tức cởi đồ, mặc xà lỏn nhẩy ùm xuống sông lặn hụp sau bánh lái làm bộ đang sửa chân vịt. Chiếc vỏ lãi công an tấp gần ghe tôi, họ hỏi lớn: "Ê! Ghe biển hả, dưới hầm có cá tươi hay cá muối nước đá gì nhậu được hông vậy tụi bay? " Tôi nói to: "Dạ! ghe đang bị gẫy chưn vịt đang sửa xếp ơi!" Người công an hỏi tiếp: " Thiệt hôn mày, tao leo lên mà có cá là tao lấy hết à nghen!". Tôi mạnh dạn nói lớn: " Máy ngày nay ghe nằm ụ nên tụi em còn phải ăn cá khô đó xếp. Kỳ sau vô có cá tười thì em sẽ để dành cho xếp nhậu." Toán công an nhìn quanh chiếc ghe, thấy mấy tay lưới bung xổ bừa bãi không có khả nghi gì nên quay mũi chạy luôn. trước khi đi còn nói với một câu: "Nhớ nghen mày, tao ghi số ghe tụi bây rồi đó, kỳ sau có cá biển nhớ ghé đồn Rạch Ráng đưa cho tao nghen! " Chúng tôi qua phen hú vía. Tạ ơn thượng đế trên cao. Cảm ơn anh Phương Hải Thuyền. Không biết chúng tôi còn bao nhiêu phen đứng tim như thế này nữa. Đúng 2 giờ chiều, tôi được tín hiệu di chuyển, cho ghe chạy về hướng sông Ông Đốc. Chiếc vỏ lãi của nhóm tổ chức dẫn đường một lúc rồi phóng nhanh về phía trước mất hút. Tôi không buồn thắc mắc. Có lẽ họ đi rước thêm người. Tôi giữ tốc độ bình thường vừa chạy vừa thả theo con nước ròng. Ba tiếng đồng hồ nặng nề trôi qua. Mười An ngồi cạnh tay lái im lặng, thỉnh thoảng mồi cho tôi điếu thuốc. Ghe gần đến đồn công an Rạch Ráng. Từ xa tôi thấy lố nhố những cây ăng ten trên nóc nhà, thấy cột cờ đỏ sao vàng trên tấm bảng trước cổng đồn công an, trụ sở ủy ban nhân dân huyện Trần Văn Thời...Chiếc vỏ lãi dẫn đường vẫn chưa trở lại. Tôi giật mình hỏi Mười An: "Tụi mình phải làm sao đây?" Mười An sửng sốt: "Ủa họ không có nói gì với anh sao?". Tôi lắc đầu bảo:" Em cho bớt ga lại". Ghe từ từ đến gần đồn công an Rạch Ráng, Tôi đưa mắt ra hiệu cho An gõ ba tiếng lên nắp hầm. Ghe đã đến sát bên đồn công an. Tôi lái chầm chậm cho ghe hướng mũi vào bờ giả bộ như sắp cặp vào đồn. Mười An có lẽ đoán trước được nước cờ "tương kế tựu kế " bát ngờ của tôi, nó bình tĩnh bước ra trước mũi ghe, cầm sơi dây luộc cuộn tròn như chuẩn bị nhảy lên bờ cột ghe vào cọc. Phía trước sân đồn, mười mấy lính công an mặc xà lỏn áo thung đang đánh bóng chuyền. Hai ba người mặc sắc phục đeo K54 cũng chăm chú vào trận đấu và vỗ tay phụ họa hò la nên không chú ý đến chiếc ghe. Tôi chỉ chờ giây phút này, trả số về "bon-noa" cho chân vịt ngưng quay, bớt ga cho tiếng máy thật nhỏ và thả ghe trôi thật chậm qua khỏi đồn. Họ vẫn không chú ý, tôi tiếp tục thả trôi tà tà, 10 thước, 20 thước, rồi 30 thước, rồi 100 thước. Mười An vẫn đứng yên vị thế. Tôi từ từ ngoái cổ lại phía đồn, trận bóng chuyền đang hồi quyết liệt hơn. Tôi thò tay cầm cần số, nín thở vô số thật nhẹ, chưn vịt quay từ từ, ghe trôi nhanh hơn, qua hết dãy hàng quán chợ búa, ra khỏi khu vực Trần Văn Thời. Mười An khom người chui vô cabin nói nhỏ: " Mình vọt luôn đi anh Tài!" Tôi quay mặt lại phía sau không thấy ghe xuồng nào theo nên tăng ga chạy nhanh hơn. Mười An mồi cho tôi điếu, đưa tay vướt ngực thở phào: "Hồi nãy em tưởng anh ghé vào đồn nên muốn đứng tim luôn. Nếu em bị bắt chắc là bị tử hình chung với anh và mẹ em sẽ buồn lắm ". Tôi vỗ nhẹ vai nó: " Không sao đâu em, thôi xuống hầm máy coi cái bơm nước đi " Mười An quay lưng, tôi chắp hai tay ngước mặt lên trời lâm râm khấn: "Tạ ơn Thượng Đế trên cao. Cảm ơn anh Phương Hải Thuyền"... Qua khỏi Rạch Ráng thì trời gần sụp tối. Tôi kêu An mở hé nắp hầm để gió lùa vào khoang cho những người ở dưới dễ chịu một chút. Chiếc vỏ lãi quay trở lại với bẩy tám người khách, mấy can dầu, gạo, thuốc lá và đèn pin, xong vội vã đi tiếp. Ghe đến gần cửa biển Ông Đốc, dọc đường thỉnh thoảng một chiếc xuồng nhỏ từ trong bờ chèo ra đưa khách lên khách ghe. tôi tính nhẩm gần tám chục người, thầm ái ngại vì ghe nhỏ quá mà chở quá đông, ra biển liệu có vượt qua nổi sóng to gió lớn hay không. Người chủ ghe leo lên dặn dò tôi những ám hiệu để qua đồn công an biên phòng, anh đưa tôi cây "Ple-gun" cùng dây đạn sáu viên để bắn tín hiệu cầu cứu khi gặp tầu quốc tế ngoài hải phận rồi bắt tay tôi chúc thượng lộ bình an, anh xuồng vỏ lãi chạy ra phía cửa biển Ông Đốc. Ghe ra đến cửa biển thì đã gần nửa đêm. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Quay lại phía sau lần cuối, tôi nghẹn ngào nói thầm:" Quê hương ơi, vĩnh biệt. Mẹ ơi, xin tha tội bất hiếu của con ". Tôi biết giờ này mẹ đang ngồi bên bàn thờ cha tôi để van vái cho thằng con vượt biển bình an. Đêm tối đen không trăng sao, phía trước là một vùng trời nước mịt mù. Tôi lấy hải bàn ra, rọi đèn pin nhắm hướng Mã Lai. Nhũng người trên ghe bắt đâu say sóng, ụa mửa. Một số leo lên ngồi trên sàn ghe vì dưới hầm quá đông, quá ngộp. Tôi cứ nhìn kim hai bàn và cầm chặt tay lái, ghe bắt đầu vượt sóng to. Tôi cảm thấy lạnh vì gió lớn hát bọt sóng bay tung toé vao ca-bin làm ướt hết quần áo. Dù lạnh nhưng tôi vẫn đổ mồ hôi như tắm vì lo sợ hoang mang trong bóng đêm dày đặc. Hành trình thì hoàn toàn vô định giữa biẻn khơi mênh mông sóng gió. Tôi lại chắp tay trước ngực cầu nguyện, xin phù hộ... Mười An đến cạnh tôi, chìa gói mì tôm. Hai đứa cùng nhai sống, ướng nước lạnh cho đỡ đói. Gần năm tiếng đồng hồ trôi qua, bầu trời hừng đông dần hiện rõ những lượn sóng to trước mặt. Tôi vẫn nhìn hải bàn, xả máy tống hết ga và giữ chặt vô lăng, nương chẻ theo từng lượn sóng để ghe không bị úp. Bỗng từ xa, mờ mờ bóng một chiếc tầu buôn lớn, tôi đoán ghe đã ra hải phận quốc tế. Mười An la len: "Tàu quốc tế kìa, bắn xi nhan lên đi anh Tài ". Mọi người trên ghe ngồi nhổm dậy, mừng rỡ xôn xao chỉ về hướng tầu. Tôi định thần nhìn kỹ, lắp viên đạn đỏ nhỏ dài như viên pháo, đưa lên khỏi đầu chĩa về hướng chiếc tầu buôn. Một vệt đỏ xẹt lên cao rồi tan trong không khí. Năm phút, mười phút nặng nề trôi qua, vẫn không thấy chiếc tầu buôn đổi hướng. Bắn thêm một viên, rồi viên thứ ba, vẫn vô vọng...Không biết họ có nhận được tín hiệu cầu cứu chăng? Chiếc tầu buôn từ từ khuất bóng giữa đại dương. Trời đã sáng tỏ, sóng bớt to. Tôi ái ngại nhìn phía trước mênh mông, không bờ bện Chiếc thuyền quá nhỏ bé, mong manh. Người trên ghe ngầy ngật say sóng và ụa mửa liên tục. Chỉ có tôi, Mười An, và vài ông có lẽ là cựu quân nhân là còn tỉnh táo, dù rất mệt mỏi. Tôi kêu An nổi lửa nấu nồi cháo lớn, múc cho đàn bà trẻ em mỗi người một chén, húp với chà bông để cầm hơi. Họ ăn vào lại ói ra. Trẻ con bị nước biển thấm vào người nên cảm lạnh nằm thiêm thiếp. Tôi giao tay lái cho Mười An, bò lần ra phía trước trấn tĩnh mọi người: " Cố gắng lên nghe các anh chị, mình đã đến hải phận quốc tế rồi, không bao lâu nữa sẽ tới Mã Lai " Giữa trưa, mặt trời đứng bóng, ghe vượt sóng nặng nề, chậm chạp. Số đông đàn bà trẻ em đã ngất xỉu nằm mê man, la liệt. Mấy anh cựu quân nhân đề nghị đổi hướng vô Thái Lan vì e rằng trẻ em không chịu nổi mà chết trên ghe. Tôi cho mọi người biết nếu vào hải phạn Thái Lan thì sẽ bị hải tặc cướp và hãm hiếp. Trước khi đi tôi đã nhận được thư của những người bạn đi trước hiẹn còn tạm cư ở Thái Lan khuyên đừng vào hải phận Thái lan. Các anh đồng ý, rồi thay phiên nhau đút cháo, xức dầu cho những người ngất xỉu. Đến xế chiều, mây đen cuồn cuộn che mờ mịt, gió bắt đầu thổi mạnh. Mọi người hốt hoảng bồng bế xuống khoang hầm. Trời nổi giông, sấm chớp gầm vang, gió rít từng hồi báo hiệu một cơn bão sắp đi ngang. Mưa trút nặng hột, gió mạnh, sóng cao từng đợt chụp vào làm ghe chòng chành nghiêng ngả. Tôi môi ghì chặt tay lái, hai chân cố đứng vững ngưng nghe lắc liên tục nên tôi bị chúi ngã theo từng cơn sóng. Khung kiếng chắn gió phía trước bị đánh bể. Đầu tôi va mạnh vào đó, tôi choáng váng, máu chảy xuống gò má. Mưa tạt mạnh tê rát mặt mũi, máu hòa nước biển thấm mặn môi. Mười An một tay xốc nách tôi, một tay cầm vô lăng. cả hai cùng nhào lộn trong ca-bin. Chiếc hải bàn văng xuống sàn long lóc. Tôi chợt nhớ tới anh Phương Hải Thuyền, sợ hải bàn lọt xuống biển. Một động lực nhiệm mầu khién tôi bật dậy, một tay chụp hải bàn ôm chặt vào ngực, một tay nắm vô lăng gượng người đứng thẳng nhìn phía trước luồn lách qua những cơn sóng dữ hung thần... Nửa giờ đồng hồ trôi qua, biển đã bớt cơn thịnh nộ nhưng sóng vẫn chưa ngừng. Mười An dọi đèn pin, bẻ điếu thuốc lá rịn vào vết kiếng cắt và xé khăn quán ngang trán tôi. Ghe vẫn chạy ì ạch, nặng nề vì nước tràn vào khoang bơm ra không kịp. Tôi kêu An nhờ mấy anh cựu quân nhân qua hầm máy, hợp sức dùng can múc nước tát ra ngoài cho nhẹ ghe để khỏi bị chìm. Tôi nhìn hải bàn, chỉnh lại tay lái và tiếp tục chạy. Quá nửa đêm, dưới khoang trước bỗng có tiếng la thất thanh:" Trời ơi, con tôi chết rồi!" Cảm đám người nhốn nháo la hét, chửi đồ thằng tài công khốn nạn, vô lương tâm, không chịu tấp vô Thái Lan. Một thanh niên từ dưới khoang chui lên ca-bin chup cổ cung tay thoi mạnh vào mặt tôi. do bát ngờ, tôi té lăn, máu từ vết cắt lại chảy ra. tôi gượng dậy, cắn răng chịu đau, đứng im không chống cự vì đoán rằng anh ta là người vừa mất con. Mười An nhào tới cả anh ra, mấy anh quân nhân xúm ôm anh ta lại. Đứa con trai một tuổi của anh ta bị say sóng, đói rét, cảm lạnh suốt một ngày một đêm không ăn uống, thuốc thang, đã trút hơi thở trên tay mẹ cháu. Tôi chết lặng, nước mắt tuôn dài hòa cùng máu thấm mặn môi, thương cho người cha vừa mất đứa con thơ vô tội. Các anh cựu quân nhân thì có vẻ thông cảm, lập tức làm rào bảo vệ tôi trước sự phẫn nộ của đám đông trên ghe. Cuối cùng họ buộc tôi đổi hướng vào Thái Lan để thu ngắn lộ trình, vì ghe còn nhiều đứa trẻ đang thoi thóp. tôi không nỡ nhìn những đứa trẻ khác tiếp tục chết, đành cắn răng gạt nước mắt đổi hướng hải bàn dù biết vòng vây hải tặc Thái Lan đang trực chờ. Ba ngày lênh đênh trên vịnh Thái Lan, thỉnh thoảng gặp vài thây người trôi rải rác trên mặt biển. Mười bốn lần tầu bị hải tặc tấn công, cướp bóc vơ vét vòng vàng nữ trang, hãm hiếp đàn bà con gái. Tôi là tài công nên bị đánh đập, tra khảo nhiều nhất, bị kề dao vào cổ, nhưng may là tôi không có vàng trong người nên họ chưa cắt cổ tôi quăng xuống biển. Họ lấy luôn cả máy ghe vì nghi bên trong có dấu vàng. Cướp xong, họ bỏ mặc ghe chúng tôi, quay tầu đi với những tiếng cười man rợ. Cuối cùng một tầu đánh cá Thái Lan thứ 15, do ông thuyền trưởng tóc bạc người Thái gốc hoa tốt bụng, thấy cảnh tang thương bi đát trên ghe nên động lòng trắc ẩn, bất chấp lệnh cấm của chính phủ Thái Lan, trong đêm tối lén kéo chiếc ghe sắp chìm của chúng tôi vô bờ ven tỉnh Songkhla vào một đêm hạ tuần tháng 8 năm 1980 Đoạn kết: Tôi, người tài công bất lực, vì tôn trọng nỗi mất mát đau thương của những nạn nhân trên chiếc ghe bất hạnh nên không dám tả lại hình ảnh hãi hùng của 14 lần cướp biển hành hạ, và thời gian trong trại tạm cư với những cái bào thai oan nghiệt. Thiết nghĩ đó cũng là nỗi đau chung của một dân tộc bé nhỏ triền miên bị đọa đầy thống khổ. Vì yêu chuộng tự do phải liều chết ra đi theo cùng vận nước. Ai đã từng là thuyền nhân hôm xưa đang sống trên miền đất tự do xin hãy nguyện cầu anh linh của những oan hồn ưởng tử đa chìm sâu dưới lòng bốn phía đại dương. Xin cho người Việt Nam lưu vong trên khắp địa cầu thương yêu nhau hơn. Little Saigon, tháng 10/2002 ::: Tài Công MH153 ::: |