Cái Chết Của Người Lính |
Tác Giả: Nguyễn Thanh Hoài |
Thứ Hai, 06 Tháng 4 Năm 2009 23:02 |
Nếu phân loại theo giới tính của nhóm người trên chiếc ghe này, có thể nói tôi là một người đàn ông trẻ nhất trong nhóm, mặc dù lúc vượt biên tôi chi tròn trèm mười bốn tuổi. Hay nói cho đúng hơn nữa, có thể gọi tôi là một thằng con nít chưa hiểu sự đời. Thật sự mà nói, tôi chẳng hiểu sự đổi thay của chế độ như thế nào mà rất nhiều người bỏ nước ra đi. Với cá nhân tôi, tôi chỉ biết là tôi rất buồn khi bố mẹ gởi gắm tôi cho một người quen làm chuyến phiêu lưu này. Tôi phải bỏ quên tuổi thơ của tôi, những chiều đá banh, tắm sông, nghịch ngợm chọc phá và hái trộm xoài nhà ông Cả Đậu làng bên. Tôi chỉ có một cảm giác thích thú duy nhất là khi xuống tầu, tàu lướt sóng nhịp nhàng khi lên khi xuống mà tôi gọi là cưỡi ngựa trên biển. Nhưng cái cảm giác thích thú này chẳng duy trì trong tôi lâu được. Hơn cả tuần vật lộn với sóng biển, giữa phong ba bão táp, ói tới mật xanh, cái sống và cái chết chỉ cận kề trong gang tấc, tôi đã nghĩ là bố mẹ tôi đem sinh mạng tôi đùa giỡn với tử thần. Chỉ mới ngày thứ hai trên biển, chú thím Bảy - người mà bố mẹ tôi gửi gấm tôi - đã nằm la liệt trên tàu. Chẳng ai còn ngó ngàng chăm sóc đến tôi. Tôi có cảm giác lạc lõng giữa một nhóm người xa lạ. Chiếc tầu thì quá chật. Tôi lâu nay đã quen chạy nhảy, nghịch ngợm, giờ bó gối trên chiếc tầu con chật hẹp tưởng chừng như con chim bị nhốt trong lồng. Tôi chỉ có một may mắn duy nhất là tiêu chuẩn thực phẩm phân phát cho tôi đầy đủ hơn mọi người khác bởi tôi còn quá nhỏ so với những người trên tầu. Ngày đầu tiên trên biển, cái thích thú cỡi tầu trên sông nước đã đè ép cái mệt nhọc, phiền muộn của tôi. Tôi reo mừng nhảy cỡn lên theo cái nhịp nhàng lướt sóng lên xuống của con tầu. Tôi đã tạm quên đám bạn bè cùng trang lứa, những ngày thả diều, đá bóng, bắt dế...ở quê nhà. Cứ nghĩ như một cuộc du ngoạn xa. Tôi vẫn chưa ý thức được rằng sự ra đi này như đi tìm sự sống trong cái chết. Và cái lạ lẫm thú vị trong tôi đã dần mất hẳn trong hành trình của những ngày cuối cùng. Tôi bắt đầu thấm nỗi cô đơn và sự nhớ nhung giữa gia đình. Tựa như con chim non vừa rời xa tổ ấm. Những đứa em của tôi, cu Vũ, bé Tý giờ này chắc đã ngủ yên bên mẹ. Tôi đã cảm thấy mệt mỏi và mất đi vẻ linh hoạt vỗn sẵn trong tôi. Tôi chẳng còn thấy thiết tha hay thú vị trong hành trình bắt buộc này khi cơn bão ập xuống trong ngày thứ ba trên biển. Mưa tầm tã như trút nước, sấm sét giông gió và cả một khoảng trời trên biển mù mịt mây xám. Tàu phải bỏ neo giữa biển như một chấp nhận, một chịu đựng không lối thoát. Tôi tưởng chừng như cái chết đang cận kề bên mình. Bão táp làm bầm dập tôi đến tả tơi. Ruột gan như lộn phèo và ói mửa tới cả mật xanh. Tôi ngất đi trong sự khiếp hãi kinh hồn này. Chẳng biết bao lâu thời gian đã qua, tôi tỉnh dậy. Nắng chiều chiếu trải rộng trên tầu. Tôi nhìn quanh. Mọi người trên tầu cũng tả tơi, rách nát như tôi. Tựa như tất cả từ cõi chết trở về. Tôi đưa mắt tìm chú thím Bảy. Hai người còn nằm thiêm thiếp mê mệt. Tôi gượng dứng dậy. Nhưng sức lực dường như tiêu tán đâu hết. tay châm run rẩy và tôi lại ngã nhào xuống. Tôi ngã vào vòng tay một người đàn ông. Anh ta chụp lấy tôi và dìu tôi ngồi lại xuống sàn. Ánh mắt và nụ cười đầy vẻ thân thiện. Tôi nhìn lại anh ta chỉ hơn tôi độ mười mấy tuổi. Làn da rám nắng. Khuôn mặt dày dạn nét phong trần. Tôi như có cảm giác an ủi và đỡ lạc lõng. Tôi đã có người để làm bạn, chuyện trò. Rồi từ hôm ấy, tôi thường xuyên lân la bên cạnh anh ở trên tầu. Tầu của chúng tôi đã lênh đênh trên biển sang ngày thứ bảy. Trận bão đi qua đã làm thiệt hại nặng nề con tầu. Máy hư, bánh lái gẫy. Tàu hết phương cứu chữa, chỉ còn theo sức gió trôi dạt. Thức ăn đã dần dần vơi và nước uống thì gần cạn. Mỗi người trên tầu bây giờ phải ăn cháo thật lỏng thay cơm và chỉ uống được một ngụm nhỏ nước mỗi ngày. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có lúc cái đói và cơn khát hành hạ tôi như lúc này. Tôi đang sức lớn mà tiêu chuẩn ăn chỉ vừa nhét đủ kẽ răng và nước uống thì chưa đủ thấm giọng. Đêm ngủ lại trăn trở theo tiếng reo của bao tử, tôi tưởng chừng như điên lên được. May mà có người anh tôi mới quen trên tầu, mà trong thân mật tôi quen gọi anh là anh cả. Anh tìm cách xin thêm phần ăn và nước uống cho tôi. Lắm khi thấy tôi quá đói, anh còn nhường luôn phần ăn của anh cho tôi nữa. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn còn thấy thẹn thùng trong lòng. Bởi nhũng lần như vậy tôi chưa bao giờ biết từ chối. Tuổi tôi còn quá nhỏ, tôi chưa cảm nhận được cái hy sinh của người khác dành cho mình. Qua đi sóng gió bắt đầu cơn nắng cháy cả da. Mọi người chúng tôi được lên hết trên khoang để hưởng chút gió mát của biển. Tôi vẫn lân la theo bên cạnh anh. Anh thường đặt đầu tôi nằm trên đùi anh và kể chuyện của anh cho tôi nghe. Chuyện đời lính. Những lần đụng trận trên chiến trường. Những sự chia sẻ hy sinh của đồng đội. Tôi thấy mắt anh rực lửa và đanh lại. Rồi lần bỏ trận chiến chạy về phố thị Pleiku tìm người thân trong lửa đạn, vợ con anh đã thất lạc phương nào. Anh đã rong ruổi hàng bao năm để tìm tin tức nhưng vẫn hoài công. Nhìn gương mặt anh, nét chua xót ngậm ngùi trong tròng mắt cho tôi cảm nhận được cái đau đớn trong lòng anh. Cũng nhờ những câu chuyện ấy của anh đã đánh lừa ảo giác cho tôi vơi bớt cơn đói khát đang hành hạ. Ngày thứ mười trôi qua. Mọi người trên tầu gần như kiệt sức. Con tầu vẫn bồng bềnh trên nước chạy theo sức gió đẩy đưa. Chẳng còn biết số mạng mình đang đi về đâu. Chỉ còn chờ đội một may mắn nào đó xảy đến. Tôi thầm phục ý chí của anh cả. Anh vẫn tìm cách an ủi giúp đỡ mọi người. Rồi sang ngày thứ mười hai. Có vài người trên ghe đã kiệt sức không chịu đựng nổi đã bị chết. Cuối cùng một đời người không được trở về lòng đất mà phải đành gởi thây xuống biển cả. Bây giờ thì tôi đã thực sự kinh hoàng. Sự sợ hãi đã đi theo cả trong giấc ngủ. Tôi không ngớt mê sảng, cứ mơ thấy bố mẹ và các em tôi. Họ đang vẫy tay gọi tôi. Tôi lơ lửng bay theo mà chẳng thể nào bắt kịp. Anh cả vẫn bên cạnh tôi, mớm cho tôi từng thìa cháo, từng muổng nước.Tôi đã đến giai đoạn không còn cảm nhận sự đói khát nữa, mà chỉ còn mong cho sự chết đến sớm như là một giả thoát còn hơn cứ mãi như thế này. Chưa hết tai ương này lại đến tai ương khác. Nhưng có lẽ cái tai ương cuối cùng này đã kết thúc cái sự không may mắn của chúng tôi. ...Giữa lúc mọi người hoàn toàn tuyệt vọng thì có tiếng ghe máy tiến lại gần. Như được uống thuốc hồi sinh, mọi người cùng bật dậy. Kể cả tôi. Đến lúc đủ tỉnh táo để nhìn mọi vật chung quanh thì tôi đã suýt rú lên vì sợ hãi. Anh cả đã ôm choàng tôi lại và vỗ nhẹ vào vai trấn an tôi. Tôi nhìn thấy khoảng chừng năm tên cầm giáo mác, mã tấu đang đứng chung quanh trên tầu. Những khuôn mặt dữ dằn đến ghê sợ. Bọn chúng đang hò hét và ra dấu cho mọi người tháo nữ trang , tiền bạc giao nộp cho chúng. Chúng còn lục soát từng hang hốc, ngõ kẹt quanh tầu. Lúc này chẳng còn ai đủ sức lực để phản kháng. Cho đến khi chẳng còn tìm thấy được gì thêm chúng quan sát một lượt quanh tầu. Tầm nhìn của chúng chiếu vào hai cô gái chỉ hơn tôi độ mấy tuổi đang sợ hãi nép vào lòng mẹ. Chúng tiến đến và nâng mặt hai cô lên. Đầu tóc rũ rượi. Khuôn mặt còn đọng nét kinh hoàng. Nhìn hai cô gái đang sụp lạy như tế sao, chúng cười len ha hả. Cuối cùng chúng lôi hai cô gái đứng dậy như chuẩn bị đưa xuống tầu của chúng. Hai người mẹ sợ hãi nhưng vì tình thương con đã nhào tới ghì tay chúng. Có lẽ sợ mất thời gian, tên đứng cạnh tiện tay vung nhát mã tấu lên. Mọi người kinh hoàng đồng kêu rú lên. Nhát mã tấu ngọt xớt hớt một mảng trên đầu người đàn bà. Máu bắn lên có vòi. Người đàn bà chẳng kịp kêu lên một tiếng nào. Tôi run cầm cập trong vòng tay anh cả. Hình như tôi cảm thấy anh cùng độ rung như tôi. Tôi ngước nhìn anh. Khuôn mặt anh đanh lại và rực lửa. Tôi thấy lại lần thứ hai như lần anh kể chuyện lúc trạm trán trước quân thù. Nhưng lần này trước đám cướp biển, nhìn gương mặt anh như vậy tôi có linh không may lẫn khiếp sợ thực sự. Đúng như tôi dự đoán, khi nhìn người đàn bà giẫy giụa trước lúc xuôi tay, anh đẩy tôi ra khỏi lòng và bật dậy như chiếc lò xo. Anh lao đến bọn chúng và thuận tay giật được chiếc mã tấu trên tay đứa đứng gần nhất. Anh vung đao chém loạn xạ vào bọn chúng. Tôi cũng không tưởng tượng được đột nhiên anh lại khoẻ mạnh đến như vậy. Hai tên đứng bên cạnh anh không dự trù được trước phản ứng đột ngột của anh, lãnh trúng hai nhát vào đầu ngã nhào xuống biển. Ba tên còn lại buông tay hai cô gái và sửng sốt lùi lại thủ thế đứng nhìn anh. Lúc này anh cũng đã dừng tay lại và cắm thanh mã tấu xuống sàn tầu vịn tay thở dốc. Tôi biết rằng sức lực anh đã kiệt. Những ngày chịu đói khát trên biển đã bào mòn sức lực anh. Cái căm hận trước bạo lực chỉ là một chút kích thích ngắn hạn tăng sức mạnh cho anh trong những nhát dao đầu tiên mà anh đã trút hết trên hai tên cướp biển. Bây giờ súc lực anh đã tiêu tán hết. Có lẽ ba tên cướp biển đã nhìn thấy điều đó. Nhưng chúng cũng còn dè dặt và từ từ thủ thế tiến lại. Anh cũng run run rút thanh mã tấu lên cầm lại trên tay. Tên cướp đi đầu dừng lại một tích tắc rồi vung dao nhắm vào đầu anh chém tới. Anh ngã người ra sau né tránh. Vừa vặn lúc đó, có âm thanh của ghe máy nổ cách không xa lắm đang xé nước lao tới. Bọn cướp nhìn thấy và biết không còn đủ thời gian để trả đũa, nhưng trước khi nhảy lại xuống tầu bỏ chạy, chúng còn cố ném vụt những chiếc mã tấu vào người anh. Có một chiếc cắm phập vào nagy giữa ngực. Máu tuôn xối xả và anh đã ngã quị xuống sàn tầu. Chiếc tầu tuần dương của cảnh sát Thái Lan đã cứu chúng tôi nhưng không cứu sống được anh. Vết thương gần ngay giữa tim ra quá nhiều máu. Tôi nắm chặt tay anh và nhìn anh thoi thóp thở. Lần đầu tiên trong đời có lẽ đây là lần tôi biết cảm nhận cái đau đớn và biết khóc thật sự. Tôi muốn nói với anh thật nhiều điều những suy nghĩ của tôi dành cho anh. Nhưng tôi chỉ biết uất nghẹn. Anh đã tắt thở trước khi vào đến đất liền. Cái cuối cùng tôi còn được nhìn thấy ở anh là cái siết tay nhẹ và nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt anh trước khi nhắm mắt. Ngôi mộ anh được chôn trên đồi phía sau hàng rào của trại dành cho những người tị nạn. Ở nơi đây cũng có những ngôi mộ nằm san sát với nhau. Những xác người vượt biên trên biển trôi dạt vào đất liền. Tôi đã được nhận đi định cư ở Mỹ bởi tôi thuộc diện trẻ em dưới tuổi thành niên. Những ngày nằm đợi lên đường, nhớ anh tôi thường thích thơ thẩn ra thăm mộ. Tôi thích hái những hoa tím dại trên đồi đặt lên mộ anh như một ngậm ngùi, thương tưởng. Đã gần hai mươi năm qua. Tôi bây giờ đã thực sự trưởng thành. Chuyện vượt biển của ngày xưa chừng như nhạt nhòa. Duy chỉ còn hình ảnh của anh đọng mãi trong ký ức. Tôi có thể trả lời cho tôi được một điều đã ấp ủ mãi trong lòng. Cái giá của sự tự do mà mọi người phải đem sinh mạng mình thi gan cùng biển cả. Và với riêng cá nhân anh cả anh không nằm xuống trên chiến trường, nhưng anh đã trọn cái hy sinh đúng nghĩa cho đồng đội là những người vượt biển trên tàu, kể cả hai cô gái bé bỏng trước móng vuốt hung dữ của hải tặc. Tôi chỉ có mỗi một ân hận duy nhất là chưa được biết tên anh. Hình ảnh anh trong tôi là một anh hùng vô danh không tên tuổi. Cuối cùng tôi đã nghiệm ra ở anh một điều mà cho đền cuối đời chưa chắc tôi đã làm được: Đời sống thì ngắn ngủi. Duy những điều có ý nghĩa để lại cho đời mới thật sự bất tậm. Phải vậy không anh? |