Rời Việt Nam, tôi đã bỏ lại quãng đời học trò của mình với muôn vàn kỷ niệm. Nhưng tôi nhớ nhất những mùa phượng nở, báo hiệu giờ chia tay bạn bè, có khi là mãi mãi.
Năm học Lớp 8 trường Thánh Tâm ở Ngã Ba Ông Tạ, có thày Trương Quang Gia dạy Việt Văn nổi tiếng là một vị thày nghiêm, khó tính.
Ngày đầu niên học, thày mở sổ điểm danh, gọi từng học trò lên bục đọc một bài thơ hay một áng văn đã học năm ngoái. Đám học trò đứa nào cũng hồn phách lên mây, cố gắng nhẩm ra chút văn chương còn đọng lại trong óc sau những tháng hè. Nhiều bạn lên bục, đứng ngó trần lớp hay sàn lớp không mở miệng đọc được một câu. Có bạn nhớ mấy câu thơ cũ, đọc to, cả lớp tưởng bạn thuộc cả bài, nhưng chỉ vài câu rồi tịt:
Nghi ngút đầu ghềnh toả khói hương Miếu ai như miếu vợ chàng Trương Ngọn đèn dẫu tắt đừng nghe trẻ…
Đến lượt tôi, lẩm nhẩm trong bụng mãi mới nhớ được vài dòng rồi cũng tắc tịt:
“Ta trông lên bầu trời, trăng sao vằng vặc, sông ngân hà lấp lánh, khi cầu vồng mọc, lúc đám mây bay…”
Vẻ mặt của thày sau cặp kính trắng lúc nào cũng nghiêm trang. Nhưng vài hôm sau thì bọn học trò chúng tôi biết rõ thày nghiêm đến cỡ nào và hình phạt của thày thì ai cũng đã biết. Học trò nào nghịch phá, nói chuyện trong lớp, thày bắt lên nằm trên bục giảng, rồi thày đưa cây thước kẻ sắt cho trưởng lớp phạt, đánh vào đít vài hèo. Trưởng lớp mà giơ cao đánh khẽ để đỡ cho bạn thì thày sẽ đánh đít trưởng lớp một hèo làm mẫu. Đầu niên học thày phạt một bạn như thế, từ đó về sau chẳng đứa nào dám nghịch trong lớp của thày.
Thày tuy khó, nhưng tôi thích những giờ luận văn trần thuyết của thày. Ngoài những bài bình giảng và thuyết trình về vài đoạn Truyện Kiều, về những đoạn văn xuôi trích từ Tâm Hồn Cao Thượng, tôi thích nhất luận văn trần thuyết về Hoa Học Trò của Xuân Diệu mà thày cho làm trước kỳ thi đệ nhị lục cá nguyệt. Phượng nở đỏ rực đã đẹp, nay đọc Xuân Diệu viết về phượng làm tâm hồn học trò của tôi rung động lên khi nhìn phượng và hiểu ra rằng loại hoa này thực sự “có một linh hồn sắc sảo, mênh mông”. Những ngày tháng Tư gần cuối niên học, tiết trời oi ả, ngồi trong lớp hay lo ra, suy nghĩ mông lung về những ngày hè sắp đến, sẽ phải xa bạn bè, thày cô, xa trường lớp thân yêu, nhìn phượng đỏ lên trong cơn nắng gắt mà lòng mênh mang buồn.
Ở tuổi 13, 14 con gái biết làm duyên làm dáng, con trai biết chải tóc mượt, biết lo áo quần thẳng nếp, biết nhìn những tà áo trắng tung tăng sân trường giờ ra chơi, cố tìm một bóng hình nào đó để thấy sao ôi dễ thương. Nhưng tính con trai lại thích nghịch phá, chọc ghẹo cho nữ sinh nổi nóng, nhăn mặt, có khi khóc thút thít, để thấy con gái khi khóc sao mà đẹp quá. Tuổi học trò dễ thương như thế mà giờ đây lại sắp phải xa nhau, xa trường khi những chùm phượng đang rực rỡ đỏ hơn.
Thày Gia dạy chúng tôi một niên học thì thày nghỉ, về làm ở Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hoá trong công tác nghiên cứu và dịch thuật Truyện Kiều.
Cuối năm lớp 9 có tin sang năm thày về dạy lại và chỉ vì chuyện đó mà tôi bị phạt một lần nhớ đời.
Khi chỉ còn vài buổi học nữa là hết niên học, trong giờ đại số với thày Hoàng Đăng Cấp tôi và một đứa bạn đã bị thày phạt nặng. Bọn tôi học thày cả năm, chưa bao giờ thấy thày Cấp nổi nóng như hôm đó. Câu chuyện chỉ vì tôi và thằng Đặng Xuân Mai mở miệng hỏi thày về vụ tranh luận trên báo gần đây giữa thày Cấp và thày Gia về việc có nên đem môn tân toán học vào chương trình trung học đệ nhất cấp hay không. Cuộc tranh luận kéo dài mấy tháng trên một nhật báo lớn nên nhiều thày cô và học trò có biết đến, bàn thảo. Chúng tôi không hiểu rõ những lập luận bênh chống ra sao, nhưng chỉ nghe phong phanh là giữa hai người thì thày Cấp ủng hộ, thày Gia phản đối và ý kiến của thày Cấp không được nhiều người tán đồng lắm.
Trong lúc thày Cấp đang kể chuyện về những tranh luận, thằng Mai bỗng dưng giơ tay xin hỏi: “Em nghe nói sang năm thày Gia về lại trường, có đúng không thày?” Thày chưa kịp trả lời, tôi hỏi thêm: “Thế vậy thày có sợ không?” Thày Cấp nổi nóng, mặt đỏ gay, kêu tôi lên đứng trước lớp, cho là tôi hỗn láo, thày cho tôi mấy cái bạt tai, giảng cho một bài mô-ran. Thằng Mai ngồi dưới khúc khích cười, thày bắt lên luôn, cho hai tát tai và một bài mô-ran nữa. Rồi thày bắt hai đứa ra quì ngoài cửa lớp. Sư huynh hiệu trưởng là thày dòng Nguyễn Văn Ngươn đi ngang lớp, thấy chúng tôi bị quì nên phạt bồi thêm cho hai đứa hai cái nhéo xoáy tai, đau điếng. Chúng tôi xấu hổ lắm vì biết bọn học trò con gái trong lớp bên cánh trái nhìn ra cửa sổ là thấy hết mọi sự việc.
Năm đó là niên học cuối của chúng tôi ở trung học đệ nhất cấp. Hai đứa chúng tôi là học trò ngoan và giỏi nhất nhì trong lớp, thế mà chỉ còn vài hôm trước khi từ giã mái trường thân yêu còn bị phạt nặng như thế. Nhưng chúng tôi không oán giận thày. Vài hôm sau, trong ngày phát thưởng tôi được lãnh phần thưởng hạng nhất. Lên sân khấu nhận gói phần thưởng to từ tay sư huynh hiệu trưởng trao, rồi tôi quay xuống cúi đầu cám ơn thày cô ngồi trước khán đài, tôi thấy thày Cấp nhìn tôi mỉm cười sau cặp kính cận dầy cộm.
Ít lâu sau hai đứa rủ nhau đạp xe đến thăm thày ở tòa soạn báo Tuổi Hoa, cạnh nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế trên đường Kỳ Đồng và được thày Cấp tặng cho mỗi đứa một quyển báo có hình của họa sĩ Vi Vi vẽ cảnh lớp học với hai học trò đang khoanh tay đứng trước mặt một ông thày với cặp kính cận dầy, trên bảng đen là giản đồ Venn với những hình tròn giao nhau biểu thị cho giao, hội, hiệu của ngành tân toán học, đề tài tranh luận giữa hai người thày của chúng tôi. Thày Cấp nói là đã gợi ý cho họa sĩ vẽ bìa và hình ảnh đó chính là hôm hai đứa chúng tôi bị thày quở phạt.
*
Lên đệ nhị cấp tôi học trường Nguyễn Bá Tòng. Năm lớp 10 ở bên đường Bùi Thị Xuân, hai năm sau qua bên trường mới trên đường Hoàng Hoa Thám, Gia Định. Cả hai nơi, sân trường đều có trồng phượng.
Học trò nam chúng tôi càng lớn thì nỗi lo âu về tương lai bản thân, hiện tình đất nước càng hiện rõ trong những thảo luận trong ngoài lớp. Đi đâu cũng phải kẹp bên mình những giấy tờ tùy thân như căn cước, lược giải cá nhân, chứng chỉ hoãn dịch, kẻo không có thể bị đưa vào quân vụ thị trấn, rồi Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung.
Mùa hè 1972 cường độ chiến tranh gia tăng. Kỳ thi Tú Tài I sẽ diễn ra trong vòng ít tháng. Tiết trời tháng Tư thật oi ả. Ngồi trong lớp mà hồn hay thả đến một nơi nào đó trong tương lai vô định. Cuộc đời mai mốt đây rồi sẽ có còn ở sân trường mộng mị hay là nơi quân trường nắng cháy da người, rồi chiến trường sôi động.
Qua hết mùa thi, vào đầu niên học lớp 12 mới rõ ai còn mang áo thư sinh, ai đã khoác áo chiến binh. Một phần ba bạn học nam năm ngoái đã không trở lại ghế nhà trường. Nhiều đứa nhập ngũ tòng quân, có đứa về quê theo học sư phạm tiểu học. Ai còn ở ghế nhà trường vẫn cố gắng học cho dù tương lai không biết ra sao và cuộc chiến dường như kéo dài bất tận.
Sau tết là lúc học trò bù đầu bên chồng sách vở, dồn vào việc học thi. Chúng tôi tìm đến những nơi yên tĩnh như chùa Vĩnh Nghiêm, nghĩa trang Bắc Việt để ôn bài thi sau giờ học ở trường. Ngoài việc học, cuối tuần rủ nhau đi xi-nê, bát phố, ghé vào Khai Trí đọc cọp ít trang sách mới, ghé đến trước cửa bưu điện nhâm nhi bò bía vừa nóng vừa cay, hay vào Hội Việt Mỹ xem tranh, tìm chút hơi mát, thưởng thức văn nghệ, trà đàm, vào quán cà phê trầm tư theo những dòng nhạc Trịnh Công Sơn. Thạch chè Hiển Khánh, bò viên Ngã Tư Phú Nhuận, bánh cuốn Nguyễn Thiện Thuật là những nơi bọn tôi thích ghé đến ăn vặt.
Những cái chết nơi chiến trường của các vị chỉ huy anh hùng, của bạn cũ, của hàng xóm láng giềng và tin tức chiến trận vọng về thành phố làm chúng tôi lo âu. Thày Hoàng Định dạy Anh Ngữ, trong giờ học nhiều khi thấy học trò lo ra, thường trấn an và tiên đoán hòa bình rồi sẽ đến. “Nixon đã đi Tầu, rồi sẽ đi Nga. Cuộc cờ đã ngã ngũ. Chiến tranh rồi sẽ chấm dứt thôi.” Thày hay nói thế và kết câu với cụm từ “Alleluia” vinh danh Thượng Đế. Nghe nói nhà thày to, cây cối um tùm, có biển đề “Hoàng Gia Trang”, là tụ điểm sinh hoạt của đạo Cơ Đốc và thày cũng sắp được đi Mỹ tu học.
Nghe đến nước Mỹ, hình ảnh hiển hiện lên là những người lính đang có mặt ở Việt Nam, là những người làm công tác y tế, dân vụ, sửa đường, xây cầu, có khi là tài xế nhà binh đụng xe chết người rồi bỏ chạy, những vụ hiếp dâm đăng trong những cột tin “từ thành đến tỉnh”. Nước Mỹ là Nixon, Kissinger, Bunker, Westmoreland, là phi hành gia Amstrong, là xe Ford Falcon, là những chàng hippie với mớ tóc dài, quần ống loa mà chúng tôi thích bắt chước, là những bài hát ưa thích Season in the Sun, Seal with a Kiss, Yesterday, Donna Donna, Both Sides Now.
Từ lớp học nhìn ra sân thấy hoa phượng nở đỏ thắm, thày tiên đoán: “Năm nay phượng nở nhiều. Các anh chị đi thi sẽ đỗ nhiều đấy.” Nghiệm ra thì lời thày nói khá đúng với tỉ lệ thi đậu cao của các bạn cùng lớp năm đó.
Thế rồi một ngày cuối tháng Tư tôi rời Việt Nam, bỏ lại màu hoa đỏ với nhiều kỷ niệm.
Mấy năm sau, vào một ngày đầu hè tôi đặt chân lên một miền đất ở Châu Phi xa lạ, thấy phượng nở đỏ sân trường, cả một thời học trò xưa cũ hiện về.
Tôi nhớ Hoa Học Trò với nhiều kỷ niệm, giờ vẫn như những trang lưu bút có chùm hoa đỏ ép giữa và những dòng chữ mầu mực tím thân thương của bạn học xưa, của thày cô cũ. “Phượng không thơm, không đẹp, nhưng phượng nhiều, phượng có một linh hồn sắc sảo, mênh mông.” Cái linh hồn ấy của phượng chính là tâm hồn của học trò Việt Nam, ngày xưa, hôm nay và mãi mãi - dù còn ở quê nhà hay đang phiêu bạt tứ xứ - mà đã một lần nhìn thấy phượng nở đỏ nơi sân trường.
|