Cấp Cứu |
Tác Giả: Nguyễn Đình Hoài |
Thứ Ba, 30 Tháng 12 Năm 2008 09:19 |
Tiếng Gọi Cấp Cứu Trong Đêm Giao Thừa Một công an trại đã có lần nói với anh em rằng hàng năm, mỗi lần gần đến ngày 2/9 thì lực lượng công an phải tổ chức việc truy lùng xét bắt các phần tử xấu như trộm cắp, xì ke ma túy, cờ bạc và không hộ khẩu....đưa đi cải tạo trong các trại giam hình sự, sau khi kêu án nặng nhẹ tùy theo tội trạng. Trại Nam Hà A có hai dãy nhà dành cho tù hình sự chắn ngang khu tù chính trị bởi một bức tường đá cao gần 4 thước do anh em chúng tôi xây lên từ năm 1976 , khi mới được chuyển ra trại này. Năm 1982, vào khoảng 23,24 tháng chạp, trại có nhận một số tù hình sự hầu hết tuổi từ 12 đến 16 , đầu cạo trọc, thân hình ốm yếu, gầy còm, đầy ghẻ chốc. Sở dĩ chúng tôi để ý đến là vì trong buổi cơm chiều, khi ngồi dựa bức tường để dùng bữa thì thấy có vài em leo lên tường hỏi xin chúng tôi thuốc lào và cơm. Các em cho biết là đã ở 2, 3 trại khác trước khi đến Nam Hà, từ trước 2/9. Gia đình không khả năng tiếp tế và cũng không biết các em đang ở đâu mà tiếp tế, do vậy các em thiếu thốn đủ thứ, thậm chí phải bán đi bộ quần áo tù để mua thức ăn thêm. Nhìn kỹ các em chỉ độ 9, 10 tuổi so với trẻ em trong miền Nam. Sáng ngày 26 Tết, anh Vinh thuộc đội mộc ở cùng buồng cho biết là giám thị trại ra lệnh cho đội cố gắng hoàn tất 15 quan tài trong 2 ngày và quản giáo trại cho biết là nếu có trại bạn nào cần thì sẽ chuyển đến đó. Theo thông lệ, mỗi khi Tết đến thì anh em tù chính trị cũng như tù hình sự đều được tăng khẩu phần trong chiều 30, ngày mồng 1 và trưa mồng 2 Tết, lẽ tất nhiên là toàn ban giám thị sẽ được chiêu đãi rềnh rang hơn. Anh em mỗi người được lãnh một gô rưỡi cơm (gấp 3 lần) cộng với một lạng thịt heo, một lạng thịt trâu và canh bí hầm xương trâu. Ngoài ra còn được cấp phát một phong bánh quy và một gói thuốc Tam Đảo (loại thuốc thơm). Chiều 30 Tết, các buồng đều được thông báo là đúng giờ giao thừa trưởng trại và toàn bộ ban giám thị sẽ lần lượt đến thăm các buồng và chúc Tết anh em. Riêng anh em chúng tôi thì khi màn đêm buông xuống, đèn điện thắp sáng, anh em từng nhóm tổ chức trà bánh để chúc Tết, ôm hôn nhau và tưởng nhớ đến gia đình ở tận miền Nam xa xôi. Đến giao thừa, sau một loạt pháo nổ, điểm theo vài loạt đạn AK, cửa buồng được mở rộng, và từ trưởng trại cho đến cán bộ trong ban giám thị "mang hia đội mão" chỉnh tề, quân hàm trên cổ và vai, huy chương đầy ngực, trịnh trọng bước vào phòng trong khi anh em tháo mùng xuống, ngồi dậy tại chỗ để chào đón họ. Một cán bộ giới thiệu cùng anh em là đêm nay trưởng trại và toàn ban đến chúc Tết, anh em và gia đình, trở thành người công dân tốt của XHCN....Trong khi đó thì văng vẳng bên tai chúng tôi tiếng kêu cứu thống thiết, kinh hoàng từ hướng trại tù hình sự: - Buồng....xin cấp cứu! Buồng.....xin cấp cứu! Nhưng tiếng vỗ tay rầm rang vang lên từ phía cán bộ, tiếng cười nói lao xao của đoàn người tháp tùng dường như che lấp hết cả. Và ngay anh em chúng tôi cũng chẳng buồn để ý vì các tiếng gọi xin cấp cứu trong đêm vẫn thường xảy ra mỗi khi trong buồng có người bệnh. Qua đến ngày mồng 3 Tết, đội mộc lại có lệnh công tác (thay vì đến mồng 4 mới xuất trại). Anh Vĩnh về cho biết là đội phải qua buồng 10 (buồng trống) để dở ván đóng gấp 3 quan tài ngay trong buổi sáng hôm đó. Cộng lại với số đã đóng trong ngày 26 Tết là 18 cái. Dù trại đã có các biện pháp bưng bít các sự việc xẩy ra trong ngày Tết, nhưng anh em phía bên tù hình sự và bệnh xá cũng đã tiết lộ là có một số anh em tù hình sự, trong đêm 30 Tết, vì ăn quá no nên bị bội thực, được đưa qua bên bệnh xá để chờ chết. Sau này một vài bác sĩ (phe ta) được gọi đến trong đêm giao thừa, kể lại họ rất đau lòng chứng kiến một số đông cái chết của anh em tù hình sự. Đến ngày mồng 4 Tết, chúng tôi thấy các em tù hình sự còn lại đang di chuyển đến một trại khác, hướng xã Ba Sao. Có lẽ đây là biện pháp bảo mật của trại. Cũng trong ngày này, tôi có dịp đi ngang qua nghĩa trang tù "Trại Nam Hà A" để lấy củi cho đội, lòng tôi se lại và không cầm được nước mắt khi nhìn thấy hằng loạt ngôi mộ mới đắp sơ sài, không một tấm bia. Phải chăng đây là "thế kỷ sa tăng" mà bài xã luận báo New York Times số 26 - 1 - 95 trong lời mở đầu đã viết: "Nói một cách bi quan thì đây là thế kỷ sa tăng. Không có một kỷ nguyên nào trước đây cho thấy loài người lại bày tỏ một khuynh hướng và sự thèm muốn thật mạnh mẽ đến độ giết hàng triệu người vì lý do chủng tộc, tôn giáo, chánh kiến và giai cấp". Và sau này có vài bạn tù nói úp mở: "Thôi cũng nhờ ơn Bác, Đảng và nhà nước XHCN mà các em được "chết no hơn sống đói". Chí lý thay! Mẩu chuyện trên đây, nếu không được ghi lại trên những trang hồi ký này, có lẽ những cái chết đau thương, oan ức của thế hệ trẻ Việt Nam miền Bắc sẽ bị đắm chìm trong quên lãng, không những ngay trong ký ức của anh em trại tù Nam Hà A, mà còn ngay trong lương tri của một dân tộc đang vươn mình lớn dậy trong khổ đau, tang tóc, vẫn không bao giờ - tuyệt đối không bao giờ - chấp nhận và dung túng cho sự tàn bạo, cuồng sát lộng hành.
|