Mỹ Nga (Michiko Takada) là một cô bạn nhỏ chúng tôi quen biết từ ngày du học tại Tokyo. Cha cô là người Nhật sống ở VN, mẹ người Việt lai Pháp. Chúng tôi quen nhau từ thuở ấy. Nay Mỹ Nga và gia đình định cư ở Texas. Câu chuyện sau đây là do Mẹ Mỹ Nga kể lại. Hiện Bà và gia đình tị nạn tại Nhật.....
Chuyện thật mà nghe như chuyện lạ, rất lạ. Các dấu mốc thời gian không gian không được ghi rõ nét. Nhưng nỗi thống hận và tủi hổ trong lòng một người Việt-Nam bị lấy mất nhà đất và đẩy ra khỏi quê cha đất tổ, phải sống tạm cư trên một nước thứ hai, vẫn còn đó chưa nguôi...
Vào những năm 1938-1940 Người đàn ông tóc dài gần tới chân gánh thuốc đi bán dạo, cây đòn gánh của ông rất đặc biệt dài như cây sào với giọng hơi khác giọng địa phương, ông rao: "Thuốc cảm, thuốc đau bụng đây…". Nhưng rất kỳ lạ là hễ ai muốn mua, ông chỉ tặng cho chứ không lấy tiền. Nếu người ta chịu khó chú ý một chút thì hình như là không phải chỉ một hai người đi bán thuốc dạo vào thời ấy mà có rải rác rất nhiều người như thế, họ là những người lính Nhật-Bổn hóa trang thường dân, đi dò la địa hình địa vật để rõ "đường tấn, đường thối" ra sao. Sau nầy mới biết là họ dò la để chuẩn bị tấn công. Năm 1945 Vài năm sau đó Nhật đem quân và 250 chiếc tàu qua, từ Bắc tới Nam cửa biển nào cũng có tàu, ngoài những tàu chở lính là những tàu dành riêng để chở dầu. Dường như là chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ là họ đã vây quanh các đồn lính của Pháp, bắt lính Pháp, và Pháp đã đầu hàng Nhật-Bổn. Nhưng sau đó Mỹ lại đem bom thả vào những chiếc tàu của Nhật, tàu dầu bị bể, dầu hắc đen nổi lên đầy mặt nước, tất cả tàu đều bị chìm, xác của những người lính Nhật nổi lên đầy như rác, thế là người Nhật-Bổn đành phải đầu hàng. Việt Minh (VM) trước đó chỉ lấp ló chỗ nọ chỗ kia, bấy giờ mới thừa cơ đột nhập. Năm 1945 Hồ Chí Minh (HCM) ra mặt và chiếm đóng 3 tỉnh Bình-Định, Phú-Yên, Quảng-Ngãi và phân nửa tỉnh Quảng-Nam, tới Tam-Kỳ. Từ Tam-Kỳ trở ra Huế còn thuộc Pháp, chợ vẫn dựng vào buổi sáng, dân chúng còn buôn bán tự do làm ăn như xưa, áo quần đầy đủ, ấm no, bữa cơm không ai dòm ngó. Trong khi đó ở miền Nam xa xôi ít có ai biết chuyện dân chúng ở 3 tỉnh này đã chịu biết bao nhiêu khốn khổ, chết đói chết lạnh, không cơm không thuốc không tiền và không có gì hết. Khi cái gọi là VM-HCM đột nhập, đã đứng ra loan báo cho dân làng: "Bây giờ là thời đại Việt Minh, nhà ai cũng phải có mỗi người một cây tầm vông. đi đâu phải vác theo để đánh đuổi Pháp và quân thù." Tầm vông là một loại cây cứng, được vạt nhọn như cái ghim để đâm. Ban ngày họ đem ống loa: "Alô alô, toàn thể đồng bào nghe đây: Những gì Bác đã loan báo xuống, thì sẽ loan báo sau cho các anh chị em nghe " Họ không cho nhóm chợ vào buổi sáng, chỉ nhóm vào ban đêm, và còn giết hết chó cho khỏi sủa, cho nên mới có câu " Alô alô, chừng nào cho chợ nhóm chiều, cho chó hết sủa thì yêu ra đời". Yêu đây là yêu cầu toàn thể đồng bào. Và sau đó hầu như mỗi đêm đều có họp, để nghe thông cáo ở trên ban xuống, lời Bác dạy: "Bây giờ chúng ta đang sống dưới nô lệ cho nên chúng ta phải đuổi quân thù đi ra thì chúng ta mới hết nô lệ, phải đuổi thực dân đi, đất ta ta ở, việc ta ta làm, sau này sẽ khỏa bằng, sẽ không còn địa chủ, phú nông, không làm tôi tớ nữa, mình làm mình ăn, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Muốn như thế thì phải làm sao? Chúng ta phải đồng tâm để tiết kiệm gạo nuôi quân. Muốn đuổi đế quốc ra phải làm sao? Tức là phải nhịn ăn,nhịn mặc, ăn rồi không được ăn thêm miếng nữa chỉ làm phí của, để dành cứu nước, cứu dân. Cho nên chúng ta phải đồng tâm mỗi chiều thứ năm và thứ bảy không được ăn cơm". Lịnh trên ban xuống thì dân phải nghe nhưng dù cho vậy vì đói quá họ cũng ăn lén củ khoai củ mì hay cái gì đó cho đỡ đói. Những ngày được nấu cơm cũng phải hốt một nhúm gạo bỏ vô hũ để một tuần họ tới trút hũ ra một lần để đem nuôi quân, nếu trong hũ không có gạo sẽ bị phạt. Nói là nấu cơm chứ thật ra là một hột gạo "cõng" 5,7 lát củ mì (hột cơm dính củ mì kêu là cõng). Ai có vàng, bông tai, nhẫn đi cưới của chồng cũng phải đem nộp để làm súng-đạn để giết quân thù. Cái gì cũng quyên góp hết. Cho tới cái áo chôn theo người chết cũng bị cắt hết mấy hột nút áo giữ lại. Có những người đàn ông bận áo chỉ có vạt trước không có vạt sau, đi làm cực khổ một tháng lãnh có 6 kílô gạo cho cả gia đình ăn. Người già yếu không đi làm được sẽ bị nói "ở chật đất ăn uổng cơm xã hội", cho nên cha mẹ già yếu không làm gì được thì chính mình phải nhịn miếng cơm cho cha mẹ ăn. Nhiều khi giấu cái trứng gà cho cha mẹ ăn cũng bị lính vô lấy mất, hỏi "sao mấy ông có ăn rồi còn vô giựt của chúng tôi?", họ chỉ nói "ăn chưa tới lỗ rún". Chắc họ cũng bị đói? Dân với dân, chòm xóm tối đi họp thường hay phê bình người này mặc áo lành, người kia có 2 cái quần, 2 cái áo; nhà này ăn cơm ngon, nhà kia xài phí, ăn cơm trắng không có trộn khoai, ăn cá ăn thịt, không chịu tiết kiệm để giúp nước được hùng mạnh, họ tố cáo nhau rồi sinh ra ghét thù nhau, giết nhau, không còn tình người. Cho nên gia đình nào ăn gì cũng phải giấu giếm và có câu thành ngữ "giấu trong đáy quần". Vải trắng phải nhuộm nâu nhuộm đen chớ không được màu mè. Đem nấu nước trà nhúng vải trắng vô, xong đạp xuống sình cho thành xám mốc. Bận đồ như vậy để khỏi tốn xà bông, dơ mấy cũng không thấy. Chia để trị HCM chia nông dân ra nhiều thành phần: địa chủ , phú nông, trung nông, bần nông, bần cố nông. Bần cố nông là những người không có tài sản gì hết, làm suốt ngày chỉ được phát cho nắm gạo. Chỗ giàu có hoặc ruộng tốt làm ra lúa thì đóng thuế đến 85%, ví dụ cắt lên được 100 kílô lúa sẽ bị tịch thâu 85 kí, còn 15 kí để làm lúa giống cho sang năm, còn dư thì ăn! Nghĩa là đâu còn gì để ăn. Thế cho nên từ từ địa chủ, phú nông gì cũng đều trở nên nghèo túng. Nghèo đói đến nổi không có cái hột quẹt, mỗi nhà đều phải um đống trấu, tro thổi ra lửa, để ban đêm đi họp, cầm bó dừa mồi cho cháy để thấy đường đi, nhà này bị mất lửa phải qua nhà khác xin mồi lại. Có người phải lén đi Tam-Kỳ mua hòn quẹt đá lửa, mua vải vóc đem về bán lại cho dân làng. Cho nên dạo đó có câu: "Đầu phồng đá lửa, bụng chửa vải kaki", nghĩa là để tóc dài gói mấy cục đá lửa (để bỏ vô hòn quẹt cho cháy) nhét vào đầu tóc giấu, hoặc giả bụng chửa, mua vải nhét vào bụng. Nhưng sau này có người khai ra nên không làm vậy được nữa. Đi vô quán muốn ăn bánh tráng phải hỏi là "có đồ ngoại quốc không?", vì VM cấm tất cả không được bán gì làm bằng gạo, nên tiệm bán lén, nếu bắt được sẽ bị dẹp tiệm. Trong khi dân đói nghèo thì gia đình cán bộ hoặc mấy người theo CS lúc nào cũng no ấm, dư gạo vợ cán bộ ban đêm gánh gạo ra chợ bán, gánh đi trên đồng ruộng bị vấp té đổ gạo đầy, xong lại hốt về phơi đem bán lại. Có những cán bộ được no ấm nhưng lại táng tận lương tâm đến nỗi mẹ mình cũng không cho ăn. Công tác Họ chia ra nhiều công tác như là công tác đào mấy đầu cầu gần quốc lộ cho thành mương nước để xe Tây không chạy qua được, vì thời đó xe người Pháp thường chạy từ SG tới miền trung. Người đào, người bưng đi đổ, vừa đói vừa đào, lại có khi bị đất sập xuống, chết không biết bao nhiêu cho kể. Những nữ y tá bây giờ được gọi là nữ cứu thương, được dạy quên cha quên mẹ, quên tất cả. Họ hát rằng: "Đi, ra đi chớ đừng thương nhớ, quên mình dưới bóng cờ. Đi vai đeo băng với thuốc, quên mình dưới bóng cờ. Cứ đi tới, đừng quay lại, dưới bóng cờ thôi!" Duy vật Hồi đó có ngày lễ rằm tháng giêng gọi là cúng Thanh-Minh, trong thôn xã hội họp lại đem rượu, bánh trái, nhang đèn tới cúng những mồ hoang mã lạng (có lẽ là chữ mã lạnh dân quê nói trại mà thành) không còn thân nhân quét dọn, dân làng dẫy cỏ sạch-sẽ, sau đó cúng bái thật thành kính đúng lễ nghi. Nhưng HCM nói "trên là không-gian, dưới là quả đất", nghĩa là duy vật chứ không duy tâm, bắt san bằng hết mồ hoang nói là cấm không được mê tín dị đoan, phải làm người văn minh, cho nên sau này không còn lễ Thanh-Minh đó nữa. Người trong gia-đình chết, nếu người đó có tiền thì có hòm chôn, không có tiền thì cuốn chiếu rách, ló 2 chân nhờ hàng xóm khiêng đi ra gò lấp đất lại, không còn được cúng quải, không nhang đèn khói hương... Vào khoảng năm 1950 Khổ vì đói chưa đủ, dân chúng lại còn khổ vì chính trị. Thời đó VM muốn giết ai, bắt ai thì cứ gán tội mà bắt, không cần bằng chứng. Muốn lấy đầu ai thì lấy, bị họ tố rồi giết hồi nào không hay. Nhiều người lính Nhật-Bổn sau khi thất trận đã ở lại VN. HCM cho một số làm ban sưu tầm, lặn xuống biển tìm những vật quí giá của tàu Nhật bị chìm đem lên nạp, một số cho đi tập cho dân, huấn luyện cho lính du kích v.v… Sau khi tập cho VM hay giỏi rồi lại bị vu cáo tội này tội nọ như tội Việt gian, tội theo Pháp, đem nhốt xong rồi giết. Trước khi giết họ thông cáo ngày đó có xử tử vậy kia cho người ta đi coi. Có năm người lính Nhật-Bổn sau khi bị nhốt ở trại nhà lao Tam-Quang đã bị đem ra chặt đầu chớ không bắn vì sợ uổng đạn. Người ta nhìn thấy hình dáng da bọc xương của năm người Nhật-Bổn bị trói tay đưa ra sân. Giiữa trời nắng chang chang, khi cởi áo ra chí rận bò đen, họ cầm cục đá đập lên manh áo, rận chí nghe kêu lụp bụp. Họ chặt đầu mấy ông rất dã man vì dao búa lụt chém một lần không đứt cổ phải chém đi chém lại liên tục mấy lần, tội nghiệp không nói sao cho hết. Họ phân-công biểu giết Ở Thạch-Bàn, tỉnh Bình-Định, anh B. nằm ở bộ ván ngoài hè ngủ cho mát, ban đêm "họ" đến để một lá thư và con dao ngay cổ, bảo làm việc như trong thư. Anh vì không thể làm chuyện họ giao phó nên đã tự tử mà chết. Ở Chánh-An, quận Phù-Cát, chú A. bị đưa giấy biểu giết. Vì không thể giết cha mình nên chú đã treo cổ ở cây mù u mà chết. Và còn rất nhiều thảm cảnh tang thương đã xảy ra, kể sao cho xiết… Năm 1954 Lúc đất nước sắp chia đôi, vẫn còn giữ hai phong trào, bên Ngô Đình Diệm sắp tới, bên HCM cũng còn "nhấp nhô", họ đâu có đi tập kết ra Bắc hết, họ lên núi trốn, bắt dân phải gánh gạo lên núi gọi là "nhân dân tiếp vận" nghĩa là dân bỏ công ra vận chuyển tiếp tế, gánh lúa gạo, củ mì, vải v.v... lên núi, lính HCM đi trước lấy dao chặt cây mở đường, dân gánh theo sau, tới một chỗ nào đó được lịnh bỏ đồ tại đấy, vì họ không cho đem tới nơi sợ lộ bí mật. Chị N. trong một chuyến tiếp vận đã vấp té bị cây đâm chết, bỏ lại nhà một đứa con thơ và bà mẹ già, còn chồng chị đã bị tù từ lâu không biết sống chết ra sao. Một buổi chiều chú K. đã rủ cậu bé hàng xóm đi tìm trong cái cối xay lúa coi có còn dính hột gạo nào đem về nấu cháo ăn. Đêm hôm đó chú đi gánh gạo lên núi rồi không bao giờ trở về nữa, hẳn là chú đã chết. Dù gọi là đã chia đôi đất nước, nhưng "cái cán họ vẫn cầm và cái lưỡi dân cầm", nên không một ai dám cải lời, nhúc-nhích là bị giết ngay. Lính của ông Ngô Đình Diệm đi hành quân ngang coi chỗ này chỗ kia, đi tới đâu dân làng cũng vác cây ra đánh đuổi, lính NĐD chặt tre làm lều để ngủ dân cũng ra đuổi đi, họ đành phải nằm ngoài bờ bụi phủ áo lên ngủ trông rất tội nghiệp. Dân miền Bắc vì không thích CS nên họ trốn vô Nam. Họ là những người đi tìm tự do. Từng người, từng gia đình, họ trốn lần, trốn dài dài, đi giữa đường hết tiền, bị đói người chết nằm ngổn ngang la liệt, ruồi bu kiến đậu, người sống cứ phải bước qua mà đi. Có những quán hàng vô lương tâm, hay tại vì họ cũng túng quẩn, đã lén lút thẻo thịt người chết để xào nấu bán cho những tốp người mới đến. Những người này vì đói cứ ăn, không hay biết gì cả, nhưng dần dà cũng đã có người phát hiện ra những thi thể đã bị lóc thịt nên cả vùng không còn ai dám ăn nơi hàng quán nữa. Tại sao đất nước Việt-Nam tội nghiệp dữ vậy? Mặc dù chủ nghĩa CS rất ác độc, nhưng miệng lưỡi chính trị của họ quá khéo léo, nên một số dân chúng vẫn tin theo, vẫn còn tin tưởng những lời hứa hẹn là khi đất nước hòa bình thì tất cả sẽ bình đẳng, không ai giàu, không ai nghèo, ai cũng được cơm no áo ấm, con cháu sống hòa bình không phải đi lính v.v… Cho nên một số người đã nuôi dưỡng "họ" cả 21 năm, ban ngày trốn dưới hầm, ban đêm chun ra mấy đồn lính giết người. Năm 1975 Sau khi chiếm được miền Nam, VC loan báo với dân:" Bà con anh em đừng sợ, chúng tôi giải phóng để cứu dân, chứ không lấy cây kim, sợi chỉ của ai đâu, xin đừng sợ." Họ không lấy cây kim sợi chỉ nhưng chỉ đi lấy tài sản, kiểm cái này nói bất hợp pháp, kiểm cái kia nói bất hợp pháp để tịch thâu hết. Ngày xưa hứa hẹn sẽ không bắt lính nên bây giờ không nói bắt lính mà gọi là thanh niên xung phong để giúp cho quốc gia, cho nên trai, gái cũng nhào vô đi. Họ nói, các anh chị xung phong đi chứ chúng tôi đâu có bắt ai đâu, họ nói rất là hay nên ai cũng mê để rồi bị lừa. Miền Nam là vựa lúa, gạo ăn không hết, nhưng VC vô rồi họ đong từ lon, nên không còn đủ gạo để ăn. Khi thấy những bao gạo chất đầy ở bờ sông, hỏi sao không bán thì bạn hàng nói "gạo ngon để cho cán bộ". Ra chợ chỉ thấy đầu tôm và đuôi cá, chỗ ngon để cho cán bộ ăn. Thì ra dù ở miền quê xa xôi hẻo lánh như hồi trước, hay thành thị đông người như bây giờ, dù hòa bình rồi cũng không khác chút nào với lúc còn kháng chiến chống Pháp: CS đi đến đâu, dân đói rách đến đó! Không chỉ lấy đi miếng ăn nhất thời, họ còn chiếm đoạt luôn phương tiện đi lại sinh sống của người dân. Họ vô nhà ai có gì cũng lấy hết. Đặt biệt họ rất thích xe đạp, nên nếu hỏi mà không đưa sẽ bị giết. Một bà bán rau cải vì không đưa chiếc xe đạp đã bị đâm chết. Lúc đó con trai bà trốn trong nhà nhìn thấy mẹ bị hại nhưng không dám ra, sợ sẽ bị giết luôn. Bà đã nắm chặt tóc của đứa cướp của, đến khi chết rồi vẫn còn giữ nhúm tóc hắn trong tay. Một cô gái nhà ở gần cây xăng, sau khi lấy xe đạp họ đã giết cô và bỏ xác dưới giếng. Có một gia đình chuyên môn sống về nghề chụp hình đã nhiều đời cũng bị tịch thâu hết máy móc vì "bất hợp pháp", không còn biết làm gì sinh sống nên đã treo cổ tự tử cả nhà. Tới nỗi cuốn tự điển Anh văn họ cũng tịch thâu, còn hạch hỏi: "Nhà này ai học tiếng Mỹ vậy?" Một số người nằm vùng, lúc CS Bắc-Việt mới vô cũng được cho giữ chức này chức nọ. Đến khi rành hết mọi chuyện thì họ vắt chanh bỏ vỏ. Bị bạc đãi, có người tức quá sinh bịnh hay đã trở nên điên cuồng. Mấy anh VC nằm vùng miệt đồng ruộng Tân-Châu, Châu-Đốc, ban ngày ở dưới hầm, ban đêm ra đồn bót giết người lập công với Đảng. Đảng hứa sẽ được ưu tiên sau khi cách mạng thành công. Nhưng đến khi thành công Đảng lại không giữ lời hứa, lại còn bắt đi kinh tế mới làm rẫy trên rừng, nên tức quá đã chưởi là "Chế độ láo khóet!" CS vô chưa đầy hai năm thì dân sấc bấc sang bang, không còn đường sống. Những người có đầu óc CS thì tin rằng giúp cho chế độ thành hình là chuyện tốt. Tới lúc chúng vô cướp hết chỉ còn hai bàn tay không mới biết là CS là xấu. Nhưng bây giờ hiểu rồi làm gì được đây? Hở miệng ra là bị bắt bị giết, vì đối với CS thì không cần bằng chứng gì cả, họ có thể quậy nước lã thành hồ, cái gì họ cũng làm được hết, muốn bắt ai cứ bắt dễ dàng. Bây giờ quyền lực đã ở trong tay, họ là người cầm cái cán, dân cầm cái lưỡi, dân mà nhúc nhích sẽ bị dao cắt đứt tay. Người đời có câu "Sông biển không chết, chết lỗ chân trâu". Chuyện lớn không lầm mà lại đi lầm tin vào những lời hứa hẹn xảo trá để rồi khóc hận. Bây giờ người Việt-Nam già ấy sống như người mộng du với lòng thương nhớ quê hương đất nước, và nỗi căm thù, khinh khi, oán trách CSVN không nguôi. Tôi đã nghe bà khóc nhiều lần khi kể về nỗi đớn nhục mất nước xa quê. Trong những chuyện bà kể, lẽ dĩ nhiên là có rất nhiều chuyện liên quan đến gia đình chúng tôi, trong đó có chuyện ba tôi. Có một ông sư Nhật là người đã xây ra tượng Thích-Ca Phật đài ở Vũng-Tàu, đã từ bỏ gia-đình ở Nhật để qua Việt-nam tu. Ông cùng ba tôi và ba người dân thường khác đã bị vu-khống tội làm tình-báo cho Mỹ, nên bắt đi tù, nhốt hết chỗ này tới chỗ khác đến nỗi gia đình muốn tìm thăm cũng bị mất dấu tích. Họ nói "Muốn thả ra cũng dễ dàng thôi, chỉ cần mua cho chúng tôi mỗi người một ly cà phê là mọi sự sẽ tốt". Má tôi không đưa tiền cà phê mà nói với họ: " Chủ nghĩa này là chủ nghĩa trong sạch, tại sao lại cần cà-phê? Nếu như thế tôi sẽ mang tội hối lộ sao?". Họ làm thinh và nhốt ba tôi, sau đó đem giấu một nơi bí-mật. Hai năm sau họ thả ba tôi, ông được dìu bởi 2 người bạn trẻ cùng ngồi tù, tóc râu dài,mình mẩy chỉ còn xương với da,ghẻ đầy mình, đến nổi khi vào nhà con chó cũng không nhìn ra chủ của nó,mãi đến lúc ba mở miệng nói tên nó, nó mới chạy ra mừng rỡ. Họ đưa hai tờ giấy, một tờ bảo phải rời Việt-Nam trong vòng 15 ngày, tờ kia là tờ ký bán nhà bán đất. Họ trả cho 200 đô la, nhưng qua tới Thái-Lan ngân hàng nói tiền giả nên không đổi được. Còn ông thầy chùa thì bị nhốt trên 10 năm, sau họ đem qua Thái-Lan bỏ ở đó. Lúc thả ra ông quá yếu không đi được, gia đình ông phải qua Thái-Lan để khiêng về Nhật. Bài viết này ghi lại một vài mảnh vụn từ những hồi ức thê thảm mà tôi còn có hạnh phúc được nghe từ người mẹ kính yêu. Texas, tháng giêng 2009
|