Chiều Xăng Phăng Miên Man... |
Tác Giả: Lại Quốc Hùng |
Thứ Hai, 19 Tháng 1 Năm 2009 04:41 |
Trước 1975 tại Việt Nam, tác giả là một giáo sư trung học đệ nhị cấp, đồng thời cũng là một nhạc sĩ. Tuyển tập "Những Sáng Thứ Bẩy" của Lại Quốc Hùng gồm nhiều tình ca được yêu mến đã ấn hành từ đầu thập niên 1970'. Ông hiện là một chuyên viên thư viện tại Sacramento, thủ phủ Cali. Bài viết cho biết trong cuộc bầu cử vừa qua, tác giả không bỏ phiếu cho Obama, nhưng sau tin Obama thắng cử, ông không thể không miên man nghĩ ngợi, khi một mình ngồi góc phố San Francisco. Thế là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2008 đã xong. Dù kết quả không quá bất ngờ, nhưng những bàn cãi sôi nổi, những nhận định phong phú, những tiên đoán hào hứng vẫn còn nóng bỏng trên những kênh truyền thanh, truyền hình, báo chí, mạng lưới toàn cầu... với một câu hỏi chủ yếu: "Nước Mỹ vừa làm một cuộc cách mạng khi bầu một tổng thống da đen, nhưng rồi tương lai sẽ ra sao?" Với ý nghĩ đó trong đầu, tôi đã theo cô con gái và một cô bạn của cháu làm một chuyến đi cuối tuần đến thăm San Francisco, thành phố mang tên một vị thánh đạo công giáo, thánh Phanxicô, người luôn luôn bênh vực những kẻ khó khăn, nghèo khổ. Tuy nhiên, thành phố ven biển xinh đẹp và thơ mộng này lại là một thành phố nổi tiếng phóng khoáng nhất Hoa Kỳ, với những sắc dân tạp chủng , những nền văn hóa đa dạng, các phong trào Beatniks, Hippies chống lại lối sống rập khuôn, trưởng giả của những thập niên 50 và 60 và cũng là thành phố đầu tiên có một thị trưởng da đen, ông Willie Brown, được bầu vào năm 1995 và tái đắc cử năm 1999. Con gái và cô bạn rủ nhau shopping. Một mình tôi vào khu Union Square. Trời lất phất mưa. Mây đen xám. Không khí se lạnh. Tôi kéo cao cổ chiếc áo ấm, đi lang thang dọc theo đường Post đông người, rồi rẽ trái vào đường Grant. Quán "Café de la Presse" quen thuộc hiện ra bên phải. Tôi phải đứng đợi ở quầy trả tiền của nhà hàng khoảng mười phút mới mua được tờ báo "Le Monde" số mới nhất, gọi một tách cà phê rồi ra ngoài ngồi ở lề đường tại một chiếc bàn nhỏ. Góc phố nhộn nhịp, tách cà phê đen sánh, chiếc ghế mây bạc màu... làm tôi nhớ lại Sàigòn năm nào với những quán La Pagode, Givral, Thanh Thế, những khuôn mặt bạn bè xa xưa, những kỷ niệm tưởng như đã rơi vào quên lãng ... Quán Café de la Presse nằm ngay ở góc phố Grant và Bush, đối diện với cổng vào có mái cong màu xanh rêu của China Town. Ngồi ở bên ngoài, khách du lịch có thể thấy ngay tính cách đa chủng và nhịp sống tấp nập của Xăng Phăng. Mưa hình như nặng hạt hơn, nhưng người qua lại trước mặt tôi không ngớt. Một cụ ông Mỹ trắng với cặp kiếng cận đồi mồi to tướng, chiếc áo ấm dày bạc màu và chiếc mũ kêpi cũ kỹ đang chầm chậm băng qua đường; một nhà kinh doanh trong bộ âu phục đắt tiền với chiếc samsonite hiện đại vừa bước ra khỏi chiếc xe bóng lộn; cô thiếu nữ Tầu với cặp môi hồng, nụ cười rạng rỡ đang liếng thoắng rảo bước bên cạnh người yêu có dáng dấp bảnh trai như anh chàng tài tử Hàn quốc trong phim "Bản Tinh Ca Mùa Đông". Một gã thanh niên da ngăm ngăm, với chiếc khăn cuốn đầu kiểu hồi giáo đang ngước mắt lên trời, oang oang giải thích một điều gì đó qua chiếc cell phôn quá nhỏ trong bàn tay hộ pháp của chàng ta. Bên kia đường, phía tiệm cà phê Starbuck, một người Mỹ da đen đang co ro đứng nép vào bên tường, một bàn tay rụt rè chìa ra xin tiền khách đi đường. Thực khách đủ loại, thuộc mọi tầng lớp xã hội đang bước vào quán Café de la Presse mỗi lúc mỗi đông. Ngồi an toàn dưới chiếc dù che mưa khá to của nhà hàng, tôi thong thả mở tờ báo vừa mua. Hàng tít lớn ở trang đầu đập vào mắt tôi :"L' Amérique choisit Barack Obama" với hình tổng thống tân cử đang đưa tay về phía trước chào đón các ủng hộ viên. Mắt ông sáng nhưng đầy vẻ nghiêm trọng và trên đôi môi đen tím của ông còn đọng một nụ cười nhẹ, nụ cười của một nỗi hân hoan được kiềm chế :"L' Amérique choisit Barack Obama". Động từ "choisit" ngắn gọn nhưng chứa đựng đầy ý nghĩa. Người dân đã thực hiện một trong những quyền căn bản của mình: quyền được chọn lựa. Và đó chính là nền tảng của một đất nước dân chủ. Dù chỉ là một lá phiếu, người dân vẫn có quyền nói "có" hoặc "không", và quyền đó phải được tôn trọng. Những con người đang đi lại trước mặt tôi đây, họ vừa bỏ phiếu để lựa người lãnh đạo tương lai của mình. Và đúng như lời phát biểu của ông Obama ở Chicago sau khi thắng cử :"Bất kể già trẻ, giầu nghèo, Dân chủ hay Cộng hòa, da đen, da trắng, người Mỹ gốc la tinh hay á châu, nguòi da đỏ, người đồng tính hay dị tính, người lành lặn hay khuyết tật v.v, người dân đã trả lời cho những ai còn nghi ngờ về sức mạnh của nền dân chủ Hoa Kỳ." Tôi chợt nhớ lại một kỷ niệm thời trẻ của tôi. Đó là vào đầu tháng mười một năm 1960, tôi còn là một học sinh trung học trường Taberd. Ngày đó là ngày dân chúng Mỹ đi bầu để chọn lựa Kennedy hay Nixon vào chức vụ tổng thống. Tôi nhớ sáng ngày bầu cử năm đó tôi đã cúp cua để ra thư viện Abraham Lincoln gần rạp hát Rex để theo dõi kết quả cuộc bầu cử sôi nổi này. Lúc đó ở Sàigòn chưa có Ti Vi hay máy truyền hình gì hết. Mọi kết quả đều được cập nhật bởi những phương tiện kỹ thuật của thư viện hay qua radio mà thôi. Tôi và vài đứa bạn cùng lớp đều ủng hộ thượng nghị sĩ Kennedy. Thật ra thì hồi đó chúng tôi cũng không hiểu gì nhiều về thời sự và chính trị nước Mỹ, nhưng sở dĩ chúng tôi mong ông được đắc cử chỉ vì ông... đẹp trai và là người công giáo. Tôi nhớ đến ông thầy dạy Anh văn của tôi thời gian đó, một ông thày vừa đi học ở Mỹ về trông rất "savant" với cặp kiến cận rất "xịn" của ông và chiếc cà vạt lúc nào cũng thắt rất chỉnh và khéo. Mỗi đầu tuần, ngoài cuốn sách giáo khoa "Anglais Vivant" ra, ông luôn luôn mang đến lớp một tờ báo Time mới toanh, lẫm liệt ném nó lên bàn học làm chúng tôi phục sát đất. Ông nói với chúng tôi: "Khó mà ông Kennedy đắc cử lắm các em à. Trông ông ấy thu hút như vậy nhưng dân Mỹ còn nặng nhiều thành kiến lắm. Các em phải nhớ là một người muốn được làm tổng thống Mỹ thì phải là "White, Anglo-Saxon và Protestant" nghĩa là người da trắng, gốc Anh và theo đạo tin lành." Tuy vậy chúng tôi vẫn hy vọng và vẫn tin tưởng là nước Mỹ sẽ có thay đổi như lời tuyên bố của ông Kennedy: "Nước Mỹ cần chinh phục những biên cương mới, những biên cương không phải trên bản đồ mà trong đầu óc, ý chí và tinh thần của con người." Và khi kết quả sau cùng đến, chúng tôi cũng reo hò chung vui với một số các nhân viên trẻ người Mỹ ở thư viện khi biết ông Kennedy đã thắng cử, dù kết quả rất khít khao. Ông chỉ hơn ông Nixon không quá 120 ngàn phiếu trên tổng số gần 69 triệu phiếu bầu của dân chúng. Kết quả của cử tri đoàn thì trội hơn: 303 so với 209. Tuy nhiên nước Mỹ lúc đó đã vượt qua một trở ngại rất lớn lao, trở ngại về tôn giáo, để bầu một tổng thống đầu tiên người công giáo, hơn nữa lại bầu cho một người gốc Ái Nhĩ Lan hơn là thuần túy gốc Anh. Vậy mà chỉ hơn năm chục năm sau, người Mỹ lại đạp đổ một hàng rào kiên cố, vững chãi hơn nhiều. Đó là hàng rào về màu da, về chủng tộc. Nhiều người khi thấy ông Obama được đảng Dân Chủ để cử vẫn nghĩ rằng sau cùng thì người Mỹ trắng vẫn sẽ bỏ phiếu cho ông McCain chỉ vì họ không thể chấp nhận một tổng thống da đen. Bạn bè của tôi, một số vẫn nhắc đến "Hiệu ứng Bradley" trong cuộc tranh cử thống đốc California năm 1983. Tất cả các cuộc thăm dò ý kiến lúc đó đều cho là ứng cử viên da đen Tom Bradley sẽ đắc cử vẻ vang. Nhưng rồi ông lại thua ứng cử viên đảng Cộng Hòa George Deukmejian. Những cuộc thăm dò ý kiến đã sai vì đa số người da trắng đã không nói thật khi họ được phỏng vấn. Nhưng năm nay, hiệu ứng này đã không còn gây ảnh hưởng nhiều. Người dân đã thay đổi và ông Obama đã toàn thắng với 53% tổng số phiếu của dân chúng (65, 431 955) so với 46% số phiếu (57, 453 955) dành cho ông Mc Cain. Số phiếu cử tri đoàn của ông Obama cũng vượt xa ông McCain , 365 so với 162 và 11 phiếu hòa. Như vậy đa số người da trắng đã thật sự ủng hộ cho ông Obama và họ đã bầu cho một ứng cử viên mà họ nghĩ là sẽ có nhiều khả năng thay đổi đất nước, bất kể niềm tin, màu da hay chủng tộc. Cứ nhìn những giọt nước mắt vui mừng của người da đen khi hay tin ông Obama đắc cử thì chúng ta hiểu nước Mỹ đã thay đổi như thế nào. Thượng nghị sĩ Ted Kennedy và cô con gái của tổng thống Kennedy, khi ủng hộ ông Obama, cũng coi ông như là một Kennedy mới, một nhà lãnh đạo có thể đưa nước Mỹ vượt qua những tị hiềm gây chia rẽ để đạt đến những thành quả mới. Chiều đã bắt đầu xuống trên Xăng Phăng. Cơn mưa nhẹ đi nhưng không khí trở nên lạnh hơn nhiều. Một người đàn ông trung niên, vẻ bụi đời, đầu tóc rối bời trong bộ quần áo gin nhầu nát vừa xoa tay ngồi vào chiếc bàn gần chỗ tôi. Tôi thấy ông ta một cầm một tờ báo tiếng Pháp "Le Figaro", tay kia là một chiếc khay bằng mây nhỏ với nửa chiếc bánh mì baguette cắt sẵn, vài miếng bơ và một ly ruợu chát. Có lẽ đây cũng là một loại khách du lịch ba lô người Pháp mà tôi đã thường gặp ở đường Phạm Ngũ Lão Sàigòn mỗi lần có dịp về thăm quê nhà. Ông ta chăm chú đọc tờ báo, thỉnh thoảng phết chút bơ lên miếng bánh mì, ăn chậm rãi rồi chiêu một ngụm ruợu chát, loại ruợu cũng đã xẫm màu như Xăng Phăng chiều nay. Tự nhiên tôi cũng thấy đói bụng và thèm được nếm một chút hương vị của một mẩu bánh mì nóng ròn điểm chút bơ Bretel hay pho mát Brie, đưa thêm một thoáng men rượu vang đỏ miền Bordeaux. Tôi trở lại trong quán gọi thức ăn và rượu rồi trở ra ngồi lại chỗ cũ... Ý nghĩ của tôi bỗng trở về với nước Pháp trong quá khứ và hiện tại. Nước Pháp đã cống hiến cho thế giới bao triết lỗi lạc của Thời Kỳ Ánh Sáng như Diderot, Rousseau, Montesqieu và Voltaire. Những tư tưởng về bình đẳng, phân quyền, kiểm soát và cân bằng quyền lực, hay tự do, khoan dung về tôn giáo phần lớn đã bắt nguồn từ các triết gia thế kỷ thứ 18 này. Thế mà thành quả dân chủ mà họ đã khơi mào đã chẳng mang lại nhiều điều tốt đẹp cho nước Pháp ngoài một cuộc cách mạng đẫm máu 1789 với bao sinh mạng hy sinh và những xáo trộn chính trị liên miên, cùng những cuộc bại trận liên tiếp năm 1870, đệ nhất và đệ nhị thế chiến trước một nước Đức hùng mạnh. Những tư tưởng tự do dân chủ của các triết gia người Pháp rốt cuộc lại được nước Mỹ áp dụng hiệu quả nhất trong quãng thời gian ngắn ngủi của lịch sử nước này sau khi đã mua lại được của nước Pháp giải đất Louisana rộng mênh mông gồm 15 tiểu bang sau này với diện tích hơn hai triệu cây số vuông (bằng hơn một phần tư nước Mỹ ngày nay) với thời giá rẻ mạt là 15 triệu đô la, tính ra giá chỉ có 3 cents một acre (khoảng hơn 4000 m vuông). Lỗi ở đâu, tại dân tộc Pháp hay tại nhiều yếu tố ngoại lai khác? Có phải tại dân Pháp vùng lên làm cuộc cách mạng vĩ đại chỉ để trả thù giai cấp quý tộc và cha cố hơn là để thật sự thay đổi và canh tân đất nước, cũng như chăm sóc cho người dân thấp cổ bé miệng. Có phải dân Pháp quá chuộng tư do cá nhân nên luôn luôn chia rẽ, xung đột và chỉ đoàn kết khi đất nước thật sự lâm nguy. Và rồi mới đây, khi họ dồn phiếu cho một ứng cử viên trẻ tuổi đầy hứa hẹn gốc Hung gia Lợi là Nicolas Sarkozy để mong làm một cuộc đổi mới toàn diện thì họ đã phải hứng chịu nhiều thất vọng khi thấy ông tổng thống mới lên này đã nghĩ đến đời sống riêng tư của mình nhiều hơn là đời sống của người dân và đã gây quá nhiều tai tiếng trong những cuộc trả lời phỏng vấn của ông. Ông đã nổi nóng, cắt ngang cuộc phỏng vấn của ký giả Lesley Stahl của đài CBS khi bà hỏi về vụ ly dị của ông. Cung cách của ông có vẻ như là một tài tử hơn là một tổng thống. Có những người đã không thèm bắt tay ông hay xưng hô với ông theo đúng cương vị của một tổng thống. Tôi tự hỏi không biết bao giờ người Pháp mới thật sự lấy lại được chỗ đứng hàng đầu của họ trên chính trường quốc tế để xứng đáng với một đất nước đã có thời làm bá chủ Âu Châu với một ngôn ngữ và một nền văn minh thật đáng khâm phục. Tờ báo "Le Monde" tôi cầm trong tay hôm nay, tuy là thuộc cánh hữu, nhưng vẫn nói lên những nét đặc sắc, nổi bật của một nền văn hóa sâu sắc nhưng rất cởi mở và phóng khoáng này. Thình lình tôi nghe thấy có ai nói to bằng tiếng Việt: "Má, chờ con một chút, đừng băng qua đường vội!" Tôi ngước đầu lên. Truớc mặt tôi là một cô gái Việt nam đang dẫn mẹ tiến về phố Tàu. Bà cụ tuy đã già nhưng vẫn còn nét đẹp của một thiếu nữ ngày nào với nước da trắng và đôi mắt to tròn. Cô con gái tiến lên nắm tay mẹ và dẫn cụ tới sát lề đường. Tôi thoáng nghĩ tới mẹ tôi ngày nào ở Hà nội. Hà nội 36 phố phường, Hànội với những lầm than nhưng vẫn luôn luôn tươi tắn, xinh đẹp như thời thơ ấu của tôi. Thế mà Hànội hôm nay đang ngập trong biển nước. với những đường phố bị cày nát trong cơn mưa lũ, những mặt đuờng nham nhở, những vỉa hè lồi lõm, những chiếc xe máy bì bõm trong cơn mưa, những trẻ em thôi học ra ngoài đường bắt cá và con số tử vong lên tới gần chín mươi người. Chính quyền Hànội chỉ lo mở rộng thành phố với những dự án đồ sộ kỷ niệm "Một Ngàn Năm Thăng Long" mà quên bẵng đi những công trình căn bản, hệ thống thoát nước của thành phố. Trớ trêu thay là khu phố cổ do người Pháp xây dựng cách đây gần non thế kỷ lại là khu nước lụt rút đi nhanh nhất. Vậy mà ông bí thư thành ủy Hànội lại cho rằng dân chúng ngày nay chỉ biết ỷ nại vào chính quyền mà không ra sức tự làm. Dù ông ta đã xin lỗi vì lỡ lời nhưng lời nói đó chứng tỏ ông ta đã dửng dưng, vô cảm đến mức nào trước sự mất mát, đau khổ của dân chúng. Tại sao đến nông nỗi này? Nói cho cùng thì cũng chỉ vì người dân chúng ta vẫn chưa có quyền "chọn lựa" khi đảng cộng sản nắm quyền. Nhân dân bất mãn, không muốn thuê những ông bà "đầy tớ" của mình nữa; ấy vậy mà các ông bà ấy vẫn ngồi lì ở đấy, không thể mời họ ra, bỏ phiếu để loại bỏ họ, kể từ trên xuống dưới. Vì vậy mà đã có một độc giả ở Nghệ An Việt Nam, ông Đăng Khoa,sau khi đọc bản dịch bài diễn văn của ông Obama ở Chicago, đã viết cho đài BBC như sau:" Một bài diễn văn chính trị, nhưng đã làm tôi rơi nước mắt. Cảm động, cảm kích ... và chút ngậm ngùi cho mình, cho dân tộc mình." Một người khác tên Minh Ngọc cũng đã góp ý như sau: "Trên cả tuyệt vời! Không chỉ là bộc bạch chân thành dễ đi vào lòng người mà còn là những ngôn từ đầy ấn tượng, trọng lượng của một chính khách lỗi lạc, xuất chúng. Nước Mỹ đã sáng suốt khi chọn Obama. Tôi có linh cảm mạnh mẽ là ông sẽ thành công trong việc mở ra một trang sử mới cho Hợp Chủng Quốc và thế giới. Bài diễn văn khiến tôi rơi lệ dù ở cách xa nước Mỹ nửa vòng trái đất. Thật tự hào khi Hoa Kỳ có được một tân tổng thống như Obama. Kiến thức, tầm nhìn và nhận xét tinh tế, sâu sắc nhưng cũng thật khiêm tốn, nhũn nhặn của ông thật đáng ngưỡng mộ, khâm phục." Riêng bài phát biểu của thượng nghị sĩ McCain cũng đã làm nhiều người ngưỡng mộ với tinh thần "fair play" khi ông tỏ ý thán phục năng lực và ý chí của ông Obama, và sẵn sàng gọi ông Obama là "Tổng thống của tôi" nhận lãnh toàn bộ trách nhiệm của sự thất bại là do chính ông, chỉ riêng ông mà thôi." Ông Lê Cường ở Hànội viết trên BBC: "Lúc trước khi chưa nghe bài diễn văn này, tôi nghĩ ông McCain thuộc phe diều hâu, hiếu chiến, lạnh lùng. Nhưng giờ tôi đã thay đổi ý nghĩ, ông thật là một người cao thượng, luôn biết sống vì tổ quốc thân yêu ..." Dân chúng trong nước cũng đang khao khát một đất nước thật sự thay đổi trong đó quyền chọn lựa của người dân phải triệt để được tôn trọng. Đến bao giờ đất nước mình mới được như Hoa Kỳ? Đến bao giờ? Đến bao giờ?" Vâng, nhân dân Mỹ vừa làm một cuộc cách mạng. Họ thật sự muốn thay đổi. Tại sao ông Obama thắng? Đầu tiên là ông đã may mắn sống trong một nước dân chủ đích thực để ông có thể ra ứng cử mà không bị cản trở hay xóa tên cũng như không có gian lận bầu cử công khai. Có thể là vì ông đã đến đúng lúc, đúng thời điểm mà nhân dân Mỹ muốn quên đi tám năm cầm quyền đầy sóng gió của chính quyền Bush trên mọi bình diện, nhất là vấn đề kinh tế. Ai cũng lo cho nhà cửa, việc làm, cuộc sống thường nhật của mình, của gia đình, con cái mình. Và biết đâu màu da của ông lại giúp ông khi đa số dân Mỹ muốn chứng tỏ tinh thần rộng mở, khách quan, vượt lên trên mọi thành kiến. Nhưng trước hết, ông thắng là vì qua cuộc vận động tranh cử, ông đã chứng tỏ được trí thông minh, tài tổ chức, tính bề bỉ, lòng quả cảm, óc thực tiễn và bén nhậy trong một cuộc tranh cử rất cam go để vượt qua bà Hillary Clinton, rồi ông McCain. Không phải ông không biết những khó khăn của một ứng cử viên da đen, nhưng ông đã vững niềm tin vào con đường của mình, vào niềm hy vọng mà ông có thể thổi vào người dân Hoa Kỳ, để cùng nhau bắt tay vào một công cuộc thay đổi cần thiết. Tương lai ra sao còn là một thách đố đầy gian nan và khó khăn. Ông hiểu điều này và đã nói rõ; "Con đường phía trước sẽ rất dài. Ngọn núi chúng ta trèo sẽ rất dốc. Có thể chúng ta sẽ không đến nơi trong một năm hay ngay cả trong một nhiệm kỳ. Nhưng, hỡi nước Mỹ của tôi, tôi chưa bao giờ cảm thấy đầy hy vọng hơn đêm nay là chúng ta sẽ tới nơi. Tôi hứa với các bạn, rằng chúng ta, với tư cách là một dân tộc, chúng ta sẽ tới nơi." Miền đất hứa có lẽ sẽ còn rất xa. Những ngọn núi về khủng hoảng kinh tế tài chính, về chiến tranh Iraq và Afghanistan, về năng lượng, y tế, thuế má và giáo dục vẫn đang sừng sững vươn cao trước mặt ông. Ông cũng hiểu là mình ông và cả nội các của ông, dù tài giỏi tới mấy, sẽ không thể vượt qua được những ngọn núi đó nếu không có sự đồng tâm hiệp lực của toàn dân. Ông còn phải thuyết phục hơn 46% người dân đã không bỏ phiếu cho ông, trong đó có tôi dù một phiếu cá nhân ở Cali cũng không đáng kể gì. Ông cũng nói rõ là "sức mạnh của nước Mỹ không phải đến từ vũ khí, tiền bạc, mà từ sức mạnh lâu dài của lý tưởng tự do, dân chủ, những cơ hội và niềm hy vọng." Và ông cũng nhận biết rằng người dân Mỹ, khi đã mạnh mẽ chọn ông thì họ cũng đã bỏ qua bao thành kiến lâu đời, để giao cho ông, một thượng nghị sĩ còn chân ướt chân ráo trong nghị trường, không mấy kinh nghiệm trên chính trường quốc tế một cơ hội có một không hai để tiến hành những cải cách cần thiết trong công cuộc canh tân đất nước, để mang lại đời sống bớt ưu tư cho người dân thường, đem lại niềm tin và lòng tự hào cho một nước Mỹ, dù vẫn hãnh diện giữ gìn được nền an ninh của mình trong mấy năm nay, nhưng đã sa sút, đổ vỡ rất nhiều sau biến cố 9/11. Tôi giở lại từng trang tờ báo Le Monde. Có một xấp đặc biệt dành cho cuộc bầu cử của nước Mỹ với hình của tổng thống tân cử Barack Obama chiếm trọn một trang báo và hàng chữ "Mr. President". Tôi từ từ gấp tờ báo lại, đứng dậy và tiến về phía cổng Phố Tầu. Dưới mái cong màu xanh lá cây là bốn chữ " Thiên Hạ Vi Công", lời của vị Vạn Thế Sư Biểu Khổng Tử để khuyên mọi người hãy làm điều thiện mọi nơi dưới vòm trời này trong chiều hướng trọng nhân nghĩa. Trải qua hàng bao thế kỷ, từ khi ông bôn ba tìm một minh vương để giúp thực hiện đạo của mình, cho đến Tôn Văn với chủ trương "Tam Dân", rồi Mao Trạch Đông với cuộc cách mạng vô sản nông dân của ông ta thì hình như nước Tàu vẫn chưa tiến xa về việc mang lại cho dân chúng một đời sống an bình, đừng nói đến chuyện tự do, dân chủ. Vụ động đất và chất độc melamine vừa qua cho thấy bao thảm cảnh mà người dân vẫn phải hứng chịu trong một đất nước còn nhiều hậu quả tai hại do chế độ cộng sản gây ra, và lý tưởng một nhà cầm quyền thương yêu dân, trọng ý dân, lo cho hạnh phúc của dân, không ức hiếp, đàn áp dân của Khổng Tử từ hơn hai ngàn năm trước vẫn còn xa vời. Những tư tưởng của các triết gia Trung Hoa thời Xuân Thu, Chiến Quốc với những học phái vô vi, hữu vi, nhân trị và pháp trị vẫn còn là những đề tài hấp dẫn, gây nhiều tranh luận sôi nổi. Nhân loại vẫn còn tìm kiếm những con đường, kế sách, phương pháp để an dân, trị quốc và mang lại cảnh an vui thái bình cho mọi người. Lý tưởng vẫn là một đất nước mà luật pháp luôn luôn bảo đảm cho người dân được hưởng những quyền lợi vật chất và tinh thần một cách tương đối đồng đều và hạn chế càng nhiều càng tốt lòng tham lam của kể cầm quyền. Nước Mỹ đã may mắn có những nhà tiên phong lập quốc có viễn kiến, kinh nghiệm để viết nên một bản hiến pháp vững mạnh nhưng vẫn uyển chuyển để luôn luôn có thể thay đổi, thích ứng một cách kịp thời khi hoàn cảnh thay đổi. Trong thế kỷ hai mươi, nước Mỹ đã tiến bộ rất nhiều trong lãnh vực nhân quyền và an sinh cho người dân. Các tổng thống Wilson, Roosevelt, Kennedy, Johnson và Reagan, cũng như những nhà đấu tranh cho nhân quyền như Martin Luther King, Rosa Parks v.v.. đã làm thay đổi bộ mặt nước Mỹ rất nhiều. Chính vì vậy mà mới có Barack Obama ngày hôm nay. Ông và nội các của ông sẽ mang đến những thay đổi như thế nào thì chúng ta còn phải chờ đợi. Một chặng đường khó khăn đã được vượt qua, nhưng nói cho cùng thiên kiến về chủng tộc, màu da, tôn giáo vẫn chưa thể hoàn toàn xóa mờ và một tổng thống Hoa Kỳ không thể làm gì nhiều nếu không thuyết phục được quốc hội và các tập đoàn có thế lực ủng hộ mình. Thay đổi chỉ có thể đến một cách từ từ và tiệm tiến. Tuy nhiên chúng ta vẫn có quyền hy vọng và như chính ông Obama đã kết luận trong bài diễn văn thắng cử của ông ở Chicago: "Hỡi nuớc Mỹ, chúng ta đã vượt qua một chặng đường rất xa. Chúng ta đã chứng kiến được rất nhiều sự kiện. Nhưng còn biết bao điều phải làm. Đêm nay, chúng ta tự hỏi, nếu con cháu chúng ta còn sống đến thế kỷ tới, sống lâu như Ann Nixon Cooper, thì chúng sẽ chứng kiến những thay đổi gì, và chúng ta đã thực hiện được những tiến bộ gì? Lúc này là cơ hội để chúng ta trả lời cho lời mời gọi này. Đây là thời điểm của chúng ta. Đây là lúc mà chúng ta bắt tay làm việc và mở tung cánh cửa cơ hội cho con cháu chúng ta; để phục hồi lại sự thịnh vượng và cổ vũ nền hòa bình, để giành lại Giấc Mơ Hoa Kỳ và tái xác định một chân lý nền tảng là từ số đông, chúng ta là một; và chừng nào còn thở thì chúng ta còn hy vọng. Nơi nào mà chúng ta bị nhạo báng, ngờ vực, cho rằng chúng ta bất lực thì chúng ta sẽ trả lời bằng niềm tin bất diệt, một xác tín đúc kết tinh thần của dân tộc chúng ta: "Chúng tôi có thể! Chúng tôi sẽ thành công!" Tôi nghe văng vẳng đâu đây lời hiệu triệu trong diễn văn nhậm chức của Tổng Thống Kennedy ngày nào, cách đây đã gần năm chục năm: "Hỡi các bạn. Đừng đòi hỏi đất nước đã làm gì cho các bạn. Hãy tự hỏi các bạn có thể làm gì cho đất nước!" Đêm đã xuống hẳn trên thành phố Xăng Phăng. Khu phố Tầu thưa thớt dần. Những đám mây đen vẫn che phủ bầu trời nhưng xa xa một vài ngôi sao lác đác đã xuất hiện. Chắc ngày mai, thành phố sẽ ấm áp và mặt trời sẽ ló rạng, tươi sáng! |