Đời Tị Nạn |
Tác Giả: Tuệ Chương hoànglonghải |
Thứ Tư, 13 Tháng 5 Năm 2009 07:12 |
Tới đảo Chiếc ghe vượt biên tôi đi cặp vào đầu cầu jetty của đảo Pulau Bidong vào xế chiều ngày 1 tháng 6 năm 1989, sau hơn 50 giờ rời cửa Sò Lưới, gần mũi ông Trang, Cà Mau. Cũng khó quên được mối cảm xúc khi đặt chân lên chiếc phà ở đầu cầu. Mặt phà bằng sắt, “nóng như lửa”, ấy là cách nói thông thường. Bị mất đôi giép trên đường ra cửa sông, tôi kéo hai bó củi - loại củi phát cho người tị nạn để nấu nướng, - đạt chân lên đó cho đỡ nóng. Bỗng tôi cúi xuống, chống hai tay lên hai bó củi khác, và… nước mắt trào ra. Tại sao tôi khóc?! Tôi khóc vì 14 năm sống dưới chế độ Cộng Sản với 7 năm 10 ngày trong trại cải tạo, Kinh Quá! Trong chế độ đó, tôi gánh đầy đủ mấy tiếng Đày Đọa và Đói Khát, về cả hai mặt: Vật chất lẫn Tinh thần. Vì vậy, bây giờ, khi đặt chân lên đầu cầu, tôi cảm nhận một cách đầy đủ và sung sướng hai tiếng “Giải thoát”. Đã lên được đầu cầu là chính quyền Mã Lai không còn đuổi ra khơi được nữa, là được vào trại tị nạn, là được định cư ở một đất nước tự do, v.v… và v.v… Nhưng nghĩ lại, tôi thầm nói với tôi: Không được khóc! Không được khóc! Rồi trong cơn xúc động đó, tôi nhớ ngay đến mấy câu thơ của Karl Marx, trong cuốn “Tuổi Trẻ Karl Marx” do Cao Xuân Hạo dịch, cuốn sách tôi đọc nhiều lần trong cái gọi là “Trại Cải Tạo”: Chỉ có ai bằng chiến đấu hiên ngang, Tôi không là người chiến sĩ hiên ngang của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Tôi chỉ là người cần cù và chăm chỉ với công việc của mình, khi còn là dân sự - day học - và khi ở trong quân đội, chính quyền. Điều an ủi với tôi là khi rời trường tôi dạy để nhập ngủ, bạn đồng nghiệp và học trò thương mến, “tiếc” một ông thầy bỏ phấn bảng, và khi tôi rời binh chủng Thiết Giáp để được biệt phái, thì xếp trực tiếp của tôi, đại tá Nguyễn Mạnh Lâm, tiển tôi bằng một câu khiến tôi… nở lỗ mũi và muốn ở lại: “Anh là người không ai bỏ anh.” Vậy mà suốt 14 năm sống dưới chế độ Việt Cộng, họ không dùng tôi. Họ đúng đấy. Họ không dùng vì không phải họ biết tôi có khả năng chống họ bằng “xiết cò súng”, hay bằng “Mồm mép đỡ chân tay” - câu tôi nói đùa khi tôi phục vụ trong ngành Chiến Tranh Chính Trị” mà chính là vì bản chất con người tôi. Họ không thể nào chấp nhận một con người có bản chất như tôi: “Tiểu tư sản thành thị”, không dính líu bất cứ “một đời vô sản” nào trong “ba đời khai báo”. Như thế, làm sao tôi có thể giác ngộ “hận thù giai cấp” để đi theo con đường Mác - Lê được?! Khi những “thứ tiểu tư sản” như tôi, nếu không lột xác để giác ngô Mác thì sẽ chống ngầm, và chống triền miên. Chống ngầm là một phương cách chống đối tiềm ẩn, rất nguy hiểm. Nó không biểu hiện trên bề mặt để có thể đàn áp, triệt tiêu, kết tội. Tuy nhiên, Cộng Sản vẫn có một cái án tù cho những người đó. Cái án tù gọi bằng nhiều cách khác nhau: “Nguy hiểm cho chế độ”, “Không thích hợp cho chế độ”, “Phần tử nguy hiểm”, “Phần tử phản động ngấm ngầm.” Và ở tù không có án, không có ngày về. Và nếu có tha về, lại cũng tiếp tục chống đối. Đó là “bọn” - như Việt Cộng gọi – ngoan cố. Bọn chống Cộng Sản giai dẵng, chống triền miên. Để độc giả có thể tin tôi, tôi xin đưa ra một ví dụ: Ông Tôn Thất Tần trong “Đêm Giữa Ban Ngày” của Vũ Thư Hiên chẳng hạn. Ông ta là nhân vật có thật ở ngoài đời đấy, không phải do ông Vũ Thư Hiên tưởng tượng ra. Ông ta là người “ở tù muôn năm”, tù cho đến chết. Có thể độc giả không biết ông đó là ai? Con nhà Tôn Thất? Dòng dõi vua chúa? Dòng dõi con quan? Có thể đấy. Quan trọng không kém, chính ông ta là em (hay anh) vợ ông Hà Thúc Ký, lãnh tụ đảng Đại Việt, và là người chống Cộng bền bĩ, kiên trì… Làm sao ông ta có ngày về?! Bề ngoài, ông ta có cái tù 20 năm, nhưng cái án tù ấy được nhân lên nhiều lần, cứ hết 20 nầy lại tới 20 năm khác, cho đến khi ông ta không còn sống để nhận án 20 năm nữa! Chúng ta, những người “tù cải tạo” là “Tôn Thất Tần (1) thứ hai”, thứ ba, là thứ một triệu… nếu không có Mỹ can thiệp, yêu cầu thả, và nếu không có Tàu đem quân đánh dọc 6 tỉnh biên giới…. thì có thể bây giờ hoặc sau nầy, con cháu chúng ta sẽ thành Mán, Mường, Lô-lô, Tày, Nùng, v.v…Như vậy thì “Giặc ngoài xâm lăng, toàn dân hớn hở!” hay sao?! Đó là cái nghịch lý đau đớn của thời đại chúng ta! Thế rồi tôi sắp vào hàng theo lệnh của Cao ủy Long, một người Tàu-Mã. Tôi đứng cuối, trước mặt tôi là vợ và đứa con gái út. 26 người. Tàu tôi có tất cả 26 người, kể cả tài công và hai anh em con người chủ tàu. Cao ủy Long vừa đi vừa đếm từng người. Tới tôi là chót. Tôi nhìn ông. Ông nhìn tôi. Tôi nhớ hình ảnh ông kỹ lắm, lớn con, đẹp người, còn trẻ. Điều tôi muốn nói ở đây là lời cám ơn vì ông là người đầu tiên của Cao Ủy Tịn Nạn, hay có thể gọi là người của Thế Giới Tự Do cũng được, đón tôi ở nơi nầy, nơi, nói một cách văn hoa là “Bến bờ Tự do.” Vì vậy, hai năm sau, trước khi rời Bidong, tôi mời ông ra ngay chỗ bến tầu nầy chụp chung với gia đình tôi một tấm hình. Trước khi chụp, tôi nói với Cao Ủy Long tôi muốn chụp hình với ông vì ông là người đầu tiên đón tôi khi tôi vừa thoát khỏi chế độ Cộng Sản Việt Nam. Sau khi đếm người xong, chưa lấy tên họ gì cả, 26 người chúng tôi được đưa vào một gian nhà tôn, bên cạnh đầu cầu jetty. Lúc ấy, “cô Cao ủy Delle” - người ta thường gọi như thế, một người lai: Cha Thái Lan, mẹ Việt Nam, sinh đẻ ở Chợ Lớn, lớn lên ở Bangkok, nói tiếng Việt không sõi lắm, thường tự xưng với bất cứ ai bằng “Mình”, chẳng hạn như có lần nói với tôi sau nầy: “Mình gởi lời thăm vợ mình.” khiến tôi phải cười. Cao ủy Delle lập danh sách từng người, hỏi rất kỹ mấy đứa con gái bị tụi ngư dân Mã Lai xàm xở như thế nào. Bọn chúng chỉ xàm xở, không làm gì quá hơn. Xong, tất cả được cấp phát quần áo, mỗi người hai bộ, chăn màn, chiếu và sang phòng bên, có chia đôi nam nữ để tắm rửa. Mấy ngày “ém quân” nơi ấp Đậu Sấu, huyện Cái Nước, tỉnh Minh Hải, xứ nước mặn, chẳng được tắm táp gì. Hai ngày ở trên ghe nước rửa mặt còn không có, nói chi tới tắm rửa. Vì vậy, bữa nay tắm thoải mái, không hạn chế nước ngọt; sướng thật! Có điều buồn cười! Khi vượt biên, vợ tôi có mang theo một tượng Phật tạc bằng đá cẩm thạch núi Non Nước. Tượng to bằng hai nắm tay. Trước khi vào buồng tắm, tôi nói vợ tôi để cái tượng trên lan can, hành lang đi thẳng lên bờ. Đem tượng Phật vào buồng tắm là không nên. Nhưng khi tắm xong trở ra, ai lấy mất tượng rồi! Vợ chồng tôi băn khoăn vì mất tượng Phật mà không biết hỏi ai. Vợ tôi khóc! Nhà bếp đem cơm xuống cho chúng tôi, cũng có đủ chén bát, muỗng đũa cho tất cả mọi người. Ăn xong, để một chỗ, nhà bếp sẽ xuống lấy. Gần tối, một linh mục người Úc, cha Quentin xuống thăm. Ông thăm hỏi từng người, rất ân cần. Cuối cùng, vợ tôi than phiền bị mất tượng Phật. Ông bảo yên tâm, để ông đi tìm. Khoảng hơn một tiếng đồng hồ sau, ông trở lại, tượng Phật ông bồng trong tay, đưa cho chúng tôi. Hỏi ông tìm thấy ở đâu? Cha Quentin nói: “Ở chùa!”. Té ra có một đám thanh niên làm việc cho “supply”. Họ xuống lấy củi ở cầu tàu. Thấy tượng Phật, họ bèn lấy đem lên chùa. Họ theo đạo Phật, thấy tượng Phật để trên hành lang thì họ đem về chùa! Có gì lạ đâu! Nhưng tôi thì thấy buồn cười. Ở nước tôi, nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Việt Cộng thấy tượng Phật thì nắm quẳng ra hàng rào, cho là thứ thuốc phiện, có hại. Nếu là người có đạo Thiên Chúa, có lẽ họ không tôn trọng, không tin tưởng. Ở đây, đất nước tự do khác lạ: Một ông linh mục, đi lên chùa tìm tượng Phật đem vè cho người tị nạn. Người ta không có sự phân biệt tôn giáo như quê nhà!!! Khi trời gần tối, tôi đứng ở cửa sổ nhìn lên đảo. Trên đảo lại có một ngọn đồi. Người ta gọi là “Đồi tôn giáo”. Chùa, nhà thờ, chùa Cao Đài, chùa Hòa Hảo, quây quần với nhau trên ấy, hòa hợp vui vẩy, không kỳ thị nhau như ở quê hương tôi!!! Khi ấy lễ nhà thờ vừa xong, con chiên của Chúa từ trong nhà thờ túa ra, phần đông là các bà, các cô, mặc áo trắng. Họ đi theo con đường xuống chân đồi, vòng qua phía tượng “Ông Già Bidong” rồi quẹo qua phía đầu cầu jetty, đi ngược lên đảo. Họ đông lắm, đi liền nhau, như một con rắn trắng, uốn mình theo con đường cong. Tại sao người ta đi nhà thờ đông thế? Tại vì ở quê họ không được đi nhà thờ, hoặc có đi mà còn sợ Công An. Có thể ở đây vì không khí tự do, người ta cần cầu xin cho mình một tương lai. Dù với lý do gì, thấy họ đi đông, lòng tôi vui lên, trước một cảnh tượng đẹp, không kém phần trang nghiêm của tôn giáo và sự tự do. Đêm đó, ngày 1 tháng 6 năm 1989, tôi ngủ ngon trong chăn ấm, dù ngôi nhà đó nằm trên bờ biển, gió thổi suốt đêm! Hôm sau, ăn uống xong, thay vì được đưa lên đảo, chúng tôi được đưa xuống tàu sắt Su-Ma, tàu của trại tỵ nạn, để vào dất liền, thuộc tiểu quốc Terrenganu. Từ bến tàu chúng tôi được đưa lên xe bus để về trại Marang. Mã Lai nguyên là thuộc địa cũ của Anh nên xe chạy bên trái thay vì bên phải như ở nước. Vì vậy, mỗi khi thấy có chiếc xe chạy ngược, tôi hơi ngờ ngợ. Sau nầy, quen thân với ông Di, người cùng đi chuyến tàu vượt biên, tôi hỏi đùa ông về cái cảm giác xe chạy ngược chiều, ông bảo: “Tôi cứ đạp thắng phụ cho tài xế hoài, nhưng xe vẫn chạy. Điều nầy, đối với người quen đi bên phải, pjải ngỡ ngàng. Trong cuốn đi Tây của Nhất Linh, ông kể rằng khi tới Aden, thuộc địa của Anh, ông viết đùa là phải tính nhẩm bên trái, bên phải để tránh xe. Trại Marang là một ngôi nhà lớn, đã cũ, có lẽ do Cao Ủy Tỵ Nạn thuê lại của chủ, làm nơi tạm trú cho người tỵ nạn được tấp vào bờ ở bán đảo Mã Lai, trước khi đưa ra đảo Bidong hoặc cho đồng bào tị nạn ở đảo vào đất liền có công việc gì đó, thường là khám bệnh do bệnh viện Sickbay của đảo chuyển vào. Ngôi nhà có mấy cái sàn lớn để làm chỗ ngủ, có chỗ nấu bếp, và một phòng y tế. Sau nhà là một vườn dừa lớn, khoảng hơn 50 cây. Dừa đã có trái, cấm hái. Tuy nhiên, nhiều thanh niên vẫn chờ đêm khuya, hái trộm ăn chơi. Chính nhân viên Mã Lai cũng bao che cho họ, hái trộm dừa. Trại có vòng rào kẽm B-40 rào quanh. Cổng trại luôn đóng kín, cấm người tỵ nạn ra khỏi trại. Phía bên hông ngôi nhà là bờ biển, phẳng, nhưng cát hơi vàng. Vòng rào quanh nhà cũng ngăn không cho người đi ra biển. Trước khi tôi tới đảo khoảng một vài tháng là thời gian người vượt biển đến đông, ngôi nhà nầy không đủ chỗ để ở. Chính quyền Mã Lai dựng thêm nhà bạt hay phát các tấm nylong để người tỵ nạn che chỗ ở quanh vòng rào. Bây giờ thì người đã ít đi. Hôm tôi tới, chỉ có 26 người của ghe tôi đi. Chiều hôm chúng tôi tới thì có một toán thuộc Lực lượng Đặc nhiệm Mã Lai đến lấy danh sách. Ghi tên từng người xong, họ hòi: “Muốn định cư ở đâu?” Ai cũng mừng, cứ tưởng như vài hôm nữa sẽ được thỏa ý nguyện. Kẻ nói đi Úc, người đòi đi Mỹ. Tôi thì phân vân. Con gái thứ hai của tôi ở Mỹ nhưng tôi chẳng muốn đi Mỹ. Tôi có định kiến! Hai cuôc chiến tranh Đông Dương kéo dài từ 1945 đến 1975 là 30 năm. Ai gây ra cuộc chiến tranh nầy, nếu không phải là 4 anh đầu sỏ: Mỹ, Pháp, Nga, Tàu hay sao? Vì vậy, chắc chắn không ai muốn định cư ở Nga và Tầu. Đi tìm tự do mà định cư ở các nước Cộng Sản nầy thì có khác chi cô Kiều “Hết nạn nọ đến nạn kia”. Còn như Pháp, Mỹ thì họ có tội với dân tộc Việt Nam đấy. Pháp tái xâm lăng Việt Nam với súng đạn Mỹ, còn Mỹ thì chính là “đồng minh chạy làng” của chúng ta. Chơi vậy thì chơi với ai.” Hôm sau, khoảng 80 người của một chiếc tàu khác, tấp vào bán đảo, được chuyển đến đây ở chung. Chiếc tầu nầy cũng bị hải tặc Thái Lan tấn công, nhưng thoát được. Ai nấy hú hồn. Ở trại Marang có ba hôm, chẳng làm gì ngoài các thủ tục vô bổ như thế, hôm sau, 26 người chúng tôi lại được xuống tầu đưa về lại đảo Bidong. Hôm ấy đúng là ngày 4 tháng 6 năm 1989, vụ thảm sát ở Thiên An Môn đang xảy ra. |