Những tiếng gọi lên đường |
Tác Giả: Quỳnh Giao |
Thứ Tư, 15 Tháng 7 Năm 2009 00:15 |
Thấm thoát vậy mà chúng ta lại sắp tới Tháng Tám. Bước qua Tháng Tám là ta phải bóc tấm lịch ngày 20 Tháng Bảy, ngày ký kết Hiệp Ðịnh Genève chia đôi đất nước. Ngày mà nhiều người chúng ta đã gọi là “Ngày Quốc Hận”, trước khi có một ngày quốc hận khác vào cuối Tháng Tư. Sang đến Tháng Tám là biến cố gọi là “Cách Mạng Tháng Tám”, khi nơi nơi đã trỗi lên tiếng gọi lên đường và từ đó là xuống dốc, xuống mãi cho đến Genève 54 hay Tháng Tư 75. Trong những biến động xa xưa ấy, dân ta đã “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi” và đã... hát như thế nào? Bây giờ, giữa hoàn cảnh hiện tại mà đến cỏ cây gỗ đá cũng còn thấy vận nước đang nổi trôi vào nơi buồn thảm bi thương nhất, thì chúng ta đang... hát như thế nào? Giữa thập niên 30 của thế kỷ trước, khi phong trào Hướng đạo bắt đầu du nhập vào Việt Nam, khuynh hướng ngợi ca thanh niên và tuổi trẻ đã hòa nhập cùng những dòng nhạc đầu tiên của nền tân nhạc cải cách Việt Nam. Những nhạc sĩ tiên phong của nền tân nhạc ấy đã đưa âm nhạc trôi cùng vận nước với những hành khúc hào hùng cho tuổi trẻ và các bài hát ngợi ca lịch sử cho cả dân tộc. Kế tiếp là phong trào kháng chiến chống Pháp cuồn cuộn trào dâng, thanh niên ca trở thành kháng chiến ca và đóng góp một phần không nhỏ cho sự chuyển mình lịch sử. Ðấy là thời của các nhạc sĩ Hùng Lân, Hoàng Quý, Lê Thương hay Lưu Hữu Phước, mở đường cho các bản chiến trường ca bất hủ của Văn Cao, Văn Giảng, Ðỗ Nhuận, Phạm Duy hay Phan Huỳnh Ðiểu, Phạm Ðình Chương. Thời ấy, chúng ta quả là đã hát lên tiếng đập con tim của cả một dân tộc đang trào dâng bầu máu nóng của tuổi xanh. Sau đấy mới là những bẽ bàng của lịch sử, của “cách mạng” trong ngoặc kép. Là những đợt thanh trừng các nghệ sĩ đã hiến thân cho cách mạng của dân tộc và nay được lệnh phải kẻ khuông nhạc khác, hát thể điệu khác để ngợi ca những điều hẹp hòi, nghiệt ngã và sắt máu. Cũng vì đấy mà dòng nhạc bị chia hai cùng với đất nước thương yêu. Trong niềm đau của sự chia ly, nhiều nghệ sĩ đã đắn đo chọn lựa mà sau đành phải rời xa quê hương yêu dấu đi tìm tự do. Nhưng là tự do trên cùng một lãnh thổ của tổ quốc. Phong trào di cư vào Nam đã kéo theo một lớp nhạc sĩ đông đảo của miền Trung, miền Bắc. Ngợi ca miền Nam tự do với nắng ấm hiền hòa, lớp nghệ sĩ này không quên được đất cũ và viết ra những dòng nhạc hoài hương tuyệt vời. Cả một miền Nam đã vang lừng các ca khúc ấy, của Vũ Thành, Hoàng Trọng, Ðan Thọ, Xuân Tiên, Nguyễn Hiền, Nhật Bằng. Hòa chung trong dòng nhạc luyến nhớ quê hương cũng có các nhạc khúc của Văn Phụng, Châu Kỳ, Lê Trọng Nguyễn lẫn các bài ca hoài niệm của Hoàng Giác hay Tô Vũ, khi ấy vẫn ở tại miền Bắc. Bây giờ mà nhớ lại thì trong hai chục năm giữa hai thập niên 30 và 50, chúng ta đã hát tình đoàn kết thiêng liêng của “Hội nghị Diên Hồng” hay “Bắc Nam Trung cùng nhau ta kết đoàn” và ý chí Lam Sơn để rồi nức nở về hận phân ly, về nỗi niềm xa quê hương. Tâm sự ấy của mấy thế hệ đã được phổ vào nhạc, viết thành thơ và đánh dấu một giai đoạn bi hùng của đất nước, cũng là một giai đoạn phong phú của tân nhạc. Trong nửa thế kỷ kể từ khi nhạc cải cách xuất hiện và giữa những thăng trầm của đất nước, dân ta đã nghe, hát, yêu thích và còn hát lại các ca khúc này, mà giờ đây có khi mình gọi là “nhạc Tiền chiến”. Nhưng sau đấy và từ nhiều năm qua, nền tân nhạc của Việt Nam đã đổi khác. Ðành rằng người ta hết hát các ca khúc hoài hương vì hầu như ai ai cũng có thể trở về thăm viếng nơi chốn cũ. Tuy nhiên, hình như các sáng tác mới lại không chỉ bị Mỹ hóa, Tây hóa mà có khi bị Hán hóa hoặc Ðại Hàn hóa, Hong Kong hóa... với đề tài mới, giai điệu khác và với lời ca hết được óng chuốt và đậm sâu ý nghĩa như xưa. Xin hãy xem hoặc nghe các nhạc khúc gọi là thời thượng ngày nay thì biết. Trong khi ấy thì dù có bịt tai hay dõi mắt trông theo chuyện Michael Jackson, chúng ta cũng chẳng là gỗ đá vô tri mà không thấy rằng đất nước thân yêu đang có rất nhiều vấn đề, từ bên trong xã hội ra tới bên ngoài, nhất là với một quốc gia láng giềng đầy hống hách. Chúng ta nghĩ sao và hát gì trước những thảm kịch đó? Nếu Phạm Ðình Chương mà còn và muốn viết lại “Tiếng dân chài”, ông sẽ viết gì về số phận ngư phủ Việt Nam ngoài biển Ðông? Nếu Phạm Duy mà có viết một ca khúc lãng mạn như “Tình kỹ nữ”, thì lời ca bây giờ có gợi lên thảm cảnh xã hội của các phụ nữ Việt Nam ngày nay không? Nếu một người như Lưu Hữu Phước có muốn gióng lên lời hô của “Hội nghị Diên Hồng” trước nhục nước ngày nay đã hết che giấu được thì ông có còn hào khí không? Mà có được viết không đã? Nhưng tại sao chúng ta cứ hỏi người xưa? Các nhạc sĩ đang sáng tác ngày nay có cảm thấy nỗi đau của dân tộc và đất nước không? Hiện diện ngay tại chỗ, họ có viết nhạc như các thế hệ đi trước để diễn tả nỗi đau trước mắt ấy hầu đánh thức tuổi trẻ hay không? Hình như là không. Phải chăng chúng ta đã trở thành vô cảm và âm nhạc của chúng ta đã mất hết khả năng kỳ diệu của nghệ thuật? |