Home Văn Học Khảo Luận Quốc Văn Giáo Khoa Thư (trích đoạn)

Quốc Văn Giáo Khoa Thư (trích đoạn) PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Trọng Kim   
Thứ Ba, 18 Tháng 11 Năm 2008 13:05

QUỐC VĂN GIÁO KHOA THƯ

 

Sách này do NHA HỌC CHÍNH ĐÔNG PHÁP
đã giao cho các ông:
TRẦN TRỌNG KIM, NGUYỄN VĂN NGỌC,
ĐẶNG ĐÌNH PHÚC, ĐỖ THẬN
biên soạn

 

AI ƠI, CHỚ VỘI KHOE MÌNH


Con bươn bướm kia, cánh vàng rực rỡ, lại có những đốm đen, đốm đỏ, trông rõ thật đẹp. Một hôm, bay nhởn nhơ trên bụi cây ở vệ đường. Hết ngành nọ, sang ngành kia, thảnh thơi vui thú. Tưởng mình đã đẹp, thì ai chẳng kính yêu. Ngờ đâu có ba anh học-trò đi học về, bỗng trông thấy bướm kia đang bay ở bụi cây trước nặt, vội vàng, anh thì lấy nón úp, anh thì lấy sách đập, xô đẩy nhau đuổi bắt cho được.

Con bươm bướm kia đã vào tay lũ trẻ, thôi thì hết anh này lôi cánh, lại đến anh kia kéo chân, thật là rã rời tơi tả, chẳng được bao lâu mà hóa ra tửng mảnh. Ấy cũng vì con bươm bướm có cái sắc đẹp, mà phải những cái tai hại thảm thiết như thế. Thật đáng thương thay!

Giải nghĩa: - Nhởn nhơ = nhí nhảnh, làm bộ làm dáng. - Ngành = nhành. - Thảnh thơi = nhàn hạ phong lưu, không có bận bịu điều gì. - Rã rời tơi tả = tan nát ra. - Thảm thiết = khốn nạn, đáng thương xót.

 

CÁI LƯỠI

Một hôm, người chủ bảo người đầy tớ rằng: “Mày ra bắt con lợn đem làm thịt, và xem cái gì ngon hơn cả thì đem về đây cho tao”.

Tên đầy tớ vâng lời, bắt lợn giết và lấy cái lưỡi đem vào hầu chủ.

Mấy hôm sau, người chủ muốn thử tên đầy tớ, lại bảo nó đi làm thịt con lợn khác và dặn rằng: “Xem cái gì không ngon hơn cả thì đem vào”.

Tên đầy tớ làm lợn xong, lại đem cái lưỡi vào cho chủ.

Người chủ hỏi: “Thằng này láo! Sao lần này mày lại đem cái lưỡi vào cho ta như lần trước?”

- “Thưa ông, cũng một cái lưỡi, khi tử tế ra thì không có gì tốt cho bằng, nhưng khi độc ác, thì lại không có gì xấu bằng”.


Giải nghĩa: Đầy tớ: người ở, kẻ hầu hạ trong nhà. Lợn: (tiếng quen dùng miền Bắc) tức con heo. Thử: tìm cách nào đó để dò biết một sự thật. Láo: ở đây là tiếng mắng của người trên để nói về sự vô lễ, sự bất kính của kẻ dưới.

BA THẦY THUỐC GIỎI

Một ông thầy thuốc già, chữa bịnh giỏi có tiếng. Phải khi ông ốm nặng, các học trò đến chầu chực, thuốc thang bên cạnh. Ông cố gượng nói rằng: “Lão biết mình lão đã đến ngày tận số rồi, nhưng lão có nhắm mắt, cũng cam lòng, vì lão có để lại cho đời ba thầy thuốc rất hay”. Ông nói đến đây, nhọc quá, phải nghỉ. Các thầy thuốc học trò thấy ông nói thế, đều lắng tai nghe, ai cũng nghĩ bụng, trong ba nười ấy, thế nào cũng có tên mình. Ông nghỉ rồi lại nói: “Trong ba thầy thuốc ấy, thì hay nhất là thầy Sạch sẽ, thứ nhì là thầy Điều độ, thứ ba là thầy Thể thao. Sau khi thầy mất rồi, nếu các anh biết theo ba thầy ấy mà chữa cho người ta, thì thiên hạ khỏi được biết bao nhiêu là bịnh tật”.

Giải nghĩa: Cố gượng: gắng hết sức vì suy yếu. Tận số: hết số, ý nói sắp chết. Cam lòng: thoả lòng, hả dạ. Điều độ: luôn giữ chừng mực, phải chăng, không ít không nhiều. Thể thao: các môn vận động cơ thể. Thiên hạ: nói chung mọi người.

 

KÍNH TRỌNG NGƯỜI GIÀ CẢ

Một lũ học trò ngồi xúm xít ở hàng nước, đang cười cười nói nói. Có một cụ già lưng còng, tóc bạc, cũng muốn vào hàng nước nghỉ. Nhưng mấy cái ghế chật ních cả rồi, cụ cứ loanh quanh (xa xẩn) đứng ở ngoài.

Một cậu học trò ít tuổi nhất, thấy thế, vội vàng đứng ngay vậy, nhường chỗ mời cụ ngồi. Sau lại cầm hộ cả cái điếu đưa cho cụ hút thuốc. Mấy cậu ngồi bên cạnh, bây giờ cùng bảo nhau ngồi dồn lại cho rộng chỗ.

Cụ già ăn thuốc xong, khen các cậu rằng:

“Các cậu là học trò tràng nào, mà khéo học được những điều lễ phép như thế! Lão đây thật lấy làm quí hoá cái nết của các cậu”.

Giải nghĩa: Xúm xít: tụ họp nhiều người lại một chỗ. Chật ních: không còn chỗ hở nào. Cầm hộ: cầm giúp (hộ là tiếng quen dùng ở miền Bắc). Ăn thuốc: (lối nói quen dùng ở miền Bắc) tức hút thuốc lào. Tràng: (tiếng quen dùng ngày xưa) trường. Lão: tiếng người già tự xưng.

THƯƠNG NGƯỜI NHƯ THỂ THƯƠNG THÂN

 

Thấy người hoạn nạn thì thương,
Thấy người tàn tật lại càng
trông nom.
Thấy người già yếu ốm mòn,
Thuốc thang cứu giúp, cháo cơm đỡ đần.
Trời nào
phụ kẻ có nhân,
Người mà có đức, muôn phần vinh hoa.
Nguyễn Trãi gia huấn.


Đại ý - Trong bài nói phải thương hết cả mọi người cùng khổ, hoạn nạn, như người tàn tật, người già cả, người ốm yếu. làm điều hay thì gặp hay, dù không nữa, thì trong bụng cũng được hả hê.

Giải nghĩa.- Trông nom = coi sóc. - Hoạn nạn = những điều sẩy đến làm cho lo lắng khổ sở. - Phụ = quên ơn, bội nghĩa. - Có nhân = có lòng thương yêu mọi người. - Có đức = có bụng tốt, ăn ở tử tế với mọi người. - Vinh hoa = sang trọng, sung sướng.

 

ANH NÓI KHOÁC


Tí và Sửu đi qua một đám ruộng bí. Tí chợt trông thấy quả bí to, nói rằng: "Chà! Quả bí đâu mà to như thế kia!" Sửu có tính hay nói khoác, cười mà bảo rằng: "Thế đã lấy gì làm to. Tôi đã từng thấy những quả bí to hơn nhiều. Có một bận, thật mắt tôi trông thấy một quả bí to bằng cả một cái nhà ở trước mặt ta kia kìa. - Tí nói: "Thế đã lấy gì làm lạ. Tôi còn nhớ một bận tôi trông thấy cái xanh đồng to vừa bằng cả cái đình làng ta ấy". - Sửu hỏi: "Cái xanh ấy dùng để làm gì mà to quá như thế?" - "À, thế bác không biết à. Cái xanh ấy dùng để luộc quả bí của bác vừa nói ấy mà."

Sửu biết Tí chế nhạo mình, mới nói lảng ra chuyện khác.

Nói điều gì phải cho đúng với sự thật, chớ nên bịa đặt ra mà người ta chê cười.

Giải nghĩa. - Nói khoác = nói quá sự thật. - Quả = trái. - Xanh = đồ bằng đồng dùng để đun nấu, có hai quai, và khác với cái chảo, vì nó bằng trôn.

 

LÒNG THƯƠNG KẺ TÔI TỚ

Ông Lưu Khoan thuở xưa là một ông quan có tiếng nhân từ. Một hôm, ông mặc áo, đội mũ chỉnh tề, sắp đi chầu. Con thị tì bưng bát cháo lên hầu. Chẳng may lỡ tay đánh đổ cháu ra áo chầu. Con thị tì sợ hãi, vội vàng lấy tay vuốt chỗ cháo đổ. Ông Lưu Khoan không đổi sắc mặt, từ từ nói rằng: “Mầy có bỏng tay không?”

Ôi! Tay người ta bỏng thì đau đớn nhiều, áo quí mà hoen bẩn là việc nhỏ. Ông Lưu Khoan biết quên cái áo bị bẩn của mình, mà chỉ nghĩ đến tay bỏng của người đầy tớ, thật là người có đại độ, biết thương người dưới.

Giải nghĩa: Nhân từ: có lòng thương người. Chỉnh tề: ngay ngắn, đàng hoàng. Chầu: vào triều để tiếp đón vua và nghe vua ra các mệnh lệnh. Thị tì: tiếng gọi người ở gái trong nhà quan ngày xưa. Không đổi sắc mặt: ý nói không chút giận dữ. Bỏng: (tiếng quen dùng ở miền Bắc) phỏng, dộp. Hoen bẩn: (tiếng quen dùng ở miền Bắc) bị vấy điều dơ, bị các chất dơ làm cho xấu đi. Đại độ: có độ lượng lớn, có bụng rộng rãi, biết bao dung và thương người.

 

LỜI KHUYÊN CON
(Ca dao)
Bài học thuộc lòng

Con ơi, muốn nên thân người,
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha.
Gái thì giữ việc trong nhà,
Khi vào
canh cửi, khi ra thêu-thùa.
Trai thì đọc sách, ngâm thơ,

Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa.
Mai sau nối được nghiệp nhà,
Trước là đẹp mặt, sau là ấm thân.


Giải nghĩa. - Canh cửi = dệt tơ, dệt vải. - Dùi mài = chăm-chỉ học-hành. - Kinh-sử = sách vở học để đi thi. - Kịp khoa = đây là kịp khoa thi.

THƯƠNG NGƯỜI NHƯ THỂ THƯƠNG THÂN

 

Thấy người hoạn nạn thì thương,
Thấy người tàn tật lại càng
trông nom.
Thấy người già yếu ốm mòn,
Thuốc thang cứu giúp, cháo cơm đỡ đần.
Trời nào
phụ kẻ có nhân,
Người mà có đức, muôn phần vinh hoa.
Nguyễn Trãi gia huấn.


Đại ý - Trong bài nói phải thương hết cả mọi người cùng khổ, hoạn nạn, như người tàn tật, người già cả, người ốm yếu. làm điều hay thì gặp hay, dù không nữa, thì trong bụng cũng được hả hê.

Giải nghĩa.- Trông nom = coi sóc. - Hoạn nạn = những điều sẩy đến làm cho lo lắng khổ sở. - Phụ = quên ơn, bội nghĩa. - Có nhân = có lòng thương yêu mọi người. - Có đức = có bụng tốt, ăn ở tử tế với mọi người. - Vinh hoa = sang trọng, sung sướng.

 

CON CHỒN VÀ CON GÀ TRỐNG


Một hôm, con chồn gặp con gà trống ở bụi tre. Gà sợ, kêu rối rít. Chồn cũng sợ chủ nhà họ bắt được, thì họ đập chết. Chồn bèn lấy lời ngon ngọt dỗ gà rằng: "Sao bác lại gắt gỏng như vậy? Tôi với bác là họ hàng bà con với nhau cả đấy mà." Gà thấy chồn nói dễ nghe, cất tiếng gáy vui vẻ lắm. Chồn khen nức nở: "Ôi chao! bác gáy sao mà hay như thế! Song tôi còn nhớ ngày xưa ông nhà ta gáy còn hay hơn mấy, vì lúc cụ gáy cụ cứ nhắm mắt lại." Gà lại gáy, nhưng vẫn còn ngờ vực, chỉ nhắm có một mắt mà thôi. Chồn ở dưới làm như gõ nhịp, vừa cười vừa nói: "Ôi chao ôi hay quá! Nhưng nếu bác nhắm cả hai mắt lại mà gáy, thì tôi chắc bao nhiêu gà ở xung quanh đây nghe tiếng chỉ những nổi cơn ghen lên mà chết!" Gà đắc ý, nhắm tít cả hai mắt lại, định gáy cho thật hay, nhưng vừa há mỏ, chồn đã nhẩy chồm lên cắn cổ mà tha về tổ để ăn thịt.

Ôi! Mật ngọt chết ruồi! Hay ưa nịnh hót có khi hại đến thân.

Giải nghĩa. - Chồn = giống vật mõm dài và nhọn, tai to, đuôi dài, hay bắt gà và chim, ta thường gọi là cáo, nhưng không được đúng vì cáo thuộc về loài mèo. - Rối rít = chíu chít. - Gắt gỏng = rầy rà. - Gõ nhịp = đánh cái gì để cùng họa theo vào tiếng đàn, tiếng hát. - Nhắm tít = nhắm kín mắt lại, hai mi mắt như dính liền với nhau. - Mật ngọt chết ruồi = câu tục ngữ, nghĩa đen: con ruồi thấy mật ngọt, ham ăn mà chết; nghĩa bóng: người ta vì ưa lời nịnh mà hại đến thân.

 

CHƠI ĐÙA KHÔNG PHẢI LÀ VÔ ÍCH

Cứ đến giờ chơi, học trò ra cả ngoài sân, đứa thì chạy nhảy, đứa thì đánh quay (đánh vụ), chơi đùa ầm ĩ, thật vui vẻ. Duy có cậu Tí cứ cầm quyển sách đọc, không chịu chơi.

Thầy giáo thấy thế đã nhiều lần, một hôm gọi cậu Tí lại hỏi. Cậu ấy thưa rằng: “Thưa thầy, con tưởng đã đi học, thì chỉ chăm lo học hành, chơi đùa làm gì cho phí thời giờ”. Thầy nói: “Cũng khá khen cho con là đứa chăm học. Nhưng miễn là đừng lười biếng thì thôi, chứ chơi đùa chạy nhảy, cũng không phải là vô ích. Nếu con mãi miết học cả ngày, không nghỉ một phút nào, thì trí khôn sinh quẫn, mà thân thể cũng mỏi mệt, học sao tinh tường được. Vậy phải có học và có chơi, thì sự học mới dễ dàng và chóng tấn tới.

Giải nghĩa: Phí: uổng. Mãi miết: quá chú tâm vào một việc gì. Miễn là: chỉ cốt là, quí hồ là. Quẫn: mệt mỏi và mất sáng suốt. Tinh tường: sáng tỏ.

CHỖ QUÊ HƯƠNG ĐẸP HƠN CẢ

Một người đi du lịch đã nhiều nơi. Hôm về nhà, kẻ quen người thuộc, làng xóm láng giềng đến chơi đông lắm. Một người bạn hỏi: “Ông đi du sơn du thuỷ, thế tất đã trông thấy nhiều cảnh đẹp. Vậy ông cho ở đâu là thú hơn cả?” Người du lịch đáp rằng: “Cảnh đẹp mắt tôi trông thấy đã nhiều, nhưng không đâu làm cho tôi cảm động, vui thú bằng lúc trở về chốn quê hương, trông thấy cái hàng rào, cái tường đất cũ kỹ của nhà cha mẹ tôi. Từ cái bụi tre ở xó vườn, cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi ra cho tôi những mối cảm tình chứa chan, kể không sao xiết được.”

Giải nghĩa: Du lịch: (du: chơi, lịch: trải) đi thăm chơi nhiều nơi. Du sơn du thuỷ: chơi chỗ núi, chỗ sông, ý nói đã xem nhiều phong cảnh đẹp. Thế tất: ắt hẳn. Quê hương: làng quê, nơi mình sinh ra và lớn lên có nguồn gốc tổ tiên ở đấy. Khúc khuỷu: quanh co, gập gẩy, không thẳng một chiều. Chứa chan: đầy tràn, nhiều, bề bộn. Không sao xiết được: không sao hết được. Tiếng xiết quen dùng ngày xưa, nay ít phổ biến.

 

NGƯỜI SAY RƯỢU


Các anh hãy trông người kia đi ngoài đường. Mặt đỏ gay, mắt lờ đờ, quần áo xốc xếch, chân đi xiêu bên nọ, vẹo bên kia, múa chân múa tay, mồm nói lảm nhảm, chốc lại ngã chúi một cái. Lũ trẻ đi theo sau, reo cười chế nhạo. Thỉnh thoảng anh lại đứng lại, nói những chuyện gì ở đâu đâu. Người qua lại, trông thấy cũng phải tránh xa.

Người ấy vừa ở hàng rượu ra. Chỉ tham mấy chén rượu mà thành ra say sưa, mất cả tư cách con người, có khi như là con vật vậy, thật là đáng khinh bỉ.

Hỡi các anh, các anh đã trông thấy người say rượu như thế, thì nên lấy đó làm gương mà giữ mình.

Giải nghĩa. - Xốc xếch = xệch-xạc = không được gọn gàng. - Tư cách = phẩm giá.