Home Văn Học Khảo Luận Từ Tiếng Cười tới Lối Chửi của Người Việt

Từ Tiếng Cười tới Lối Chửi của Người Việt PDF Print E-mail
Tác Giả: Lưu Văn Vịnh   
Chúa Nhật, 15 Tháng 3 Năm 2009 07:20

Thời xưa nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh trong loạt bài Xét Tật Mình (Đông Dương Tạp Chí số 22) đã bàn về tật “ Gì Cũng Cười “ như sau : “ An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì, quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng mọi việc hết nghiêm trang.

…Nhưng mà xét ra cái cười của ta nhiều khi có cái vô tình độc ác, có cách láo xược khinh người, có câu chửi người ta, có nghĩa yên trí không phải nghe hết lời người ta mà đã gièm trước ý tưởng người ta, không phải nhìn kỹ việc người ta làm mà đã chê sẵn công cuộc người ta….”

Tiếng cười chắc hẳn mang nhiều ý nghĩa phản ảnh tâm lý con người, văn hào triết gia Do Thái Pháp Henri Bergson (Nobel văn chương 1927) từng bàn luận sâu sắc về Cười trong cả một cuốn sách triết lý Le Rire, ông viết : hài hước nằm trong bản tính con người ( Il n’y a pas de comique en dehors de ce qui est proprement humain ) người Việt với văn hóa trọng lễ, ngại nói thẳng, tránh nói rõ trắng hay đen vì sợ làm mất lòng người khác, trường hợp ấy có lẽ cười là thượng sách ! cười là hòa cả làng ( Bergson cũng nhận định tương tự : rien ne désarme comme le rire, không gì giải tỏa bằng cười !),nếu chỉ như thế thì tiếng cười là nhân cách của người hiền, coi mọi chuyện phải trái như tấn tuồng đời, chẳng cần bận tâm tranh cãi, đối đáp…nhưng cụ Nguyễn Văn Vĩnh cũng hé thấy một khía cạnh tâm lý của tiếng cười An Nam ta : cái tính độc ác ! mà tính độc ác thì chẳng những phản ảnh ở tiếng cười diễu cợt mà còn phản ảnh trong nhiều câu tục ngữ nhằm chê bai gièm người khác xuống không chút thương cảm, thí dụ nói : Nhất lé, nhì lùn, tam hô, tứ sún.. để chê bai người có tật, cứ người ngoại quốc thì miệt thị gọi bằng thằng, bằng con , bằng nó... dường như chúng ta rất hà tiện lời khen nhưng rất bừa bãi lời chê, khen ai thì sợ người đó hơn mình, chê bai vì muốn nâng mình lên trên. Đã có một người Pháp ở Huế thời Pháp thuộc phê phán An Nam ta qua ba chữ rất gọn và rất độc : nói dối, ăn cắp, sát nhân ( menteur, voleur, assassin )!

Tìm hiểu tính độc ác, thiết tưởng cần phân tích thêm lối CHỬI, vốn dĩ phản ảnh tâm thức sâu xa của con người trong bất kỳ văn hóa nào.

*
Lối chửi của ta có thể phân loại như sau :

1- Liên quan tới tông chi, họ hàng, mồ mả, tổ tiên : td đù má mày ( hoặc đéo mẹ mày ) chứ không chửi đù mày hay đéo mày ( fuck your mother chứ không nói fuck you như người Anh Mỹ ), hay đào mồ đào mả nhà mày lên, cái mả mẹ mày, hoặc cha tiên sư bố mày.

2- Liên quan tới súc vật thấp kém : đồ chó, ngu như bò, bố khỉ, đầu trâu mặt ngựa, đồ súc sinh, con đĩ ngựa, đồ chó đẻ ( tương tự son of the bitch tiếng Anh ), quân chó má...

3- Liên quan tới đồ dơ bẩn : ăn cứt tao ( người Mỹ nói shit happens có nghĩa bực tức như chó má thật, chứ không nói eat my shit như ta ), uống máu l.., ỉa vào mặt mày, nói thối như cứt ( hay nói tắt thối quá !) đái vào mặt chúng nó…

4- Liên quan tới tình dục : đù, đéo, địt, bú c..., liếm l..., bú đít …

5- Nguyền rủa : ba đời đi ăn mày, mồ mả táng vào hàm chó, khó năm đời mười kiếp, qua sông đắm đò, trời đánh thánh vật, chết không nhắm mắt…

Những câu chửi nhẹ, biểu lộ bực tức, như đồ vô lại, phường tiểu nhân, thằng Sở Khanh, đồ mất dạy, quân khốn nạn, đồ đểu, thì rất nhiều không thể kể ra hết, ở đây chỉ kể những câu chửi rủa tiêu biểu ác tính của con người. Một câu chửi nhẹ thông thường của Mỹ là “son of the gun” ( quân bất trị !) cũng khó tìm được chữ tương đương trong tiếng Việt.

Văn hóa Việt Nam khởi đi từ làng xóm, thành phần nghèo nàn và ít học nhiều hơn thành phần được ăn học giáo dục, lại theo luân lý phụ hệ phong kiến từ lâu, thói hư tật xấu nơi thôn dã cộng với nạn cường hào ác bá hoành hành, thêm cướp bóc tao loạn, trộm cắp…nên mới nảy sinh ra những chuyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, chuyện Chửi Gà, đánh mắng xỉa xói lẫn nhau …đấy là phản ứng tự vệ tâm lý, là võ khí của kẻ yếu để chống lại đàn áp …cái hệ quả nguy hiểm là tâm thức chửi rủa ngấm vào tiềm thức, nảy ra thành bạo lực, đưa tới những hành động rất Bẩn và Ác.

Lối chửi Trạng Quỳnh như “ đá bèo “, nói lái là “ đéo bà “ thì tiêu biểu cái tinh quái bình dân, lối Chửi Gà, chửi liên tục cả ngày cả đêm, chửi có bài bản như hát nói, hát ví, hết mẹ đến con chửi tiếp sức, có khi lại thuê cả người chửi (như thuê người khóc trong đám tang!), chửi liên miên vì mất một con gà v..v..có thể là một hình ảnh rất độc đáo của hủ tục làng xã châu thổ sông Hồng sông Mã…mà ở những vùng đất mới, đủ ăn đủ mặc như vùng châu thổ Cửu Long thì không thấy có.

Nếu chồng có thể đánh vợ, mắng chửi vợ, tát vợ, nếu cha mẹ, thày giáo có thể nọc trẻ con ra mà đánh, tát , mắng giữa lớp…thì hệ quả là đứa trẻ ấy lớn lên cũng có thể đánh, mắng, chửi người khác coi như là truyền thống thường tình.. và cảnh Cộng Sản đấu tố ác liệt ở Tầu, Việt…đàn bà trẻ con xỉa xói vỗ tay vỗ đít chửi rủa nạn nhân, bắt người ăn cứt, giam người vào chuồng phân heo…đều phát khởi từ tâm thức chửi rủa tiềm tàng mấy kiếp, bộc lộ ác tính rất sâu trong độc căn của loài vật người. Ac tính độc căn ấy ở mỗi nền văn hóa lại khác nhau: ở Nga Xô thì cũng đầy ải tù nhân đi Tây Bá Lợi Á, hoặc xử bắn, ở Đức Quốc Xã thì dùng hơi ngạt diệt cả triệu người, ở thời phong kiến thì lột da nhồi chấu, tru di tam tộc, phanh thây xé xác, voi dày ngựa kéo…ác tính như vậy ở đâu cũng có, chỉ khác nhau ở phương cách áp dụng. Lối chửi của người Việt có thể gọi là Ac khẩu phát ra từ đáy tầng Khẩu nghiệp.

1- ÁC KHẨU

Chửi là ác khẩu, miệng lưỡi rắn độc của sinh vật người vốn mang thú tính, cho nên có thể làm đau người khác, không đau về thể xác mà đau về tinh thần : ta không nói đù mày mà chủi tới thượng tầng đù mẹ mày, tới Cha Tiên Sư Bố Mày ( chửi cấp số nhân, hoặc chửi lũy thừa ba : Mày, Cha, Tiên Sư một lúc ), những câu chửi liên quan tới mồ mả có lẽ chỉ quan trọng ở thời xưa, ngày nay nó rơi rớt lại phản ảnh hủ tục cũ lấy gốc gác mồ mả ra mà chửi rủa nhau. Những câu chửi loại nguyền rủa : khó ba đời, chết không nhắm mắt…là loại chửi nhẹ, gây tác động tâm lý nơi đối tượng, phản ảnh lòng ghen tức hoặc bất mãn… muốn kẻ địch phải tuột xuống, không bây giờ thì về sau, cho bằng hoặc kém mình, đây là phản ứng tâm lý đòi công bình cho mình với kẻ thù đã áp chế gây nỗi đau cho mình.

Cũng có cách chửi độc như nhại tiếng nhại giọng người khác “ chửi cha không bằng pha tiếng” phản ảnh óc địa phương, người vùng này chê giọng người vùng khác, như chê giọng trọ truẹ, giọng nói ngọng “ nàm sao thì nàm “ …hoặc chửi bóng gió :

Sấm đằng Đông, động đằng Tây
Tuy rằng nói đấy nhưng đây động lòng !

2- CÓ THỂ DÙNG PHÂN TÂM HỌC FREUD Ở ĐÂY KHÔNG ?

Tâm lý gia Freud phân tích tâm lý con người từ thời thơ ấu nhấn mạnh tới sex và đại tiểu tiện như hai yếu tố hình thành cơ chế tâm lý người lớn . Trong lối suy tư này có thể tạm suy diễn ra cơ chế lối chửi Việt Nam như sau :

Theo Freud 6 năm đầu đời người là mầm mống của nhân cách :

Từ 0-2 tuổi đứa trẻ sống với bản năng sinh lý, ăn, uống, ngủ, đái ỉa, ấm áp…để thỏa mãn nhu cầu thích thú (pleasure principle), đây là giai đoạn môi miệng (oral phase), bú sữa với cái mồm làm chính.

Từ 2-3 tuổi đứa trẻ lớn hơn, sống với thực tế hơn (reality principle), nghĩa là không phải lúc nào cũng thỏa mãn được nhu cầu thuần sinh lý ăn, uống, đái, ỉa…cái Tôi -Ego lúc này có xung khắc với cái Thú - Id, mặc dù cả hai đều là ích kỷ, tìm thỏa mãn cho chính mình. Đây là giai đoạn Ỉa Đái (anal phase ) sự thích thú chuyển từ Mồm xuống Đít

Từ 3-6 tuổi, đứa trẻ sống với khuôn phép do cha mẹ dạy bảo, một thượng tầng nhân cách-Superego- chồng lên trên cái Thú Id và cái Tôi Ego, đây là cái khung luân lý xã hội uốn nắn nhân cách mà không phải tất cả mọi người đều có, nhiều tội nhân không ý thức được tội ác do mình gây ra, giết người không gớm tay..., vì không có thượng tầng này. Trong giai đoạn này phái tính sinh dục phát triển, con gái mến cha, con trai mến mẹ, tạo nên mặc cảm Oedipus và mặc cảm của con trai sợ bị xẻo ( thiến hoạn castration ) !

Nhìn vào các giai đoạn phát triển nhân cách trên, hai giai đoạn đầu Bú và Ỉa có thể giải thích phần nào lối chửi tục của ta :

- Nếu đứa trẻ được bú sữa đầy đủ, khi lớn lên sẽ trở thành người lạc quan, vui vẻ, dễ dãi, tin yêu, ngược lại nếu bị đói khát thiếu dinh dưỡng (như trường hợp của xứ ta), mẹ chẳng đủ sữa cho con bú, đứa trẻ lớn lên dễ trở nên bi quan, không tin ai, đa nghi, cau có, giận dữ, khó tính, hay giận dỗi.

- Đứa trẻ tập đi cầu là tập sự thải bỏ, tập tính tự lập, tự tin, biết khi nào phải “phóng” uế …nếu bị ép đi quá đứa trẻ phản ứng ngược lại, trở thành kẻ giữ chịt tất cả, hà tiện bủn xỉn, bị ép đi đều đặn quá về sau có thể hóa ra kẻ rất kỹ càng về giờ giấc, hoặc ngược lại rất bê bối, lúc nào cũng trễ nải…

Tất nhiên quá trình phát triển nhân cách của Freud không áp dụng hoàn toàn được cho mọi trường hợp, nhưng có hai điểm liên quan với lối chửi tục là Sex và Cứt đái, hai thành phần cơ bản của động vật Người ! Ta không lấy làm lạ trẻ con rất hay chửi tục và người lớn khi “ văng” tục cũng không khác gì “phóng” cái uế bẩn vào người khác mà đồng thời cũng để thỏa cái tức cái uất trong mình, giống như đi ỉa, đi đái xong thì thấy nhẹ nhõm trong người. Trong diễn trình phát triển nhân cách, có trường hợp con người bị ngưng đọng (fixation) ở giai đoạn môi miệng hoặc hậu môn ( oral fixation và anal fixation) và không tiến lên được : mút ngón tay như trẻ con bú sữa, nhõng nhẽo, hay khóc, nhiều phim Tầu chêm cảnh đái, ỉa, đánh rắm ( đánh địt )...như là chuyện hài hước mà ở các văn hóa khác thì lại là chuyện rất thô tục bẩn thỉu. Ngay thời tiến chiến ở Hà Nội, một nghị viên thành phố bị đối thủ bất ngờ nhét cứt vào mồm khi đang ngồi trên xe kéo ! ở Sài Gòn, cầu tiêu gói ném từ nhà này sang nhà kia, hoặc lấy phân người trát lên cửa nhà nhau vì gây gỗ...

*
Một xã hội nghèo nàn khó đạt được việc vun trồng nhân cách : đủ ăn đủ mặc mới thỏa mãn giai đoạn Bú oral phase, nhà cửa rộng rãi đầy đủ tiện nghi cầu tiêu cầu tiểu sạch sẽ mới giáo dục được trẻ em ở giai đoạn đại tiểu tiện-anal phase, từ đó nhân cách mới nẩy nở trọn vẹn như cây cối đủ nắng đủ mưa đủ phân bón mới mọc tươi tốt xum xuê. Nếu không thì cái mồm sẽ dễ văng tục, cái miệng sẽ dễ phóng uế vào đồng loại..nghèo nàn thiếu kém tạo ra phản ứng bù đắp như tham nhũng, ích kỷ, tham quyền cố vị, bị hiếp đáp lúc nhỏ, khi lớn lại đi hiếp đáp người khác để trả thù cho chính hình bóng của mình thời thơ ấu…đấy chính là ác nhân tạo ra ác quả chồng chất…mà sự phồn thịnh kinh tế may ra có thể tiêu giảm được. Dinh dưỡng no đủ, an cư lạc nghiệp, gia đình có mái nhà ấm cúng, là cách thực tế hay nhất để giải quyết uẩn ức trong lòng người và tranh chấp ngoài xã hội.

Đại Y Sư Thích Ca Mầu Ni, trong truyền thống Tâm Lý Học Hy Mã Lạp Sơn, tóm tắt ba căn tâm bệnh của loài người là lòng Tham vô đáy, Sân hận ghen ghét và Si mê u tối, trong 8 lối thoát giải tỏa 3 căn bệnh kết đọng sâu xa trong tàng thức trên, Ngài nhấn mạnh hơn bất cứ hiền triết nào khác : giữ mồm giữ miệng, chính ngôn chính ngữ, ngài lập đi lập lại trong Ngũ giới : không nói dối, nói bậy, nói xấu…bất vọng ngữ, nói lời ái ngữ hòa thuận…tất nhiên văng tục chửi bậy là loại bệnh trầm kha, ngôn ngữ chấp kiến là sợi dây thừng độc xà quấn quanh cổ họng..cho nên nhân loại sống chung mà vẫn tương tàn chửi bới không bao giờ yên ổn.
Thú tính độc căn có thể lộ ra trên khuôn mặt con người, nghe chửi rủa ăn tục nói bậy có thể đo lường được chiều dài ác nghiệp của chúng sinh, đọc lịch sử dân tộc từ chém giết tương tàn Trịnh Nguyễn tới Nam Bắc Quốc Cộng phân tranh, từ diệt tộc Chiêm Chàm tới chết trôi biển Đông…thì thấy gieo nhiều ác căn, tất phải kinh qua nhiều chặng thời gian vũ trụ để rửa nghiệp nặng, còn phải trồng thêm vườn hoa thiện căn lấn át cỏ dại mới nảy sinh được hòa bình thịnh trị…phải chăng tịnh khẩu pháp môn là phương pháp tu luyện thích hợp nhất cho dân ta ?