“Tên Viet Film Fest ngắn gọn hơn và giống với website đã có từ rất lâu năm của đại hội điện ảnh là vietfilmfest.com. Thêm vào đó, đại hội điện ảnh sẽ đến mỗi năm một lần để mọi người có thể thưởng thức nhiều tác phẩm mới của các đạo diễn gốc Việt từ khắp nơi trên thế giới.”
Khai mạc Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế 2014
ANAHEIM (NV) - Không gian trước rạp chiếu phim UltraLuxe Cinemas, gần ngay DisneyLand, chiều tối Thứ Năm, 10 Tháng Tư, trở nên tưng bừng, rộn ràng, đầy ắp tiếng nói cười cùng gương mặt rạng rỡ, hân hoan của những người mến mộ Nghệ Thuật Thứ 7: tất cả cùng hội tụ chờ đợi giờ khai mạc Ðại Hội Ðiện Ảnh Việt Nam Quốc Tế (VFF) 2014.
Hiện diện trong buổi khai mạc VFF, có đạo diễn Hàm Trần, nổi tiếng với phim Vượt Sóng, đạo diễn Timothy Linh Bùi (phim Rồng Xanh), nữ tài tử Kathy Uyên (phim Passport to Love), nam tài tử Phan Anh (phim First Love), nữ diễn viên gạo cội Thanh Lan, tài tử Kiều Chinh, cùng nhiều đạo diễn, diễn viên, và các nhà sản xuất phim.
Bằng giọng nói và gương mặt chứa đựng sự hồi hộp lẫn hào hứng trước giờ khai mạc, cô Lê Đình Ysa, đồng giám đốc tổ chức VFF lần thứ 7 cho biết: “Đây là lần đầu tiên VFF được tổ chức ngay gần Little Saigon và ngay tại UltraLuxe, ở thành phố Anaheim, cách Bolsa chỉ 10 phút lái xe. Đây là rạp rất đẹp, cũng là địa điểm tụi này rất đắc ý khi tìm được.”
Quang cảnh trước giờ khai mạc Ðại Hội Ðiện Ảnh Việt Nam Quốc Tế (VFF) 2014
tại UltraLuxe Cinemas, gần ngay DisneyLand, tối Thứ Năm, 10 Tháng Tư, 2014. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Nói thêm về sự thay đổi tên gọi, từ ViFF (Vietnamese International Film Festival) thành VFF (Viet Film Fest) ngắn gọn hơn, đến quyết định biến sự kiện này trở thành thường niên (thay vì 2 năm 1 lần như trước đây), cô Ysa giải thích: “Tên Viet Film Fest ngắn gọn hơn và giống với website đã có từ rất lâu năm của đại hội điện ảnh là vietfilmfest.com. Thêm vào đó, đại hội điện ảnh sẽ đến mỗi năm một lần để mọi người có thể thưởng thức nhiều tác phẩm mới của các đạo diễn gốc Việt từ khắp nơi trên thế giới.”
Nữ diễn viên được giới truyền thông săn đó phỏng vấn nhiều trước giờ khai mạc có lẽ là ca sĩ Thanh Lan. Bởi lẽ, cuốn phim mà cô góp mặt lần này, “Goodbye Saigon”, là một bộ phim có “lịch sử” khá đặc biệt.
Thanh Lan cho rằng cô “rất nôn nóng để bước vào Đại Hội Điện Ảnh Việt Film Fest 2014” bởi lẽ “năm nay có một cuốn phim của Thanh Lan đóng.”
“Mặc dù đã quay từ Tháng Ba, năm 1975, tưởng đi vào quên lãng rồi nhưng không ngờ bên Nhật bị thất lạc, nằm trong kho 38 năm. Bây giờ tìm ra được, ráp nối lại và năm 2013 đã gửi đi các Festival trên thế giới như ở Hòa Lan, Pháp, Mỹ, Nhật. Và chính Thanh Lan đã nhắn với các nhà làm phim Nhật hãy đem phim đến dự Viet Film Fest vì người Việt Nam rất nôn nóng để xem lại cuốn phim này.” Nữ diễn viên kiêm ca sĩ dường như không bị thời gian bào mòn tuổi tác, kể về lịch sử của “Goodbye Saigon.”
Có mặt trong ngày khai mạc tưng bừng này còn có diễn viên Nhật Kenji Isomura, từng đóng trong phim Goodbye Saigon, bay từ Tokyo sang.
Dù từng sang Mỹ nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên người diễn viên Nhật này đặt chân đến vùng Orange County và cảm thấy “quá tuyệt vời và rất ngạc nhiên về sự kiện VFF.”
“Thời gian làm phim Goodbye Saigon là năm 1975. Tôi nhớ khi đó tôi chỉ mới 24 tuổi, còn rất trẻ, Thanh Lan cũng thế. Tôi đã đi đến nhiều nơi ở Sài Gòn, ở Huế và có rất nhiều kỷ niệm làm phim. Đó là một phim rất đặc biệt đối với tôi.” Diễn viên Kenji Isomura chia sẻ.
Cười té ghế cùng “Âm Mưu Giày Gót Nhọn”
Phim “What If?” (Giả sử) của đạo diễn Phoenix Vũ, với thời lượng 12 phút là phim đầu tiên mở màn cho VFF 2014.
Chỉ trong 12 phút, chuyện phim đã gói gọn được tâm tình của một cô gái cảm thấy chao đảo, hoang mang và chông chênh trong việc xác định lại tình cảm của mình khi ngày đám cưới đã cận kề. Câu hỏi “Giả sử” được đặt ra xuyên suốt trong phim. Giả sử nếu cô và người yêu cũ chưa chia tay thì giờ này họ sẽ ra sao? Giả sử nếu cô và vị hôn phu không đổi kế hoạch đi hưởng tuần trăng mật ở Châu Âu mà vẫn đi Ai Cập như dự tính ban đầu thì sẽ thế nào? Giả sử cô và người yêu cũ trở lại với nhau, hủy bỏ đám cưới thì có được không?...
Những câu hỏi “giả sử” như thế được đặt ra, qua một câu chuyện tình, có thể khiến người xem bật cười. Nhưng đằng sau đó, dường như là một nỗi băn khoăn: Liệu trong cuộc sống, mình có bằng lòng với thực tại, hay cứ mãi loay hoay đi tìm một “giả sử”?
Phim kết thúc, người xem hơi ngẩn ngơ, giá mà nó có thể được phát triển thành một bộ phim dài thì sẽ thỏa mãn hơn cho người xem. Và như vậy, người ta lại có quyền kỳ vọng đôi ba năm nữa, đạo diễn Phoenix Vũ sẽ lại có mặt trong VFF bằng một bộ phim truyện, như đạo diễn Hàm Trần trước đây.
Nói như thế để thấy, khi tham gia Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế lần thứ nhất, năm 2003, Hàm Trần, khi đó vừa tốt nghiệp đại học UCLA, cũng chỉ được người xem biết đến qua một phim ngắn, nhưng trong lần VFF này, “Âm mưu giày gót nhọn” (How To Fix In Six Inch Heel?) của anh, với độ dài 95 phút, là phim feature đầu tiên được trình chiếu.
Đạo diễn Hàm Trần (thứ 3 từ phải) cùng đoàn làm phim "Âm Mưu Giày Gót Nhọn"
đang trả lời phỏng vấn của khán giả sau buổi chiếu khai mạc VFF 2014 (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Dù mới công chiếu lần đầu tiên tại Quận Cam, “Âm mưu giày gót nhọn” của Hàm Trần, với Kathy Uyên đóng vai nữ chính, kiêm luôn nhà sản xuất, đã được chào đón và khen ngợi rất nhiều ở Việt Nam từ năm 2013.
Phim hài “Âm Mưu Giày Gót Nhọn” là câu chuyện về Anne (Kathy Uyên), một nhà thiết kế tại kinh đô thời trang New York. Anne thuộc nhóm phụ nữ hiện đại điển hình: thông minh, tự tin và quyết đoán. Cô luôn tự hào về bản "kế hoạch 3 x 2" được cô lập ra cho cuộc đời của mình. Tất cả những gì Anne làm đều được sắp xếp theo trình tự định trước vì cô muốn bản kế hoạch này phải thành công rực rỡ.
Nhưng cuộc sống luôn là những chuỗi ngày đầy bất ngờ. Khi Kiệt (Petey Majik Nguyễn), chồng sắp cưới của Anne, đi công tác tại Việt Nam 3 tháng, mọi thứ dần vượt ra khỏi vòng kế hoạch có thể kiểm soát. Nghi ngờ Kiệt ngoại tình, Anne trở về Việt Nam và dấn thân vào thế giới thời trang hào nhoáng nhưng cũng đầy tranh đua, đấu đá. Cô gặp gỡ và tìm cách kết thân với 3 người mẫu (Trúc Diễm, Trương Nhi, và Phương Mai ) là “đối tượng” tình nghi. Mọi chuyện dở khóc dở cười cũng bắt đầu từ đó.
Đạo diễn Hàm Trần cho biết, “Có lẽ khán giả không biết là trước khi làm phim 'Vượt Sóng' thì mình là thành viên trong một nhóm hài kịch. Cơ hội làm phim 'Âm Mưu Giày Gót Nhọn' giúp mình được trở lại gốc gác của mình là làm phim hài.”
Cũng theo Hàm Trần, “Âm Mưu Giày Gót Nhọn được làm theo phong cách của phim Mỹ, của TV show Mỹ 'sitcom' thành ra nhịp của nó rất là nhanh.” Và anh nhắc nhở một cách rất hài, “Mình hy vọng là trước khi coi phim, quý vị nhớ kéo dây 'seat belt' để không phải té ghế khi cười.”
Ngoài Kathy Uyên, các diễn viên tham gia trong “Âm Mưu Giày Gót Nhọn” như Petey Majik Nguyễn, Trúc Diễm, Trương Nhi, và Phương Mai diễn xuất khá tốt, thể hiện được tính cách của từng nhân vật. Đặc biệt, để có được tiếng cười thỏa mái, không gượng gạo bật ra từ khán giả phải nói đến vai trò của các diễn viên Don Nguyễn, Jevee Mai Thế Hiệp và Sigmund Watkins.
***
VFF, trước đây được gọi là ViFF, còn kéo dài đến ngày 13 Tháng Tư tại UltraLuxe Cinemas và viện bảo tàng Bowers, 2002 N. Main Street, Santa Ana, CA 92706.
Xin mời vào trang mạng www.vietfilmfest.com để xem thêm lịch trình chiếu phim và các hoạt động diễn ra tại VFF.