- Written by: Hoàng Quân
<
Tháng Giêng, nàng rời Việt Nam, khi đang năm cuối Đại Học Sư Phạm, Sài Gòn. Từ đó, mỗi tháng đầu năm nơi xứ người, nàng bồi hồi đếm. Lại thêm một mùa xuân tha hương. Năm nọ, khi hai mẹ con ngồi nói chuyện như hai người bạn, nàng bồi hồi tâm sự:
– Năm nay, thời gian mẹ ở Đức cũng bằng thời gian mẹ ở Việt Nam đó.
Thằng nhóc, vờ nhẩm tính. Dù rất rành rẽ ngày tháng năm sinh của Mẹ, năm nào cũng quà cáp, chúc tụng chu đáo, thằng nhóc cười hóm hỉnh:
– À, vậy là Mẹ ở Đức 30 năm rồi phải không? Mẹ phải uống Doppelherz Ginseng đó nghe.
Ghẹo mẹ cho vui, chứ cu cậu cũng “tâm lý” lắm. Cu cậu mở album cũ, xem hình nàng chụp trong sân trường vài ngày trước khi rời Việt Nam, rồi khen:
– Trong hình này Mẹ 22 tuổi. Mà thấy trẻ như mấy đứa con gái nhỏ trong trường của con.
Ngày ấy, nàng hầu như không còn hy vọng được xuất ngoại, mặc dầu người anh ở Đức xin được giấy phép nhập cảnh cho gia đình đã vài năm. Thật bất ngờ, thật tình cờ, gia đình nàng biết tin được phép rời Việt Nam. Từ lúc biết tin cho đến khi lên máy bay chỉ vài tuần lễ. Giữa những bận rộn hoàn tất thủ tục xuất ngoại, lòng nàng ngổn ngang buồn. Bạn bè trong lớp của nàng chuyền tay nhau cuốn vở. Ngày cuối nàng đến trường, chào thầy cô, bạn bè, cuốn vở đã đầy kín những tâm tình. Dẫu thì giờ ngắn ngủi nơi sân trường, nàng vẫn dành cho mình đôi phút với cuốn lưu bút viết vội của bạn bè. Mắt nàng đã dừng lâu hơn khi đọc những dòng chữ, bài thơ, đoạn văn ngắn, anh bạn cùng lớp viết cho nàng. Anh bảo, để nàng đọc cho đỡ buồn. Bởi vì, sẽ không có báo Tuổi Ngọc trên đất nước của Goethe. Nàng bỗng thấy mình lệ sầu tràn mi*. Nàng bỗng nghe mình bước đi nhưng chưa nỡ rời*. Vậy mà, cho đến ngày lên đường, nàng chẳng có dịp nào nói với anh đôi câu từ giã. Bao năm sau đó, xa khỏi Việt Nam, nàng cũng chẳng có cớ, tỏ đôi lời hứa hẹn bâng quơ. Nhưng hầu như năm nào, nàng cũng ít nhất một lần đem cuốn lưu bút ra ngắm, đọc. Mỗi khi mở cuốn tập, đã vàng ố màu giấy cũ, nàng như thấy lại cô sinh viên đang những bước tập tành làm cô giáo nhỏ.
Bảo Huân
Năm nay nàng thật sự sống 3 thập niên nơi xứ người. Chứ không phải lời nói đùa của con trai cách đây mấy năm. Nàng đã bước hẳn vào ngưỡng cửa tuổi tác của tri thiên mệnh. Bạn bè nàng đã nhiều người lên chức nội ngoại. Những tiếng “chào cô” đang dần được thay thế bằng “chào bác”, “chào bà”. Khách quan mà xét, nàng sắp sửa hội đủ điều kiện để trở thành hội viên của các hội cao niên đó đây. Vậy mà, rất nhiều khi, nàng tưởng mình vẫn là cô bé ở tuổi đôi mươi. Ngước lên thấy trời xanh, mây hồng. Cúi xuống thấy cỏ biếc, hoa tươi. Mặc cho yếu tố thời gian, không gian chẳng thuận lợi, nàng vẫn dùng dằng, nấn ná ở tuổi mộng mơ, tuổi hoa, tuổi hồng.
Tháng Giêng lại về, nàng đang nghiêng đầu lật vài trang lưu bút cũ. Mời bạn cùng nàng đọc bài báo ngày xưa.
” Nàng
Nàng có cái trán gồ. Người có trán gồ thường là người bướng bỉnh. Tôi cũng có trán gồ, nên tôi cũng bướng bỉnh quá trời. Lũ con gái trong lớp lại bảo nàng có đôi mắt đẹp như hai vì sao. Có những vì sao đã tắt ánh sáng từ lâu rồi, nhưng vẫn nhìn thấy được trên bầu trời. Lạy trời cho lũ con gái trong lớp không so sánh đôi mắt nàng với những vì sao ấy. Nàng không có hộ khẩu ở thành phố. Nghĩa là nàng không có 250 gờ – ram đường mỗi tháng như tôi. Không trách được nàng thiếu sự ngọt ngào. Nàng có cái kiểu nói chua như chanh và cay như ớt. Tôi nhủ thầm: “Cũng chẳng sao. Chanh có nhiều sinh tố C, rất cần cho một đứa con trung thành của nhà ăn tập thể như tôi.” Sinh tố A thường có trong những trái cây chín đỏ. Thật lạ lùng, trong mấy năm học đầu, tôi không chú ý gì đến nàng. (Quý vị cũng có thể không chú ý gì đến một cô gái đẹp ở gần nhà, khi cô ta còn là một đứa trẻ nít.) Tôi không hiểu nàng đã xuất hiện ở lớp tôi như thế nào. Một hôm, cô bạn cùng lớp, hỏi: “Sao bác lại chú ý đến bạn cháu?” Tôi lúng túng trả lời: “Bởi vì bác có cảm giác là bác đang muốn cầm dao tự đâm vào trái tim mình.” Tôi chưa hề làm nghề mổ heo. Tôi cũng đi hỏi vợ mấy lần ở nhà quê, nhưng thất bại vì không biết làm gà, làm vịt. Nhưng tôi tin chắc sẽ đâm trúng trái tim mình, vì tôi biết nó nằm chỗ nào.
Hôm đi thực tập ở Hóc Môn, nàng đã kê bàn ghế, giường tủ đầy ắp mồm tôi, làm tôi không còn hơi sức đâu thưởng thức bữa cơm thịnh soạn mà quý vị phụ nữ lớp bạn chiêu đãi. Trở về trường học, nàng rụt rè đưa cho tôi một cuốn tiểu thuyết để đọc. Lúc đó nàng lại dễ thương hết sức. Chiều hôm đó, tôi đã lập tức đến nhà thờ xưng tội, vì đã nghĩ xấu về nàng. Sau đó, tôi gởi biếu nàng một con dế gáy. Sáng hôm sau, nàng tươi cười bảo tôi rằng, nàng đã cho nó lên thiên đàng. Tôi nhìn đôi bàn tay xinh đẹp của nàng, mà lo sợ cho lũ gà, vịt, ngỗng… ở nhà nàng. Chắc là nàng bẻ cổ chúng nó tơi bời hoa lá.
Một hôm, một tên bạn của nàng bảo rằng, nàng giống như một con mèo. Tôi dại dột cãi lại, bảo, nàng là một con cọp. Lập tức, nàng trợn mắt nhìn tôi. Ôi, đôi mắt kinh khủng quá trời! Nàng thật nóng nảy như một cái bếp lò. (Thưa quý vị, điều này cũng không có gì khó hiểu. Nếu quý vị bay vào vũ trụ bao la, đến gần hai vì sao, quý vị cho là đẹp nhất, quý vị sẽ thấy chúng như hai quả cầu rực lửa, vậy thôi!). Nhưng nói cho cùng, nàng thật dễ thương. Ở dưới nước, nàng giống như một con cá vàng. Ở trên bờ, nàng giống như một con mèo khoang. (Tên bạn của nàng thật có mắt tinh đời!) Nàng cười khì khì thật giống một đứa trẻ con. Nàng tính toán y hệt một bà già. Nàng là con nít, nhưng cũng là người lớn. Nàng nghịch ngợm như con trai, nhưng dịu dàng thật là con gái. Tóm lại, có cả chim, cả cá, cả mèo, cả cọp, có cả già, cả trẻ, cả trai, cả gái trong con người nàng. Đứng trước mặt nàng, tức là đứng trước một cái ngã bảy. Nếu quý vị thấy nàng ngồi một mình gặm bánh mì thịt thì thật là tuyệt vời. Tôi cầu trời cho nàng không bao giờ bị sún răng. Tôi lại lẩm cẩm tự hỏi, ở đất nước của Beethoven không biết có bánh mì thịt như ở Việt Nam chăng? Có rau má 50 xu, có chè thập cẩm, có sữa đậu nành, sữa đậu phộng, có cà phê kho, có trà đá, có khoai mì, có trăm nghìn món ăn, mà đồng bào tôi nghĩ ra để đánh lừa bao tử của mình. Nếu được phép khuyên nàng một câu, tôi khuyên nàng không nên ăn nhiều bơ sữa, bởi vì tôi sợ nàng sẽ mập như… cháu gái tôi. Lớp tôi có một băng xì-trum. Nhưng tôi tin rằng, nàng không bao giờ là thành viên của băng này, vì nàng thiếu tiêu chuẩn về kích thước, chiều rộng cũng như chiều dài.
Hôm thứ Ba đến trường học, người ta báo tin ngày 14 nàng rời Việt Nam. Tôi buồn rầu hết sức. Buổi chiều về, tôi vét hết tiền trong túi để mua vé số. Tôi hy vọng sẽ vớ được một món tiền kha khá. Tôi muốn tặng nàng cái đàn tranh, để nàng có dịp thi thố tài nghệ với con cháu của Bach, của Brahms. Nhưng ông trời hình như cay cú với tôi. Tôi đành để nàng đi và nghĩ rằng tôi hà tiện. Dù sao, tôi phải chia vui với con cháu Einstein, sắp được đón tiếp nàng. Tôi chúc nàng khoẻ. (Con gái chỉ cần khoẻ, không cần mạnh.) Tôi chúc nàng vui và yêu đời. (Không yêu ai càng tốt.) Tôi chúc nàng thông minh, để hạ đo ván đám Đức con trong lớp học. Tôi lạy trời cho những ai xúc phạm đến nàng bị điện giật chết tươi! (Tôi vốn sống hiền lành như con chim bồ câu, nhưng khôn ngoan như con rắn.) Bây giờ đã 11 giờ khuya. Tôi buồn ngủ và cũng không dám viết tiếp vì sợ hết giấy, hết mực. Cây bút của tôi đã bơm mực 5, 7 lần rồi. Tôi ước gì mình có một tô phở. Ở dưới đường, thằng bé bán lạc rang rao hàng như một con dế gáy cô đơn. Tôi lên giường đọc kinh và đi ngủ. Không biết phải cầu nguyện cho ai, tôi bèn cầu nguyện cho tất cả người bán lạc rang trên thế giới. Tôi tự hỏi, không hiểu nàng có thích ăn lạc rang chăng?
Con Dế Gáy –
Quên đời
Tặng em con dế nhỏ
Bởi vì em tóc dài
Như dòng sông nước chảy
Trên bờ vai sớm mai
Không là con sâu đo
Bởi đời cần ngang dọc
Không là con bọ xít
Con dế gáy đơn sơ
Cho quên đời nhọc mệt
Hà hơi cho dế thở
Thì xin em thật thà
Tặng em con dế nhỏ
Nhưng lòng anh bao la
Nhìn dòng sông chảy qua
Ngỡ hồn mình ở đó
Không là cánh chim cao
Đành làm thân cỏ bọ
Như ngày xưa nghịch ngợm
Bẻ đầu con dế mái
Nhử mồi con dế trai
Anh xòe tay gầy guộc
Tính sổ đời hôm mai
Đời anh nhiều lận đận
Nên nào anh yêu ai!
Vì em là con gái
Vì anh là con trai
Nên em thường mắc cỡ
Anh quá đỗi ngây ngô
Tim anh không biết giận
Nên thường yêu vu vơ
Tim anh chưa lận đận
Nên nào tính hơn thua
Nhà anh xa phố chợ
Nên nghèo hơn năm xưa
Lo đời anh vất vả
Anh buồn nên làm thơ
Anh về nhà làm thơ
Chiều nghe con dế gáy
Anh lại buồn vu vơ
Anh hay buồn vu vơ
Chắc yêu em dạo nọ
Nên thường buồn vu vơ”
(H. Văn)
Bạn mến, dù ở tuổi nào, dù ở nơi nao, chẳng phải Việt Nam, nàng mong rằng, cũng như nàng, bạn sẽ sống lại đôi phút Tuổi Ngọc khi đọc đoạn văn, bài thơ này, bạn nhé.
Hq
* Giấc Mơ Hồi Hương, nhạc sĩ Vũ Thành
- Written by: Đào Thị Thanh Tuyền
- Written by: Nguyễn Thị Thanh Dương
Tôi vừa xem xong youtube dài của kênh “Theo dấu giày sô”, kênh này chuyên phát lại những bản nhạc lính trước 1975 và có những hình ảnh thật người thật tại miền Nam Việt Nam thời đó làm minh họa. Tôi đã đi cùng năm tháng với những bài hát và những hình ảnh trai thanh gái lịch này họ là ai cũng là hình ảnh vợ chồng tôi ngày ấy …
Lòng bỗng rộn ràng một trời kỷ niệm ùa về, tôi vào phòng sách, lôi hết những cuốn Album trên kệ sách ra tìm kiếm và xem lại bao hình ảnh cũ. Này hình tôi thời con gái mới lớn còn nét ngây thơ, này hình biết làm dáng làm điệu với mái tóc dài xõa vai. Hình ảnh chồng cũng nên thơ chẳng kém gì, chàng trai trẻ mái tóc bồng bềnh và nụ cười tươi tắn như nắng mới đầu hôm, dáng anh nho nhã thời học sinh đến hào hoa thời khoác áo chiến binh. Xem hình tới đâu tôi rơi nước mắt tới đó, tiếc rẻ ngậm ngùi một thời hoa mộng.
Tôi chạy ra ngoài phòng khách nơi chồng đang nằm ghế sofa xem ti vi và đứng sát vào anh, ngỡ ngàng nhìn anh rõ hơn, cứ như đây là lần đầu tiên nhìn một người lạ vào trong nhà mình. Một ông già đầu hói vừa nằm xem ti vi vừa nhắm mắt lim dim tìm giấc ngủ trưa. Tôi kêu lên thất vọng:
– Ối trời ơi, em không nhìn ra anh.
Ông ta mở bừng mắt tỉnh ngủ:
– Tôi đây, cớ sao bà không nhìn ra tôi?
Tôi vẫn nhìn chồng, không tìm đâu vầng trán thanh tao, ánh mắt thắm thiết tình, chỉ thấy ánh mắt bực bội khó chịu chiếu thẳng vào mình:
– Tôi sắp ngủ bà ra phá đám. Làm gì mà nhìn tôi chằm chằm thế?
Giọng tôi thoáng niềm đau:
– Em mất anh thật rồi.
Ông ta ngồi nhổm dậy ngạc nhiên:
– Ơ kìa, bà nói gì tôi không hiểu?
Bảo Huân
Cảm xúc buồn và thất vọng dâng trào, tôi đi vội về phòng nằm ôm gối thổn thức. Ôi, mối tình thơ, chàng thơ của tôi đã thay hình đổi dạng từ lâu nhưng hôm nay xem kênh “Theo dấu giày sô” tôi lại thức tỉnh cảm nhận sâu xa, chàng lính chiến oai phong nhanh nhẹn ngày xưa là ông già lù khù đang trùm chăn nằm ghế sofa đây, ở trong nhà lúc nào cũng mở điều hòa không khí mà ông ấy vẫn thích trùm chăn. Một khoảng cách quá khứ và hiện tại quá lớn, một đổi thay quá phũ phàng.
Tôi nằm trên giường trăn trở. Giờ đây ông già đang tỉnh bơ nằm khểnh ngoài kia xem ti vi mặc cho “người em bé nhỏ sầu mộng” mà ông ta từng nâng niu ngày nào đang nằm đây ấm ức buồn một mình.
Bỗng chồng xuất hiện nơi cửa phòng, tôi tưởng anh sẽ ngồi xuống bên giường hỏi han để tôi sẽ bày tỏ cảm xúc, cùng dìu nhau về vùng trời quá khứ có anh và em hò hẹn đợi chờ. Nhưng chồng cất tiếng khô khan:
– Bà ra nấu cơm chiều. Tôi cần ăn đúng giờ để uống thuốc.
Tôi thất vọng lạnh lùng đáp trả:
– Chiều nay ăn mì gói.
– Hôm qua bà mải mê coi youtube không kịp nấu cơm tôi phải ăn mì gói. Hôm nay lại mì gói. Vì sao?
– Đang… buồn thương quá khứ, không hứng nấu.
Chồng hiểu ra ngay:
– Bà vừa xem youtube chủ đề tác động đến bà mãnh liệt lắm đây. Lúc nãy bà nói không nhìn ra anh, đã mất anh thật rồi. Tôi làm gì nên tội?
Chỉ đợi có thế tôi tuôn trào:
– Em xem youtube “Theo dấu giày sô” những hình ảnh chàng trai lính chiến, cô gái xuân xanh mà nhớ anh và em ngày xưa nên em… khóc đấy. Tại sao anh thay đổi đến thế chứ, như bây giờ nè, anh chẳng thèm hỏi han em, chia sẻ buồn vui với em mà vào ra lệnh em nấu cơm. Thật vô duyên.
– Thì bà kém gì tôi, bà cong cớn ngoe nguẩy trả lời không hứng nấu cơm, ăn mì gói. Cứ làm như tôi là con bà, mẹ cho gì ăn nấy.
– Nhưng anh vô tâm lắm cơ.
– Tôi lạ gì tính tình dở hơi của bà, theo hỏi han dỗ dành chỉ mất thì giờ, nằm xem ti vi sướng hơn …
Rồi chồng kể tội vợ dài lê thê:
– Bà lên mạng xem đủ thứ tin tức thiên hạ và xem youtube cho lắm vào, nó lậm vào người có ngày bệnh hoang tưởng đấy. Xem youtube chủ đề sức khỏe thì bà tự hào kiến thức mình giỏi như bác sĩ, động một chút là vào Google khai bệnh tìm bệnh. Xem youtube nấu ăn bà thực tập cho tôi ăn món chẳng giống ai vì bà nấu không bằng người ta. Xem kênh điều tra vụ án bà ngủ ác mộng, bà cầm súng đi cướp nhà băng bị bắt, bà đi buôn ma túy cũng bị bắt, sáng thức dậy bà vẫn chưa hoàn hồn. Xem kênh đọc truyện ma bà không dám ở nhà một mình dù ban ngày ban mặt. Xem kênh mấy nàng dâu Việt ở Trung Quốc bà sầu thương giùm các cô gái nghèo Việt Nam lấy chồng xứ lạ, tưởng may ra thoát nghèo thay đổi được cuộc đời chút nào hay chút ấy, nhưng chồng Trung Quốc còn … nghèo hơn mình, sống nơi núi rừng khỉ ho cò gáy làm nông, làm rẫy và bây giờ xem kênh “Theo dấu giày sô” bà tiếc thương hình ảnh vàng son cũ.
– Em vừa lục tung mấy cuốn album xem lại tất cả hình ảnh chúng mình, anh bây giờ là ông già Cẩm Chướng, không còn là anh lính chiến đáng yêu của lòng em.
– Đấy, tôi đã bảo mà, bà mê xem youtube thế nào cũng có vấn đề nọ kia.
Chồng từ tốn tiếp:
– Có những người chỉ thấy cái dở của người khác, chỉ biết phê phán người khác mà không biết nhìn cái dở và phê phán chính mình…
Tôi không kiên nhẫn nghe, ngắt lời:
– Anh đừng nhập đề dài dòng, trực tiếp luôn đi. Anh muốn gì?
– Kiểu bà hỏi chỉ muốn cãi lộn, nếu tôi là “hoa cẩm chướng” thì bà là cả một “rừng hoa cẩm chướng” so sánh hình ảnh trai trẻ đôi mươi với bây giờ tôi gần 80 tuổi, bà không nhìn ra tôi là đúng rồi …
– Đấy, chính anh cũng công nhận nhé
– Công nhận 100%. Còn bà, có khi nào nhìn hình ảnh tuổi đôi mươi của bà và so sánh với bây giờ ngoài 70 chưa?
Tôi tự tin:
– Rồi, sao?.
– Các bà hay tưởng bở, cứ nhuộm tóc lên, phấn son vào, quần nọ áo kia vào rồi chụp hình khoe lên mạng với bạn bè, lời nói chẳng mất tiền mua họ xã giao khen trẻ đẹp… y như ngày xưa, nên cho là mình vẫn còn trẻ lắm lắm.
Tôi tự ái:
– Anh nói thế nghĩa là em cũng … điêu tàn giống như anh hả?
– Không lẽ thời gian chỉ đối xử phũ phàng với tôi còn bà thì không? Tôi còn thấy từng nếp nhăn trên gương mặt, trên cổ bà, nếu bà muốn tôi … đếm cho bà ngay bây giờ nè.
Tôi rên rỉ:
– Anh nỡ lòng nào nói với em những lời … độc địa thế!
– Sự thật mất lòng mà. Đó là về ngoại hình, về tính cách bà cũng một trời thay đổi, đối đáp với chồng thì mặt vênh lên không chịu thua, nghe nhạc Bolero tuổi già khú đế mà bà còn thổn thức, cứ tưởng mình mới đôi mươi.
Bị chồng nói trúng tim đen tôi quê quá đành ngượng ngùng bào chữa:
– Chẳng qua em bỗng cảm xúc dạt dào thương về quá khứ trong phút giây thôi. Còn hơn khối người vô cảm anh ạ.
Chồng khuyên:
– Nhưng bà đừng quá dâng trào cảm xúc, lên cơn lãng mạn bất ngờ như hôm nay mà tuyên bố không nhìn ra tôi nữa nhé.
Tôi mỉm cười:
– Thỉnh thoảng em mộng mơ đi lạc giữa quá khứ và hiện tại ấy mà. Bây giờ em tỉnh rồi, thoát khỏi cơn mê trở về thực tế rồi. Em đi nấu cơm chiều đây, anh ra đắp chăn coi ti vi tiếp đi, khi nào có cơm em gọi.
Chồng bước ra ngoài và cẩn thận dặn dò:
– Bà làm ơn nấu món bình thường theo khả năng của bà luộc rau tráng trứng cũng được, đừng tập tành theo youtube nấu món nọ món kia lại thất bại bắt tôi ăn, ngán thấy bà luôn.
NTTD
(March 27- 2024)