main billboard

Chúng tôi có viết và phổ biến rất nhiều tài liệu quốc tế về nhân quyền...chẳng hạn như nói theo kiểu Việt nam rằng chính quyền là công bộc của dân. Nếu chính quyền đó không đám ứng nhu cầu của người dân thì phải đi xuống, người dân có quyền thay thế họ.


ngocgiaoCô Ngọc Giao phát biểu tại tại Trung tâm hành chánh Quận Fairfax. Courtesy of Voice of Vietnamese Americans

Một nhóm dân sự tại Hoa kỳ mang tên Tiếng nói người Mỹ gốc Việt đã và đang thực hiện nhiều cuộc vận động trong môi trường chính trị Mỹ, nhằm hướng về việc cải thiện vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, ủng hộ liên minh của Việt nam vói các quốc gia Đông Nam Á, đưa người Mỹ gốc Việt vào hoạt động chính trường. Kính Hòa có cuộc trao đổi sau đây với chị Ngọc Giao, một trong những người tổ chức nhóm Tiếng nói người Mỹ gốc Việt.

Ngọc Giao: Tiếng nói người Mỹ gốc Việt là một tổ chức thiện nguyện được thành lập năm 2009, để sử dụng sức mạnh của lá phiếu của công dân Hoa Kỳ có nguồn gốc Việt Nam. Nó chú trọng đến nhân quyền, dân quyền tại Việt nam. Và giữ lại truyền thống văn hóa, cũng như truyền thống giáo dục của Việt nam.

Kính Hòa: Tổ chức của chị Ngọc Giao cũng có tổ chức những cuộc vận động ở Quốc hội phải không ạ?

Ngọc Giao: Khi mới thành lập đã tổ chức vận động được hai đạo luật ở Quốc hội liên bang và một ở tiểu bang. Ông thượng nghị sĩ Jim Webb của Virginia và dân biểu Cao Quang Ánh của Louisiana đã cùng một lúc thảo hai đạo luật và được chuẩn thuận 100% ở Thượng và Hạ viện, trong đó có đạo luật coi ngày 2/5 là ngày của những người tị nạn Việt nam.

Kính Hòa: Chị có nói là mục đích của tổ chức là nâng cao vị trí pháp lý của người Việt thông qua sử dụng lá phiếu…

    Tiếng nói người Mỹ gốc Việt đã thực hiện cuộc vận động cho công tác điều tra dân số Hoa kỳ năm 2010. Cuộc điều tra này cho biết người Việt đông thứ tư trong các sắc dân vùng châu Á Thái Bình Dương. Thì tiếng nói của người Mỹ gốc Việt bắt đầu có trọng lượng
    Ngọc Giao

Ngọc Giao: Trên nguyên tắc là hội thiện nguyên nên không tham gia chính trị, viết trong ngoặc kép, mà chỉ nói lên tiếng nói người dân thôi. Khi mới thành lập, Tiếng nói người Mỹ gốc Việt đã thực hiện cuộc vận động cho công tác điều tra dân số Hoa kỳ năm 2010. Cuộc điều tra này cho biết người Việt đông thứ tư trong các sắc dân vùng châu Á Thái Bình Dương. Thì tiếng nói của người Mỹ gốc Việt bắt đầu có trọng lượng.

Ngay tại tiểu bang Virginia, chúng tôi có vận động cho thượng nghị sĩ Jim Webb. Ông Webb ra ứng cử và thắng ông Georges Alan với tỉ lệ rất sít sao chỉ độ 2000 phiếu thôi. Thì con số này trùng với số cử tri gốc Việt đi bầu lúc ấy.

Kính Hòa: Thì với những việc đó, chị có thể cho nhận xét về sự tham gia chính trị dòng chính của người Mỹ gốc Việt hiện nay?

Ngọc Giao: Có một sự nở hoa, không những ở Hoa Kỳ mà ở Việt Nam nữa. Từ khi ông Obama kích động được những người trẻ đi bầu cử vào năm 2008, trong đó có nhiều người trẻ gốc Việt. Tại Virginia và Maryland này chúng ta cũng có nhiều ứng viên trẻ gốc Việt.

Ở Việt nam chúng ta biết là nhiều người trẻ thông tin với nhau qua Facebook và mạng điện tử. Cái tinh thần lên tiếng cho tiếng nói người dân phát triển khắp nơi. Và chúng ta có rất nhiều người tự động ứng cử vào quốc hội, mặc dù không thành công, nhưng tinh thần đó cũng lan tràn khắp nơi.

Kính Hòa: Những công việc hướng về Việt nam cụ thể như thế nào?

Ngọc Giao: Chúng tôi có viết và phổ biến rất nhiều tài liệu quốc tế về nhân quyền. Những tư tưởng như của ông John Lock về nhân quyền, chẳng hạn như nói theo kiểu Việt nam rằng chính quyền là công bộc của dân. Nếu chính quyền đó không đám ứng nhu cầu của người dân thì phải đi xuống, người dân có quyền thay thế họ. Những bài viết này được phổ biến khắp nơi. Chúng tôi cũng có liên lạc với những người sang Hoa Kỳ để vận động, như gần đây là vận động về nhân quyền ở ủy ban đối ngoại thượng viện, ủy ban Latos. Cũng như đến Geneva và New York để vận động cho nhân quyền Việt nam.

    Chúng tôi có viết và phổ biến rất nhiều tài liệu quốc tế về nhân quyền...chẳng hạn như nói theo kiểu Việt nam rằng chính quyền là công bộc của dân. Nếu chính quyền đó không đám ứng nhu cầu của người dân thì phải đi xuống, người dân có quyền thay thế họ
    Ngọc Giao

Chúng tôi cũng làm những mối liên hệ cho những người vận động cho nhân quyền Việt nam quan hệ với những người cầm quyền ở Hoa kỳ mà có khả năng tác động đến chính sách. Hay là những người có thể lên tiếng với nhà cầm quyền Việt nam. Đặc biệt là chúng có gặp những người trong ủy ban đối ngoại, tiểu ban phụ trách nhóm đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) để họ có thể cân nhắc khi thức đẩy TPP.

Kính Hòa: Được biết là Tiếng nói người Mỹ gốc Việt cũng có những hoạt động nhằm giúp Việt nam có quan hệ với các quốc gia láng giềng Đông Nam Á nhằm đối phó với sự lấn lướt của Trung quốc ở biển Đông?

Ngọc Giao: Chúng tôi có làm việc với những người Philippines, Malaysia, Indonesia, Miến Điện, Cambodia, và Lào. Năm ngoái chúng tôi có cùng với người Philippines tổ chức biểu tình ở Washington để phản đối Trung quốc lấn chiếm biển Đông của chúng ta.

Gần đây chúng tôi có đi với những người Phi vào vận động ở ủy ban đối ngoại Thượng và Hạ viện về sự lấn lướt của Trung quốc trên biển Đông. Chúng tôi có đưa ra câu hỏi với người đại diện Việt nam là Tiến sĩ Trần Trường Thủy là Việt nam nên mạnh mẽ hơn và có nên cùng với Phi kiện Trung quốc ra tòa quốc tế hay không? Thì được trả lời là ông không thể trả lời được.

Kính Hòa: Gần đây thì cũng có tin là dường như ở cấp nhà nước có những quan hệ giữa Việt Nam và Philippines, chẳng hạn như biểu tượng là việc hải quân hai bên chơi bóng chuyền với nhau tại Trường Sa. Tiếng nói người Mỹ gốc Việt có ủng hộ những hoạt động đó?

Ngọc Giao: Chúng tôi ủng hộ quan hệ của Việt nam với tất cả các nước trên thế giới. Và khi nói đến Việt nam là chúng ta nói đến 90 triệu người Việt nam.

Kính Hòa: Xin cảm ơn chị Ngọc Giao đã dành cho đài Á châu tự do buổi nói chuyện hôm nay.