Quả thật, chỉ mỗi một sự kiện nho nhỏ như vậy thôi, thì thành phố này đã thể hiện hoàn toàn đúng với tinh thần của Tình Yêu Thương Huynh Ðệ - như ý nghĩa từ tiếng Hy Lạp của nó vậy (Philadelphia = The City of Brotherly Love).
PHILADELPHIA - Tôi lại vừa đến Philadelphia vào buổi chiều Chủ Nhật 30 tháng 12 năm 2012. Trời lạnh, khoảng 0 độ C, nhưng lại không có mưa và cũng không còn nhiều tuyết trắng đọng lại trên các đường phố - khác hẳn với các thành phố Montréal, Toronto ở Canada là nơi có tuyết dày lên đến trên 20 centimet phủ kín khắp nơi và độ lạnh vào cỡ -10 độ C.
Thành viên nhóm Durning String Band trong một ngày trình diễn tại Philadelphia. (Hình: William Thomas Cain/Getty Images)
Thành phố này là cái nôi của cuộc cách mạng độc lập Mỹ và cũng là thủ đô đầu tiên của liên bang Hoa kỳ từ cuối thế kỷ XVIII. Trong mấy năm gần đây tôi thường đến thăm bà con và bạn hữu tại đây, hầu hết vào những ngày Mùa Hè nắng ấm - nhưng đây là lần đầu tiên tôi lại có mặt tại thành phố lịch sử này vào dịp đầu Năm Mới.
Quả thật Philadelphia với đầy dẫy những di tích lịch sử, và cơ man là những viện bảo tàng nghệ thuật làm say mê bao nhiêu du khách từ khắp thế giới tìm đến viếng thăm nơi chốn - mà từ trên 200 năm trước đã diễn ra các cuộc tập hợp của các đại diện dân chúng các vùng thuộc địa ở Bắc Mỹ được gọi là Hội Nghị Toàn Lục Ðịa (Continental Congress) đưa tới sự công bố Tuyên Ngôn Ðộc Lập, rồi đến sự ban hành bản Hiến Pháp Hoa Kỳ. Ðó là hai văn kiện căn bản làm cơ sở cho sự hình thành của một quốc gia được gọi là Hiệp Chủng Quốc Hoa kỳ (The United States of America - USA).
Thành phố nằm trên trục lộ Nam Bắc giữa thủ đô chính trị Washington và kinh đô tài chánh New York là nơi rất thuận tiện để dừng chân ghé lại mỗi khi thăm viếng miền Ðông nước Mỹ từ nhiều năm nay.
Tôi đặc biệt chú ý tìm hiểu về sự phát triển xã hội dân sự tại thành phố danh tiếng đã có một lịch sử thật vẻ vang sôi động này của nước Mỹ và hy vọng có thể cống hiến cho bạn đọc kết quả của chuyện nghiên cứu này trong một thời gian gần đây. Nhưng trong bài ghi nhanh này, tôi chỉ xin nêu ra một vài khía cạnh sinh hoạt mà tôi cho là đáng chú ý nhất của Philadelphia vào ngày Ðầu Năm 2013 này.
1. Người cao tuổi đi xe bus khỏi trả tiền
Với dân số trên 1.5 người, hệ thống chuyên chở công cộng của Philadelphia khá phát triển gồm nhiều tuyến đường xe bus, xe lửa, xe điện ngầm (subway). Nhưng đặc biệt ở đây, người cao tuổi từ 65 trở lên đi xe bus hoàn toàn miễn phí. Vào ngày đầu năm 2013 hôm nay, tôi đi tất cả đến 4 chuyến xe bus mà cũng như mọi khi tôi không phải trả một đồng xu nào cả. Khi lên xe, hành khách lớn tuổi chỉ việc nói với tài xế câu “I am a senior”, thì lập tức được tự nhiên mời vào chỗ ngồi.
Buổi chiều ngày cuối năm hôm qua 31 tháng 12, sau khi nghe tôi nói mình là người cao tuổi, thì vị tài xế là một phụ nữ da đen đã lịch sự nói ngay: “You're welcome”. Rất ít khi tài xế lại đòi hỏi hành khách phải cho xem thẻ căn cước hay thẻ bảo hiểm y tế medicare để kiểm tra về tuổi tác của họ.
Tôi đã đi qua nhiều thành phố lớn trên thế giới như Tokyo, Bangkok, Paris, San Francisco, Chicago, New York, v.v. nhưng chưa thấy nơi nào mà người cao tuổi lại được đi xe bus hoàn toàn miễn phí như tại thành phố Phidadelphia này. Quả thật, chỉ mỗi một sự kiện nho nhỏ như vậy thôi, thì thành phố này đã thể hiện hoàn toàn đúng với tinh thần của Tình Yêu Thương Huynh Ðệ - như ý nghĩa từ tiếng Hy Lạp của nó vậy (Philadelphia = The City of Brotherly Love).
2. Viếng thăm các tu sĩ cao tuổi
Và cũng trong ngày đầu năm 2013, tôi thực hiện được hai cuộc viếng thăm với các vị tu sĩ cao tuổi người Việt mà đã từng làm việc và sinh sống nhiều năm tại Philadelphia. Hai vị tu sĩ đó là Mục Sư Trần Xuân Quang và Linh Mục Ðinh Công Huỳnh.
Mục Sư Trần Xuân Quang thuộc Giáo Hội Tin Lành Mennonite Việt Nam. Ông và gia đình qua định cư ở Mỹ từ năm 1975. Năm nay ở tuổi trên dưới 80, ông bà đều đã nghỉ hưu và hiện sinh sống trong một căn hộ của một chung cư khá tiện nghi tọa lạc trên đường Pine về phía Tây Bắc thành phố. Nhờ được thụ hưởng một chế độ an sinh xã hội và bảo hiểm y tế khá tươm tất, ông bà có cuộc sống tương đối thoải mái về cả mặt vật chất cũng như tinh thần. Sau gần 40 năm xa cách, trong buổi gặp lại nhau lần này chúng tôi đã thật vui mừng hàn huyên tâm sự, kể lại cho nhau nghe bao nhiêu chuyện vui buồn mỗi người đã trải qua kể từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 oan nghiệt tang thương ấy.
Chuyện đáng ghi nhất là sau mấy chuyến về thăm quê hương của bà mục sư ở miền Bắc, ông bà đã có dịp thấy rõ cái sự dối trá lươn lẹo giả hình của một số lãnh đạo chóp bu của đảng cộng sản - trong đó có vài người mà bà từng biết rõ ngay từ cái thời còn học chung một trường với họ ở vào tuổi hàn vi niên thiếu. Bà Quang cho biết là ngay từ lúc mới có 14-5 tuổi, thì họ đã được đảng cộng sản móc nối “cấy người” - mà bây giờ sau trên 60 năm khi về thăm lại nơi chốn xưa thì bà mới được các bạn ngày trước kể lại ngọn nguồn để cho bà hiểu biết rõ ràng hơn.
Linh Mục Ðinh Công Huỳnh năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng vẫn còn đảm nhận chức vụ quản nhiệm phụ trách một cộng đoàn giáo dân người Việt nơi nhà thờ Saint Thomas Aquinas ở khu vực phía Nam thành phố. Ông tiếp tôi tại phòng khách của nhà xứ sát liền với phía sau thánh đường. Chúng tôi đều là hai người bạn đồng hương từ miền quê tỉnh Nam Ðịnh thuộc giáo phận Bùi Chu ngoài Bắc và cùng di cư vào miền Nam năm 1954. Mỗi lần đến Philadelphia, tôi thường đến thăm cha Huỳnh và trao đổi với ông về tin tức của nhiều người bạn chung khác.
Lần này, đặc biệt ông cho tôi xem một băng DVD do ông Nguyễn Ðình Toàn, cũng cư ngụ ở Philadelphia, thực hiện cho đài TV SBTN có nhan đề là “Phỏng vấn các tù nhân lương tâm”. Trong 30 phút, Linh Mục Huỳnh bình tĩnh trả lời một cách suôn sẻ nhiều câu hỏi có tính cách thời sự sôi nổi mà nhiều người Việt tỵ nạn quan tâm - cụ thể như tình hình đàn áp tôn giáo, đàn áp người biểu tình chống sự xâm lược của Trung Quốc, chuyện cờ vàng ba sọc đỏ của chế độ Quốc Gia ở miền Nam so với cờ đỏ sao vàng của đảng cộng sản, v.v.
3. Pháo bông và Diễn Hành Ðầu Năm Mới
Ðây là hai tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống có sức lôi cuốn mạnh mẽ nhất đối với số đông quần chúng đã từ cả hàng trăm năm nay.
Ban tổ chức cho bắn pháo bông từ phía bờ sông Delaware ở phía Ðông thành phố, làm nở rực những ánh lửa hào quang muôn màu muôn vẻ với đủ loại hình thể trên nền trời vào giữa đêm lại trùng vào lúc có trăng sáng ngày 19 Tháng Mười Một theo Âm lịch. Vì trời khuya lạnh, nên tôi phải ở nhà, nhưng qua cánh cửa trên lầu tôi vẫn thấy được một phần những pháo bông nở rộ cả một góc trời của thành phố.
Nhưng vào giữa trưa ngày Tết Dương lịch, thì cuộc diễn hành truyền thống được gọi là Mummers Parade đã diễn ra thật hào hứng sinh động- dọc suốt theo đại lộ Broad là một trục di chuyển theo hướng Bắc Nam của thành phố. Tính ra có tới gần cả trăm xe hoa đủ loại kích cỡ với nhiều nhân vật trong các bộ y phục sặc sỡ lạ mắt và các ban nhạc cử hành những điệu hát thật vui tươi nhịp nhàng để cho các vũ công say sưa nhảy múa biểu diễn trên đường phố - đặc biệt là trước khán đài đồ sộ được dựng lên trước tòa thị sảnh nổi danh vĩ đại của Philadelphia.
Năm nay, nhờ trời tạnh ráo và nhất là vào ban trưa khí hậu cũng bớt giá lạnh đi nhiều, nên bà con già trẻ lớn bé tha hồ mặc sức kéo nhau đi ra đường trẩy hội để mà thỏa tình thưởng ngoạn các tiết mục biểu diễn nghệ thuật độc đáo mới lạ suốt theo lộ trình dài đến trên 5 kilomet ra đến đại lộ danh tiếng Market ở trung tâm thành phố.
Hòa mình vào với dòng người tất cả đều hết mực nô nức say mê để mắt theo dõi và còn bấm máy ảnh lia lịa ghi lại những kỷ niệm thật vui tươi sinh động của cuộc diễn hành, tôi thật cảm động đến ngất ngây trước khối quần chúng đông đảo của thành phố lịch sử vốn có niềm tự hào là cái nôi của cuộc Cách mạng Ðộc lập Mỹ từ cuối thế kỷ XVIII mà đã bắt đầu khởi sự công cuộc phát động cách nay dễ đến gần 250 năm (The Cradle of the American Independence Revolution) vậy.