Đến năm 2014, mới thành lập một nhóm nhỏ có danh xưng là Gia Đình Lục Quân Công Xưởng VNCH, mục đích là cho các anh chị em thường xuyên gặp gỡ, liên lạc hỏi thăm, chia sẻ tình người nơi đất khách. Và lần đầu hội ngộ được tổ chức tại Nam California.
Các thành viên Gia Đình Lục Quân Công Xưởng chụp hình kỷ niệm. (Hình: Ban tổ chức cung cấp)
WESTMINSTER, California (NV) – Vào lúc 2 giờ trưa Thứ Bảy, 2 Tháng Bảy, Gia Đình Lục Quân Công Xưởng VNCH tổ chức buổi hội ngộ thường niên lần thứ 3 tại khu Cordoba Plaza, Westminster.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, thành viên ban tổ chức, cho biết, “Năm nay, buổi tổ chức lại rơi vào tuần lễ của Lễ Độc Lập Hoa Kỳ, nên những bạn đồng môn từ phương xa không có về tham dự nhiều như mọi năm. Mặc dù Gia Đình Lục Quân Công Xưởng tại Little Saigon và những vùng phụ cận chỉ ngót hơn 30 gia đình mà thôi, tuy vậy, ngày hội ngộ nào cũng vẫn được vui vẻ đầy đặn và ấm cúng.”
Cũng theo ông Tâm, hơn 40 năm lưu lạc nơi xứ người, các nhân viên và cựu quân nhân Lục Quân Công Xưởng VNCH đã liên lạc được khoảng hơn 30 người, rồi sau đó liên lạc được thêm khoảng hơn 100 người nữa. Đến năm 2014, mới thành lập một nhóm nhỏ có danh xưng là Gia Đình Lục Quân Công Xưởng VNCH, mục đích là cho các anh chị em thường xuyên gặp gỡ, liên lạc hỏi thăm, chia sẻ tình người nơi đất khách. Và lần đầu hội ngộ được tổ chức tại Nam California.
Mặc dù chưa thành lập hội, nhưng hàng năm, nhóm đều có tổ chức ngày họp mặt thường niên. Ngoài ra, nhóm còn tổ chức ngày họp mặt mừng Tân Niên hoặc Tất Niên.
Sau nghi thức khai mạc là phút tưởng niệm cố Thiếu Tá Đoàn Duy Khương, người đã hy sinh tại Lục Quân Công Xưởng trong trận chiến Mậu Thân 1968.
Ngày hội ngộ của Gia Đình Lục Quân Công Xưởng VNCH tuy không rầm rộ như các quân binh chủng khác, nhưng các cựu nhân viên và cựu quân nhân cũng quây quần bên nhau trong những nụ cười cởi mở. Họ bây giờ có rất nhiều người tuổi đã cao, sức đã mòn, nhưng tinh thần vẫn còn sáng suốt để kể lại cho nhau những lần công tác đặc biệt để yểm trợ phần sửa chữa vũ khí, quân dụng như các xe Jeep, Dodge, GMC, thiết giáp, trọng pháo… cho các quân binh chủng trong QLVNCH từ hậu phương cho đến tiền tuyến.
Nơi xứ người, nhóm cũng có những người thành công trong sự nghiệp, hãnh diện vì con cái được thành danh, và cũng có những gia đình còn sống trong hoàn cảnh ly hương không dư dả. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào cũng vậy, họ gặp nhau vẫn trọn tình, trọn nghĩa của những cựu nhân viên và quân nhân thuộc Lục Quân Công Xưởng VNCH.
Nhớ những ngày còn trong đơn vị, họ là những người trai trẻ đã đi theo tiếng gọi non sông, thi hành nhiệm vụ lý tưởng như bao người trai trẻ khác. Giờ nơi đất khách, có người đầu đã điểm hoa sương, có người đã bạc trắng. Trong họ còn được những gì ngoài tình yêu quê hương dân tộc cùng tình bạn đồng môn và gia đình. Ngày xưa, chén quan hà cạn lúc chia tay với bè bạn để trở thành những nhân viên, chiến sĩ VNCH. Ngày nay, nơi đất khách, chén tao phùng trong tình đồng môn cũng làm ấm lòng họ trong biển dâu vận nước.
Trong bàn tiệc cũng không thiếu những món ăn thuần túy của quê hương dân tộc, rồi nào rượu, nào bia cùng nụ cười và tiếng nói thân thương, đã tạo bầu không khí trong ngày hội ngộ cũng “xôm tụ” không kém những hội đoàn khác. Chuyện vui buồn đời lính, chuyện thuở học trò Cao Thắng, Đồng Đế, Phú Thọ…, cả chuyện vui thú của đời độc thân cũng được lôi ra rồi ai nấy đều cười vui mật thiết khi nhắc đến những địa danh Hạnh Thông Tây, Ngã Ba Chú Ía, Ngã Năm Chuồng Chó…
Được biết, dù không chiến đấu trực tiếp ở chiến trường, các nhân viên và quân nhân trong Lục Quân Công Xưởng VNCH cũng có nhiệm vụ sửa chữa quân dụng, vũ khí để yểm trợ cho các chiến sĩ trong Quân Lực VNCH trên khắp bốn vùng chiến thuật.
Tình xưa, nghĩa cũ gặp nhau trong ngày hội ngộ. (Hình: Ban tổ chức cung cấp)
Tiền thân của đơn vị là Căn Cứ 80 Tân Trang Quân Cụ, năm 1969 được đổi tên thành Lục Quân Công Xưởng, nằm trên một khu rất lớn, trải dài từ kho đạn Gò Vấp, qua tới thành quân nhu, quân cụ, truyền tin, công binh, trại thiết giáp, ở An Nhơn, Thông Tây Hội, đến khu quận Hốc Môn. Từ đó tất cả những quân cụ, chiến xa, thiết giáp, súng lớn, nhỏ, kể cả những viễn vọng kính, hỏa tiễn… đều được sửa chữa, tân trang tại đây.
Tất cả vũ khí, quân cụ từ vĩ tuyến 17 trở vô trong miền Nam đều được tập trung về Lục Quân Công Xưởng để tu bổ, xong gởi trở ra chiến trường. Do đó, có thể nói, Lục Quân Công Xưởng là một quân xưởng lớn nhất Đông Nam Á thời bấy giờ với hơn 5,000 dân quân cán chánh làm việc, trong đó có cả những quân nhân tại ngũ, những người có tay nghề kỹ thuật cao, như học sinh các trường kỹ thuật Cao Thắng ở Sài Gòn, trường kỹ thuật Đồng Đế cũng được tuyển dụng.
Ngay từ khi được thành lập, Lục Quân Công Xưởng phải lo cho hơn 2 triệu súng cầm tay, 1,200 xe chạy xích kể cả thiết giáp loại M48, hơn 1,000 đại bác 105 đến 175 ly cơ động, 40,000 xe chạy bánh… Để đáp ứng được nhu cầu công tác như vậy, vào những năm đầu thập niên 1960, Bộ Quốc Phòng đã cho tuyển dụng các kỹ sư, chuyên viên dân sự nên những lớp học sinh tốt nghiệp trung học Cao Thắng và các kỹ sư tốt nghiệp đại học Bách Khoa Phú Thọ đã gia nhập rất đông, cho đến khi có các chương trình động viên thì có dân sự tham gia vì thanh niên tốt nghiệp hai trường này đều trong tuổi nhập ngũ.
Từ đó, Lục Quân Công Xưởng được Bộ Quốc Phòng cho những sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ từng theo học ở các trường kỹ thuật được thuyên chuyển về làm việc nên trong các ban ngành, số quân nhân rất đông. Bên cạnh đó, các nhân viên dân sự lớn tuổi có kinh nghiệm và tay nghề vững chắc từng phục vụ lâu năm vẫn được giữ lại điều hành công việc. Do đó mới có các loại nhân viên được gọi là “áo trắng,” “áo xanh,” “áo vàng.” Nhưng chẳng có ai phân biệt quân hay dân sự mà có chăng chỉ là trình độ kỹ thuật và tay nghề cao mà thôi, từ đó mới phát sinh tình cảm gia đình thương yêu và giúp đỡ nhau để công việc được hoàn thành tốt đẹp, và cùng xem nhau như một đại gia đình Lục Quân Công Xưởng VNCH.