“Cũng những bài hát đó, nhạc cụ đó, cùng những khuôn mặt đó, trong đêm nay chúng ta sẽ nhìn theo một góc nhìn khác, bởi vì không phải chỉ nghe để thưởng thức bình thường, mà nghe để thấy sự nhận diện giữa Đông và Tây của các nhạc sĩ đã viết ra những tác phẩm,
Màn song tấu guitar của hai em Katie Nguyễn (trái) và Joana Nguyễn. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
WESTMINSTER, California (NV) – Tối Thứ Bảy, 9 Tháng Bảy, chương trình nhạc thính phòng “Gặp Nhau 2,” do Little Saigon Music Center và Câu Lạc Bộ Học Sinh Sinh Viên tổ chức, diễn ra tại Viện Việt Học,Westminster, với sự phối hợp của Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng và các giọng ca thân hữu.
Cô Nguyễn Kim Ngân, giám đốc viện, cho biết, gần hai năm rồi, chương trình Gặp Nhau mới được trở lại lần thứ hai. Đây là chương trình gặp nhau giữa hai thế hệ hoặc nhiều hơn nữa. Gặp nhau giữa hai văn hóa Đông và Tây, gặp nhau trong tình người, gặp nhau giữa cũ và mới.
“Câu Lạc Bộ Học Sinh Sinh Viên Viện Việt Học và Little Saigon Music Center rất hân hạnh cống hiến quý vị một vườn hoa trong đêm nay, vườn hoa đó, chúng ta thấy những nhạc cụ của Tây phương, những nhạc cụ truyền thống dân tộc, những bài hát truyền thống Việt Nam, những bài hát Tây phương hóa theo dòng nhạc thời trang và cho tuổi trẻ,” cô Kim Ngân nói, trong phần mở đầu cho chương trình.
Cô nói tiếp, “Cũng những bài hát đó, nhạc cụ đó, cùng những khuôn mặt đó, trong đêm nay chúng ta sẽ nhìn theo một góc nhìn khác, bởi vì không phải chỉ nghe để thưởng thức bình thường, mà nghe để thấy sự nhận diện giữa Đông và Tây của các nhạc sĩ đã viết ra những tác phẩm, nhất định họ đã gặp những phút giây trong vòng nhân sinh qua đời sống của mình.”
Hai đại diện của Little Saigon Music Center và Câu Lạc Bộ Học Sinh Sinh Viên Viện Việt Học giới thiệu một số nhạc phẩm của các nhạc sĩ trên thế giới qua tiếng đàn guitar, violin và piano, và những bài dân ca cổ truyền của Việt Nam, những bài nhạc cổ điển nổi tiếng qua nhiều thế kỷ.
Mở đầu chương trình là phần trình tấu guitar của hai chị em Katie Nguyễn và Joana Nguyễn, hai chị em sinh đôi này tuy còn rất trẻ những có lối đánh guitar cổ điển rất thuần thục, và họ mới thực hiện một chương trình biểu diễn dọc theo bờ biển California.
Phần trình diễn của Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Katie Nguyễn độc tấu các bài “Konzert Etude” của Ferdinando Carulli và “Rumba” của Stepan Rak.
Joana Nguyễn độc tấu bài “Prelude #1” của Heitor Villa Lobos, nhạc sĩ nổi tiếng ở Brazil vào thế kỷ 20.
Sau đó, hai chị em cùng song tấu bài “Milonga For Two” của Francis Klenjyans, và bài “Made In USA” của Astor Piazzola.
Klenjyans là một nhạc sĩ guitar nổi tiếng đã soạn trên 700 tác phẩm, và bài Milonga là một loại nhạc khởi đầu từ Argentina và Uruguay. Còn Piazzola đã sáng tác nhiều tác phẩm với thể âm Argentine Tango, nhất là điệu Tango mới “Nuevo Tango” và thường trộn lẫn với nhạc Jazz cổ điển.
Sau đó, Katie và Joanna trình tấu hai bài cổ điển của Nga và CuBa.
Tiếp theo là phần hòa tấu của nhạc sĩ Đặng Trần Kính, (violin) và Đặng Cúc Phương (piano) qua bài “Melodie” của P.L. Tchaikovsky, là một nhạc sĩ người Nga, ông đứng một địa vị quan trọng trong giai đoạn cuối của thời Romantic của thế kỷ 19. Phần lớn ông soạn những tác phẩm vĩ đại cho giàn nhạc giao hưởng trình diễn bằng rất nhiều nhạc cụ. Một số tác phẩm nổi tiếng của ông như “Romeo and Juliet,” “Nutcracker,” “Swan Lake,” và “1812 Overture.”
Sau đó là phần hòa tấu của nhóm đàn dây của Little Saigon Music Center, qua những bài “Vivaldi Concerto For Two Violins và Opus 3, Number 8, 1st movement,” do Vivaldi sáng tác vào thế kỷ 18. Ông là một nhạc sĩ vĩ cầm tài ba, và có rất nhiều công trong việc mở mang thể nhạc hòa tấu, nhất là cho đàn violin.
Ngoài ra, nhóm đàn dây còn trình bày những bài nhạc dân ca Việt Nam như bài “Đèn Cù” và “Hò Lơ.” Rồi lại tiếp tục hòa tấu những bài “Oh Susana” của Sphen Foster, “La Cucaracha Tranditional” và “Adios Muchachos” của J.C. Sanders.
Trở về dòng nhạc quê hương Việt Nam, khi nói đến Bạc Liêu, trong nhân gian thường hay nhắc đến công tử Bạc Liêu:
Bạc Liêu là xứ cơ cầu
Dưới sông cá chốt trên bờ Tiều Châu
Vang danh công tử Bạc Liêu
Đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu.
Nhóm đàn dây của Little Saigon Music Center. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Cố nhạc sĩ Thanh Sơn đã để lại cho nền âm nhạc Việt Nam một nhạc phẩm nổi tiếng viết về Bạc Liêu, đó là bài “Bạc Liêu Hoài Cổ” qua tiếng hát của bé Thuận Thiên, mở đầu cho phần ca nhạc. Kế đến, bài “Phương Xa Nhớ Mẹ” của Cao Nhật Minh, với tiếng hát của bé Thục Nghi. Và liên khúc “Tôi Muốn” và “Yêu Người, Yêu Đời” của cố nhạc sĩ Lê Hựu Hà, với tiếng hát của Châu Duy.
Rồi dòng nhạc Tây phương được tiếp tục với bài “Meditation From Thais” của J Massenet, một nhạc sĩ xuất thân từ nhạc viện Paris, Pháp. Bài này được trình diễn qua song tấu Đặng Trần Kính và Đặng Cúc Phương.
Phần trình diễn của các thiếu niên trong Đoàn Văn Nghệ Lạc Hồng qua những bài hòa tấu “Biến Tấu Người Ơi, Người Ở Đừng Về,” do Giáo sư Nguyễn Châu biên soạn, qua phần trình diễn của Kayla Trần (đàn tỳ bà), Tường Vy (đàn tranh) và Cody Trần (đàn bầu), “Trưng Nữ Vương,” thơ Thế Lữ, nhạc Phạm Duy, qua tiếng hát của Kayla Trần, và Hopward Trịnh (đàn nguyệt), Cody Trần (đàn bầu), Tường Vy và Mai Thi (đồng đàn tranh), và Đan Trương (sáo).
“Cung Đàn Đất Nước” với phần trình diễn của Cody Trần (độc tấu đàn bầu), và phần phụ đệm của Kayla Trần (đàn tỳ bà), Tường Vy (đàn tranh) và Mai Thi (bộ gõ). Và cũng các em đó trình diễn “Nhạc Kịch Dân Ca Ba Miền,” kịch bản của Nguyễn Thùy Mai.
Chương trình ca nhạc Việt Nam được tiếp tục với những bài “Mãi Mãi Bên Em” của Từ Công Phụng, với tiếng hát Châu Duy, “Qua Cơn Mê” của Trịnh Lâm Ngân, với tiếng hát Trần Nhật, “Bụi Phấn Trên Tóc Thầy” của Vũ Hoàng, với tiếng hát của Thảo Vi.
Kết thúc chương trình là bài “Tôi Là Người Việt Nam” của Ánh Minh, với song ca Thuận Thiên và Thục Nghi.
“Gặp Nhau 2” là một chương trình ca nhạc rất phong phú, đa dạng qua đường nét của hai dòng nhạc Đông và Tây.
Cô Kim Ngân chia sẻ, “Chúng ta bắt gặp hơi thở của những nhạc sĩ trình diễn, mà đêm nay có cả những nhạc sĩ tí hon. Tuy các em vẫn còn là những học viên ở trường nhạc, nhưng ở tuổi nào, các em cũng có thể sáng tác và để tâm hồn trên những nốt nhạc của các nhạc sĩ và của các em, và hy vọng rằng, dù những nốt nhạc chuyên nghiệp hay đơn sơ cũng có thể làm rung động lòng người. Và đó cũng là mục đích của chủ đề Gặp Nhau.”