“Sau khi nghỉ làm sở xã hội và về hưu, tính ra đến nay được 13 năm, tôi từng tham gia một số hội từ thiện trong cộng đồng, đi phát thức ăn để giúp người nghèo. Sau một thời gian, tôi nghĩ đến việc tự mình làm để dễ thích ứng với hoàn cảnh và thời gian trong lúc tuổi già,”
Bà Phan Thị Hiền Viên trước bàn phát chẩn. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
WESTMINSTER, California (NV) – Một cụ bà gốc Việt tự mình đứng ra phát chẩn cho những người vô gia cư, kém may mắn, mỗi tháng một lần, trong suốt bảy năm qua tại Little Saigon. Đó là bà Phan Thị Hiền Viên, 75 tuổi, một cán sự xã hội về hưu.
“Sau khi nghỉ làm sở xã hội và về hưu, tính ra đến nay được 13 năm, tôi từng tham gia một số hội từ thiện trong cộng đồng, đi phát thức ăn để giúp người nghèo. Sau một thời gian, tôi nghĩ đến việc tự mình làm để dễ thích ứng với hoàn cảnh và thời gian trong lúc tuổi già,” bà Viên nói với nhật báo Người Việt.
“Tôi để một cái bàn nhỏ trên đường Bolsa, cạnh Phước Lộc Thọ, phía trước phòng mạch của Bác Sĩ Quách Nhất Trí và làm một cái biểu ngữ nhỏ, nội dung phát thức ăn miễn phí vào mỗi sáng thứ Bảy đầu tháng, mỗi tháng một ngày. Nhờ Trời cho sức khỏe nên tôi làm việc này được bảy năm rồi,” bà nói thêm.
Trên chiếc bàn nhỏ là năm bảy trái chuối, một số ổ bánh mì thịt, một ít chai nước lọc và bao nhựa.
Một người nhận quà. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Bà Viên cho biết: “Trước ngày phát chẩn, tôi dán thông báo trên tường trước vài ngày. Đa số những người đến nhận thực phẩm là đồng hương người Việt, thỉnh thoảng cũng có vài người gốc Hispanic.”
“Mỗi phần quà nhỏ, gồm có một chai nước, một ổ bánh mì thịt, một trái chuối và $5 tiền mặt. Có người đến chỉ xin một chai nước uống. Có người ở nơi xa đến, chỉ xin tiền thôi. Nhiều người biết tôi phát quà, nhưng không đến được, vì họ sợ bỏ chỗ tạm trú sẽ bị mất đồ đạc,” bà kể.
Bà cho biết, ngoài việc phát thức ăn, bà còn cố gắng giúp cho họ tìm được một việc làm gì đó, nếu họ có tay nghề.
“Khi gặp người có nhu cầu, ngoài việc tặng thức ăn, tôi còn nói chuyện với họ. Từ những câu chuyện bên lề, tôi giới thiệu cho họ những công việc làm để tự tạm kiếm sống. Một lần có một ông nói có thể sửa ống nước, thế là tôi giới thiệu cho người quen cần sửa vòi nước bị chảy; hay ai cần sơn nhà, tôi cũng giới thiệu,” bà vui vẻ nói.
“Tôi làm cán sự xã hội nhiều năm ở Orange County nên rất hiểu tình trạng của những người có tài chánh giới hạn và trong hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt là những người này rất cởi mở, dễ tâm sự và không hề có hành động gì thái quá,” bà cụ tốt bụng kể.
Cũng theo lời kể, trong những năm đầu, số người vô gia cư thường lui tới là khoảng 30 người. Những năm sau này, số người đến vào ngày Thứ Bảy đầu tháng chỉ còn khoảng một nửa.
“Như thế cũng là dấu hiệu tốt. Tôi cũng phải nói thêm, dù tôi một mình đứng ra làm việc này, tôi cũng muốn cám ơn những mạnh thường quân có lòng, không muốn nêu tên tuổi, dù tôi không hề quen biết, đã giúp tôi bằng nhiều phương diện. Người mua bánh mì, người cho trái cây, người cho tiền, để tôi tiếp tục gởi đến những người thiếu thốn,” bà Viên xác nhận.
Trong buổi sáng Thứ Bảy, 6 Tháng Tám vừa qua, một số người đi biểu tình trên đường Bolsa, tò mò đọc biểu ngữ, tới gần, tỏ lời tán dương lòng thương người của bà.
“Hôm nay tôi phát cho bốn người rồi. Họ là những người đã từng tới trong những tháng trước. Có một người đạp xe tới, chỉ xin tiền rồi bỏ đi. Không có ai xin hai ba ổ bánh mì ‘tu gô’ bao giờ!” bà nói.
Ông Phan Đại Nam, phóng viên đài truyền hình SET TV 57.4, nhận xét: “Đây là lần đầu tôi thấy phát tiền mặt cho người không nhà. Tôi phục nhất là bà có một mình mà làm bảy năm liền!”
Một số trong 26 người theo dõi tin này trên Facebook, cho biết cảm nghĩ như sau.
“Bà cụ này quả là có tình thương Vô Biên và Vô Biện,” ông Thomas Nguyễn, ghi trên trang mạng xã hội.
Một người khác, cô Kimberly Hồ, góp ý: “Bà quá xá tốt. Cảm động. Mọi người giúp vào một tay, ít nhất là để bày tỏ sự an ủi và tình thương yêu cho con người.”
“Khi đọc tin này trên Facebook, tôi ra tìm bà để tìm hiểu thêm xem giúp được gì, nhưng bà đã ra về. Thôi đợi tháng sau vậy,” Bác Sĩ Quách Nhất Trí nói với nhật báo người Việt.