“Ngày 1 Tháng Tám, 1962, cách đây 54 năm chúng ta ra trường Thủ Đức, như những cánh chim tung ra bốn phương trời, khắp bốn vùng chiến thuật mang xương máu, tuổi trẻ đóng góp vào sự tồn vong của đất nước trước họa Cộng Sản.
Hội trưởng Nguyễn Trọng Thu chào mừng quan khách. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
WESTMINSTER, California (NV) – Sau 54 năm ra trường, các cựu SVSQ/TĐ khóa 12 Trần Hưng Đạo đã có cuộc họp mặt tại nhà hàng Seafood Palace, Westminster, hôm Chủ Nhật, 7 Tháng Tám, để nhìn lại quãng thời gian đã qua.
Ông Nguyễn Trọng Thu, hội trưởng Hội Ái Hữu Khóa 12 Thủ Đức, trong lời chào mừng phát biểu: “Ngày 1 Tháng Tám, 1962, cách đây 54 năm chúng ta ra trường Thủ Đức, như những cánh chim tung ra bốn phương trời, khắp bốn vùng chiến thuật mang xương máu, tuổi trẻ đóng góp vào sự tồn vong của đất nước trước họa Cộng Sản. Nay, 54 năm đã qua, gặp nhau để nhìn lại quá khứ, trước hết nhìn thấy ai cũng đã già cả rồi, muốn làm thêm gì thì lực cũng bất tòng tâm, chỉ còn lấy quá khứ một thời làm niềm vui cho hiện tại.”
Cựu SVSQ Nguyễn Trọng Thu tiếp: “Một nhà báo hỏi tôi về ý nghĩa những cuộc họp mặt này, nhân đây xin trình bày để anh em chúng tôi nhớ về quân trường xưa, nơi đã đào tạo chúng ta thành những người con của tổ quốc, để chúng ta lại có dịp nhớ đến bao nhiêu đồng đội, đồng khóa, đồng ngũ đã chia sẻ cho nhau mồ hôi, xương máu, từng sống chết có nhau, vinh nhục cùng chịu.”
Ông Thu tâm sự tiếp: “Nhưng nhìn lại quá khứ, chúng ta thấy có hai điều, một là tiếc và hai là hãnh diện. Tiếc là tiếc xương máu của anh em đồng đội của chúng ta đã bỏ ra mà không đạt được ước nguyện tự do, dân chủ ấm no cho đất nước và dân tộc. Hãnh diện là niềm tự hào của chúng ta, ai nấy đều đã đóng góp hết sức mình, vì mầu cờ sắc áo trong cuộc chiến tranh chống lại sự xâm lược của Cộng Sản. Và nhất là nay vào tuổi cuối đời, chúng ta còn giữ được tình huynh đệ chi binh, tình chiến hữu nội bộ qua những buổi gặp gỡ như thế này.”
Hướng tới hơn một trăm chiến hữu có mặt, ông trân trọng gửi lời cảm ơn của anh em khóa 12 Thủ Đức tới các niên trưởng thuộc các khóa đàn anh như niên trưởng Hồ Sĩ Khải, khóa 3, niên trưởng Lê Bá Khiếu, khóa 4, niên trưởng Vũ Trọng Mục, khóa 5, và đại diện các khóa đàn em như Nguyễn Xuân Hùng, khóa 16, Nguyễn Kỳ, khóa 18, Phan Quỳnh, khóa 19, và Nguyễn Chi, khóa 5/72.
Khóa 12 là khóa động viên đầu tiên của Đệ Nhất Cộng Hòa, để đáp ứng việc CSBV tổ chức cái vỏ bọc Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam để tiến hành cuộc xâm lược miền Nam.
Hơn 1,000 thanh niên trong giới trí thức miền Nam lúc ấy đã theo lệnh động viên khoác áo chiến binh tiến vào quân trường Thủ Đức theo tiếng gọi non sông. Giáo Sư Nguyễn Ngọc Linh, một nhà giáo được hầu hết thanh niên học sinh miền Nam lúc bấy giờ biết đến, đã gia nhập quân đội trong khóa này. Lần họp mặt hôm nay, cũng như nhiều lần trước, ông đã từ Texas bay về gặp gỡ lại anh em đồng khóa.
Ông Linh tâm sự: “Có nhiều người cứ cho rằng vì tôi là một giáo sư được biết đến nhiều nên quân trường đã chọn cho tôi đỗ thủ khoa khóa 12. Sự thật không phải thế. Tổng Thống Ngô Đình Diệm khi đến chủ tọa ngày ra trường của khóa và đặt tên khóa là khóa Trần Hưng Đạo, một danh tướng trong lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam, thấy tôi là thủ khoa, tổng thống tỏ ra vui mừng vì thấy giới trí thức miền Nam đã tích cực tham gia vào việc bảo vệ đất nước. Việc tôi được đỗ đầu khóa không phải vì ân sủng của chính phủ. Trước đó, tôi có lên xin với Đại Tá Lam Sơn, chỉ huy trưởng quân trường, nhưng ông nghiêm giọng nói: ‘Anh đủ điểm đỗ đầu thì được chọn thủ khoa, làm sao anh từ chối được.’ Thực tế, trong khóa học tôi đã được tham dự một cuộc thi bắn ngoài xạ trường với SVSQ đã được chọn về Pháo Binh, tất là phải bắn giỏi. Thế mà trong cuộc thi tôi đạt được 100 điểm trong khi anh bạn pháo binh chỉ đạt được 97 điểm. Có lẽ vì thế mà tôi được chọn làm thủ khoa của khóa.”
Dược Sĩ Kimberly Hồ hứa tiếp bước cha anh. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Câu chuyện của ông Linh khiến toàn thể cựu SVSQ khóa 12 có mặt lại nhớ da diết đến những ngày huấn nhục, vũ khí, đoạn đường chiến binh và nhất là những ngày cuối tuần, nếu không ở phiên được đi phép thì cũng nôn nao đón đợi gia đình hay người yêu lên thăm ở vườn Tao Ngộ.
Tiếp lời Giáo Sư Nguyễn Ngọc Linh là một hậu duệ của Thủ Đức. Cô là Dược Sĩ Kimberly Hồ đang tích cực tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng sau khi đã gặt hái được nhiều thành công trong thương trường về ngành thẩm mỹ.
Dược Sĩ Kimberly là con gái của niên trưởng Hồ Sĩ Khải.
Cô phát biểu: “Các chú trong khóa 12 Thủ Đức đã có 13 năm chống giặc bảo vệ đồng bào rất anh dũng, cháu hết sức kính phục và rất biết ơn các chú. Trong vai trò là hậu duệ của QLVNCH, cháu đã ý thức được rằng phải tham gia vào công cuộc giành tự do dân chủ cho người dân Việt, cho quê hương đất nước như các chú đã làm. Theo lời của ba cháu và các chú các bác cựu quân nhân VNCH khuyên nhủ, khích lệ là phải trực tiếp tham gia vào công cuộc chống Cộng Sản giành lại tự do cho dân tộc, cháu đã theo lời và ứng cử vào chức nghị viên của thành phố Westminster trong kỳ bầu cử này, nơi được gọi là thủ đô của người Việt tị nạn Cộng Sản. Cháu hy vọng nếu được bà con trong cộng đồng dồn phiếu cho cháu trúng cử, thì đây là bước đầu cho cháu tiến lên làm được những việc lợi ích cho cộng đồng và tranh đấu cho tự do, dân chủ nơi quê hương.”
Phụ trợ với lời phát biểu của cô, ông Thu nói thêm: “Chúng ta mới đi được nửa đoạn đường chiến binh thì phải uất hận buông súng nhưng không đầu hàng, để nay thấy mình đã già nên sẽ sốt sắng trao lại nủa đoàn đường chiến binh cho thế hệ hậu duệ như Dược Sĩ Kimberly Hồ. Rất mong anh em khóa 12 nói riêng và cộng đồng chúng ta nói chung hãy tiếp tay cho cô hăng hái tiếp bước chúng ta trên phần nửa đoạn đường chiến binh còn lại.”
Sau những phút trao nhau những tình cảm chân thiết, cuộc gặp gỡ đi vào phần văn nghệ giúp vui của ban Văn Nghệ Quỳnh Hoa mà ca khúc đầu tiên là “Anh Không Chết Đâu Anh” của cố nhạc sĩ Nhật Trường sáng tác trước những xúc động về sự hy sinh của Thiếu Tá Nguyễn Văn Đương trên đồi 31 Hạ Lào, một sĩ quan xuất thân từ khóa 12 Thủ Đức. Bài ca được ca sĩ Ngọc Hân và Bác Sĩ Đỗ Trọng Thái trình bày.
Buổi gặp gỡ kỷ niệm 54 năm ngày ra trường của các cựu SVSQ khóa 12 Thủ Đức đạt được thành công là gắn kết thắm thiết giữa những người đồng khóa và đồng đội cùng xuất thân từ một quân trường lớn của VNCH.