“Qua các chuyến đi như thế này, các em sẽ tiếp cận với những thành phần xã hội khác nhau, các nền văn hóa khác nhau. Hôm nay các em rất muốn học hỏi về văn hóa và lối sống hàng ngày của người Việt,”
Học sinh và giáo sư Trung Học Lifeline Education Charter School ăn trưa tại Phở Lú. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Linh Nguyễn/Người Việt
GARDEN GROVE, California (NV) – Một nhóm học sinh Mỹ theo học lớp đặc biệt tại Trung Học Lifeline Education Charter School ở Compton, Los Angeles, ghé thăm cộng đồng Việt Nam vào trưa Thứ Ba, 18 Tháng Tám, để học hỏi văn hóa Việt, trước khi thăm các cộng đồng khác trong suốt tuần lễ.
Các học sinh trung học này gồm toàn các em lớp 11 hay 12, tham dự cuộc hành trình kéo dài năm ngày. Nơi dừng chân đầu tiên của chuyến đi là đến thăm trường thẩm mỹ Advance Beauty College (ABC) ở Garden Grove bằng xe bus của Học Khu Compton. Hai giáo viên hướng dẫn các em là ông Himyo Green và cô Elizabeth Williams, thuộc tổ chức giáo dục LEE (Living Educational Encounters), trụ sở đặt tại Los Angeles.
“Chúng tôi rất vui được tổ chức này chọn để các em học sinh Mỹ gốc Phi Châu và Hispanic có thể học hỏi những kinh nghiệm của một người Mỹ gốc Việt, với một trường dạy nghề để cung cấp các chuyên viên gốc Việt ngành móng và làm tóc cho thị trường tại Hoa Kỳ,” Bác Sĩ Tâm Nguyễn, chủ nhân và gíám đốc trường ABC, nói với nhật báo Người Việt.
Giáo viên Himyo Green, tốt nghiệp cao học ngành phục vụ xã hội, cho biết: “Đây là một chương trình đi tiên phong làm mẫu, hy vọng sẽ được áp dụng tại những trường khác trong Học Khu Compton, đa số học sinh là dân da màu.”
“Qua các chuyến đi như thế này, các em sẽ tiếp cận với những thành phần xã hội khác nhau, các nền văn hóa khác nhau. Hôm nay các em rất muốn học hỏi về văn hóa và lối sống hàng ngày của người Việt,” Giáo Viên Green nói.
Giáo Viên Elizabeth Williams, cũng gốc Phi Châu, được giới thiệu là người thầu soạn chương trình học này cho Học Khu Compton.
“Tôi là sáng lập viên và tổng giám đốc của cơ quan LEE (Living Educational Encounters), ở Los Angeles, California. Chúng tôi cùng đi với các em để làm chương trình cho các em tự hướng dẫn các em lớp nhỏ hơn, sau khi hoàn tất khóa học hôm nay,” cô nói.
“Các em được hướng dẫn về thuật lãnh đạo, ý thức về các nền văn hóa khác nhau, kỹ thuật truyền đạt và lòng vị tha. Các em sẽ học hỏi những nỗi vui, nỗi buồn của từng sắc dân, trong đó có những người Việt tị nạn,” giáo viên giải thích.
Sau đó các học sinh học hỏi những điểm đặc thù trong một gia đình người Việt.
Trước hết, người cha giữ vai trò cao nhất trong gia đình. Sự trọng nam khinh nữ trong xã hội Việt Nam thời xưa. Kế đến là vai trò của thầy cô giáo tại trường học và sự quý trọng của phụ huynh với nghề dạy học.
Giáo viên Green (trái) cầm trái sầu riêng cho học sinh xem. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Thứ hai là tinh thần gia đình gắn bó, quây quần.
“Ba thế hệ có thể cùng số dưới một mái nhà và sự lo lắng của bà mẹ có con gái phải xa gia đình, đi học xa là một thí dụ điển hình của người Việt,” chủ nhân trường ABC giải thích cho các học sinh.
Bác sĩ Tâm cũng đưa ra sự khác biệt trong môi trường thương mại.
“Người Mỹ bàn thảo công việc, làm khế ước bằng giấy tờ tại trụ sở hay văn phòng làm việc, còn người Á Châu, trong đó có người Việt, làm công việc bàn thảo tại nhà hàng, hay giữa bữa tiệc, bữa ăn. Có khi còn không cần giấy tờ hay hợp đồng!” ông nói giữa sự ngạc nhiên của các học sinh và hai giáo sư hướng dẫn.
Học sinh cũng được nghe đến tục cưới hỏi của người Việt do cha mẹ hai bên dàn xếp với nhau từ trước khi vợ chồng tương lai biết nhau. Nhưng ngày nay, tục cưới hỏi này giảm nhiều, hầu như khó tìm thấy người Việt tại các nước Tây phương còn giữ phong tục này.
Các em cũng được đi thăm các cơ sở thương mại Việt Nam trong khu có chợ Garden Grove, như nước mía Viễn Tây và nhà hàng The Boiling Crabs, Bánh Mì Chè Cali, v.v… do người Việt làm chủ.
Các em cũng được chỉ cho các sản phẩm đặc thù trong bữa ăn của một gia đình Việt, như bánh tráng làm chả giò, bánh phở, nước mắm, gạo lức. Em Shelly Barraza tò mò cầm quả hột vịt lộn, đặt kề bên tai, lắc lắc xem có gì bên trong.
Giáo viên Green thì tò mò cầm một khay sầu riêng lên ngửi, và sau còn cầm trái sầu riêng chăm chú xem từng chiếc gai trên vỏ, trước khi kề mũi ngửi trước mặt các học sinh.
Kỷ niệm đẹp của khách với chủ nhân gốc Việt, anh Sonny Nguyễn (giữa), trước khi rời tiệm Seven Leaves Cafe. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Giáo viên Williams mua một vài hộp nước nước dừa tươi, nước rau má, bánh phồng tôm và một ít đồ khô.
Sau đó các em được ăn trưa tại Phở Lú. Các em học sử dụng đũa, gọi thức ăn bằng tiếng Việt.
Cho một tô “tai gau, bo diên,” “cha dzò” hay “nuốc dua tuôi”
Các em phát âm chuẩn nhất có lẽ là chữ “cám ơn.”
Cậu Richard Gonzales trút 1/3 chai tương ớt bằm vào tô phở tái nạm, còn đòi thêm một trái ớt tươi, vẫn than: “Chưa đủ cay!”
Sau bữa ăn trưa, các em học sinh lên xe bus tới thăm tiệm nước “Seven Leaves Cafe” ở Garden Grove. Nơi đây các em được nghe câu chuyện kinh doanh thành công của gia đình anh Sonny Nguyễn.
Chủ nhân trẻ gốc Việt tặng các em nước uống và một số thức ăn. Mọi người quây quần bên một dãy bàn dài, góp ý, hỏi han.
Giáo Sư Natalie Trần thuộc Cal State Fullerton và hai cô Gia Lý và Đan Thư, đại diện Phòng Thương Mại Việt Mỹ, cũng hiện diện để trả lời một số câu hỏi về thế hệ trẻ gốc Việt làm kinh doanh.
Các em chia sẻ cảm tưởng trước khi ra về.
“Ngày hôm nay tật tuyệt vời và cho tôi mở mắt ra với những kinh nghiệm được học về lịch sử Việt Nam, các giá trị văn hóa và thức ăn Việt. Thức ăn quá ngon mà tôi thấy rất gần gũi với văn hóa Hispanic của tôi,” cậu Richard Gonzales, 17 tuổi, chia sẻ.
Em Diana Barba, 17 tuổi, tâm sự: “Tôi thấy mình thoát ra khỏi thói quen bình thường để cảm nhận và chia sẻ thích thú với những người mới gặp.”
Em Shelcy Barraza, góp ý: “Tôi học hỏi được nhiều nét đẹp về văn hóa. Tôi chưa hề biết ở khu vực này lại có nhiều thức ăn ngon đến thế. Tôi sẽ trở lại.
“Thật sự mà nói, tôi học hỏi được văn hóa Việt hay quá. Thức ăn và ngôn ngữ Việt, nhất là phong cách người Việt rất khác nhưng tích cực. Xin cám ơn được tham dự,” em Jacci Sanchez, 17 tuổi, nói.
“Đây là lần đầu tôi thấy cá sống bơi trong hồ. Tôi nhớ mãi ánh nhìn của con cá nhìn tôi lần cuối, trước khi được bắt ra khỏi hồ nước!” em nói thêm.
Nói được tiếng Hoa, từng là sinh viên nhận học bổng Fulbright du học Trung Quốc và cao học tại Pháp, giáo viên Williams, sau chuyến đi, viết trên trang Facebook của mình: “Trong cả năm ngày, mỗi ngày bảy giờ đồng hồ cùng các em, đi đây đi đó. Tôi thức khuya để viết lại chương trình, sao cho được tốt hơn. Có khi tôi nằm mơ và đó chính là ý tưởng đầu tiên khi tôi thức dậy vào sáng hôm sau.”
Một tuần sau, nhật báo Người Việt nhận được tấm thiệp cám ơn của các học sinh với chữ ký và những cảm tình rất tốt về văn hóa và con người Việt Nam, dù các em chỉ được tiếp xúc vài giờ đồng hồ.
Trường Lifeline Education Charter School được thành lập vào Tháng Chín năm 2002 ở Compton, Los Angeles, với số học sinh khi ấy là 200 em. Đến nay số học sinh tăng lên 340 em và trường có từ lớp 6 đến lớp 12. Tuy cư dân trong vùng có lợi tức thấp, trường đào tạo một số sinh viên giỏi theo học các đại học danh tiếng ở Hoa Kỳ.