“Kể từ hôm nay trở đi, viện bảo tàng này được thành lập cho cựu chiến binh và về cựu chiến binh, những anh hùng mà chúng ta tri ân vì họ đã phụng sự tổ quốc, vì họ đã hy sinh. Cầu mong anh linh các chiến sĩ luôn được thanh thản,”
Chào cờ khai mạc buổi lễ cống hiến Viện Bảo Tàng Heroes Hall. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
COSTA MESA, California (NV) – Một buổi lễ trang trọng khai trương Viện Bảo Tàng Anh Hùng (Heroes Hall) nhân ngày cựu chiến binh, diễn ra lúc 1 giờ trưa Thứ Sáu, 11 Tháng Mười Một, tại Orange County Fairgrounds, Costa Mesa, nhân kỷ niệm Ngày Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ với hàng trăm người tham dự.
Chánh Án Vincent Okamoto phát biểu. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
“Kể từ hôm nay trở đi, viện bảo tàng này được thành lập cho cựu chiến binh và về cựu chiến binh, những anh hùng mà chúng ta tri ân vì họ đã phụng sự tổ quốc, vì họ đã hy sinh. Cầu mong anh linh các chiến sĩ luôn được thanh thản,” bà Kathy Kramer, tổng giám đốc điều hành trung tâm OC Fair and Event Center, tuyên bố trước khi cùng quan khách cắt băng để mời mọi người vào xem tòa nhà rộng 5,000 sqft, dành để làm Viện Bảo Tàng Anh Hùng.
Trước đó, Mục Sư Frank Orzio dâng lời cầu nguyện mở đầu buổi lễ.
“Vị khách mời của chúng ta là người con út trong một gia đình có 10 anh em. Ông tham chiến ở Việt Nam khi ấy với chức vụ thiếu úy trung đội trưởng, chiến đấu cùng Sư Đoàn 25 Bộ Binh của VNCH ở Đà Nẵng,” ông Bobby McDonald, chủ tịch Hội Đồng Cố Vấn Cựu Chiến Binh Orange County, giới thiệu Chánh Án Vincent Okamoto, một cựu chiến binh Mỹ gốc Nhật từng tham dự chiến tranh Việt Nam.
“Dù ông bị thương nhưng vẫn ba lần cố gắng đẩy lui quân Việt cộng và được trao Chiến Thương Bội Tinh cùa VNCH, cùng huy chương sao bạc và sao đồng và hai anh dũng bội tinh Hoa Kỳ,” ông nói thêm.
Các vị dân cử tham dự lễ khánh thành viện bảo tàng. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Mọi người tham dự đứng lên vỗ tay chào đón vị diễn giả chính của buổi lễ.
“Chúng ta thường quên những người anh hùng đã dẹp bỏ những việc riêng tư và tương lai của họ, để chiến đấu, bảo vệ tự do của chúng ta. Tự do không phải là cho không. Chúng ta hãy nhớ đến họ, từng ngày,” vị chánh án nói.
“Tôi còn nhớ một trận đánh trên vùng cao nguyên Việt Nam, người lính trẻ 19 tuổi bị trúng nhiều vết đạn, nhưng anh không chết một mình. Một chiến hữu mời anh điếu thuốc, anh trả lời không. Một người khác đưa anh bi đông nước, anh cũng nói không!” diễn giả kể thêm. “Người thứ ba hỏi, thế thì bạn cần gì? Người lính trẻ trả lời xin cho anh ngày mai! Và anh trút hơi thở cuối cùng, chỉ vài phút sau đó.”
“Ngày lên đường trở về Mỹ, tôi đã tức giận, vì dư luận hồi ấy không đón tiếp những quân nhân chúng tôi, như những người đã hy sinh đời mình, vì tiếng gọi của tổ quốc. Tôi vẫn nhớ đến người lính trẻ. Anh không màng nhà đẹp, xe hơi mới, mà chỉ muốn có một ngày mai!”
“Chúng ta coi thường ‘ngày mai’ và không nghĩ rằng cuộc sống mong manh, quý báu. Họ là những người chết đi để đem lại ngày mai cho chúng ta. Chúng ta chỉ cần một cử chỉ đơn giả là mở miệng cười và nói lời cám ơn họ,” ông tâm sự.
Cảnh bùi ngùi trước bảng nghi tên các anh hùng trong chiến tranh Việt Nam. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
“Tôi còn nhớ câu nói ‘những ai cùng đổ máu với tôi, là anh em tôi.’ Nơi đây sẽ là nơi để hàn gắn các vết thương, để tỏ tình thân hữu và sống lại những tình cảm xa xưa. Đay cũng là nơi để các thế hệ tương lai học hỏi. Không phải ai mua cho chúng ta tự do mà là do chúng ta được thừa hưởng,” ông nói giữa tiếng vỗ tay của hàng trăm người tham dự, đa số là cựu chiến binh, và gia đình.
Kế đến là phần phát biểu của Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn.
“Là thành viên của Ủy Ban Cựu Chiến Binh Thượng Viện và Hội Đồng Quân Sự Thống Đốc, tôi rất hân hạnh có mặt hôm nay để tham dự một buổi lễ đầy ý nghĩa. Ngày hôm qua chúng ta đã mừng sinh nhật năm thứ 243 của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ,” vị thượng nghị sĩ gốc Việt nói.
“Tôi ăn mừng vì gia đình tôi là một gia đình quân đội. Hơn 30 năm trước, tôi được sinh ra ở Việt Nam. Ba tôi là quân nhân QLVNCH và em tôi là cựu quân nhân Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ từng phục vụ ở chiến trường Iraq và Afghanistan. Quân nhân là những người bảo vệ sự tự do,” bà nói thêm.
“Một trong những việc làm của tôi để tỏ lòng biết ơn là đạo luật do tôi đề ra và được Quốc Hội thông qua và được thống đốc ký ban hành. Đạo luật ấy đòi hỏi các cơ quan chính quyền chỉ mua cờ Hoa Kỳ và cờ California từ những nhà sản xuất tại Mỹ, và tại Mỹ mà thôi!” bà nói giữa tiếng vỗ tay của người tham dự.
Một số dân cử khác cũng phát biểu, gồm có dân biểu Hoa Kỳ tân cử Lou Correa, các giám sát viên Orange County, như Michelle Steel và Shawn Nelson, cùng Thượng Nghị Sĩ John Moorlach, Dân Biểu Matthew Harper, và nhiều dân cử địa phương.
Sau cùng là đại diện của các đơn vị Bộ Binh, Thủy Quân Lục Chiến, Tuần Duyên, Không Quân, và Hải Quân lên cột cờ để kéo cao các lá cờ của đơn vị mình.
Buổi lễ cũng có triển lãm quân xa và hình ảnh của các đơn vị quân đội.
Trong ban quản trị của OC Fair and Events có một người Việt.
“Tôi thấy việc làm ý nghĩa nên mới tham gia được một năm. Tôi rất vui thấy viện bảo tàng thành hình,” anh Newton Phạm, nhân viên ngân hàng, chia sẻ.
Cựu Trung Tá Không Quân Don Nguyễn, từ Texas mới về tham dự, nói: “Tôi ở trong tiểu ban cố vấn của Cựu Quân Nhân Orange County. Tôi thấy việc làm này rất ý nghĩa và cảm động.”
Trước viện bảo tàng “Heroes Hall” là các cột ghi tên tuổi những anh hùng và một trụ cao khoảng 10 feet, ghi danh các chiến sĩ tham dự các cuộc chiến từ Thế Chiến 1, Thế Chiến 2, chiến tranh Triều Tiên, và chiến tranh Việt Nam.
Được biết, chi phí xây viện bảo tàng là $4 triệu, và nhóm Heroes Foundation đã gây quỹ được $400,000 trong 14 tháng.