Nhìn, ngó, và quan sát cách người ta thể hiện lòng biết ơn nhau. Để tự hỏi, sao người xưa lại có thể hình thành nên những tập tục mang đầy tính nhân bản như thế.
(Hình minh họa: Getty Images)
Xòe bàn tay ra đếm, giật mình khi biết rằng đây là lần thứ 12 mình đón lễ Tạ Ơn trên mảnh đất này.
Không biết từ khi nào, tôi đã không còn dùng đến chữ “tạm dung” để nói về nơi mình đang sống. Vùng đất này đã là quê hương, của tôi, của cả con tôi. Và mỗi mùa Thanksgiving ghé lại, là mỗi lần thấy mình càng nặng nợ hơn với bao người, quanh đây.
Khí trời vào thời khắc này luôn thật lạ. Cái lành lạnh, se sắt cuối Thu chớm Đông không làm mình co rúc, tê tái, mà nó cứ bảng lảng một cảm giác khiến mình chùng chình, nao nao, nhớ nhớ, thương thương. Cận ngày Tạ Ơn, Califfornia lại miên man trong mưa. Cơn mưa chiều lất phất. Cơn mưa đêm rả rích. Ngồi trong nhà nhìn ra sân sũng nước. Cái vàng vọt của ánh đèn đường rọi xuống những hàng cây cúi đầu, như âm thầm, chiêm nghiệm.
Đi qua 12 mùa Tạ Ơn, lại thấy mình được sanh ra dưới một ngôi sao tốt. Vẫn nhớ cái ngơ ngác trong lần đầu dự lễ Gà Tây tại một “trung tâm người già” khi đặt chân sang Mỹ vừa đôi tháng. Nhìn, ngó, và quan sát cách người ta thể hiện lòng biết ơn nhau. Để tự hỏi, sao người xưa lại có thể hình thành nên những tập tục mang đầy tính nhân bản như thế.
Đến ngày này, dành ra những khoảnh lặng để quay về, ngắm nhìn chặng đường mình in dấu, tôi lại nhớ đến nhiều người đã từng hiện diện trong đời tôi, góp phần đẩy tôi từng bước đến bến hiện tại. Có người tôi biết mặt. Nhưng có người tôi đã chẳng thể nhớ tên. Tôi chỉ nhớ, nhờ họ, tôi đã tự tin hơn. Nhờ họ, tôi vững vàng hơn. Nhờ họ, tôi thấy cuộc đời này thật sự đẹp hơn mình nghĩ.
Tôi mãi không bao giờ quên vợ chồng một bác Việt Nam cao tuổi ở New York, người tôi đã chẳng biết mặt cũng không nhớ tên, đã giúp tôi làm tròn một cuộc “verify” bằng điện thoại trong công việc đầu tiên tôi tìm được khi đến Mỹ.
Tôi nhớ mãi hai người bạn nhỏ tên Dự, tên Phụng đã không nề hà chở tôi đi làm trong những ngày đầu ngờ nghệch nơi đây.
Tôi nhớ cô Ba (Vân), chị Thủy, chị Anh, chị Trinh, anh Hòa, anh Quy, Như, Thu,… những người đã cùng tôi chia nhau những vui buồn khi làm việc ở trung tâm Đa Lạc Viên.
Tôi nhớ chị Liên, anh Tuấn, vợ chồng người chủ tiệm nail, nhớ cô Nga, cô An, chị Hồng, anh Quang, Tina… người đã giúp tôi luôn hiểu rằng tiệm nail thật ra vẫn là nơi chứa đầy tình người, đầy sự giúp nhau, chứ không phải chỉ là nơi người ta biết có đồng tiền và sẵn sàng hơn thua nhau vì nó.
Tôi nhớ những lá thư, những email, những cuộc điện thoại của độc giả, những người đã giúp tôi hiểu mình là ai, mình nên làm gì và phải làm gì.
Tôi luôn thấy mình may mắn, lúc nào cũng vậy, khi được làm việc chung với những đồng nghiệp biết chia sẻ, gánh vác công việc cho nhau. Quan trọng hơn, tôi phải cám ơn các ông sếp của mình, những người luôn phải “cắn răng chịu đựng” một đứa phóng viên có tính khí thất thường. Các sếp không thể cư xử với tôi như kiểu các ông với nhau, bực mình, giận dữ, bất đồng, cứ chửi ầm lên, rồi lôi nhau ra sau parking hút thuốc, trò chuyện, là xong. Ngó đi nhìn lại, chỉ mình “nó” là nữ, chìu hoài sợ “nó” thành kiêu binh, lớn tiếng thì “nó” khóc, la thì mặt “nó” hầm hầm,…
Tôi học được nhiều bài học về lòng biết ơn và cách ghi ơn của con người nơi đây. Đôi khi rất bình dị, giản đơn, nhưng sâu sắc đến vô cùng.
Tôi nhìn thấy nghĩa cử của lòng biết ơn từ những người biết chắt chiu, dành dụm những đồng tiền hưu còm cõi của mình để mua thức ăn san sẻ cho những người nghèo hơn, đói hơn.
Tôi nhìn thấy nghĩa cử của lòng biết ơn từ những người biết dành thời gian mà họ có thể kiếm tiền rất nhiều, để cùng chung tay với bạn bè, đồng hương nấu một bữa ăn ngon, tìm kiếm những chiếc áo lạnh, những tấm chăn ấm mang đến cho những người mà phận hẩm hiu còn quấn quít cuộc đời.
Tôi nhìn thấy nghĩa cử của lòng biết ơn từ những người đi trước, dìu dắt người đến sau, như một cách cho đi, điều họ từng nhận, ngày xưa.
Thanksgiving, Lễ Tạ Ơn. Chỉ một ngày, trong 365 ngày của năm. Nhưng cũng đủ, để mình nhìn lại những ơn nghĩa ở đời. Đủ, cho mình tri ơn điều mình đang có, một cách thành tâm hơn.
Tôi không muốn nói thêm lần nữa, rằng, tôi mang ơn nước Mỹ, cũng như mang ơn những người đã mang tôi đến thế gian này, cùng tôi đi dọc hành trình tôi rong ruổi từ những bước chân lẫm đẫm đầu tiên. Tôi chỉ biết mình phải làm sao, để khi nhìn vào, người ta phải nói: nước Mỹ và những người chung quanh đã làm tôi đẹp hơn, cả suy nghĩ và hành động.
Và tôi gọi, đó là cách Tạ Ơn.