“Càng biết ông Đức hồi xưa thì càng thấy ông thay đổi. Ông không hề giống gì với lúc trước. Bây giờ cung cách nói chuyện và sự tử tế trong lòng anh làm tôi ngạc nhiên lắm.”
Thư pháp gia Hà Trọng Đức tại tư gia. (Hình: Hà Trọng Đức cung cấp.)
RESEDA, California (NV) – “Năm tháng sau ngày mất nước 30 Tháng Tư, 1975, cuộc đời tôi bắt đầu có những cơn nóng giận đột phát dữ dội đến nỗi tôi không thể kềm hãm kịp,” ông Hà Trọng Đức nói. Nhờ học viết thư pháp, sự nóng giận kinh khủng này mất hẳn, để lại cho ông một sự thanh thản yên bình.
Sau ngày đó, từ một người hiền lành, ông Đức trở thành một người nóng nảy, liều lĩnh, bất chấp tất cả. Ông sẵn sàng lao vào những trận đánh nhau đổ máu bất cứ lúc nào bị khiêu khích.
Đây là câu chuyện của ông.
Tháng Tư, 1975, khi Sài Gòn vừa sụp đổ thì gia đình ông cũng có những thay đổi lớn lao.
Ông kể: “Vừa từ trường nội trú Duy Tân ở Nhà Bè về nhà trên đường Tô Hiến Thành, Quận 10, Sài Gòn, thì mới hay là mẹ tôi đã đi Mỹ cùng với chín người con, để lại tôi và người chị. Ba tôi lúc đó ở chỗ khác để giữ nhà vì ông có rất nhiều nhà.”
Sóng gió ụp xuống đời ông vào Tháng Chín, 1975.
“Đùng một cái, cả bọn quan chức phường khóm kéo nhau ập vô nhà tôi, hoạnh họe là tại sao tôi trên 18 tuổi mà không có công ăn, việc làm. Vừa học xong lớp 12, lại vừa mất nước thì công ăn, việc làm ở đâu mà có,” ông phân trần.
Thế là họ bắt ông phải đi “cải tạo.” Họ bắt “học” ở nhiều trại khác nhau, nhiều đến nỗi ông không thể nhớ hết nổi.
“Tôi biết là tôi bị giam ở 13 trại khác nhau nhưng không thể ra rõ ràng là ở đâu. Có vài trại lớn mà tôi nhớ được là Long Khánh, Long Giao, và Phước Long,” ông nói.
Ông Đức hồi tưởng: “Tôi không thể quên được. Năm 1975, gia đình tôi tan tác. Tôi mất tất cả và hậu quả của những năm tháng bị đánh đập, hành hạ trong trại tù này là một sự căm hận, tức giận lúc nào cũng hừng hực trong lòng tôi.”
Trong tù, vì bản năng sinh tồn, ông trở nên hung hăng và lúc nào cũng sẵn sàng dùng nắm đấm để giải quyết tranh chấp. Chẳng mấy chốc, thói quen này trở nên cách “thu xếp mọi việc” một cách gọn gàng, nhanh chóng.
Bốn năm sau, năm 1979, ông ra tù với cái hỗn danh “Đức Rồng,” vì hình con rồng xâm trên cánh tay phải của ông.
“Không tiền, tôi làm nghề bảo vệ bạn hàng đi buôn hàng chuyến trên xe lửa Thống Nhất. Lúc đó, rất nhiều người sợ phải đến ga Mường Mán vì cả làng này hay kéo nhau lên xe lửa đánh cướp. Từ bảo vệ đến công an đều sợ làng này. Gần tới đây, cả đám kéo nhau vô phòng đóng cửa để tránh mặt. Cả nước, ai ai cũng sợ khi phải qua ga này,” ông nói.
Ông và vài người khác nhận đi theo một nhóm gồm năm bạn hàng từ Sài Gòn cho đến khi qua khỏi ga Mường Mán với giá là một chỉ vàng.
“Tôi rất thích công việc này vì vừa có tiền vừa có dịp ‘vận động tay chân,’” ông nói.
Nhưng khi chạm trán với nhóm cướp thì người thủ lãnh bên kia lại có ý thích ông nên tìm cách hòa giải.
Ông kể: “Từ đó về sau, cứ mỗi lần thấy chúng tôi, họ bỏ đi qua toa khác.”
Sau đó, phần vì Tổng Cục Đường Sắt bỏ ga Lê Lai và thay vào đó là ga Bình Triệu, phần vì ông vừa quen người vợ tương lai nên ông không làm việc này nữa.
Giải nghệ rồi, tưởng mọi việc sẽ bình lặng cho ông kể từ nay. Không dè, một đêm khuya năm 1981, một nhóm phường đội ngồi đàn hát ở trước nhà ông. Chẳng hiểu từ đâu, ông đùng đùng nổi giận chạy ra rượt đánh cả bọn.
“Đây là lần hiếm hoi mà tôi đánh người ta khi không bị khiêu khích. Chắc đây là lúc tôi bộc lộ thái độ căm thù chế độ,” ông nói.
Cũng may, cả đám kéo nhau chạy kịp nên không ai bị thương tích gì. Nhưng lòng căm giận những đại diện của chế độ cộng sản không hề suy xuyển trong ông.
Sau đó, ông bị bắt vào trại tù Phương Lâm trong rừng mật khu Hố Bò. Không chịu đựng sự bất công, phi lý trong tù, ba tháng sau, ông vượt ngục.
Ông đạp xe đạp, cứ nhắm hướng Tây mà đạp.
Ông kể: “Dọc đường, tôi vừa làm nghề vá dép nhựa, vừa bán bong bóng vẽ hình bằng màu nước, vừa khuân vác tạp lục để kiếm ăn.”
Lúc ngủ đường, ngủ chợ, lúc ngủ chùa, ngủ miếu, ông đội nắng, đội mưa mà đạp miết. Sáu tháng sau, ông đến Cambodia.
Ở gần Chợ Cũ Nam Vang được hai năm, thấy tình hình ở nhà có vẻ êm dịu, ông quay về.
Năm 1985, trong lúc băng qua đường ở ngã ba Hòa Hưng, ông bị một đại úy công an lái xe Honda vô tình đụng phải.
“Không kịp suy nghĩ, tôi tấn công hắn ta tới tấp. Hắn móc súng ra, tự khoe rằng mình là công an thành phố, tôi càng đánh dữ hơn,” ông kể.
Thấy ông quá nóng giận, không ai dám can thiệp. Ông Đức thì như trong cơn say, cứ nhắm vào kẻ thù mà đánh tới tấp. Đánh bằng tay chán, ông chụp đồ bơm xe dọc đường đánh tiếp. Cho đến khi đại úy công an thành phố quay lại với một xe vận tải chở đầy công an, ông mới biết người bị đánh bị chảy máu đầu, rách tay và mất luôn khẩu súng.
Vừa bị lệnh truy nã vụ vượt ngục, vừa bị đại úy công an săn lùng, ông trốn vào Chợ Lớn.
Lúc này, con gái lớn của ông vừa lên năm tuổi.
Ở Chợ Lớn đến năm 1986, con ông không được đi học vì ông bị nhiều lệnh truy nã.
Ông quyết định ra đầu thú vì tương lai con mình. Lần này, ông bị tuyên án ba năm tại trại tù Duyên Hải.
Năm 1987, ông được gọi phỏng vấn đi Mỹ đoàn tụ gia đình nên vợ ông thu gom tất cả tiền bạc trong nhà lo đút lót để ông được trả tự do sớm.
Rồi ông cùng đứa con gái bảy tuổi đi Mỹ trước, và sẽ lo liệu cho vợ và con gái nhỏ đi sau.
Đến Mỹ, ông ở với cha mẹ ở Texas. Nhưng vì tính nóng nảy vẫn còn trong người, hai tuần sau, ông bỏ về Reseda, California, và ở đến nay.
“Tới Mỹ rồi, tưởng tôi bớt nóng nảy. Không ngờ tôi vẫn như xưa. Vừa gặp chuyện gì phật ý là tôi đánh liền, không chần chờ gì hết,” ông Đức nói.
Ông Henry Phan, cư dân El Monte, nói: “Tôi chưa thấy ai nóng tính và bất chấp như ông ‘Đức Rồng’ hết. Có lần, ông xích mích gì đó với ông chủ đất ở Reseda, không thèm nói gì, ông Đức nhảy vô đánh tới tấp làm ông chủ đất không kịp trở tay, phải bỏ chạy. Mà ông này người Do Thái, to như con trâu nước, nặng trên 200 pound trong lúc ông Đức thì nhỏ con hơn nhiều.”
Ông Henry tiếp: “Cảnh sát tới làm biên bản nhưng không tin là ông đánh ông Do Thái vì ông Đức quá nhỏ con.”
Dù không cố tình gây lộn để đánh nhau, quá khứ tại Mỹ của ông cũng vẫn là những trận ấu đả liên tục.
Năm 2011, tất cả mọi điều tốt đẹp trong đời ông bỗng thành mây khói.
Năm ấy, người vợ mà ông hết lòng thương yêu bị định bệnh ung thư bứu cổ. Chưa hết, toàn bộ tài sản trên $2 triệu do ông gầy dựng chợt tiêu tan.
Cuộc đời ông bỗng là một một sự dồn nén tột cùng.
“Lúc đó, tôi tưởng là mình sắp chết rồi. Tôi không nghĩ tới chuyện tự tử nhưng tôi không hề sợ chết. Ngược lại, tôi sẵn sàng ‘chơi xả láng’ nếu cần,” ông nói.
Mãi cho đến khi, do một sự tình cờ, ông thấy thích thư pháp.
Ông Hà Trọng Đức (trái) và một người bạn. (Hình: Hà Trọng Đức cung cấp)
Ông hồi tưởng: “Tôi không được ai dạy dỗ cả. Chỉ tự nhiên thấy thích môn này vô cùng. Rồi tôi tự học. Càng học, càng thấy bớt suy nghĩ lung tung. Dần dà, tôi thấy lòng mình thanh thản một cách lạ lùng.”
Ông Trí Trần, cư dân Reseda, nói: “Lúc trước, anh ‘Đức Rồng’ là người rất cọc tính. Anh không cố tình gây sự với ai, nhưng bất kể Việt Nam, Mỹ, Mễ gì, ai mà đụng tới anh là anh ‘phang’ liền. Tôi chưa được chính mắt chứng kiến cảnh anh đánh lộn. Nhưng ai ai ở vùng Reseda này mà không biết anh.”
Ông Henry nói: “Càng biết ông Đức hồi xưa thì càng thấy ông thay đổi. Ông không hề giống gì với lúc trước. Bây giờ cung cách nói chuyện và sự tử tế trong lòng anh làm tôi ngạc nhiên lắm.”
Ông Trí nói: “Phải nói là anh Đức thay đổi 180 độ so với ngày xưa. Anh có đạo đức rõ ràng. Tôi mừng cho anh.”
Ông Đức nói: “Khi xưa, tưởng đánh lộn là để giải tỏa nỗi hận thù trong lòng. Ai dè, càng đánh người ta, tôi càng thấy nóng giận hơn. Bây giờ nhờ thư pháp, tôi có một cái gì đó vô cùng bình an trong tâm hồn.”
Bắt đầu học thư pháp năm 2011, ông dùi mài học hỏi và thực tập cho đến năm 2015 thì mới thực sự hài lòng với khả năng của mình.
“Tôi cứ viết đi, viết lại, xé không biết bao nhiêu bản thảo, tốn không biết bao nhiêu giấy mực rồi mới thấy vừa ý,” ông nói.
Là người không tin vào tôn giáo, nhưng lúc bắt đầu học viết thư pháp, ông Đức bắt đầu cảm thấy có những suy tư đến một đấng thiêng liêng mà ông gọi là “Đấng Vô Hình.”
Ông nói: “Có những lúc, không hiểu vì sao, tôi cầu xin ‘Đấng Vô Hình’ cho mình mau có khả năng viết thư pháp thật giỏi để phục vụ những người chung quanh.”
Nhờ thư pháp, ông Đức, từ một người luôn nóng giận và hung hăng, dần dà trở nên một người hoàn toàn khác.
“Tôi tin là mọi chuyện không hay xảy đến cho tôi năm 2011 đều do một sắp xếp nào đó để tôi có dịp thành người tốt hơn,” ông nói.
Ông càng tin tưởng vào “Đấng Vô Hình” hơn khi sau những tái khám mới nhất, bác sĩ rất ngạc nhiên khi thấy những dấu hiệu ung thư của vợ ông hoàn toàn không còn nữa.
Bắt đầu viết thư pháp cho cộng đồng từ Tết năm 2015 ở hội chợ Mile Square Regional Park, Fountain Valley, ông Đức cảm thấy một cái gì đó rất huyền bí trong thư pháp của mình.
Ông nói: “Tôi không dám nói với ai vì sợ người ta không tin. Tôi còn không tin mà. Có lần, một người nhờ tôi viết bất cứ chữ gì để cầu tài. Tôi định viết chữ ‘tài lộc dồi dào,’ nhưng tới khi cầm giấy đưa cho người ta, tôi mới thấy mình vừa viết chữ ‘thiện tâm.’ Đang ngạc nhiên, nhưng khi người ta hỏi tại sao, tự nhiên tôi giải thích là ‘phải làm điều lành mới có tài lộc’ mà lòng mình thì không hiểu lý do.”
“Mấy tháng sau, người đó tình cờ gặp tôi và cám ơn rối rít vì lời khuyên vô giá đó,” ông nói.
Ông nhớ thêm: “Lần khác, bà này nhờ tôi viết chữ ‘phúc lộc,’ tôi định viết theo ý bà thì tay tôi lại viết thành chữ ‘hỷ xả.’ Bà chưa kịp hỏi thì tôi, vẫn không biết sao, giải thích là ‘nên tha thứ, đừng oán ghét ai thì sẽ có tài lộc.’”
Gặp lại bà trong một lần đi chợ, bà cho ông Đức hay là lời khuyên ấy quả là có hiệu ứng và xin gởi tiền nhưng ông không nhận.
“Tôi viết thư pháp vì thích. Ai muốn cho vài ba đồng mua giấy mực thì tôi nhận. Nhiều hơn nữa, tôi không dám lấy,” ông dứt khoát.