main billboard

Tôi tranh đấu đòi tự do tôn giáo và tự do ngôn luận, cùng 200 nhà sư biểu tình, bị công an bắt bỏ tù ngày 8 Tháng Hai, 2007,”


thachxuanhien 1
Hình chụp gia đình ông Thạch Xuân Hiền tại phi trường LAX. (Hình: IOM, do Thach Xuân Hiền cung cấp)

February 17, 2017

SAN DIEGO, California (NV) – Một gia đình người Việt tị nạn từ Thái Lan vừa đến California hôm Thứ Tư, 15 Tháng Hai, sau khi chuyến bay của họ bị hủy bỏ hai tuần trước, do sắc lệnh di dân của Tổng Thống Donald Trump ký ngày 27 Tháng Giêng, theo đó, ngưng tất cả các chương trình tị nạn trong 120 ngày.

Tuy nhiên, nhờ phán quyết của Chánh Án James Robart, thuộc Tòa Án Liên Bang ở Seattle, và của ba chánh án ở Tòa Kháng Án Khu Vực 9 ở San Francisco chặn sắc lệnh này lại, gia đình ông Thạch Xuân Hiền mới được nhập cảnh Hoa Kỳ.

thachxuanhien 2
Vợ chồng ông Thạch Xuân Hiền bên giường hai con đang ngủ. (Hình: Phan Trung Kiên cung cấp)

Ông Hiền, một nhà sư Phật giáo người Việt gốc Miên, 31 tuổi, sinh quán ở Lịch Hồi Thượng, Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

“Tôi cùng vợ và hai con đến phi trường LAX vào buổi trưa Thứ Tư và cơ quan IOM ra đón. Vợ tôi hiện mang thai qua tháng thứ bảy và tôi có hai cháu, một gái, 9 tuổi, và một trai, 6 tuổi,” ông nói với nhật báo Người Việt một cách chậm rãi, vì phải nói tiếng Việt.

Ông Hiền cho biết gia đình ông được Hiệp Hội Trợ Giúp Người Tị Nạn Phi Châu (The Alliance for African Assistance), một tổ chức bất vụ lợi lo cho người tị nạn Phi Châu và các nước khác, mướn cho căn hộ một phòng ở San Diego để tạm trú.

Ông kể về tình trạng sống hiện tại và cho biết gia đình ông sắp tới gặp hiệp hội vào buổi chiều để bổ túc giấy tờ.

“Hôm qua, cô Elizabeth Speech thuộc tổ chức thiện nguyện này cho $200 và đưa gia đình chúng tôi đi chợ Việt Nam mua rau, thịt, táo và sữa. Tôi mua 2 kí gạo để nấu cơm. Tình trạng thai nghén của vợ tôi khả quan và hai cháu khỏe mạnh,” ông Hiền nói.

Về nhu cầu, ông cho biết: “Chúng tôi đến Mỹ không có gì ngoài hành lý là một túi quần áo. Trước khi nghe nói được đi tị nạn, chúng tôi đã đem cho hết đồ đạc rồi.”

Cư sĩ Quảng Hải Phan Trung Kiên, chủ nhiệm Liên Phật Hội và sinh hoạt xã hội trên 30 năm ở San Diego, tới thăm gia đình ông Hiền, cho biết: “Tôi là người Việt đầu tiên tìm đến thăm ông Hiền và ăn tối cùng gia đình ông Hiền tại nhà. Ngòai trời hiện mưa gió rất lớn.”

“Từng là người tị nạn, thấy hội của người Phi Châu giúp đỡ, tôi nghĩ cũng nên kêu gọi một số bạn hữu người Việt tới thăm để giúp gia đình này ngày mai, Thứ Bảy,” ông Kiên nói thêm.

Trước đó, ông Hiền kể với nhật báo Người Việt về hành trình tìm tự do của ông, bắt đầu từ hơn 10 năm qua.

thachxuanhien 4
Ông Thạch Xuân Hiền (trái) và cư sĩ Quảng Hải Phan Trung Kiên tại nhà người tị nạn mới. (Hình: Phan trung Kiên cung cấp)

“Tôi tu bảy năm tại chùa ‘Sere Tạm Ơn’ ở huyện Mỹ Xuyên từ năm 2000. Sau tôi tu học Phật pháp Pali Trung Cấp Nam Bộ trong ba năm ở Sóc Trăng. Tôi tranh đấu đòi tự do tôn giáo và tự do ngôn luận, cùng 200 nhà sư biểu tình, bị công an bắt bỏ tù ngày 8 Tháng Hai, 2007,” ông nói qua điện thoại.

“Tôi gặp vợ tôi người Khmer ở Kompong Cham bên xứ Miên. Sau đó tôi vượt biên từ Sóc Trăng bằng đường bộ, đến Thái Lan trước vợ tôi một năm. Tôi bị bắt ở Sóc Trăng một tuần năm 2007. Tới Thái Lan tôi bị cảnh sát Thái bắt nhốt hai lần, vì không có giấy tờ nhập cảnh hợp pháp,” ông Hiền kể.

“Khi đến Bangkok, tôi trả 2,000 ‘bạt’ (Baht đồng tiền Thái) cho một người để lên chiếc xe 15 chỗ ngồi, đưa tôi kiếm chỗ ẩn náu, và tôi ở tỉnh Pathumthani từ năm 2009 đến nay, trước khi được các luật sư của BPSOS – Thái Lan can thiệp với Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc năm 2014 để xin cho tôi tị nạn. Nếu không có BPSOS, gia đình tôi đã không được đi,” ông nói thêm.

Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng, tổng giám đốc điều hành BPSOS, cho biết: “Đáng lẽ ra, gia đình ông Hiền được lên máy bay hôm 8 Tháng Hai, nhưng vì sắc lệnh của Tổng Thống Trump trì hoãn, ngày 15 Tháng Hai họ mới đến được Los Angeles.”

“Chúng tôi rất vui mừng về việc ông Hiền, sau 10 năm ròng rã chạy nạn cộng sản, đã cùng gia đình đến được đất nước Hoa Kỳ tự do. Tuy nhiên, vẫn còn gần 1,000 đồng bào xin tị nạn ở Thái Lan tương tự như gia đình này, và họ đang rất cần sự cưu mang và bảo vệ của cộng đồng người Việt ở hải ngoại.”

Cô Hằng Nguyễn, quản lý văn phòng BPSOS-CA ở Westminster, cho biết: “Hôm Thứ Tư chúng tôi đi đón gia đình ông Hiền, nhưng không gặp, vì chuyến bay đến sớm 40 phút, và IOM đã đưa gia đình ông rời khỏi phi trường Los Angeles về nơi tạm trú.”

Ông Nguyễn Văn Lực, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt San Diego, tỏ vẻ vui mừng về tin gia đình ông Hiền đến San Diego: “Chúng tôi chắc chắn sẽ đến thăm hỏi và cho cộng đồng biết để giúp đỡ tùy khả năng.”

Ông Hiền cho biết gia đình ông hiện cư ngụ tại địa chỉ: 3714 Marlborough Ave., Apt #2, San Diego, CA 92105.

Ông Kiên đến thăm, tình nguyện giúp ông Hiền trong những ngày đầu còn bỡ ngỡ với đời sống mới, và cho biết Liên Phật Hội có tặng gia đình ông Hiền $300.

Ông nói: “Đồng hương có lòng giúp đỡ ông Hiền, có thể liên lạc với Phan Trung Kiên ở số điện thoại (619) 994-4146. hay email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..

Hiệp hội “The Alliance for African Assistance” được thành lập năm 1989 ở San Diego, California, do ông Walter Lam, một người tị nạn gốc Phi Châu, sáng lập để đáp ứng nhu cầu trợ giúp người tị nạn gia tăng.

“Tổ Chức Cứu Người Vượt Biển” (BPSOS) được thành lập từ năm 1980. Chương trình “LAVAS” của BPSOS gởi luật sư sang các trại tị nạn ở Đông Nam Á có đông người Việt, để tranh đấu cho quyền của người tị nạn được định cư tại quốc gia thứ ba, khi làn sóng vượt biên dâng cao; và giúp các cộng đồng người Việt gia tăng sức mạnh. Hiện nay BPSOS có trụ sở chính ở Falls Church, Virginia và tổng cộng có tám chi nhánh tại Mỹ, trong đó, một ở Westminster, CA; và ba chi nhánh khác ở Thái Lan, Malaysia và Taiwan.