main billboard

Chỉ biết khi được tin về sắc lệnh đó của ông, tôi đã bàng hoàng với ý nghĩ: Nếu vào 1975 ông Trump là tổng thống thì người tị nạn Việt Nam mình lúc đó như thế nào?”


lm nguyenhoaichuong
Linh Mục Nguyễn Hoài Chương. (Hình: Linh Mục Nguyễn Hoài Chương cung cấp)

“Tôi là một người tị nạn, và suốt đời mãi mãi sẽ là một người tị nạn!” Linh Mục Nguyễn Hoài Chương khẳng định với phóng viên nhật báo Người Việt như thế, khi được hỏi về tâm trạng của mình lúc viết lá thư ngỏ gửi cho Tổng Thống Donald Trump, về sắc lệnh di dân của ông, cấm không cho người tị nạn Syria được vào nước Mỹ một cách vô hạn định.

Lá thư ngỏ của vị linh mục, viết hôm 8 Tháng Hai, được ký giả Peter Steinfels, chuyên viết về đề tài tôn giáo, đăng lần đầu tiên trên tạp chí Công Giáo Commonwealth, rồi từ đó được phổ biến rộng rãi và gây ra nhiều bàn tán.

“Cho đến nay, tôi đã gửi lá thư đó ba lần rồi, nhưng vẫn chưa được hồi đáp của Tòa Bạch Ốc,” Linh Mục Nguyễn Hoài Chương, thuộc dòng Salesian Don Bosco ở Rosemead, California, nói.

Trong lá thư, giờ đây đã nổi tiếng, vị linh mục mở đầu: “Ngày 27 Tháng Giêng bắt đầu năm mới của người Việt mà chúng tôi gọi là ngày Tết, một thời gian mà theo truyền thống là để ăn mừng với nhiều ước vọng và niềm vui cho năm mới. Sáng hôm đó, ông ký một sắc lệnh hành pháp đình chỉ vô thời hạn không cho người tị nạn Syria nhập cư và giới hạn số lượng người tị nạn khác vào Hoa Kỳ. Sắc lệnh ấy làm tim tôi và hồn tôi băng giá. Tôi từng nghe rất nhiều câu chuyện làm cho nước Mỹ lớn mạnh trở lại mà ông chia sẻ trong cuộc tranh cử. Hôm nay tôi viết vì tôi là một nhân vật trong những câu chuyện đó.”

Khẳng định rằng mình “là một người tị nạn,” Linh Mục Chương kể lại, ngày 29 Tháng Tư, 1975, theo cha mẹ trốn chạy Cộng Sản hết sức nguy nan đến một nơi vô định.

Ông khẳng định: “Trở thành người tị nạn là một lựa chọn khi người ta không còn sự lựa chọn nào khác.”

Gia đình ông may mắn được Đệ Thất Hạm Đội của Mỹ đưa đến vịnh Subic, Philippiines, nơi mọi người được làm thủ tục vào Hoa Kỳ, bắt đầu cuộc sống tị nạn.

Ông bày tỏ: “Lẽ sống đã được trao cho chúng tôi như một món quà, và chúng tôi đã không lãng phí món quà đó.”

Về sinh hoạt truyền giáo và hướng dẫn giới trẻ khắp năm châu, cũng như những hoạt động xã hội từ năm 1993 của mình như một sự trả ơn đời, góp phần làm cho nước Mỹ ngày càng tươi đẹp, vị linh mục kết luận: “Vâng! Tôi là một người tị nạn. Tôi là một người Mỹ và tôi đã làm cho nước Mỹ vĩ đại theo cách của riêng tôi trong vòng 41 năm qua, kể từ khi tôi được hưởng quy chế tị nạn tại đất nước tuyệt vời này. Nhưng giờ đây, tôi muốn từ bỏ quốc tịch Hoa Kỳ và mong ông hãy trao quốc tịch này cho một người tị nạn Syria. Tôi chắc chắn rằng họ, giống như tất cả những người tị nạn, sẽ không lãng phí món quà của lẽ sống. Tôi tin họ cũng sẽ giúp làm cho Mỹ vĩ đại…”

Lá thư dài hai trang của Linh Mục Nguyễn Hoài Chương tạo cảm xúc cũng nhiều, nhưng gây sửng sốt cũng lắm, không chỉ vì tâm tư mà ông thổ lộ bị một số người cho là “thái độ chính trị,” hay sự “chống đối” Tổng Thống Donald Trump, hoặc chống đối sắc lệnh ban hành ngày 27 Tháng Giêng của tổng thống, mà còn vì đề nghị nhường quốc tịch cho một người tị nạn từ Syria đến là không thể được.

Nhường quốc tịch Mỹ cho một người tị nạn Syria à? Linh mục nói thì nói cho vui vậy thôi, điều đó làm sao mà làm được? Người ta hỏi nhau, phê phán.

Tâm tư người viết thư

Chia sẻ tâm trạng của mình lúc ngồi viết bức thư ngỏ, linh mục nói: “Hoàn cảnh ngày càng có nhiều người tị nạn trên thế giới là vấn đề tôi đã quan tâm từ bốn, năm năm nay rồi. Còn việc lá thư vừa viết gửi cho ông Donald Trump…việc bầu cử tổng thống, mọi người có quyền chọn lựa. Tôi không bàn đến việc đó. Chỉ biết khi được tin về sắc lệnh đó của ông, tôi đã bàng hoàng với ý nghĩ: Nếu vào 1975 ông Trump là tổng thống thì người tị nạn Việt Nam mình lúc đó như thế nào?”

Bàn về phản ứng nhận được sau khi lá thư được phổ biến, linh mục cho biết ông nhận được “rất nhiều email tán thành” nhưng “cũng có một số ít người phản đối.”

Về những ý kiến tán thành, linh mục kể: “Những linh mục cùng dòng Don Bosco, và các vị bề trên của tôi, đa số đều rất hãnh diện về lá thư, nói rằng thư viết thật rõ ràng, gọn mà cảm động, xúc tích. Còn các em học sinh, em thì nói trước đây không biết cha cũng có ý thức ‘chính trị,’ em khác nói lá thư của cha làm cho chúng em phải suy nghĩ mình là ai, và làm chúng em hiểu điều cha muốn nói khi cha dặn dò chúng em là chúng ta có thể tạo được sự khác biệt lên đời sống của người khác.”

Lá thư ngỏ không chỉ được những người quen của linh mục tán thành. Nhiều độc giả của báo mạng Commonwealth, sau khi đọc lá thư của ông, cũng để lại lời bình, đa số là đồng ý.

Irene Baldwin: “Một lá thư thật tuyệt vời. Tôi gửi thư ấy đến các đồng nghiệp người Mỹ gốc Việt của mình. Tôi không thể hình dung hành trình của ông hồi còn là một đứa trẻ đến đây tị nạn ngày xưa nó như thế nào. Nhưng tôi luôn luôn cảm thấy khâm phục lòng từ bi mà những người bản thân đã phải chịu đựng gian khổ biết dành cho những người kém may mắn hơn họ.”

Bernard Dauenhauser: “Cảm ơn ông đã chia sẻ bức thư này. Ngoài những gì lá thư đã nói một cách rõ ràng, nó cho chúng ta một ví dụ rất hay về cách đưa ra những lời chỉ trích chính trị mạnh mẽ, nhưng vẫn tỏ ra tôn trọng ông Donald Trump, tôn trọng con người và chức vụ tổng thống của ông.”

Anne Chapman: “… Một cô con dâu của tôi là người Việt Nam. Cha mẹ cô ấy, như vị linh mục này, cũng là một thuyền nhân may mắn thoát chết trên biển, vài năm sau khi Sài Gòn thất thủ. Con dâu tôi sinh ra trong trại tị nạn. Dần dà gia đình cô ấy được vào Mỹ, một câu chuyện thành công cổ điển của những người tị nạn. Họ học tiếng Mỹ, làm việc vất vả, cho con vào trung học, rồi đại học. Cha mẹ cô giờ đây bỏ nhiều tiền bạc và thì giờ làm việc từ thiện, giúp những người cần họ giúp đỡ. Những câu chuyện đau đớn mà họ phải trải qua hồi còn ở Việt Nam, hồi còn ở trong trại tị nạn, ít khi được họ nhắc đến. Giờ đây, mỗi khi nghe chuyện người tị nạn ở vùng biển Địa Trung Hải cố gắng trốn chạy sự tàn bạo, chết đuối trên biển hay bị xua đuổi, tôi thấy rất đau lòng, vì tôi nghĩ đến những gì gia đình người con dâu tôi phải chịu đựng ngày xưa. Điều đau lòng khác là vị tổng thống của chúng ta, và nhiều người dân Mỹ bây giờ không muốn nước Mỹ đón nhận người tị nạn nữa. Mặc dù vị linh mục này không thể nhường quốc tịch Mỹ của mình cho một người khác, điều ông đề nghị là một biểu hiện tình người rất quan trọng…”

Minh Tran viết trên RFA: “Thật khâm phục với ý nghĩ và việc làm của của Linh Mục Nguyễn Hoài Chương. Bản thân tôi là một người tị nạn Việt Nam, tôi rất lấy làm thắc mắc tại sao có nhiều người tị nạn (trong những lời bình ở đây – RFA) sau khi đã đến bờ tự do và yên bình rồi, lại ngoảnh mặt với những người tị nạn theo sau mình? Thật không hiểu lương tâm họ để đâu?”

Những ý kiến phản đối của đồng hương, theo lời Linh Mục Chương, có thể là thiểu số, nhưng làm cho ông có vẻ khá buồn.

Ông thổ lộ: “Tôi không dám dùng suy nghĩ của mình để phán xét cộng đồng mình. Nhưng phải nói, đáng buồn, là một số người tị nạn Việt Nam mình phê bình tôi rất nặng. Là tại sao tôi lại so sánh người Việt tị nạn với cái ‘bọn Hồi Giáo.’ Tôi thầm nghĩ chỉ nội cái cách dùng chữ “bọn Hồi Giáo” là không bao giờ thế giới có hòa bình được rồi. Là tại sao tôi lại chống đối tổng thống? Tôi không chống đối gì ai cả. Trước ngày ra sắc lệnh ấy, khi chưa nhậm chức, ông Trump là một công dân nước Mỹ, ông ấy có quyền nói lên tiếng nói của ông ấy. Tôi cũng là một người dân Hoa Kỳ, tôi cũng có quyền cất lên tiếng nói của mình.”

Ông tâm sự: “Thú thật, hình ảnh của chiến tranh luôn ám ảnh tôi, và tôi cũng không bao giờ quên được những hãi hùng phải vượt qua trước khi được trở thành một người tị nạn. Tị nạn, ‘refugee.’ Nhãn hiệu đó tôi mang suốt đời. Tôi mãi mãi là một người tị nạn.”

“Vì thế, tôi cứ nghĩ, cộng đồng người Việt tị nạn chúng ta, nếu yên lặng thì giống như đồng lõa với sự hắt hủi người tị nạn, những người cũng khổ y như mình ngày xưa, qua sắc lệnh mà chính Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ cũng không đồng ý,” ông giãi bày thêm. “Tôi viết lá thư này vì lòng bàng hoàng không thể không viết. Lời thư cũng giống như lời nguyện của một con chiên dâng lên Thiên Chúa. Tôi chẳng là gì cả, lời thư tôi chỉ vang vọng lại chút ít lời của Đức Giáo Hoàng Francis đã làm rồi. Năm ngoái, Đức Giáo Hoàng kêu gọi Âu Châu mở cửa đón tiếp người tị nạn, và nước Đức đã mở cửa đón nhận họ…”

“Còn với Tổng Thống Donald Trump, nếu ông đang ngồi trước mặt, tôi chỉ muốn hỏi là ông đã đọc thư của tôi chưa và nếu đọc rồi thì ông có hiểu điều tôi muốn nói không. Chỉ thế thôi!”