main billboard

Tôi ước gì tiếng Việt được coi là một ngoại ngữ ở đại học, vì chương trình hệ thống UC đòi hỏi tôi ba năm học ngoại ngữ. ..!”


hoithao songngu 1
Từ phải, Tiến Sĩ Natalie Trần, cô Annie Phạm và cô Quỳnh-Trâm Vũ trên bàn chủ tọa. (Hình: Linh Nguyễn/Người-Việt)

MIDWAY CITY, California (NV) – Buổi hội thảo bàn tròn hỗ trợ các lớp song ngữ Việt-Anh, do Trung Tâm Ngôn Ngữ Á Châu (NRCAL) thuộc đại học Cal State Fullerton tổ chức, diễn ra từ 7 giờ 30 sáng đến 12 giờ trưa Thứ Tư, 29 Tháng Ba, tại trường tiểu học DeMille ở Midway City, quy tụ khoảng 30 tham dự viên thuộc mọi thành phần, qua đề tài vai trò của phụ huynh, giáo chức, giới chức học khu và cộng đồng đối với chương trình song ngữ.

hoithao songngu 2
Giáo Sư Trần Ngọc Dụng (trái) phát biểu tại buổi hội thảo. (Hình: Linh Nguyễn/Người-Việt)

Chương trình bao gồm quan sát các lớp học song ngữ, thảo luận và tham dự thuyết trình về sự tiến triển của chương trình song ngữ tại trường này.

Người tham dự ngồi đối diện nhau trên ba dãy bàn kê hình chữ U, đối diện với chủ tọa đoàn.

Bà Renae Bryant, giám đốc điều hành văn phòng phát triển ngôn ngữ của Học Khu Westminster, giới thiệu chủ tọa đoàn gồm Tiến Sĩ Natalie Trần, giám đốc NRCAL, các cô giáo hiện dạy chương trình song ngữ Việt-Anh tại trường DeMille, như các cô Annie Phạm, Quỳnh-Trâm Vũ, Hương Đặng, Janice Kamada, và Patty Pelton. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của Tiến Sĩ Phạm Kim Long, cựu ủy viên Hội Đồng Giáo Dục Orange County; ông Vũ Hoàng, đại diện Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California; và ông Michael Bacon, phụ tá giám đốc chương trình song ngữ các trường công lập ở Portland, Oregon.

Tham dự viên được chia làm bốn nhóm, bắt đầu đi thăm các lớp học của chương trình song ngữ, gồm lớp mẫu giáo Việt-Anh của cô Hương Đặng; lớp 1 của cô Quỳnh-Trâm Vũ; và hai lớp dạy bằng tiếng Anh của cô Janice Kamada và cô Patty Pelton.

Sau khi quan sát các lớp học, mọi người trở lại phòng hội thảo.

hoithao songngu 3
Cô giáo Hương Đặng trong lớp mẫu giáo Việt-Anh trường DeMille, Midway City. (Hình: Linh Nguyễn/Người-Việt)

Tiến Sĩ Natalie Trần đề nghị mọi người chia thành từng nhóm nhỏ, ngồi lại với nhau và bàn xem thích gì nhất trong chương trình, và đề nghị NRCAL cần làm gì để cải thiện chương trình giảng dạy, duy trì văn hóa Việt Nam. Mỗi nhóm cử ra một người đại diện để trình bày kết quả.

Ông Jamison Power, ủy viên giáo dục Học Khu Westminster; cô Kim Bùi, chủ tịch hội giáo chức Westminster; và ông Nguyễn Văn Khoa, thuộc Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California, cũng có mặt.

Sau cùng ban tổ chức ghi nhận tổng cộng có 12 đề nghị cho tương lai.

Ông Văn Đàm, một phụ huynh có con gái 4 tuổi, chia sẻ: “Gia đình tôi trước ở San Francisco, có nhiều công ty lớn, nhưng không có chương trình như ở đây. Xưa tôi học trường Taberd ở Việt Nam, ngoại ngữ chỉ đóng 30%, so với các em học sinh trường này là 50%, phân nửa thời giờ học bằng Anh văn, phân nửa còn lại, học bằng tiếng Việt.”

“Vì vậy khiến tôi ngạc nhiên, các em biết nhiều hơn tôi tưởng. Ở nhà dạy tiếng Việt không hiệu quả” ông Văn nói.

Ông Phạm Kim Long cho biết: “Nếu có chương trình song ngữ như ngày nay, tôi đã không phải dời chỗ ở từ Norwalk về đây. Chúng ta cần tìm cách phổ biến thêm chương trình này qua các phương tiện truyền thông trong cộng đồng.”

Ông Vũ Hoàng chia sẻ: “Ba mươi năm trước, chỉ có các cơ sở tôn giáo đứng ra dạy tiếng Việt. Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ đã cố gắng vận động để đưa việc giảng dạy Việt ngữ vào các trường công lập. Hãy tuyển thêm thầy cô giáo dạy tiếng Việt.”

“Khi còn bé, các em miễn cưỡng đi học tiếng Việt vào cuối tuần, nhưng sau khi vào đại học, chính các em lại muốn trở về nguồn, nhờ gia đình và cộng đồng giúp đỡ,” ông nói thêm.

Bà Frances Nguyễn, ủy viên giáo dục Học Khu Westminster, đưa ra một nhận xét liên quan đến sự khác biệt về văn hóa Việt-Mỹ.

“Người Mỹ cởi mở, chịu khó lắng nghe, không câu nệ tuổi tác, còn ngày xưa, chúng ta đi học chỉ biết vâng lời thầy, và ở nhà ít dám cãi lời cha mẹ,” bà nói.

Từ bàn cử tọa, cô Annie Phạm kể kinh nghiệm học ngoại ngữ của cá nhân mình.

“Cha tôi khuyên tôi xem truyền hình Mỹ, suy nghĩ và nói bằng tiếng Anh. Tôi nghe theo và từ chỗ không biết một chữ tiếng Anh, tôi vào đại học. Tôi ước gì tiếng Việt được coi là một ngoại ngữ ở đại học, vì chương trình hệ thống UC đòi hỏi tôi ba năm học ngoại ngữ. Tôi đành học tiếng Tây Ban Nha!” cô kể.

“Cha tôi còn viết thư yêu cầu trường phải có chương trình giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ,” cô nói thêm.

Trong khi đó, giáo sư Trần Ngọc Dụng, trưởng ban thông dịch của Học Khu Garden Grove, nhìn vào khía cạnh cần quảng bá, cho biết: “Học Khu Garden Grove có chương trình phát thanh thông tin đến phụ huynh và cộng đồng. Chúng ta nên sử dụng báo chí và truyền hình để quảng bá chương trình dạy song ngữ nhiều hơn nữa, để thay đổi cái nhìn về vai trò của việc dạy song ngữ.”

Một vị khác trong ngành giáo dục, Giáo Sư Trần Chấn Trí, cho biết: “Ngòai việc học hỏi cách giảng dạy tiếng Việt, tôi nghĩ chúng ta cũng nên tham dự các lớp song ngữ khác, như Tây Ban Nha, Trung Hoa, Triều Tiên. Mục đích là chỉ để học thêm cách dạy của họ, và làm phong phú thêm cho cách giảng dạy Việt ngữ.”

hoithao songngu 4
Một màn trình diễn nhạc Việt của các học sinh lớp 1 trường DeMille, Midway City. (Hình: Linh Nguyễn/Người-Việt)

Cô Nguyễn Khoa Diệu Quyên, giáo sư toán Học Khu Garden Grove và là chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California, cho biết đài truyền hình SBTN sẵn sàng giúp đưa các em giỏi tiếng Việt lên các chương trình “Tìm Tài Năng Mới” để quảng bá ích lợi khi một người biết nói thêm tiếng Việt, cho thế hệ trẻ trong cộng đồng.

Giáo Sư Bằng Lăng Nguyễn, một giáo sư âm nhạc, chia sẻ có thể đóng góp các tài liệu dùng âm nhạc để dạy Việt ngữ.

Sau đó mọi người tham dự buổi thuyết trình của bà Shannon Villanueva, hiệu trưởng trường DeMille, xen kẽ là các màn văn nghệ do học sinh các lớp song ngữ trình diễn. Mọi người rất có thiện cảm với lớp mẫu giáo của cô Hương Đặng, lớp đầu tiên của chương trình song ngữ hội nhập.

Bà hiệu trưởng cho biết trường có gần 500 học sinh, 39% là gốc Á Châu, 54% gốc Hispanic, và 7% là các sắc dân khác. Trong số học sinh của trường, 77% có trở ngại về tiếng Anh, 88% được ăn trưa miễn phí hoặc giảm giá.

Cũng theo bà, trong niên khóa 2016-2017, có 43 học sinh lớp 1 ghi danh theo học, 20 nữ và 23 nam. Tám mươi phần trăm được coi là có nhu cầu học tiếng Anh, hiện nói ngôn ngữ mẹ đẻ, trong đó có 75% gốc Á Châu, 23% gốc Hispanic và 2% là các sắc dân khác.

Chương trình song ngữ được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức và các cơ sở giáo dục, và thương mại, như trung tâm NORCAL của CSUF, CSULB, Sở Giáo Dục Orange County, thành phố Westminster, Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California, Ban Diễn Hành Tết, v.v… và Văn Phòng Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn.

Đặc biệt, đây là lớp học song ngữ Việt-Anh đầu tiên trên toàn tiểu bang California với các học sinh trong lứa tuổi 5-6, Việt có, Mỹ gốc Việt có, và Mỹ không phải gốc Việt cũng có. Mỗi năm trường lại tổ chức thêm một cấp lớp dạy song ngữ cho đến lớp 6.

Buổi hội thảo hôm Thứ Tư là một phần dành riêng cho chương trình dạy tiếng Việt, trong chương trình hội thảo ba ngày của Hội Giáo Chức Song Ngữ California (CABE) được tổ chức hàng năm tại Anaheim.