main billboard

“Giờ đau quá rồi, mà nghe nói chữa răng ở đây có cho trả góp, nên đi tới hỏi xem sao,” cô Vũ nói.

chuarang 1WESTMINSTER (NV) - Với những người ngày ngày phải lo chạy tiền nong, có thu nhập thấp nhưng không đủ thấp để nhận trợ cấp chính phủ, thì cả ngàn đô la tiền chữa răng có thể nói là quá sức mà họ lo được. Ðến khi răng “nhức bưng bưng tới óc,” họ tìm đến nha sĩ xin chữa răng... trả góp.

Nha sĩ Liên Hương khám răng cho một bệnh nhân xin trả góp. (Hình: Thiên An/Người Việt)


Câu chuyện của Vũ

“Răng đau quá không ngủ được mấy ngày nay. Nghe có người nói đi chữa răng được trả góp mỗi tháng, nên đi đại, chứ đau quá chịu không nổi nữa,” cô V. Vũ, bệnh nhân tại một phòng nha ở Garden Grove, nói với phóng viên nhật báo Người Việt. Khi cô nói chuyện, người đối diện có thể nghe được mùi hơi thở không mấy thơm tho của những người bị hư răng hay viêm họng lâu ngày.

Cô Vũ qua Mỹ lúc 20 tuổi, nay đã được sáu năm, hết đi học, rồi đi làm nail, cuộc sống có quá nhiều thứ để lo toan, cô nói, “Từ lúc qua Mỹ đến giờ chưa có gặp nha sĩ lần nào”.

Cũng theo lời cô, trước đây răng đã từng đau buốt không ngủ được, nhưng cô không đi nha sĩ. Ðó là lúc cô có thai, lấy lý do là “bà bầu thiếu calcium nên răng cộ bị ảnh hưởng” nên cô “ráng chịu vài tháng, đẻ xong là hết”.

Sanh con rồi, răng không hết nhức, cô tìm nhiều cách để giảm cơn đau, từ đủ loại kem đánh răng “đặc biệt” cho đến uống thuốc nhức đầu, cảm cúm.

Ðưa tuýp kem đáng răng có dòng chữ “sensitive”, cô nói: “Loại này làm cái nuớu mình bớt sưng tấy. Nếu không đánh bằng kem này thì đau lắm.” Nhưng cô thừa nhận rằng kem này chỉ có hiệu lực ngắn, không ngăn được cơn đau hành hạ trong giấc ngủ hay lúc đi làm.

“Giờ đau quá rồi, mà nghe nói chữa răng ở đây có cho trả góp, nên đi tới hỏi xem sao,” cô Vũ nói.



chuarang 2Chữa răng trả góp

Mỗi lần nha sĩ đụng vào răng, cô V. Vũ xiết chặt thành ghế cho bớt đau. (Hình: Thiên An/Người Việt)

Các văn phòng nha sĩ tại khu vực quận Cam, nếu cho khách hàng trả góp, dùng một trong hai cách: Thông qua Care Credit, một loại tài khoản tín dụng dành cho các dịch vụ y tế, hoặc cho khách hàng “thiếu” rồi trả từ từ mỗi tháng. Ðể được Care Credit, cũng như các loại tín dụng khác, khách hàng phải nộp đơn xin. Nếu không bị tín dụng xấu, “bad credit”, khách hàng sẽ được ngân hàng cho vay để trả cho văn phòng y tế, rồi sau đó trả góp lại ngân hàng. Nhiều nha sĩ tại Little Saigon không muốn thông qua chương trình Care Credit, nhưng cũng đồng ý cho những khách hàng gặp khó khăn được “thiếu” rồi trả góp hàng tháng.

Thông thường, việc trả góp chỉ được dành cho các dịch vụ mắc tiền, chẳng hạn như niềng răng. Những ca chữa răng hư, răng sâu trả góp chiếm tỉ lệ rất nhỏ, theo lời của một số phòng nha trong khu vực Little Saigon.

“Trong bao nhiêu khách hàng, không có tới 5 người xin trả góp,” hay “ít lắm, khoảng 2%,” vài nhân viên hành chánh trong các phòng nha, ví dụ như của Nha Sĩ Tracy Nguyễn hay Nha Sĩ Nguyễn Diệu Liên Hương, cho biết. Văn phòng của bà Tracy Nguyễn có chương trình Care Credit, để khách hàng trực tiếp trả góp với ngân hàng, trong khi văn phòng của bà Nguyễn Diệu Liên Hương không thông qua Care Credit mà để khách hàng tự thỏa thuận việc trả dần mỗi tháng.

Ông Ðức Vũ, một nha sĩ vừa có văn phòng tư, vừa làm thiện nguyện cho chính phủ, nói về các bệnh nhân thu nhập thấp: “Họ không có tiền để trả một lúc, nhưng không muốn tìm đến những văn phòng của chính phủ để nhổ răng miễn phí. Răng nhổ là ‘một đi không trở lại’. Uổng lắm.”

“Nhiều người tính tình rất hiền lành siêng năng, chỉ vì cuộc sống đưa đẩy nên nghèo, không có chuarang 3tiền để chăm sóc răng.”

Cô V. Vũ nghe nha sĩ nói về 10 chiếc răng sâu phải chữa. (Hình: Thiên An/Người Việt)

“Sâu 10 cái. Tám cái cần trám, hai cái sâu quá rồi phải lấy gân máu,” Nha Sĩ Liên Hương nói. Bà vừa chỉ vào hình chụp răng của cô Vũ, vừa liệt ra một danh sách dài những răng cần sửa. Nào là mấy cái ở hàm trên, mấy cái ở hàm dưới, nào là răng cửa, răng hàm... cô Vũ chẳng biết có nghe kịp không những thuật ngữ chuyên môn mà Nha Sĩ Liên Hương dùng.

“Vậy là bao nhiêu tiền hả bác sĩ? Trả góp làm sao?” Cô Vũ hỏi trong nét mặt lo lắng.

Sau khi hướng dẫn cách chăm sóc răng hiệu quả hơn, Nha Sĩ Liên Hương ước tính chi phí để chữa 10 răng sâu ít nhất là $3,000. Cô Vũ được mời nói chuyện với nhân viên hành chánh của văn phòng để thảo luận việc chi trả nếu cô Vũ quyết định sửa răng tại đây.

Cô được người nhân viên cho biết: “Văn phòng không có chương trình ‘Care Credit’. Vì chị xin trả dần mỗi tháng, chị có thể để lại số thẻ ngân hàng. Mỗi tháng tụi em tính tiền vào đó đến khi chi phí được trả hết là xong.”

Cô Vũ bế con ra về, sau khi cám ơn văn phòng và xin cho vài ngày để bàn bạc chuyện tiền nong với chồng.

“Lấy gân máu cả ngàn đồng một cái, mắc quá, chắc tới mấy phòng nha thí của nhà nước xin nhổ cho rồi. Mấy cái còn lại chắc để trám, trả góp,” cô Vũ nói với phóng viên nhật báo Người Việt trong khi bồng con lên xe chuẩn bị về. “Nhưng để suy nghĩ thêm chút đã.”

“Bất quá sún thì cười mỉm mỉm thôi,” cô đùa.