main billboard

Chuyện trớ trêu ở chỗ cá nhân muốn loại trừ những người đó khỏi nước Mỹ, ông Donald Trump, từng có 20 năm tránh đóng thuế!


didan haitraicay
Một công nhân có thể là di dân lậu làm việc trong một nông trại ở Bắc California. (Hình: The Atlantic via AP)

Di dân bất hợp pháp, hay di dân lậu, là vấn đề được nói đến từ lâu nhưng đặc biệt nổi lên trong cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái.

Qua những tranh luận mâu thuẫn gay gắt của các nhóm diễn đàn trên Internet, nhiều người ca ngợi chủ trương giải quyết mạnh mẽ của Tổng Thống Donald Trump, nhưng không ít người khác, trong đó có dân Mỹ gốc Việt, cho rằng hãy nhận định về chính mình để đừng đối xử khắt khe với di dân. Ở đây chưa phải là một phân tích toàn bộ về sự chuyển dịch của tất cả các dân tộc qua lịch sử nhân loại, hay biện luận về những nguyên tắc đạo lý của người gốc di dân. Bài viết này chỉ nhằm trình bày một số sự kiện mà người ta ít lưu ý và thường không biết về những di dân bất hợp pháp tại Mỹ, trong đó hầu hết là dân gốc Hispanic từ Trung và Nam Mỹ đến.

Trước hết, theo sự mô tả của Tổng Thống Trump trong thời gian tranh cử: “Làn sóng di dân bất hợp pháp mỗi năm đem vào Mỹ những kẻ tội phạm, cưỡng hiếp, sát nhân, ma túy và chiếm đoạt việc làm của công nhân Mỹ.”

Theo thống kê của Bộ Nội An, tỉ lệ phạm pháp với hành động tội ác trong số di dân thấp hơn trong số những dân sinh ra tại Mỹ. Cũng không có một làn sóng di dân bất hợp pháp đang tràn vào mỗi năm, số di dân bất hợp pháp sống tại Mỹ lên cao nhất trong thập niên đầu thế kỷ 21 rồi từ 2008 giảm dần và duy trì ở một mức bình ổn.

Những người mạnh mẽ ủng hộ chính quyền hiện hữu cũng đổ lỗi cho chính quyền Dân Chủ về sự chứa chấp di dân lậu. Thật ra, từ 2009 đến 2015 có 2.5 triệu di dân lậu, hầu hết là số tội phạm hình sự, bị trục xuất, theo tài liệu của cảnh sát di trú (ICE). Năm 2016, Tổng Thống Barack Obama dùng quyền hành pháp ký sắc lệnh cấp phép làm việc cho hàng triệu di dân lậu không có lý lịch xấu, tuy nhiên, ông vẫn bị những nhóm bênh vực di dân đặt tên là “Tư Lệnh Trục Xuất,” vì là vị tổng thống trục xuất nhiều di dân bất hợp pháp nhất. Số di dân bị trục xuất trong hai nhiệm kỳ của Tổng Thống George W. Bush chỉ vào khoảng gần 2 triệu.

Tại Mỹ, có khoảng 11 triệu di dân bất hợp pháp mà ứng cử viên Donald Trump khi tranh cử tuyên bố là sẽ trục xuất. Phải chi phí ít nhất $200 tỷ, kể cả phí tổn về tăng cường thêm nhân sự cho ICE, để hoàn thành kế hoạch này. Sau khi nhậm chức, ông Trump nói sẽ trục xuất khoảng từ 2 đến 3 triệu di dân lậu can tội hình sự. Không rõ căn cứ theo hồ sơ nào mà ông đưa ra con số ấy. Tuy nhiên, ICE ước lượng là để trục xuất một di dân, trung bình tốn kém $10,854, như vậy trục xuất 2 hay 3 triệu cũng không phải là ít tiền. Từ khi Tổng Thống Trump nhậm chức, ICE mới chỉ bắt giữ 22,000 di dân không có giấy tờ hợp lệ và chưa rõ đã trục xuất bao nhiêu.

Lập luận “di dân chiếm việc làm của công nhân Mỹ” cũng đáng hoài nghi, theo một nghiên cứu của Pew Research Center. Quả thật các công nhân Mỹ có trình độ dưới đại học gặp cạnh tranh đáng kể của di dân lậu trong những công việc làm đòi hỏi thể lực. Di dân lậu chiếm 17% lực lượng lao động trong lãnh vực nông nghiệp và 13% trong xây dựng. Công việc nặng nhọc và tiền lương thấp không là mong muốn của những công nhân da trắng không phải gốc Hispanic. Do đó, quan niệm “đem việc làm trở lại cho công nhân Mỹ” như Tổng Thống Trump hứa hẹn là không phù hợp thực tế của thế giới toàn cầu hóa ngày nay. Thêm nữa, do tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhiều công đoạn trong kỹ nghệ chế tạo và sản xuất được tự động hóa, không thể đòi trả lại cho công nhân cái gì đã giao cho các robot!

Nhưng sự kiện đáng chú ý nhất mà ít ai biết, theo CNN-Money, dẫn tài liệu của Pew Research Center, là mỗi năm di dân lậu, và những cơ sở sử dụng họ, đóng thuế thu nhập cho IRS khoảng $13 tỷ. Chuyện trớ trêu ở chỗ cá nhân muốn loại trừ những người đó khỏi nước Mỹ, ông Donald Trump, từng có 20 năm tránh đóng thuế! Trong thực tế thì đây không phải là điều lạ, bởi vì trên thế giới này, tất cả những ai sống an toàn với đủ điều kiện hợp pháp đều tìm cách trốn thuế. Ngược lại, di dân bất hợp pháp nếu tìm được việc làm, lại chịu đóng thuế với hy vọng sẽ làm cho mình trở thành người sống hợp pháp hơn.

Ông Jose Magana-Salgado, luật sư thuộc Trung Tâm Pháp Lý Di Dân, giải thích rằng các di dân lậu cố gắng tuân hành luật thuế nhằm chứng tỏ trách nhiệm dân sự và tài chính của mình, nếu một ngày nào đó phải ra trước tòa án di trú. Theo lời ông: “Nạp thuế là một cách để tạo hồ sơ cư trú của mình tại Mỹ và hy vọng được quan tòa phân xử thuận lợi hơn.”

Di dân bất hợp pháp cũng có thể xin hoàn lại tiền thuế đóng nhiều hơn đòi hỏi theo thu nhập của mình. Trong trường hợp này, họ phải xin IRS cấp cho một số chứng thực gọi là ITIN (Individual Taxpayer Identification Number). IRS cấp ITIN cho người đóng thuế không cần biết đương sự có được quyền thụ hưởng phúc lợi an sinh xã hội hay không. Câu hỏi này không được đặt ra và IRS không chia sẻ thông tin về cá nhân ấy cho bất cứ một cơ quan liên bang nào khác ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt và có lệnh của tòa án.

Tờ The Atlantic cho biết, mỗi năm, cơ quan an sinh xã hội thu được hàng tỷ đô la không biết là của ai. Khi các chủ nhân gởi lên những mẫu W-2 trong đó có những số an sinh xã hội không khớp với một cá nhân nào trong hồ sơ thì những giấy tờ này được lưu giữ vào một tài liệu gọi là “thu nhập khả nghi” (Earnings Suspense File) cho đến khi có người chứng minh được rằng tiền lương đó là của mình, và sau đó sẽ được hưởng tiền an sinh xã hội khi về hưu.

Trong tài liệu “Earnings Suspense File” hiện nay có những mẫu đóng thuế từ năm 1937 liên quan đến gần $1,300 tỷ. Năm 2014, cơ quan an sinh xã hội truy tầm những tài liệu thuế ấy đã tìm ra được 170 triệu người có đủ điều kiện thụ hưởng phúc lợi, nhưng vẫn còn 340 triệu tài liệu khác không rõ xuất xứ. Hầu hết những trường hợp này là do chủ nhân khai thuế cho một số người có lẽ hầu hết là di dân bất hợp pháp. Như thế, di dân bất hợp pháp đã đóng thuế hàng tỷ đô la mà không bao giờ được quyền hưởng trợ cấp an sinh xã hội.

Toàn bộ những bí ẩn này là do nhiều di dân lậu không được phép làm việc ở Mỹ đã mua những thẻ an sinh xã hội giả, mang số giả, để nạp cho chủ nhân khi xin việc, và các chủ nhân không biết hoặc không cứu xét kỹ. Đạo luật năm 1986 phạt các chủ nhân cố ý sử dụng di dân lậu, nhưng không làm giảm được thị trường chợ đen sản xuất giấy tờ giả ngày càng tinh vi hơn và chưa thể có biện pháp trợ giúp cho các chủ nhân vô tình vướng mắc hay cố ý vi phạm bằng cách lợi dụng các sơ hở. Còn với IRS thì mục tiêu chính là thu được nhiều tiền, hơn là tìm hiểu tiền ấy từ đâu vì đó không phải là nhiệm vụ của họ!

Tóm lại, mọi người đều hiểu di dân nói chung là những người đã đóng góp cho sự phát triển của nước Mỹ, còn di dân lậu thì không hẳn là những kẻ chỉ ăn hại ở đất nước này như nhiều người lầm tưởng và lên án họ.