Quả thật, bước chân vào khu vườn rộng khoảng 4 mẫu tây có tên Mimosa Nursery gần xa lộ 5 North, điều đầu tiên đập vào mắt người ta là có không biết bao nhiêu là loại cây ăn trái được xếp theo hàng dày đặc, đủ cỡ to nhỏ, cao thấp.
Ông Nguyễn Dũng Tiến, chủ vườn cây Mimosa Nursery, một trong những người làm nghề vườn ương lâu đời nhất của cộng đồng Việt trên đất Mỹ (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
LOS ANGELES, California (NV) – “Về cây nhiệt đới, không dám khoe khoang, nhưng tôi rất hãnh diện để nói rằng vườn của tôi là số 1 ở miền Tây nước Mỹ. Tôi không dám chắc con số chính xác, chỉ biết có không dưới 200 loại cây ăn trái khác nhau trong vườn Mimosa này.”
Ông Nguyễn Dũng Tiến, chủ vườn cây Mimosa Nursery, một trong những người làm nghề vườn ương lâu đời nhất của cộng đồng Việt trên đất Mỹ, nói một cách tự tin.
Quả thật, bước chân vào khu vườn rộng khoảng 4 mẫu tây có tên Mimosa Nursery gần xa lộ 5 North, điều đầu tiên đập vào mắt người ta là có không biết bao nhiêu là loại cây ăn trái được xếp theo hàng dày đặc, đủ cỡ to nhỏ, cao thấp.
Này là mãng cầu dai, mãng cầu Úc, mãng cầu xiêm. Này là mít, là nhãn, là vải. Này là xoài Thái Lan, xoài Lã Phụng Tiên. Này là mận, là saboche, là cóc, là ổi, là hồng giòn, là khế, là sơ ri. Rồi bơ, táo, lê, đu đủ, thanh long, xuân đào (nectarine). Chưa kể dâu tằm, chanh dây, hồng trứng (hachiya persimmon). Thậm chí có cả me keo (guamuchil), sa kê (bread fruit), và những cây “lạ” như cây thần kỳ (miracle fruit), mãng cầu đỏ (red custard apple), nho đất/nho thân gỗ (jabuticaba),… Chưa kể các loại chanh, cam, bưởi.
“Tôi có 35 năm làm nghề này. Nhiều người tưởng tôi là kỹ sư canh nông, nhưng không phải. Chỉ là nghề dạy nghề. Tôi chỉ là một người yêu nghề, tôi có những thất bại đẫm máu với nghề này nên tôi mới có được kinh nghiệm tốt như ngày hôm nay,” người đàn ông có nước da thấm màu nắng gió, nói giọng Hà Nội xưa, đội nón rộng vành, tiếp tục câu chuyện liên quan đến cây trái.
Nhìn ông nói chuyện bằng tiếng “Mễ” như “ăn gỏi” với những người làm gốc Hispanic, hướng dẫn họ làm việc này, yêu cầu họ làm việc kia, rồi lại xoay qua trả lời cho khách, chỉ vẽ thêm những kinh nghiệm cho khách chăm sóc cây trồng, mới thấy hết sự tất bật, từng trải, lẫn niềm đam mê với công việc làm bạn cùng mưa nắng này ở ông chủ vườn Mimosa.
Ông nói như tâm sự, “Cái khó của nghề này là sự chịu đựng với nắng mưa. Ngoài ra đương nhiên đây cũng là một việc thương mãi. Sau khi mình ương được cây tốt rồi thì mình cũng phải có sự chào hàng, giới thiệu sản phẩm của mình, phải đẩy được hàng của mình vào thị trường, làm sao giữ cho được giá thành thấp thì mới cạnh tranh được với tất cả mọi nơi.”
Xuất thân từ một nước nông nghiệp, người Việt xa xứ, dù đi đến đâu, cũng ít nhiều muốn mang theo hình ảnh quê hương đó, hiển hiện qua từng bụi chuối, rặng tre, đặc biệt qua từng cây trái quanh nhà đã theo họ lớn lên cùng năm tháng.
Đó cũng chính là lý do vì sao cây nhiệt đới mỗi lúc càng có mặt nhiều hơn về chủng loại trong vườn ương Mimosa.
Chủ vườn ương Mimosa (trái) hướng dẫn khách cách chăm sóc cây trồng. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
‘Nhất nước, nhì phân’ trồng cây phải biết tưới đúng
Cái thú chăm sóc, vun bón để tìm thấy niềm vui khi nhìn một mầm lá vươn lên, một chồi non nảy lộc, một trái tượng hình đã khiến cho bà con gốc Việt nói riêng, và những người thuộc nhiều sắc tộc thích trồng cây nhiệt đới nói chung, thích tìm đến vườn ương của ông để tìm mua cây giống. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách chăm bón cho cây bén rể đâm chồi, ra hoa kết trái. Thế nên ông Dũng Tiến lại có thêm việc làm là truyền kinh nghiệm chăm tưới cho người yêu cây.
Ông nhận xét, “Khởi đầu người Việt Nam sang Mỹ từ đầu thập niên 80 rất hào hứng mua những cây ăn trái Mỹ như đào, mận Mỹ, xuân đào… nhưng sau đó, có thể hiện tượng nhớ nhà của người ta trở nên da diết hơn vì thế họ chuyển sang trồng cây ăn trái nhiệt đới, như ổi, xoài, mãng cầu, mận hồng đào, mít…”
“Tuy nhiên, trồng nhưng người ta lại không hiểu về cách tưới nên mọi người làm hỏng cây, chết cây. Họ quên rằng tưới là quan trọng nhất. ‘Nhất thủy nhì phân tam cần tứ giống,” ông nói tiếp.
“Tôi đề nghị là tưới cây thật đẫm, để khô, rồi 4-5 ngày sau mới tưới nữa. Vì cây và con người giống hệt như nhau. Mình đói thì ăn, khát thì uống. Cây cũng vậy. Mình tưới thật đẫm trên mặt đất lúc sáng. Đến trưa thấy mặt đất khô trắng. Nhưng như vậy không có nghĩa là nó khô hẳn, nó chỉ khô vài inch trên bề mặt, bên dưới thì vẫn còn ẩm. Nếu mình lại tưới nữa sẽ khiến cho mặt đất lúc nào cũng ẩm, chặn mất dưỡng khí, không cho cây thở, sẽ dẫn đến hiện tượng thối rễ và rồi cây sẽ chết. Do đó, tôi rất mong mỏi mọi người trồng cây phải nắm được tinh thần tưới đẫm, để khô mới tưới lại. Tuyệt đối không tưới mỗi ngày,” ông chủ vườn nói một cách say sưa.
Tuy nhiên, không phải lúc nào tưới đẫm nước thì cây cũng sống. Theo ông Tiến, một số người vô tình làm chết rất nhiều cây hồng giòn, lê tàu, táo tàu… chỉ vì lý do lý “đến Mùa Thu những cây đó đổi màu vàng để rụng lá thì mọi người giật mình, đi bón phân, tưới dẫm nước. Họ không biết rằng đây là loại cây ôn đới, chúng cần thời gian ngủ nghỉ để chuyển mình cho năm sau. Mọi người không biết tưới nước nhiều quá làm cho chất đường trong rễ bị tan loãng đưa đến hiện tượng thối rễ làm chết cây.”
Ông lấy thêm ví dụ về cây mãng cầu dai mà rất nhiều người Việt ước ao trồng được nó nơi vùng đất Nam Cali này.
“Tương tự như vậy là mãng cầu dai, mà người Bắc gọi là quả na, cũng là một loại cây khó trồng nơi đây. Nhưng với kinh nghiệm giữ cây thì tôi đề nghị với khách mùa lạnh không tưới, khi đó cây ngủ, rụng hết lá, hãy để yên cho nó. Ngày bị lạnh đến đông đá thì lấy vải quấn chặt nó lại. Sau những ngày đông đá mở nó ra thì cây vẫn đẹp nguyên,” ông chỉ “tuyệt chiêu.”
Cây vải được bán tại vườn ương Mimosa Nursery ở Los Angeles (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Khí hậu nóng dần lên, dân Little Saigon có thể trồng saboche, mít
Không chỉ hướng dẫn cách tưới tiêu, phân bón, người đàn ông xem cây cỏ như lẽ sống còn quan tâm đến việc khách mua cây về trồng ở đâu, để đưa ra lời khuyên thích hợp.
“Khí hậu thời tiết ở mỗi nơi khác nhau. Ví dụ như người khách ở ngay giao điểm 60 và 15 của Riverside, thì tôi sẽ khuyên họ không nên trồng một số loại cây mà tôi biết chúng dễ chết trong Mùa Đông,” ông nói.
“Cũng ngay giao điểm của ‘freeway’ 15 và 60 là nơi khởi điểm của gió nồm Santa Ana, khi cơn gió nổi lên thì kinh hoàng lắm, gió thổi qua một cái là cây bay hết lá, vài tuần sau thì mới có đám lá mới mọc lại. Chu kỳ luân chuyển của cây nơi đó hoàn toàn thay đổi, nó không thể nào ra trái đúng được. Do đó, nếu ai ở vùng đó, thì tôi sẽ đề nghị đừng nên trồng cây ăn trái, hoặc trồng một loại cây chịu mạnh và phải có đất rộng để làm hàng rào cản gió trước khi trồng cây ăn trái,” chủ vườn Mimosa giải thích một cách cụ thể.
Cũng bằng kinh nghiệm của người gắn bó với cây trái, ông còn có thể phân tích cho khách hiểu vì sao hơn 10 năm trở lại đây, người Việt vùng Orange County, Little Saigon đã có thể trồng được nhiều loại cây ăn trái thuộc loại “đỏng đảnh” như sa bô chê, mận, thậm chí cả mít.
“Nếu lấy mốc là thời điểm 2000, thì năm 2000 trở về trước, những cây như sabôchê khách mua về trồng khó lòng đậu trái vì thời gian nóng quá ngắn, thời gian lạnh kéo dài nên không đủ cơ hội đậu trái khiến người ta phải chặt bỏ cây rất nhiều. Nhưng từ năm 2000 trở lại đây, những cây như sabôchê, mận Mỹ Tho, ngay cả mít người ta cũng có thể trồng ở Garden Grove. Ngược lại những dạng cây ăn trái ôn đới như đào, mận Mỹ, táo tàu, hồng giòn, xuân đào (nectarine), đặc biệt là cherry trồng ở Nam Cali lại thất bại từ từ, vì khí hậu nơi đây đang từ từ nóng lên, thế nên những loại cây này bị đẩy ngược lên miền Bắc.”
Xoài được bán tại vườn nương Mimosa (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Nét độc đáo Mimosa Nursery: lạ, hiếm, quý, nhưng rẻ
“Tôi nghĩ điều độc đáo của vườn chúng tôi có là nhiều mặt hàng lạ, hiếm, quý và giữ được giá thấp. Bên cạnh đó là sự uy tín và thành thật của chúng tôi làm cho nhiều người khách quý mến,” ông nói trong sự hãnh diện.
Ông chủ vườn cũng kể thêm về “tật trả giá” của người Việt, điều sẽ làm họ cảm thấy không vui khi phải mua một chậu cây đúng giá niêm yết.
Ông giải thích, “Chúng tôi đã cố gắng làm giá thấp để cung cấp cho cộng đồng nhưng họ vẫn thích trả giá. Vì vậy, có thể họ không thích chúng tôi vì chúng tôi giữ giá không bớt, nhưng họ vẫn phải phục chúng tôi vì chúng tôi buôn bán rất đàng hoàng, cây nào chúng tôi nói cây đó.”
Và, niềm vui của người đàn ông trông dày dạn sương gió này chính là những cái bắt tay, những sự “nhận diện” mà người yêu cây từ khắp nơi dành cho ông mỗi khi họ bắt gặp ông ở đâu đó trong những chuyến đi xa.
Cuộc chuyện trò với ông chủ vườn ương Mimosa dưới những tàng cây nhẹ lay trong gió, có tiếng chim ríu rít phụ họa, lại bị cắt ngang bởi có quá nhiều cuộc điện thoại gọi đến cho những đơn đặt hàng, cho những câu hỏi về cây và bởi nhiều khách vẫn đang đứng kiên nhẫn chờ ông.