“Chúng tôi cùng một số người trong ban tổ chức nghĩ đến sự đau thương của đất nước, và muốn làm điều gì đó để đánh động mọi người cùng lên tiếng cho dân tộc của chúng ta.
CLB Tình Nghệ Sĩ trong nghi thức khai mạc. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
WESTMINSTER, California (NV) – Ðêm nhạc “Hát Trên Vùng Biển Chết,” gồm những ca khúc nói về nỗi đau thương và lầm than của người dân Việt Nam trước vấn nạn Formosa và những bài hùng ca kêu gọi tinh thần đấu tranh cho dân chủ, tự do và nhân quyền, diễn ra vào tối Thứ Bảy, 12 Tháng Tám, tại hội trường Việt Báo, Westminster.
Chương trình do nhà văn Trần Phong Vũ, cô Bùi Anh Thư, Nhóm Thân Hữu Nguyễn Chí Thiện, Hội Giáo Chức Việt Nam-Nam California, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, Nguyệt San Diễn Ðàn Giáo Dân, và CLB Tình Nghệ Sĩ đồng tổ chức với sự góp mặt của ca sĩ đến từ Paris, Thu Sương, hai nhạc sĩ Ðình Ðại và Ðặng Bình phối hợp trình diễn cùng ca nhạc sĩ Hạnh Cư, ca sĩ Tuyết Hạnh và Ban Hợp Ca CLB Tình Nghệ Sĩ.
Theo ban tổ chức, đêm văn nghệ này cũng không ngoài mục đích để đẩy mạnh những phong trào đấu tranh từ trong nước cũng như ở hải ngoại. Bởi vì trong năm vừa qua, biến cố Formosa xảy ra đã gây ảnh hưởng đến đời sống của dân sống bằng nghề biển ở trong nước, và một số người dân sống bằng những nghề khác phải chịu ảnh hưởng với hậu quả này, và vẫn còn lan truyền đến bây giờ. Nhưng nhà nước Việt Nam có vẻ như là không muốn giải quyết vấn đề này.
Nhiều đồng hương đến tham dự đêm nhạc “Hát Trên Vùng Biển Chết.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
“Chúng tôi cùng một số người trong ban tổ chức nghĩ đến sự đau thương của đất nước, và muốn làm điều gì đó để đánh động mọi người cùng lên tiếng cho dân tộc của chúng ta. Trong chương trình ca nhạc đêm nay, với hình thức hát để chia sẻ với đồng bào trong nước, đồng thời cũng nói lên tấm lòng của người Việt ở hải ngoại lúc nào cũng nghĩ đến sự đau khổ của đồng bào còn đang sống tại Việt Nam,” MC Bùi Anh Thư cho nói.
Theo nhà văn Trần Phong Vũ, cô Thu Sương là một trong những tiếng hát trong nhóm ca nhạc sĩ từ bên Pháp sang đây, cô đã từng sinh hoạt rất đều đặn với những người cùng chung chí hướng với nhau trên mạng ở khắp nơi trên thế giới.
Ðã từng gặp cô tại California, ông Vũ nói: “Tôi cũng chứng kiến cô trong những buổi ca nhạc như đêm nay, và đều hoàn toàn miễn phí cho người đến xem. Ðây là một trong những khuôn mặt mà chúng tôi đã tin tưởng rằng: Trong tuổi xế chiều của chúng tôi, sau khi mình có qua đi thì vẫn còn những người nối tiếp cái công trình của chúng ta là sẽ mang lại những gì để làm thay đổi cho đất nước đang trong hoàn cảnh đau thương hiện nay.”
Thu Sương cũng có lời chia sẻ: “Trong đêm ca nhạc này, Thu Sương muốn gởi gắm đến tất cả quý vị những dòng nhạc được sáng tác trong giai đoạn biển chết do Formosa gây nên. Tôi bước vào công việc ngày hôm nay là bởi vì tôi không bao giờ vô cảm trước những nỗi đau của đồng bào trong nước. Vì thế, tôi đã cùng với các anh em nghệ sĩ đến đây để chuyển tải một thông điệp yêu thương cho những đồng bào hải ngoại ưu tư thêm về vấn nạn Formosa mà đồng bào trong nước của chúng ta đang gánh chịu.”
Nhà văn Trần Phong Vũ, trưởng ban tổ chức phát biểu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Cảm động nhất là trong phần thắp nến cầu nguyện. Trong giây phút mặc niệm, Cô Lanney, thành viên trong ban tổ chức nói: “Biển chết, chúng ta chết, chúng ta hãy cứu biển… Những lời thầm thì này bắt đầu lan nhanh từ Bắc chí Nam Việt Nam kể từ ngày 6 Tháng Tư, 2016 khi nước đỏ thải từ nhà máy Formosa chảy ra biển mang theo hiện tượng cá chết hàng loạt tại Vũng Áng, Hà Tỉnh, rồi nhanh chóng đến những vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.”
Cô nói thêm: “Lòng người cả nước rúng động, tất cả đổ ập một cách bất ngờ như cơn Ðại Hồng Thủy. Người ngư dân lau nước mắt khóc cho mình, hay khóc cho cá chết. Rồi họ lần lượt bỏ biển, bỏ lưới, bỏ thuyền, tha phương cầu thực khắp nơi. Người dân cả nước nhìn mâm cơm hằng ngày bằng những nghi ngại. Hậu quả tác hại đó vẫn còn kéo dài đến ngày hôm nay.”
“Những cuộc xuống đường rầm rộ trên cả nước do những tổ chức tôn giáo hay tổ chức của xã hội dân sự từ hơn một năm qua cũng không lay động lương tâm của nhà cầm quyền. Vì mối lợi vật chất của phe nhóm, họ bất chấp sự hủy hoại từ môi trường đến con người.”
Nhìn xuống khán giả cô đặt câu hỏi và tự trả lời: “Trước thảm trạng này, người Việt ở hải ngoại, chúng ta phải làm gì? Ðể trả lời cho câu hỏi khó khăn này, có thể mọi người trong hội trường này xin hướng về tâm linh, bằng lời cầu nguyện riêng theo tôn giáo của mình, xem như một hình thức đấu tranh bất bạo động, mà các linh mục với hàng chục ngàn người dân tại Hà Tĩnh đã chọn và đã làm.”
Nhạc cảnh “Vì Sao?” của nhạc sĩ Cao Minh Hưng, do CLB Tình Nghệ Sĩ trình diễn. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
“Xin tất cả một phút yên lặng cho lời cầu nguyện riêng của mỗi người đến với quê hương, cho tất cả nạn nhân của thảm trạng Formosa, và cho những người vì tranh đấu cho quyền lợi của người dân mà phải mang thân vào chốn lao tù bằng những bản án bất công. Xin cho một ngày công lý được trở lại với quê hương,” cô nói lời dứt cho phần thắp nến cầu nguyện.
Một khán giả, cô Phan Ngọc Lan, cư dân Fountain Valley, tâm sự: “Ðêm văn nghệ này gây cho tôi nhiều xúc động và tôi đã khóc nhiều lần khi mình nghe những bài hát đấu tranh cho nhân quyền của Việt Nam, nhất là nói về những nạn nhân do nhà máy Formosa gây nên. Tôi có lời nhắn là chân thành cám ơn những anh chị em nghệ sĩ đã từ phương xa đến đây để hợp tác cùng với ban tổ chức ở Little Saigon đã cho đồng bào hải ngoại cũng như trong nước được lắng nghe tâm tư của những người con xa xứ nói lên những nỗi đau của mình khi nhìn thấy dân tộc Việt Nam đang bị áp bức bởi cộng sản.”
Theo ông Nguyễn Bá Tùng, trưởng ban điều hợp Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (MLNQVN): “Sở dĩ chúng tôi có mặt đêm nay là bởi vì vấn đề biển chết, là vấn đề nhân quyền mà những người trẻ này đã bỏ hết tâm sức cũng như tiền bạc của mình để dấn thân cho nhân quyền Việt Nam. Vì thế, tôi rất tin tưởng sự đấu tranh của họ, và đó cũng là lý do mà MLNQVN là một thành viên trong ban tổ chức của đêm ca nhạc này.”
Một chương trình văn nghệ rất đặc biệt với những bài đơn ca, hợp ca và nhạc cảnh, gồm những bài hát do những người trong nước sáng tác và những bài nhạc đấu tranh của một số nhạc sĩ hải ngoại như Anh Bằng, Việt Dzũng, Cao Minh Hưng, Trần Chi Phúc, Nguyên Dung,… đã gây nhiều xúc động cho khán giả.