Ông Ngô thanh Hải là một người Việt tỵ nạn CS đầu tiên được cử nhiệm làm Thượng Nghị Sĩ [TNS] nước Canada.
Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải trả lời RFA tại Paris
Đó là một niềm vui dân Việt trước thành công của người Việt hải ngoại đi vào dòng chánh chánh trị của quốc gia định cư. Nhưng có một điều quan trọng hơn, đáng suy nghĩ hơn. Đó là nguyện vọng thiết tha của TNS Ngô thanh Hải đã nhiều lần bày tỏ trên truyền thông đại chúng Mỹ, Pháp, Việt và trong các cuộc tiếp xúc với đồng bào Việt hải ngoại. TNS Hải kỳ vọng thế hệ trẻ của Việt Nam Hải Ngoại tiếp tục kề vai gánh vác công cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN sau khi thế hệ thứ nhứt đã cố gắng làm tất cả những gì có thể làm được và không từ bỏ cơ hội nào để đấu tranh.
Trên truyền hình VHN-TV DierecTV phát khắp nước Mỹ và Úc châu, ngày 12-3-2013, TNS Hải tin rằng lớp trẻ Việt hải ngoại với hậu thuẫn của lớp người đi trước không khó đi vào dòng chính của chánh quyền sở tại để tác động tiến trình dân chủ, nhân quyền VN. Thế hệ thứ nhứt, những người cha, người mẹ, tỵ nạn CS đến định cư ở các nước tự do, dân chủ, chẳng những đã vất vả lao động để cho con cháu ăn học nên người, mà còn tiếp tục cuộc chiến đấu trong một cuộc “chiến tranh khác” là cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN. Đàn hậu tấn bây giờ đã trưởng thành, hoà nhập sâu sắc vào dòng chánh văn hoá, chánh trị, xã hội của nước sở tại, nếu muốn có thể dễ dàng đi vào chánh quyền để tác động, vận động cho tiến trình tự do, dân chủ, nhân quyền cho đồng bào VN trong nước.
Lớp trẻ chỉ tự hỏi và trả lời, tôi là ai, từ đâu đến, tại sao đến để có cơ hội tiến thân vạn lần hơn những bạn bè đồng trang lứa đang sống trong nước VN– thì sẽ thấy ra căn cước tỵ nạn chánh trị của mình và gia đình, hiểu rõ nghĩa vụ của mình đối với chánh nghĩa đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN.
Nhứt là đã có “bổi” là cộng đồng người Việt hải ngoại- là cộng đồng tỵ nạn chánh trị chớ hoàn toàn không phải tỵ nạn kinh tế - như người Việt ở Mỹ, Canada, Pháp, Úc, có nhiều cử tri. Con đường dân cử, tiến cử, vận động là con đường ngắn để đạt mục tiêu chánh trị. Chánh trị là phạm trù tổng hợp chi phối mọi lãnh vực cuộc sống, trong đó có chánh nghĩa đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền cho nước nhà VN.
Như TNS Ngô thanh Hải, nếu không có cộng đồng người Việt ở Canada khoảng 300,000 người, không có đoàn thể Liên Minh Dân Chủ VN, không có lòng kiên trì hoạt động phục vụ cho công cuộc đấu tranh, thì chánh quyền Canada, tiêu biểu là Thủ Tướng Chánh Phủ Canada cũng chỉ có thể biết Ông là một công chức, một thẫm phán di trú thôi.
Nhưng nhờ “bổi” cộng đồng và đoàn thể đã làm Ông trở thành nổi bật. Tin từ Canada cho biết. Hỏi làm sao Thủ Tướng Canada không chú ý đến một cộng đồng Việt trong nước Canada có 300.000 người nhưng ngày Tết đến với nhau cả chục ngàn, Thủ Tướng Canada đến nói chuyện, phía sau là quốc kỳ VN nền vàng ba sọc đỏ biểu tượng tự do, dân chủ của người Việt Quốc gia phất phới tung bay.
Hỏi làm sao Thủ Tướng Canada không chú ý đến một thẩm phán di trú của chánh quyền Canada, vốn xuất thân từ Đại Học Sorbonne nổi danh của Pháp, về nước vào Quân Đội làm nghĩa vụ người trai thời loạn, đi Thủ Đức khóa 4/71 An Lộc, rồi làm công chức Tùy Viên Báo chí Tòa Đại sứ VNCH ở Thái Lan. Saigon sụp đổ, bạn đồng liêu Canada giúp đưa thẳng về Canada. Học lại ngành Sư Phạm tại Đại Học Ottawa, tốt nghiệp cử nhân và cao học ngành Giáo Dục và vừa kiếm sống vừa hoạt động cho chánh nghĩa tự do dân chủ VN.
Về sinh hoạt cộng đồng Ông là người “đồng sáng lập Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do – Chi Bộ Canada, Chủ Tịch Trung Tâm Cộng Đồng Người Việt tại Ottawa. Phó Chủ Tịch Trung Tâm Giới Thiệu Việc Làm Cho Di Dân Mới Nhập Cư (Canadian Assessment and Placement Centre, Employment Centre for New Immigrants).
Khi được cử nhiệm, Ô Ngô thanh Hải là Chủ Tịch Ban Chấp Hành Trung Ương của tổ chức Liên Minh Dân Chủ VN, một tổ chức đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN, của người Việt hải ngoại, kết họp nhiều đại diện đoàn thể, chánh đảng, tôn giáo trong đó có Giáo sư Nguyễn ngọc Huy lúc bấy giờ bôn ba khắp Tây Âu, Bắc Mỹ và Úc châu để hoạt động.
“Năm 1996, TNS Ngô Thanh Hải cùng Cộng Đồng Người Việt Edmonton đã lên án sự vi phạm nhân quyền của Chính Quyền Cộng Sản Việt Nam nhân dịp Phái Đoàn Thương Mại Việt Nam tham dự Klondike Trade Show tại Edmonton. Nhân cơ hội này, đã có 11 doanh nhân Việt Nam trốn thoát sự kiểm soát của công an và được Canada cho tỵ nạn chính trị.
“Trong một thông cáo báo chí ngày 6 Tháng 11 năm 2012 ông đã lên tiếng về bản án nặng nề của CSVN tuyên án đối với hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình.
“Ngày 27 tháng 11 - TNS Ngô Thanh Hải đã ra thông báo báo chí kêu gọi người Việt và Canada tham gia ký tên thỉnh nguyện thư Triệu Con Tim Một Tiếng Nói.
“Ngày 14/01/1013 ra thông báo báo chí phản đối bản án nặng nề của chính quyền CSVN đối với thành viên của giáo hội công giáo thành phố Nghệ An.
“Ngày 19/01/2013 tháp tùng Thủ Tướng Stephen Harper tham dự Hội chợ Tế Quý Tỵ tại thành phố Toronto với khoảng 10,000 đồng bào tham dự.
“Ngày 05/02/2013 TNS N. T.Hải đã ra một thông cáo báo chí phản đối CSVN bản án quá nặng nề từ 10 đến 17 năm dành cho 24 thành viên nhóm tu hành tại Phú Yên qua tội danh âm mưu lật đổ chính quyền hết sức giả tạo và đầy tính cách vu khống.
“Ngoài ra TNS N.T. Hải cũng đã thăm viếng và trao tặng Diamond Jubilee Award của Nữ hoàng Anh nhân dịp kỷ niệm 60 năm đăng quang cho các thiện nguyện viên người Canada gốc Việt Nam có nhiều đóng góp cho đất nước Canada và phát triển cộng đồng Người Việt tại hầu hết các thành phố lớn khắp Canada.
Cũng như trên đài VHN-TV ở Mỹ nói ở trên, “đặc biệt trong cuộc phỏng vấn gần đây nhất của đài VOA, TNS Ngô Thanh Hải đã tha thiết kêu gọi sự dấn thân của tuổi trẻ, thế hệ thứ hai của người Việt hải ngoại hảy tích cực tham gia vào những sinh hoạt chính trị tại địa phươngcủa quốc gia mình đang sinh sống và mạnh dạn nhận lấy trách nhiệm, tiếp tục ông cha trong công cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền cho VN.”
Được biết Canada nằm trong Liên Hiệp Anh. Thượng Viện hình thức như Nguyên Lão Thượng Viện ở Anh. Thượng nghị sĩ do Thủ Tướng tiến cử, nội các chấp nhận, đại diện Nữ Hoàng chuẩn nhận, trở thành Thượng Nghị sĩ của cơ quan lập pháp Canada gồm hai viện như Thượng và Hạ Viên của Mỹ. Thủ tướng có thể thay đổi, Thượng nghị sĩ sau khi được cử nhiệm, chuẩn nhận thì giữ chức vụ này đến 75 tuổi. Thượng Viện hoạt động hoàn toàn độc lập với Hành Pháp do Thủ Tướng chánh phủ lãnh đạo, theo nguyên tắc tam quyền phân lập của thể chế tự do, dân chủ.
Người Việt Nam trong cũng như ngoài nước có thể tin rằng chánh nghĩa tự do, dân chủ, nhân quyền VN sẽ có tiếng nói trong cơ quan lập pháp của Canada ít nhứt cả chục năm nữa, đến khi TNS Hải 75 tuổi./. ( Vi Anh)