Cảm xúc đến một đất nước xa, văn hoá lạ mà được ăn món Việt ở cửa hàng Việt, do người Việt tự tay làm là thứ cảm xúc hạnh phúc.
Các nguyên liệu bánh mì thịt, vị ngon không khác các xe bán bánh mì trên đường phố Sài Gòn. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
ÚC CHÂU (NV) – Bule Mountain, khu di sản văn hoá thế giới, là một điểm du lịch nổi tiếng của Australia, cách thành phố Sydney 80km. Lúc này đang vào tiết đầu Xuân nên vẫn còn lạnh. Người bạn lái xe khoảng hơn một giờ và lúc đến phố Katoomba cạnh khu du lịch, trời đã gần trưa. Bước ra khỏi cửa xe chúng tôi co ro vì lạnh và đói. Đâu ai ngờ đầu mùa Xuân mà tiết trời lạnh đến vậy.
Rời đường Three Siters đến phố chính của thị trấn Katoomba, với những người đến từ trong nước, mùa Xuân Úc Châu dù lạnh nhưng thật đẹp. Đi trên phố du lịch không trúng ngày cuối tuần và mùa du lịch nên thấy nhẹ người hơn, vì nhìn quanh chỉ thấy mình là người Á Châu duy nhất.
Do bị lạnh và đói nên chúng tôi định tìm một quán nào đó để trú, vào cửa hàng bán đồ lưu niệm Tây Tạng, chúng tôi mua thêm mấy cái áo lạnh. Lúc bước ra, đột nhiên chúng tôi nhìn thấy bên đường có một hiệu bán bánh mì Việt Nam. Mừng hết lớn!
Người ở trong nước đều biết, sau biến cố 1975, bà con Việt kiều đã đưa món phở và bánh mì thịt chinh phục khẩu vị các dân tộc nơi họ sinh sống và trở thành biểu tượng Việt hàng đầu. Không có gì quá đáng khi cho rằng chính hai món ăn phở và bánh mì cứng dồn thịt đã thay đổi cách nhìn nhận Việt Nam không chỉ là địa danh của một cuộc chiến.
Cửa hiệu bánh mì thịt Việt Nam, do chính người Việt bán ở Katoomba. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Bước vào hiệu bánh mì, hai người phụ nữ Việt bán hàng tưởng chúng tôi là du khách Tàu vào trú lạnh. Hai người, có lẽ là hai người Việt duy nhất đứng sau quầy hàng trên con phố Tây Katoomba sang trọng. Chúng tôi chào hỏi bằng tiếng Việt và họ cười rất tươi khi chào lại. Hỏi mua bánh mì Việt, người bán hàng nói giọng Bắc di cư, hỏi: “Các anh ăn gì để chúng em làm?” Tất nhiên chúng tôi chọn bánh mì thịt Việt Nam chớ đâu muốn ăn các kiểu sandwich Tây.
Rất nhanh, người phụ nữ thứ hai nói giọng Sài Gòn bước lại quầy bánh mì Việt, bà hỏi: “Các anh lấy đủ thứ nghe, có cho ớt xắt, hành lá không?” Người bạn đi cùng tôi nói: “Càng nhiều càng tốt nghen chị, thiệt cay, thiệt thơm mới đã miệng như ở bên nhà, hôm nay mấy độ mà lạnh quá!”
Cảm xúc đến một đất nước xa, văn hoá lạ mà được ăn món Việt ở cửa hàng Việt, do người Việt tự tay làm là thứ cảm xúc hạnh phúc. Dù cho rằng cộng đồng người Việt hải ngoại quảng bá món ngon Việt cũng là một trong nhiều phương cách kiếm sống nơi xứ lạ, không ai cần tôn vinh là “đại sứ ẩm thực Việt Nam,” nhưng rõ ràng, không có cộng đồng người Việt khắp thế giới thì món phở, bánh mì, gỏi cuốn… chỉ quanh quẩn ở hàng quán, mâm ăn sau lũy tre làng.
Thật ra cửa hàng bánh mì Việt ở khu di sản văn hoá thế giới của nước Úc này bày trí rất sơ sài, không có dấu ấn trang trí cho ra một phong cách Việt nào hết, và đó là nhược điểm nếu so với của hàng của người Nhật, Hàn Thái, Lào… Từ khi người Pháp du nhập bánh mì vào Việt Nam, bánh mì thịt kiểu Sài Gòn trở thành một thương hiệu danh tiếng dù nó có mang tên là Hà Nội hay các tỉnh thành khác. Có người nhận định không hề quá đáng rằng: Nếu chế độ Hà Nội có xoá được hết các công trình kiến trúc, văn hoá… mà họ gọi là tàn dư thực dân-đế quốc đi nữa, thì chắc chắn họ không thể xoá được món bánh mì không, bánh mì thịt trong khẩu vị người Việt hôm nay và ngày mai.
Phố Katoomba, vùng núi du lịch nổi tiếng Bule Mountain, Sydney. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Cầm hai ổ bánh mì bự tổ chảng gói trong hai lớp giấy, mắt chúng tôi tin rằng bánh sẽ rất ngon. Loại bánh mì cứng kiểu Pháp, phổ biến hơn trăm năm nay ở Việt Nam vốn là món ăn từ xứ lạnh. Với người Sài Gòn ổ bánh thịt quen thuộc khẩu vị đến mức có khi quên mất xuất xứ của món ngon này. Tấp vô một xe bánh mì lề đường, ăn một ổ bánh mì thịt, làm một ly trà đá ở giữa cái nóng bức bối của Sài Gòn, hương vị món ngon này đã thuộc hoàn toàn về văn hoá xứ nhiệt đới. Thành ra khi chúng tôi ăn ổ bánh mì thịt ở vùng núi lạnh Úc Châu, nói thật, mùi vị pa tê, thịt nguội, chả lụa, đồ chua… dù không đậm đà do khác không gian, xa quê nhà, nhưng mùi vị ngon phải nói là một cách khám phá khẩu vị gốc bánh mì thịt.
Nhưng có khi phải nói kiểu ích kỷ, mong sao bà con mình ở hải ngoại đừng chế biến bánh mì thịt đến mức biến chất món ngon Sài Gòn để hạp khẩu vị người Tây. Khẩu vị Việt cho món bánh mì thịt đã chuẩn mực vì đã qua cả trăm năm ngon và lành với bao thế hệ; đừng vì chìu khách Tây mà biến ổ bánh mì thịt danh tiếng này thành bánh mì hamburger.
Chúng tôi vì đói và lạnh, cần tìm chỗ ăn nên không tiện trò chuyện lâu với hai người phụ nữ đồng hương. Sau này khi no bụng chúng tôi thấy thật thất lễ. Nhưng phải nói là hai ổ bánh mì thịt kiểu Sài Gòn được ăn giữa phố Tây nhà giàu, điểm du lịch nổi tiếng của cả Australia là rất đặc biệt. Ở Sài Gòn, món ăn được nhiều hơn hay ngon hơn được gọi là món đặc biệt, ở đây, sự ngon miệng hơn còn có mùi vị tự hào vì được chia sẻ với danh tiếng toàn cầu của món bánh mì thịt Việt Nam.